How a Norbertine nun’s visions led to the feast of Corpus Christi
Jun
20, 2025 Faith
Chúa Nhật vừa qua, giáo xứ chúng ta đã long trọng
mừng kính lễ Mình Thánh Chúa Kito với một Thánh Lễ
long trọng và cuộc rước kiệu đông đảo hoành tráng. Bài sau đây cho thấy lai
lịch của ngày lễ này trong lịch sử giáo
hội ra sao. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong báo điện tử NW Catholic của Tổng Giáo Phận
Seattle.
Vào đầu của
thế kỷ 13, các tín hữu thường
kiêng rước lễ. Không phải vì họ không sùng mộ Thánh Thể, nhưng vì họ tin rằng
họ không xứng đáng chịu Mình Thánh Chúa Kito – một niềm tin mà
nhiều giáo sĩ không khuyến kích nên bỏ.
Bắt đầu một khoảng cách được tạo ra giữa hàng giáo sĩ và giáo dân trong
nhiều nhà thờ bằng cách dùng hàng rào gỗ (thấp) hay những tấm màn che đặt giữa
cộng đoàn và bàn thờ. Người ta không rước lễ, những muốn thờ lạy Thánh Thể bằng
cách chiêm ngắm bánh thánh được dâng lên khi truyền phép.
Đôi khi người ta đi từ
nhà thờ này đến nhà thờ khác, tới nơi đúng lúc mình thánh được giương cao. Một
vài linh mục được tặng tiền để dâng cao bánh thánh lâu hơn. Kiểu “chiêm ngắm
thờ lạy” này là một cách thay thế cho rước Mình Thánh Chúa vào lòng.
Tình trạng thiếu chịu lễ
này đã khiến giáo hội phán dạy rằng tất cả mọi người Công Giáo phải rước lễ ít
nhất là trong Mùa Phục Sinh (Giáo Luật Công Đồng Lateran thứ bốn).
Bắt đầu từ năm 1208, Chúa
Giêsu muốn dùng một nữ tu sốt mến, thánh thiện và khiêm nhường là Thánh Juliana Cornillon, làm công cụ thúc đẩy cách chiêm ngắm thờ lạy Thánh
Thể, đồng thời đưa dân Chúa trở lại với việc rước lễ đều đặn. Juliana sẽ là
người đầu tiên được Chúa dùng để lập nên Lễ Kính Mình Thánh Chúa Kito.
Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI thường nói về Thánh Juliana, “Bà ít được biết đến, nhưng giáo hội nợ bà một món nợ lớn, không
phải chỉ vì đời sống thánh thiện của bà, nhưng còn vì với lòng nhiệt thành lớn
lao bà đã góp phần lập nên một trong những ngày lễ long trọng nhất trong năm,
đó là “Lễ Mình Thánh Chúa Kito”.
Sinh năm 1192 ở gần Thành Liege, nước Bỉ, Juliana trở thành mồ côi khi được 5 tuổi và được trao
cho Dòng Augustino ở núi Mount Cornillon, tại đây bà sống phần lớn đời bà. Bắt
đầu từ tuổi thiếu niên và nhiều năm sau đó, bà thường có một thị kiến gần như
liên tục, một mặt trăng tròn sáng ngời, với một đường đen chạy ngang qua.
Sau cùng bà có một giấc
mơ trong đó Chúa giải thích cho bà biết mặt trăng tiêu biểu cho năm (phụng vụ)
giáo hội với tất cả các lễ mừng của giáo hội, và đường thẳng màu đen cho thấy
còn thiếu một ngày đặc biệt để tôn vinh Thánh Thể. Chúa Giêsu bảo Juliana lập
nên một ngày lễ để các tín hữu tôn thờ Thánh Thể, trong ngày đó người ta xin ơn
tha thứ vì những lần họ đã xa cách Chúa Giêsu trong nhiệm tích này.
Bà không chắc bà có thể
hoàn thành nhiệm vụ mà Chúa Giêsu đã ra lệnh cho bà, và có nhiều dịp bà đã xin
Chúa trao sứ mệnh này cho một người nào khác. Juliana cầu nguyện: “Xin Chúa tha
cho con và trao sứ mệnh ngài đã trao cho con cho những học giả có kiến thức lẫy
lừng, họ sẽ biết làm thế nào để vận động cho một công cuộc to lớn thế này. Vì
làm sao con làm được? Con không xứng đáng, lạy Chúa, để nói với người ta về một
cái gì cao cả thế này. Con không hiểu nổi, con cũng không thể hoàn thành được.”
Nhưng Chúa Giêsu đã chọn xong rồi và ngài sẽ ở bên bà, hướng dẫn bà va sẽ gửi
nhiều khác đến giúp bà trên đường đi.
Juliana chờ đợi gần 20
năm, cho tới khi bà đã được chọn làm bề trên dòng tu Norbertine, thì bà mới có
thể cho người ta biết về những thị kiến của bà. Bà tiết lộ bí mật của bà với
cha giải tội Canon John Lausanne, vị này lần lượt giải thích các thị kiến với
nhiều người khác bên ngoài nhà dòng. Những người nhận tin có phản ứng khác
nhau, nhưng có một người tin lời nói của Juliana và nhìn nhận phải có một ngày
lễ tôn vinh Thánh Thể. Đó là Robert de Thorete, giám mục của Liege. Ngài ra
lệnh phải có một ngày lễ như thế trong Giáo Phận Liege bắt đầu vào khoảng năm 1246. Rủi thay, Giám Mục Thorete đã chết trước khi ngày lễ được thi hành, và lễ đó không được ghi
vào lịch phụng vụ của giáo phận.
Sáng kiến này kể như được
xếp vào trong kệ sách. Một số người cho rằng Thứ Năm Tuần Thánh đã là một ngày
Lễ Thánh Thể rồi vì ngày ấy cử hành việc Chúa Giêsu thiết lập phép Thánh Thể,
nhưng thứ năm Tuần Thánh là một phần của Tam Nhật Thánh, một thời kỳ đau buồn
hướng vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Lễ này không tôn vinh Chúa Giêsu
trong Thánh Thể.
Như ý Chúa định, vào thời
gian Juliana cho biết về những thị kiến của bà, có một cha chính của giáo phận
tên Jacques Pantaleon ở Giáo Phận Liege, một người ủng hộ một ngày lễ cống hiến cho Chúa Giêsu. Về sau vị
này trở thành Giáo Hoàng Urban IV, và vào năm 1264 ngài ra sắc chỉ ủng hộ ngày
lễ này và đồng thời bác bỏ lập luận cho rằng Thứ Năm Tuần Thánh đã nhìn nhận
Thánh Thể rồi.
Ngài ra một sắc lệnh giáo
hoàng thêm ngày lễ này vào lịch phụng vụ giáo hội toàn cầu, nhưng, cũng như
trường hợp Giám Mục Thorete, Giáo Hoàng Urban đã chết trước khi ngày lễ được thiết lập. Phải đợi đến Giáo Hoàng Clement V (1305 – 13 14) và Giáo Hoàng Gioan XXII (1316 -1334) ngày Lễ Mình Thánh Chúa Kito mới được thiết lập trong giáo hội toàn cầu.
Hầu hết mọi nơi trên thế
giới Lễ Mình Thánh Chúa Kito được cử hành vào ngày Thứ Năm sau Chúa Nhật Chúa Ba
Ngôi và là một ngày lễ buộc; ở Hoa Kỳ lễ kính trọng thể được dời tới Chúa Nhật.
Trải qua các thế kỷ, và
bắt nguồn từ Juliana chúng ta có nhiều nghi thức và giờ sùng kính trong đó
chúng ta tha thiết và công khai tôn thờ Thánh Thể - thí dụ, bằng những cuộc
rước kiệu như những cuộc rước vào ngày lễ Mình Thánh Chúa Kito, và giờ chầu
Thánh Thể, kể cả chương trình Bốn Mươi Giờ Chầu. Những nghi thức và sự kiện đặc
biệt này đưa ta tới gần Chúa Giêsu hơn.
Tất nhiên rồi, những sinh
hoạt như thế phải kết thúc bằng việc rước lấy Chúa Giêsu Thánh Thể.
Vũ
Vượng dịch