7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

HÀNG GIÁO SĨ: CHỊU TRÁCH NHIỆM TRƯỚC MẶT CHÚA HAY NHÀ NƯỚC?


Clergy: Answerable to God or state?


Archbishop Paul D. Etienne

May 4, 2025Voices

 

Bài của Đức Tổng Giám Mục Paul D. Etienne. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong báo điện tử Northwest Catholic của Tổng Giáo Phận Seattle.

 

Khi gần kết thúc khóa họp lập pháp năm nay, viện lập pháp Washington đã thông qua dự luật (SB5375) bắt buộc tất cả hàng giáo sĩ phải báo cáo về tội lạm dụng, không có miễn trừ về đặc quyền nói chuyện giữa linh mục và hối nhân trong Nhiệm Tích Hòa Giải. Như vậy có nghĩa là theo luật của bang Washington, hàng giáo sĩ Công Giáo bị đòi phải vi phạm quyền bảo mật thông tin trong Nhiệm Tích Hòa Giải, thường được gọi là phép giải tội. Vào ngày 2 tháng 5, 2025, Thống Đốc Bob Ferguson đã ký dự luật này thành luật.

 

Trong Thánh Lễ cuối tuần này, bài đọc một trích từ sách Tông Đồ Công Vụ, sau khi các tông đồ bị bắt bỏ tù vì rao giảng tên Chúa Giêsu Kito, đã trả lời cho thượng hội đồng: “Chúng tôi phải vâng lời Chúa hơn là người trần”  (TDCV 5:29). Đây là lập trường của chúng ta bây giờ khi phải đối diện với luật mới này. Hàng giáo sĩ Công Giáo không được phép vi phạm quyền bảo mật tòa giải tội, nếu không họ sẽ bị vạ tuyệt thông, loại ra khỏi giáo hội. Tất cả người Công Giáo phải chắc chắn rằng lời thú tội của họ luôn là điều thánh, được an toàn, bảo mật và được bảo vệ bởi luật hội thánh.

 

Giáo Hội Công Giáo đồng ý với mục tiêu bảo vệ trẻ em và ngăn ngừa lạm dụng trẻ nhỏ. Tổng Giáo Phận Seattle vẫn luôn quyết tâm báo cáo nạn lạm dụng tình dục trẻ nhỏ, làm việc với những nạn nhân còn sống, nhằm chữa lành và bảo vệ tất cả những người vị thành niên và những người dễ bị hại. Chính sách của chúng ta đòi hỏi các linh mục phải là những người báo cáo bắt buộc, nhưng trừ khi thông tin này biết được qua phép giải tội.

 

Giáo Hội ở Hoa Kỳ vẫn luôn quyết tâm ngăn ngừa nạn lạm dụng tình dục từ nhiều thập niên qua, báo cáo những vụ lạm dụng cho cơ quan công lực và hợp tác với nhà chức trách dân sự. Tại Tổng Giáo Phận Seattle, những nỗ lực này bắt đầu năm 1986.

 

Mặc dù chúng ta vẫn quyết tâm bảo vệ trẻ nhỏ và tất cả những người dễ bị hại trước nạn lạm dụng, nhưng các linh mục không được phép tuân theo luật này đối với thông tin biết được trong nhiệm tích hòa giải.

 

Lịch sử ba năm của dự luật này

Người ta đã thử đưa ra nhiều phiên bản khác nhau của dự luật này để bảo vệ phần nào quyền đối thoại đặc biệt (trong phép giải tội) nhưng những cách dung hòa liên quan đến việc hành đạo đã khiến cho dự luật này không được thông qua trong những khóa họp lập pháp đó. Những buổi nói chuyện giữa nhân viên của Hội Đồng Công Giáo Bang Washington và những nhà lập pháp và những nỗ lực hợp tác để đưa ra  một giải pháp thân thiện cuối cùng đã thất bại trong khóa họp này, kết quả là phiên bản cực đoan nhất của dự luật này đã được thông qua và được ông thống đốc ký tên.

 

Một việc làm lúc đầu là một nỗ lực có ý hướng tốt đẹp, nhưng đã kết thúc với một phiên bản gây rắc rối và không cần thiết được ký thành luật.

 

Ngay khi dự luật được chấp thuận và được gửi cho ông thống đốc ký, các giám mục Bang Washington đã yêu cầu có một buổi họp để thảo luận về những lo lắng của chúng tôi với ông thống đốc, nhưng rủi thay, ông này không đáp lời yêu cầu của chúng tôi.

 

Những quyền theo tu chính Hiếp Pháp

Tu Chính Hiến Pháp Thứ Nhất của Hoa Kỳ nói, “Quốc Hội sẽ không được làm một luật nào có liên quan đến việc lập ra một tôn giáo hay cấm đoán việc tự do hành đạo của tôn giáo.

Với  luật (mới) này Bang  Washington đang xen vào truyền thống Công Giáo, nói cho đúng hơn, là xen vào Nghi Thức Nhiệm Tích Hòa Giải, một nghi thức được định nghĩa rõ ràng. Giờ đây bang này đang đòi hỏi các linh mục phải vi phạm một yếu tố thiết yếu của nghi thức này. Đó là những lời trao đổi được bảo mật giữa linh mục và hối nhân trong đó việc xá tội được trao ban.

 

Luật này cũng cố qua mặt quy định của Bộ Giáo Luật:

Giáo Luật 983: Sự bí mật của nhiệm tích (hòa giải) là bất khả  xâm phạm, do đó,  một cha giải tội sẽ phạm trọng tội, nếu tiết lộ về một hối nhân bằng lời nói hay bất cứ cách nào khác hay vì bất cứ lý do gì.

Giáo Luật 1386: Cha giải tội nào trực tiếp vi phạm bí mật tòa giải tội sẽ tự động bị vạ tuyệt thông, chỉ có tòa thánh mới tha được .

 

Khi mà nhà nước đã dành quyền quyết đoán đối với những sinh hoạt tôn giáo và cưỡng bức lấy thông tin qua nhiệm tích này – thông tin đặc quyền – thì làm sao ta có thể vạch ra đường ranh giữa giáo hội và nhà nước? Giờ đây còn gì khác nữa nhà nước đòi quyền được biết? Còn những  cách hành đạo nào khác chính phủ sẽ cố làm luật để chi phối?

 

Tại sao người ta tách riêng để chỉ nhắm vào thứ thông tin đặc quyền này giữa linh mục và hối nhần? Tại sao không nhắm vào thông tin (được bảo mật ) giữa luật sư/thân chủ? Giữa bác sĩ/ bệnh nhân? Giữa vợ chồng?

 

Luật mới này tách riêng tôn giáo rõ ràng vừa là sự can thiệp quá xa của chính phủ vừa là áp dụng tiêu chuẩn bất nhất và bất công. Đường ranh giữa Giáo Hội và nhà nước đã bị vượt qua và cần phải lùi lại. Nhân đân thuộc mọi tôn giáo trong và ngoài Bang Washington cần phải cảnh giác trước sự lạm quyền của Viện Lập Pháp và Ngài Thống Đốc của chúng ta.

 

Vũ Vượng dịch