The
Story of the Chinese Farmer
DR. CHRISTOPHER KACZOR
côMARCH 14, 2023
Bài này bắt đầu bằng một câu chuyện Tàu rất quen thuộc với người Việt chúng
ta. Đó là chuyện “Tái Ông Thất Mã” Nguyên bản tiếng Anh đăng
trên mạng truyền giáo Word on Fire của Đức Giám Mục Robert Barron.
Ngày xưa ở bên
Tàu có một nhà nông góa vợ. Ông nhà nông và cậu con trai duy nhất làm lụng vất
vả trong gió lạnh mùa đông và nắng thiêu đốt mùa hè với con ngựa sau cùng còn
lại. Một ngày kia cậu con trai không khóa của chuồng ngựa cho đúng cách rồi con
ngựa buột chạy đi.
Khi hàng xóm biết việc xảy ra, họ đến nói với
ông, “Thế này thì buồn quá! Không còn ngựa ông sẽ không thể tiếp tục nông trại
này. Hỏng mất rồi, vì con ông không khóa cửa chuồng ngựa cho chắc! Thật là một
đại thảm kịch!”
Nhà nông đáp lại: “Có thể đúng, có thể
không.”
Ngày kế tiếp, con ngựa mất trở về chuồng, đem theo sáu con ngựa hoang. Người con trai khóa chặt bảy con ngựa
trong chuồng. Khi hàng xóm biết việc xảy ra, họ đến nói với nhà nông, “Việc này
đem đến hạnh phúc lớn quá! Với bảy con ngựa ông có thể tiếp tục nông trại với
ba con và bán những con kia kiếm lời lớn. Phúc lộc thay!”
Ông đáp lại, “Có thể đúng, có thể không.”
Ngày hôm sau cậu con trai đem một con ngựa
hoang ra tập cho nó thành ngựa thuần. Cậu bị nó hất tung lên, té xuống đá cứng
và bị gãy chân.
Khi hàng xóm biết việc xảy ra, họ đến nói với
ông, “Thế này thì thảm quá! Bây giờ ông không còn có thể trông vào sự trợ giúp
của cậu con trai. Hỏng rồi, vậy là không biết tập ngựa cho đúng cách rồi. Thật
là bi thảm!”
Ông nhà nông đáp lại, “Có thể đúng, có thể
không.”
Ngày hôm sau, một tướng quân từ đạo quân của
đế chế Tàu đến để chiêu mộ tất cả nam thanh niên vào quân đội. Họ được bổ đi
chiến đấu tại tiền tuyến, chống lại một kẻ thù ghê gớm với lực lượng áp đảo.
Cậu con trai ông nhà nông, nhờ cái chân gãy, không bị bắt đi.
Khi hàng xóm biết chuyện
xảy ra, họ đến nói với ông chủ, “Vui quá nhỉ! Con ông thoát được cái chết chắc
chắn nơi tiền tuyến của trận đánh. Phúc lộc thay!
Ông đáp lại, “Có thể đúng, có thể không.”
CÂU CHUYỆN NÀY CÓ Ý NGHĨA GÌ?
Có lẽ ông nhà nông Tàu dạy ta hãy khoan phán xét một điều gì thực sự là
bi thảm hay một thắng lợi. Ta có thể luôn luôn quyết đoán một điều gì là may
mắn hay bất hạnh chăng? Phải chăng đường lối hành động khôn ngoan là khoan phán
đoán và không tuyên bố dứt khoát điều gì xảy ra là tốt hay xấu? Có lẽ, như Alan
Watts cả quyết, câu chuyện này dạy ta chủ nghĩa hoài
nghi cực đoan bởi vì không thể nói bất cứ cái gì xảy ra là tốt hay xấu. Về mặt
khác, một triết gia khắc kỷ như Epictetus có thể xem câu chuyện này như thái độ tách rời hợp lý khỏi cái gì nằm ngoài tầm kiểm soát
của ta – những vấn đề ta không nên thiết tha. Trong tác phẩm Enchiridion,
Epictetus dạy thế này:
“Có những việc ở trong khả năng của ta, và có những việc bên ngoài khả
năng của ta. Nằm trong khả năng của ta là ý kiến, mục tiêu, ước muốn, điều chê
ghét, và tóm lại, bất cứ những gì là của riêng ta. Nằm ngoài khả năng của ta là
thân thể, tài sản, danh tiếng, chức vụ và tóm lại bất cứ những gì không phải
việc riêng của mình.”
Mất ngựa, được
thêm ngựa mới, con trai gẫy chân, và con trai thoát nạn trong trận đánh ác
liệt, tất cả là những việc ngoài khả năng, ông nhà nông không thể kiểm soát
được. Về quan điểm khắc kỷ này, sự khôn ngoan của ông nhà nông là không để cho
những việc bên ngoài này làm ông lo lắng. Như đệ nhất phu nhân đầu tiên của HK
là Martha Washington đã nói:
“Tôi nhất quyết phải vui tươi và sung sướng
trong bất cứ cảnh ngộ nào tôi gặp. Vì tôi đã biết rằng phần lớn sự khổ sở và
bất hạnh của ta được quyết định không phải bởi hoàn cảnh nhưng bởi xu thế của
ta.”
Có vẻ như người nông gia có được điều ta cầu xin
trong Kinh Serenity Prayer (Xin Ơn Thanh
Thản), “Lạy Chúa, xin cho con sự thanh thản để chấp
nhận điều con không thể thay đổi, lòng can đảm để thay đổi những gì có thể, và
sự khôn ngoan để biết sự khác biệt.”
Cũng có thể câu chuyện
này cho ta biết một việc thoạt đầu là xấu nhưng sau cùng lại là một diễm phúc.
Suy nghĩ vội vàng không phải lúc nào cũng đúng 20/20. Biết bao lần một cái gì
có vẻ như một thảm bại, thậm chí một thảm kịch lúc đầu, nhưng rồi trở thành sự
khởi đầu của một cái gì vĩ
đại? Tôi biết như vậy từ kinh nghiệm riêng. Chỉ khi hồi tưởng lại, đôi khi ta
mới thấy những khó khăn chính là điều cần thiết để phát triển và thăng tiến lâu
dài về sau. Những kinh nghiệm đau thương và thử thách thường dẫn tới phát
triển, nhất là khi được đặt vào khung cảnh mới như những cơ hội để học vươn lên
trong kỹ năng, đức độ, và liên kết. Một kịch sĩ của Hy Lạp cổ đại là Aeschylus
đã nói, “Ai học tập đều phải đau khổ. Và ngay cả trong giấc ngủ của ta, thứ đau
đớn không thể quên sẽ nhỏ từng giọt trên tim ta, và trong sự thất vọng sự khôn
ngoan đến với ta, dù ta chẳng muốn, bởi hồng ân tuyệt vời của Chúa.” Đau khổ
ghê gớm là một thứ thuốc nguy hiểm đến nỗi nó chỉ có thể được dùng đúng cách bởi
Chúa, vị thầy thuốc thần linh.
Có lẽ câu chuyện nông gia
Tàu dạy ta về mối tương quan phức tạp giữa đau khổ và hạnh phúc. Đôi khi một
điều thật sự xấu (gẫy chân) có thể đưa tới một cái gì tốt (thoát chết ngoài mặt
trận). Tuy vậy cái gì xấu vẫn là xấu, dù cho có một cái gì tốt nảy sinh từ cái xấu.
Khi một vụ mưu sát xảy ra, điều ấy luôn luôn là điều ác. Tuy vậy, trong vài trường
hợp, một vụ mưu sát đem tới một cái gì tốt, như khi nhờ vậy mà một kẻ giết
người hàng loạt sau cùng đã bị bắt. Một cách tương tự, cái gì tốt vẫn là tốt,
dù có một cái gì xấu xuất phát từ đó. Một điều tốt đẹp cho hai vợ chồng là có
một đứa con, dù cho nhiều năm sau đó, đứa con ấy trở thành một tội phạm xấu xa.
Câu chuyện nhà nông Tàu cũng có thể dạy ta một điều
gì mà sau cùng ta coi là thiện và ác trong những thăng trầm của điểu thiện điều
ác nhỏ hơn trong cuộc sống. Với những người có đức tin, điều tốt đẹp cuối cùng
là được hưởng tình yêu hoàn hảo, và sự thiện mỹ hoàn hảo bất tận. Điều này được
gọi là thiên đàng, một cộng đồng gồm tất cả những người mến Chúa và yêu thương
nhau một cách hoàn hảo. Sự dữ cùng cực là nỗi cô đơn tự chọn đời đời, một trái
tim muôn đời tự chia cắt, chống lại chình mình, một ước muốn vô vọng trong cố
gắng đi tìm cái gì tốt. Trong tác phẩm Inferno, nhà thi hào Dante tưởng tượng
ra số phận của kẻ mất linh hồn ghê gớm nhất ở dưới đáy vực thẳm của chín tầng
địa ngục. Họ ở trong những xà lim (cellules) lạnh nhất và nhỏ nhất của nhà tù,
bọc kín trong đá lạnh, người này bị ngăn cách khỏi người kia, và luôn thiếu
thốn dù chỉ một chút tự do nhỏ nhất. Nước đá lạnh do Satan làm ra. Hắn khóc
bằng những giọt nước mắt thất vọng trong khi vỗ đôi cánh khổng lồ, cố thoát ra
khỏi nước đá lạnh một cách vô ích. Cuộc chiến đấu đầy nước mắt và vô ích của
Satan chống lại Chúa chỉ tạo ra càng ngày càng nhiều nước đá lạnh, làm nặng thêm án tù của hắn.
Nhà văn tiểu thuyết vĩ đại của Pháp, Léon
Bloy, đã viết, “Nỗi buồn thực sự duy nhất, thất bại thực sự duy nhất, thảm kịch
ghê gớm duy nhất trên đời là không trở thành một thánh nhân.” Nếu đúng thế thì
hạnh phúc hoàn hảo duy nhất, thành công cực điểm duy nhất, diễm phúc lớn lao
nhất trên đời là trở thành một thánh nhân.
Một ngày kia, các bạn và tôi có được hưởng
hạnh phúc hoàn hảo của các thánh chăng?
Có thể có, có thể không.
Vũ Vượng dịch