7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICO ĐƯỢC TÔN VINH BỞI CÂU LẠC BỘ BÓNG ĐÁ SAN LORENZO ƯA THÍCH CỦA NGÀI

San Lorenzo players paying tribute to Pope Francis in Buenos Aires (X)


Pope Francis honored by his favorite soccer club San Lorenzo


ByInes San Martin, OSV News

Apr 23, 2025Culture


Trong những ngày tang lễ của đức cố Giáo Hoàng Phanxico, chúng ta đã được nghe hay đọc nhiều bài nói về những công đức sáng ngời của ngài. Hôm nay mọi việc đã tạm xong, HN xin giới thiệu một bài khác nói về niềm say mê của ngài khi còn trẻ. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong báo điện tử NW Catholic của TGP Seattle.

 

ROME — Trước khi trở thành Giáo Hoàng Phanxico, vị giáo hoàng đầu tiên từ các nước Châu Mỹ, Jorge Mario Bergoglio đã từng là một cậu bé xuất thân từ Buenos Aires, một người hâm mộ của câu lạc bộ bóng đá San Lorenzo,  ngài thường đi xem những trận đấu trực tiếp cùng với bố vào các ngày Ca Nhật.

 

Trong một nước mà bóng đá trên thực tế đã trở thành một tôn giáo thứ hai. Cậu bé Jorge lần đầu tiên đã nếm được niềm vui của sinh hoạt đồng đội và nỗi xót xa không phải ở trong phòng thánh – nhưng trên lằn ranh trắng (của sân chơi).

 

Lòng sùng mộ của cậu đối với câu lạc bộ San Lorenzo  de Almagro không phải chỉ là nhớ tiếc một hoài niệm xa xưa - nhưng nó là một cửa sổ để nhìn vào linh hồn của một vị giáo hoàng biết rõ thế nào là yêu một cách mãnh liệt, hy vọng một cách sâu xa và luôn luôn trung thành - dù thắng hay thua.

 

Khi Đức Giáo Hoàng Phanxico qua đời, câu lạc bộ San Lorenzo đã đưa ra một lời tuyên bố thắm thiết phản ánh sự gắn bó suốt đời của ngài với câu lạc bộ thể thào này: “Lòng nhiệt thành của ngài đối với Lorenzo lúc nào cũng làm chúng tôi cảm kích sâu xa, đoàn kết chúng tôi mãi mãi trong lời cầu nguyện cho linh hồn ngài.”

 

Với cái tên thân thương “El Ciclon”(cơn lốc xoáy) đội banh này giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử bóng đá của Argentina, như là một trong năm đội banh giỏi nhất. Được lập ra năm 1908 bởi Cha Lorenzo Massa, nguồn gốc của câu lạc bộ có những liên hện sâu xa với Giáo Hội Công Giáo. Những người hâm mộ câu lạc bộ được gọi là những con quạ đen, vì cái áo dài màu đen mà Cha Massa thường mặc.

 

Cậu Bergoglio thừa hưởng  lòng say mê câu lạc bộ San Lorenzo từ ông bố là Mario José, người chơi bóng rổ cho câu lạc bộ này. Ngay cả khi làm tổng giám mục của Buenos Aires, vị giáo hoàng tương lai đã có những liên hệ chặt chẽ với câu lạc bộ này, ngài thường làm lễ tại Nhà Nguyện Thể Thao Thành Phố, ban phép thêm sức cho những cầu thủ như Angel Correa, và còn chi $100 để mua một thanh gỗ từ những hàng ghế khán giả đã cũ  của vận động trường nguyên thủy.

 

Năm 2024 mặc dù ngài đã từ chối tất cả những giải thưởng và danh hiệu, ngoại trừ vài trường hợp, theo tuyên bố của câu lạc bộ, ngài chỉ nhận một vinh  dự là để cho vận động trường tương lai của San Lorenzo được đặt tên là Cha Francisco.

 

Oscar Lucchini, người trông coi nhà nguyện của câu lạc bộ Lorenzo de Almagro, tức là đội banh tỉnh nhà của Giáo Hoàng Phanxico, ông cầm một áo sơ mi của đội bóng này có in hình của vị giáo hoàng ở Buenos Aires vào ngày 21 tháng 4, 2025 sau khi vị giáo hoàng 88  tuổi qua đời. Anh nói: “là người giàu tình cảm, chắc đức thánh cha đã chấp nhận việc này, không nghi ngờ gì,”

 

Giáo Hoàng Phanxico viết trong cuốn tự truyện của ngài tựa đề “Hy Vọng” rằng ngài đã được tặng một biệt danh là “bàn chân cứng rắn” và thường so sánh bóng đá với những bài học rộng lớn hơn của đời sống, năm 2019 trong khi nói truyện với các thanh niên và lực sĩ, ngài nhận xét “Bóng đá là một môn thể thao đồng đội. Ta không thể vui sướng một mình. Và nếu ta sống với tinh thần này, nó có thể đem lại lợi ích cho trí óc và trái tim ta trong một xã hội đã quá mệt mỏi vì chủ nghĩa  chỉ biết có mình.” (subjectivism)

 

Mặc dù đã thề không xem TV nữa vào năm 1990, Giáo Hoàng Phanxico vẫn được cập nhật về  kết quả những trận đấu qua radio và về sau này nhờ đội Lính Gác Thụy Sĩ của Vatican. Họ thường báo tin cho ngài về kết quả những trận đấu của đội San Lorenzo cũng như  các đội khác của Argentina, để cho ngài được gắn kết với niềm say mê về quê nhà của ngài.

 

Mấy chục năm rồi, những đội banh của Argentina thường đùa rằng, nói về bóng đá, họ đã được ân huệ của Chúa: Họ đã có “Bàn Tay của Chúa” nơi Diego Maradona và đã thấy “đấng Messiah” được chờ mong từ lâu. Đó là Lionel Messi. (xin xem footnote dưới đây)

 

Bây giờ, với Giáo Hoàng Phanxico xem đá banh từ trên cao, những người cổ động đội San Lorenzo có thể tự hỏi phải chăng đội bóng Ciclon yêu quý của họ đã có một đấng bầu cử ở trên  trời. Dù sao chăng nữa, nếu bóng đá là một tôn giáo ở Argentina, tất nhiên phải hiểu rằng một trong những  người cổ động trung thành nhất của họ đã trở thành thánh bổn mệnh trên các tầng trời.


Note:  Trong một trận bóng đá sôi nổi của giải bóng đá thế giới mấy chục năm trước, Maradonna, một siêu cầu thủ của Argentina đã tiến lên sát khung thành bên kia và ghi một bàn thắng bằng cách đánh đầu. Bàn thắng này gây tranh cãi sôi nổi. Đội bên kia quả quyết đó không phải là đánh đầu nhưng là chạm tay. Trong khi tranh cãi, hình như Maradonna mất bình tĩnh buột miệng nói ra một câu trong đó có những chữ “Bàn Tay của Chúa”, ngày nay người ta còn nhắc lại câu này một cách hài hước.



Vũ Vượng dịch