7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

 

LÒNG BIT ƠN

(GRATITUDE)

 

(Nguyên bản tiếng Anh đăng trong Christopher News Notes 549)

 

CÓ LẼ HỌC CẢM ƠN LÀ MỘT TRONG NHỮNG BÀI HỌC SỚM NHẤT MÀ TA ĐƯỢC HỌC KHI CÒN BÉ. “Nói con cám ơn đi” là lời cha mẹ thường nhắc nhở một em bé mới chập chững biết đi khi được người ta cho một cục kẹo, một món quà hay một lời khen. Năm này qua năm khác, nếu tiếp tục được nuôi dưỡng và khuyến khích không những lòng biết ơn sẽ trưởng thành, khiến ta trở thành người lễ độ và tử tế với người khác mà còn hun đúc trong ta một cảm nhận sâu sắc về sự kỳ diệu và quý giá của đời sống riêng mình và thế giới chung quanh.

 

“Một cử chỉ biết ơn, khi những việc chẳng lành xảy đến có giá trị bẳng một ngàn lời cảm ơn khi khi mọi sự xảy ra như ý.”

                                                              Thánh Gioan thành Avila

 

Hầu hết chúng ta đều tỏ ra bặt thiệp với những lời cảm ơn trong cuộc sống hàng ngày, như cảm ơn cô tính tiền khi mua thực phẩm ngoài chợ, viết thư cảm ơn người đã làm cho mình một việc gì tốt, cúi đầu tạ ơn trước mỗi bữa cơm tối trong gia đình. Nhưng theo nhiều cuộc nghiên cứu cho biết, lòng biết ơn đi sâu xa hơn những lời nói cử chỉ hào nhã thường có trong trường hợp này. Nếu lòng biết ơn có từ tận đáy lòng, và là trọng tâm của đức tin và đời sống hàng ngày, nó có thể biến đổi cách nhìn của ta về mọi việc xảy đến trên đường đời, việc tốt cũng như việc xấu.

 

Ca sĩ Công Giáo Laura Story đã viết một bài ca rất hay khi phải đối diện với nỗi khổ của riêng mình, và bài ca nói lên một tấm lòng biết ơn xuất phát từ đức tin sâu sắc và cảm nhận lòng nhân lành của Chúa trên mọi bước đường đời, ngay cả khi ta không nhận ra, ngay cả khi ta cảm thấy cô độc.

 

“Biết đâu ơn Ngài gửi đến trong những hạt mưa? Biết đâu Ngài chữa bệnh tật trong nước mắt? Ngàn đêm thức trắng mới hay Ngài gần đâu đây? Biết đâu thất vọng ê chề và cuộc đời đau khổ cũng là dịp để ta thấy thế giới này không thể thoả mãn niềm khao khát của ta?”

 

Bài ca của Laura phản ánh một tư tưởng phổ biến trong kinh thánh Do Thái, kinh thánh Thiên Chúa Giáo và trong truyền thống của các tôn giáo lớn trên thế giới: tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa có nghĩa là học biết ơn không những khi ơn Chúa đổ tràn trên ta một cách hiển nhiên, nhưng cả khi đau khổ làm ta tối mắt ngỡ ngàng. Không phải dễ đâu, nhưng ta có thể phấn đấu tiến lên trình độ cao cả của lòng biết ơn, bắt đầu từ những việc nhỏ.

 

 

“Lòng biết ơn không những là nhân đức lớn nhất trong các nhân đức, nhưng còn là mẹ đẻ ra mọi nhân đức khác.”

-Cicero

 

Nhận ra những hồng ân của Chúa

Nếu bạn đã có dịp tình nguyện làm việc tại một nhà bếp từ thiện, hay nói chuyện với một ngưởi nào đã tham gia sứ mạng truyền giáo tại một nước nghèo, có lẽ bạn đã thấy ai cũng nói lên một điều giống nhau. Người ta ra đi để giúp đỡ người khác, nhưng điều đặc biệt xảy ra là khi trở về ai cũng nhận thấy mình đã nhận được nhiều hơn là cho đi. Giữa chốn nghèo khổ cùng cực người ta thường thấy lòng quảng đại tuyệt vời, lòng biết ơn vô tận và đức tin làm cho tâm hồn hưng phấn.

 

Như ta thường thấy, của cải vật chất không nhất thiết đem lại lòng biết ơn. Sự thật đôi khi trái ngược hẳn, bằng chứng là lòng ham muốn vô độ, được voi đòi tiên thường thấy trong văn hoá chúng ta, không ai thấy mình đầy đủ cả. Nhưng trong những nền văn hoá khác, nơi mà một bữa ăn đủ dinh dưỡng cũng là một món qua hiếm có rồi, người ta biết tìm niềm vui trong những gì sâu xa hơn – nơi Thiên Chúa, trong sự tương trợ, hay ngay trong lòng mình. Và nơi nào có niềm vui, nơi ấy có lòng biết ơn.

 

Sự thật này được phản ảnh trong một phim tài liệu mới đây, phim “Happy” (Hạnh Phúc). Phim này cho khán giả thấy được đời sống của người dân ở những nơi nhiều khó khăn, từ vùng đồng lầy Louisiana (Đông Nam Hoa Kỳ) tới Calcutta (Ấn Độ). Sự thật đó là: khi người ta đón nhận đời sống từ lòng biết ơn, ngay cả trong hoàn cảnh không được xuôi chèo mát mái, người ta dễ có hạnh phúc hơn, đúng như lời diễn tả của một bài dân ca:

 

“Điều quan trọng không phải là có điều ta muốn, nhưng là muốn điều ta có.”

 

Một người đàn bà trong phim Happy đã có một thời con gái rạng rỡ, đẹp mê hồn và thành công rực rỡ, nhưng rồi một tai nạn lưu thông xảy đến, làm cho đời nàng sụp đổ tan tành. Mặt nàng biến dạng đến nỗi không ai nhận ra, thế rồi bị chồng bỏ. Trong hoàn cảnh như vậy nếu cảm thấy giận dữ và cảm thấy bị lừa dối thì đúng quá rồi. Vậy mà trong phim nàng đã nói về một điều khác hẳn: bây giờ nàng được hạnh phúc còn hơn cả khi tai nạn chưa xảy ra. Trên con đường bất hạnh, tới một lúc nào đó nàng muốn tìm  những điều tốt lành trong chốn đau thương, từ đó nàng có thể biến đổi sự bất hạnh thành một món quà. Đây là lòng biết ơn trên trình độ cao quý nhất.

 

“Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy hỷ hoan vui mừng.”

Psalm 118: 24

 

Tìm thấy Chúa trong mọi sự

Thời thanh xuân thánh Phanxicô thành Assisi có đủ mọi lý do để vui sướng và biết ơn. Là con trai của một nhà buôn vải vóc, chàng chẳng thiếu thứ gì - tiền bạc, bạn bè, cơ hội – cho tới khi nhận ra những thứ đó chẳng đem lại hạnh phúc mà chàng mong muốn. Cho nên chàng từ bỏ tất cả mọi sự. Cởi bỏ quần áo giữa công viên thành phố và đi vào một cuộc sống gắn bó với người nghèo. Một trong những giờ phút hạnh phúc nhất đã đến khi chàng gặp một người cùi trên đường phố, trút bỏ sợ hãi và ôm chầm lấy người bệnh. Chính khi đó, trong vòng tay của một người bị gạt ra ngoải lề xã hội, chàng đã tìm thấy hạnh phúc và lòng biết ơn không thể nào tìm được khi còn có đủ mọi thứ trên đời. Đó là khúc quanh trong cuộc đời của Phanxicô, khi chàng nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi người và trong tất cả tạo vật.

 

Ta dễ dàng biết ơn vì một ngày mùa xuân đầm ấm, vì một đứa con mới sinh ra đời, vì kiếm được một việc làm mong muốn. Nhưng làm sao học được lòng biết ơn vì những “người cùì” ta gặp trên đời – như kẻ đã gây đau đớn cho ta, cơn bệnh đang tàn phá một người thân yêu, một việc làm xa nhà không cho đoàn tụ với gia đình, trận lụt đã cuốn mất căn nhà thân yêu. Lòng biết ơn có liên quan gì tới những thứ đó?

 

Trong một tác phẩm thuộc loại bán chạy nhất tựa đề “Một Ngàn Món Quà” (A Thousand Gifts), Ann Voskamp nói về hoàn cảnh đen tối của bà suốt từ thuở lên bốn đến khi trưởng thành. Sau khi đứa em mới chập chững biết đi bị xe giao hàng cán chết ngoài cổng nông trại gia đình. Bà nói: “Tôi không còn một ý niệm gì về ơn phước.” Mấy chục năm sau, khi đã làm vợ và làm mẹ của sáu đứa con, Voskamp vẫn không toại nguyện. Nhìn ra đồng ruộng của gia đình hay nhìn vào gương soi bà không thấy có sự sung túc nào cả, mà chỉ thấy thiếu thốn, đó là cái “tội nguyên thuỷ” của nhân loại. Bà gọi nó là “tội vong ân,” “chất xúc tác” gây ra mọi thứ tội khác.

 

Bà viết tiếp: “Ta chỉ có thể sống một cuộc đời sung mãn nếu đức tin của ta biết dâng lời cảm tạ. Bởi vì còn có cách nào khác để đón nhận ơn cứu độ, một món quà vô giá của Chúa, ngoài những lời cảm tạ? Cảm tạ là bằng chứng ta đón nhận bất cứ điều gì Chúa ban. Cảm tạ là biểu lộ lòng ta đón nhận ơn Chúa ‘Xin vâng!’ ”

 

Hưởng ứng sự thúc dục của một người bạn, Voskamp bắt đầu viết ra một ngàn điều làm cho bà biết ơn. Không phải những việc to lớn, hiển nhiên, đặc sắc, nhưng là những việc nhỏ nhặt, thông thường nhưng cũng hào hứng trong cuộc sống hàng ngày – bóng nắng chiếu trên sàn nhà, ánh trăng dãi trên đầu giường, những lời cầu nguyện thì thầm, chén cháo lúa mạch nóng hổi….Và việc làm này đã biến đổi đời sống, gia đình và nhãn quan của bà.

 

Bằng cách tập bày tỏ lòng biết ơn, ngay cả những lúc nhàm chán nhất trong cuộc sống hàng ngày, ta có thể biến đổi sự bực tức, bất mãn và những khát vọng vô độ của ta thành một nguồn vui bao la.

 

Cảm tạ hàng ngày

Ý tưởng về cảm ta rõ ràng không xa lạ gì với chúng ta. Tất cả những ngày lễ lớn của ta đều xoay quanh ý tưởng này. Ngay cả từ “Thánh Thể”, trọng tâm của đức tin Công Giáo, có nghĩa là “Tạ Ơn” Hãy xét việc ta làm vào một ngày Thứ Năm mỗi năm và tất cả những ngày Chủ Nhật, rồi đưa nó vào cuộc sống hàng ngày.

Một trong những cách dễ nhất và hiệu quả nhất để làm việc này là viết nhật ký tạ ơn. Không cần phải có một quyển sổ bay bướm sặc sỡ, một quyển tập thông thường là được rồi. Để nhật ký ở một nào dễ nhớ và tập thói quen ghi ra những điều bạn cảm thấy biết ơn xảy ra mỗi ngày mỗi tuần, mỗi năm. Bạn có thể làm theo sự hướng dẫn của Thánh Linh hay đặt ra một kế hoạch rõ ràng. Thí dụ: mỗi đêm ghi năm việc trước khi đi ngủ. Mục tiêu đơn giản là bắt đầu nhận ra những hồng ân trong cuộc sống thông thường.

 

Trong một cuộc nghiên cứu tại Trường Đại Học California-Davis, ba nhóm sinh viên được tuyển chọn để thử nghiệm lý thuyết về lòng biết ơn. Nhóm thứ nhất ghi nhật ký biết ơn, nhóm thứ hai viết ra những khó khăn hàng ngày, nhóm thứ ba viết ra những việc không tốt không xấu. Sau cuộc nghiên cứu người ta thấy nhóm viết nhật ký tạ ơn tập thể dục đều đặn hơn, có ít đau nhức thân thể hơn, cảm thấy tốt đẹp hơn về đời sống và lạc quan hơn về tương lai.

 

Robert A. Emmons, một giáo sư tại Đại Học California và củng với Johanna Hill là tác giả của quyển sách tựa đề “Ảnh Hưởng của Lòng Biết Ơn đối với Tâm Trí, Thân Thể và Linh Hồn” (Words of Gratitude for Mind, Body and Soul”, đã nói: “Nhóm sinh viên đó, hơn hẳn hai nhóm kia, thường cho biết họ đã giúp đỡ một người nào đang gặp khó khăn hay nâng đỡ tinh thần cho một người khác.”

 

Phục vụ xã hội và làm việc bác ái gắn liền với việc thể hiện lòng biết ơn. Khi thấy rõ  những hồng ân của mình, ta cũng dễ thấy hơn những người đau khổ và thiếu thốn ở chung quanh, khiến ta muốn đi tìm những cơ hội để chia sẻ với người khác, hoặc bằng lời cầu nguyện, làm việc bác ái, hay có những cố gắng khác để biểu lộ lòng biết ơn Chúa một cách sâu sắc và cụ thể.

 

Tất cả những món quà tốt đẹp

Đối với các cha mẹ nuôi dạy con cái trong một xã hội mà quảng cáo dồn dập như vũ bão, thuyết phục chúng phải có được những máy móc tân kỳ nhất, y phục hàng hiệu, tập cho con biết tỏ lòng biết ơn ở trong nhà hay quanh bàn ăn trong bữa ăn tối, có thể tạo cho chúng một chỗ dựa vững chắc vào một cái gì sâu xa hơn, bền vững hơn để giúp chúng kinh qua những giai đoạn chông gai không thể nào tránh khỏi trên đường đời. Nguyện kinh trước mỗi bữa ăn luôn luôn là một khởi điểm tốt để ghi vào lòng chúng tinh thần biết ơn khi còn ở trong nhà, nhưng nếu chỉ có thế thì cũng chưa đủ.

 

Toàn thể gia đình nên quyết định từ bỏ một cái gì mọi người ưa thích – như đi ăn nhà hàng mỗi tuần một lần, thưởng thức món ice cream vào tối Thứ Sáu – dùng tiền đó tặng cho một một cơ quan từ thiện hay một chương trình công ích. Cũng có thể đặt một cái hộp ở trong nhà bếp để thu góp thực phẩm giúp cơ quan từ thiện địa phương. Đó là một cái gì để nhắc nhở ta được may mắn biết bao vì có thực phẩm dồi dào, hay tạo ra một thói quen đi quanh bàn ăn cầu nguyện cho những người đang cần lời cầu nguyện – như một người láng giềng lâm trọng bệnh, một người bạn mà cha mẹ đang qua thủ tục ly hôn.

 

Chia sẻ hồng ân cho người khác thường làm cho ta tràn đầy biết ơn về những món quà mà ta nhận được từng ngày, có khi từng giờ.

 

Nếu trong suốt cả đời lời cầu nguyện duy nhất của bạn là “cảm ơn,” âu cũng là đủ.

 

-Meister Eckhart