7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

CÁC ĐỨC GIÁM MỤC ỦNG HỘ CUỘC VẬN ĐỘNG PHONG THÁNH CHO NỮ TU THEA BOWMAN

Sister Thea Bowman. Courtesy of the Franciscan Sisters of Perpetual Adoration.


Bishops Support Sister Thea Bowman’s Cause for Canonization

 


Bài của Kevin Birnbaum, chủ biên nguyệt san Northwest Catholic. 

Nguyên bản tiếng Anh đăng trong báo điện tử Northwest Catholic ngày 14 tháng 11, 2018

 


Tin từ Baltimore – Trong đại hội giám mục mùa thu hàng năm, các đc giám mục Hoa Kỳ đã tham dự một cuộc tham khảo về cuộc vận động phong thánh cho nữ tu Thea Bowman, một người Mỹ gốc Phi Châu thuộc dòng nữ tu Phanxicô Phụng Thờ Đời Đời (Franciscan Sisters of Perpetual Adoration) đã chết năm 1990 ở vào tuổi 52.

 


Giám Mục Robert Deeley, chủ tịch Ủy Ban Phong Thánh Sự Vụ và Cai Quản Giáo Hội và Giám Mục Joseph Kopacz giáo phận Jackson, Mississipi, người đứng đơn thỉnh nguyện, hướng dẫn cuộc thảo luận, Bằng một cuộc bỏ phiếu bằng miệng, các đức giám mục cho thấy có sự ủng hộ hoàn toàn để xúc tiến cuộc vận động trên cấp giáo phận, theo lời tiết lộ với báo chí của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

 


Bertha Elizabeth Bowman sinh năm 1937 là người con duy nhất của BS Theon Bowman, và bà Esther Bowman, một cô giáo. Cả hai cha mẹ đều ở tuổi trung niên. Lớn lên tại Mississipi, bà trở lại đạo Công Giáo khi còn nhỏ nhờ sự cảm hóa của các nữ tu dòng nữ Phanxicô Phụng Thờ Đời Đời và dòng Tôi Tớ Truyền Giáo của Chúa Rất Thánh Ba Ngôi. Các vị này là các cô giáo tại trường học, và cha sở của  bà tại giáo xứ Holy Child Jesus ở Canton.

 


Thuở thiếu thời, bà được tiếp cận với sự phong phú về văn hoá và tâm linh của người Mỹ gốc Phi, nhất là lịch sử, các truyện tích, các bài ca, kinh nguyện, phong tục và truyền thống. Ở vào tuổi 15 bà nói với cha mẹ và bạn bè bà muốn vào dòng nữ Phanxicô Phụng Thờ Đời Đời (Franciscan Sisters of Perpetual Adoration,) rồi rời khỏi vùng đất Mississipi quen thuộc và dong duổi tới LaCrosse, Wisconsin, nơi mà bà trở thành nữ tu duy nhất người Mỹ gốc Phi của cộng đồng dòng tu này.

 


Trong lễ khấn dòng bà được đặt tên là Soeur Mary Thea để tôn vinh Đức Mẹ Đầy Ơn Phúc và người cha tên Theon. Tên Thea trong đời tu của bà có nghĩa đen là “Chúa”. Bà được huấn luyện trở thành giáo viên. Bà dạy tất cả cấp bậc tiểu học. sau cùng lấy được bằng tiến sĩ và trở thành một giáo sư đại học về Anh Ngữ và ngữ học.

 


Năm 1984 Soeur Thea phải đương đầu với những thử thách thảm khốc. Cả hai cha mẹ đều chết, và bà thì được chẩn đoán bị bệnh ung thư vú. Bà thề “sống cho đến khi tôi chết” và tiếp tục một chương trình đi diễn thuyết ráo riết. Ngay cả khi bệnh ngày càng đau đớn và việc đi lại cực kỳ khó khăn vì bệnh ung thư đã di căn vào xương, bà không lùi bước trong nhiệm vụ làm chứng nhân và chia sẻ với người khác lòng yêu Chúa vô biên của bà và niềm vui của Phúc Âm Chúa Kitô.

 


Mặc kiểu áo Phi Châu thông thường, soeur Thea thường đến trong một xe lăn, tóc rụng hết (hậu quả của hóa trị) nhưng luôn trong tư thế vui vẻ với một nụ cười tươi. Bà không để cho sự suy thoái cơ thể ngăn cản bà tham dự một dịp may chưa bao giờ có, một cơ hội  ngỏ lời trước các đức giám mục HK trong phiên họp hàng năm vào tháng 6, 1989 tại Seton Hall University ở New Jersey. Soeur Thea nói truyện với các đức giám mục như một người em gái nói với các người anh trong một cuộc đàm thoại chân tình “giữa trái tim và trái tim”

 


Bà giải thích là người Mỹ gốc Phi và là người Công Giáo có ý nghĩa thế nào. Bà cho các đức giám mục biết về lịch sử và đời sống tâm linh của người Mỹ gốc Phi. Bà thúc dục các giám mục tiếp tục rao giảng tin mừng cho cộng đồng Mỹ gốc Phi, đề cao chính sách thâu nạp người thiểu số và cho người Mỹ gốc Phi tham gia đầy đủ vào ban lãnh đạo giáo hôi, Bà cũng kêu gọi hiểu biết sự cần thiết và giá trị của các trường Công Giáo trong cộng đồng Mỹ gốc Phi. Đến khi đọc hết bài diễn văn bà mời tất cả các đức giám mục xích lại gần nhau, bắt chéo tay trước ngực và nắm tay nhau cùng hát với bà bài ca “Chúng ta sẽ vượt qua tất cả.” Rõ ràng bà đã làm các vị giám mục xúc động, bằng chứng là các ngài hoan hô vang dội, nước mắt tuôn trào.


 

Trong cuộc đời ngắn ngủi của Soeur Thea, nhiều người coi bà là một nữ tu gần gũi với Chúa, không thể chối cãi được, và với tình yêu bà mời gọi người ta gặp Chúa hiện diện trong đời mỗi người. Bà được tán tụng là một “phụ nữ thánh” trong trái tim của những người hiểu biết và yêu thương bà, và luôn luôn xin bà cầu bầu cho được ơn hướng dẫn và chữa lành.

 


Có nhiều học viện ở Hoa Kỳ được mang tên bà: những trường học,  một cơ quan giáo dục chuyên giúp học sinh nghèo theo học các trường đại học Công Giáo, những đơn vị gia cư cho người nghèo, người già, và một bệnh xá cho những người sống ngoài lề xã hội. Có nhiều sách, báo, tài liệu giáo lý, phim ảnh, và một vở kịch diễn trên sân khấu đã được viết về bà. Có nhiều bản kinh, bức hoạ, các pho tượng và những cửa sổ có kính hoa mang hình ảnh của bà. Tất cả những thứ đó chứng tỏ ảnh hưởng tâm linh sâu xa và gương lành thánh của bà trong các cộng đồng tín hữu.

 


Vũ Vượng dịch