7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335

Thiên Chúa Tạo Dựng Vũ Trụ

Thiên Chúa Tạo Dựng Vũ Trụ

“Tôi tin Một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.” Đức tin căn bản này có cơ sở từ Do Thái giáo và được Kitô giáo tiếp tục tuyên xưng và cắt nghiã. Giáo lý Công giáo số 282 dạy: “Việc dạy giáo lý về công trình tạo dựng là hết sức quan trọng. Nó liên quan đến chính nền tảng của cuộc sống làm người và làm Kitô hữu, vì nó đem lại câu trả lời của đức tin Ki-tô giáo cho câu hỏi căn bản:”Chúng ta từ đâu tới?” “Chúng ta đi đâu?” “Nguồn gốc của chúng ta là gì?”….

Vì tầm quan trọng của câu hỏi, con người đã khắc khoải tự tìm kiếm câu trả lời qua mọi thời đại như giáo lý Công Giáo số 285 tóm tắt: “Từ buổi đầu, đức tin Ki-tô giáo đã đối mặt với những giải đáp của mình về vấn đề nguồn gốc… Một số triết gia cho rằng mọi sự đều là Thần Linh, trần gian là Thần Linh, hoặc quá trình tiến hoá của trần gian là quá trình tiến hoá của Thần Linh (thuyết phiếm thần); một số khác cho rằng trần gian là một xuất phát tất yếu của Thần Linh, từ Thần Linh phát ra và trở về với Ngài; một số khác nữa khẳng định sự hiện hữu của hai nguyên lý vĩnh cữu, Thiện và Ác, Ánh Sáng và Bóng Tối, luôn giao tranh với nhau (thuyết nhị nguyên); một số người theo các thuyết ấy cho rằng thế giới (ít nhất là thế giới vật chất) là xấu, sản phẩm của một sự sa ngã, vì vậy cần phải loại bỏ đi hoặc phải vượt khỏi (thuyết ngộ đạo);người khác lại cho rằng trần gian do Thiên Chúa tạo nên theo kiểu một người thợ làm ra chiếc đồng hồ, làm ra rồi để nó tự vận hành (tự nhiên thần giáo). Cuối cùng, có những người không chấp nhận một nguồn gốc siêu việt nào của trần gian, chỉ coi trần gian thuần túy là sự tương tác của vật chất vẫn luôn hiện hữu (thuyết duy vật).”

Là người Công Giáo, chúng ta tuyên xưng đức tin hằng tuần, nhưng chúng ta hiểu gì về mầu nhiệm Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ? Lịch sử hình thành những tín lý này thế nào? Đâu là những điều bắt buộc chúng ta phải tin? Và những điều chúng ta có thể nghi ngờ hay đặt câu hỏi? Và liệu chừng đức tin có đối nghịch với khoa học khi cắt nghĩa nguồn gốc vũ trụ không?

Lịch Sử Tín Lý Một Thiên Chúa Sáng Tạo Vũ Trụ

Dù cuốn sách đầu tiên trong bộ Kinh Thánh, Sáng Thế, bắt đầu: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (Gen 1:1), nhưng tín lý “Một Thiên Chúa Toàn Năng tạo thành trời đất muôn vật” được hình thành theo nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc Israel, nghĩa là ban đầu người Israel thờ phượng Yavê Thiên Chúa là Chúa của chi tộc (dân tộc) họ, sau đó họ lập quốc và thờ phượng Yavê Thiên Chúa là Chúa của quốc gia Israel, và sau cùng họ tôn thờ Yavê là Thiên Chúa của toàn thể mọi dân nước.

Trước hết, Thiên Chúa của bộ tộc Israel. Từ khoảng thế kỷ 18 trước công nguyên, Abraham được kêu gọi và chúc phúc đến vùng đất mới (Canaan), cho đến khi dân bị đi đày bên Ai Cập, và được Thiên Chúa sai Môsê giải thoát đem về đất hứa (thế kỷ 13 trước công nguyên), dân Israel thờ phượng Yavê là Thiên Chúa của dân tộc (bộ tộc) họ. Việc Môsê tiếp xúc với Thiên Chúa trên núi Sinai và nhận Mười Giới Răn như một giao ước bảo đảm dân Israel thờ phượng một Thiên Chúa là Chúa của bộ tộc Israel. Đời du mục khiến người Israel luôn bị cám dỗ bởi những tà thần của các dân tộc lân bang.

Thời kỳ kế tiếp là lập quốc, Yavê là Thiên Chúa của quốc gia Israel. Sau chừng 300 năm định cư ở Canaan, và bị các nước lân bang liên tục đe doạ về mọi mặt, dân Israel thấy cần một cơ cấu tổ chức của quốc gia. . Họ cầu xin và Thiên Chúa ban cho họ vị vua đầu tiên là Saul, sau đó David nối ngôi tiếp tục cai trị dân, mở đầu thời kỳ ổn định cho đất nước. Lúc này, họ xây đền thờ Jerusalem làm trung tâm thờ phượng, và họ thờ Yavê Thiên Chúa là Chúa của quốc gia họ.

Sau cùng là Thiên Chúa của toàn vũ trụ. Sau lưu đày Babylon trở về (thế kỷ 6 trước công nguyên), niềm tin vào “Một Thiên Chúa toàn năng tạo dựng muôn loài” được khẳng định. Dù tư tưởng này được tìm thấy nhiều trong thánh vịnh (Tv 19, 139, 146, 147, 148), trong (đệ nhị) Isaiah (40:28-31; 43:1-13; 44: 24-26), trong sách Cách Ngôn (8:22-31), sách Giảng Viên (16:22- 17:18), và sách Job (38:1 ff), nhưng trong hoàn cảnh dân Israel bị người thống trị Babylon đe dạo những giá trị luân lý và tôn giáo, đức tin họ trở nên vững mạnh hơn. Khi về lại đất hứa, dân Israel cảm nghiệm một cuộc xuất hành mới, một giao ước mới, một vũ trụ mới, không chỉ còn trong phạm vi Israel nhưng toàn thể vũ trụ.

Tóm lại, người Do Thái tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ không đến từ huyền thoại qua quan sát vạn vật (như nhiều dân tộc lân bang) mà đến từ cảm nghiệm và hiểu biểt về những gì Yavê Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cứu chuộc dân Israel.

Câu Chuyện Sáng Tạo Trong Kinh Thánh

Hầu hết chúng ta quen thuộc với hai câu chuyện Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ (trong đó có tạo dựng con người) được kể lại trong 2 chương đầu của sách Sáng Thế. Hai câu chuyện đến từ hai nguồn liệu khác nhau.

Câu chuyện thứ nhất từ nguồn được gọi là Tư Tế, bắt đầu: “Lúc ban đầu khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất” và kết thúc với công thức “Đó là gốc tích trời đất khi được sáng tạo.” (Gen 1:1-2:4). Nội dung câu chuyện có thể tóm tắt: ngày 1 đến 4, Thiên Chúa tạo dựng trời đất, trăng sao, tinh tú và những tĩnh vật; ngày 5 và 6, Thiên Chúa tạo dựng động vật dưới nước và trên mặt đất, trong đó có con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (mà không nói dựng nên cách nào). Và ngày thử 7 thì Thiên Chúa nghỉ ngơi.

Nguồn này không nói Thiên Chúa dựng con người cách nào, mà chỉ đơn giản kể là “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” (Gen 1:27).

Câu chuyện thứ hai từ nguồn được gọi là Yavê kể việc tạo dựng vũ trụ đơn giản hơn nhiều so với chuyện thứ nhất vì không có chi tiết 7 ngày, không có phân chia trời với đất v.v… mà chỉ đơn giản bắt đầu: “Ngày ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai.” (Gen 2:5). Sau đó, câu chuyện nói Thiên Chúa lấy đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, đặt vào vườn cây ở Eden, và cuối cùng là Thiên Chúa dựng nên người nữ từ xương sườn của người nam (Gen 2:5-25).

Cao điểm của hai câu chuyện tạo dựng là việc dựng nên con người: nam và nữ. Thiên Chúa nắn bùn đất (chứ không nói một lời như các con vật khác) , và thổi hơi vào cho nó có sự sống. Nói chung, cả hai câu chuyện đều tập trung vào tương quan giữa Thiên Chúa và con người.

Câu Hỏi Về Nguồn Gốc Loài Người

Câu hỏi đặt ra là: với nhiều giả thuyết khác nhau theo khoa học hiện nay, chúng ta có buộc phải tin là tất cả loài người đều sinh ra từ hai ông bà Adam – Eva? Hay chúng ta có thể tin là loài người đến từ nhiều cặp ông bà khác nhau?

Gần đây một số khoa học gia lên tiếng rằng nhiễm sắc thể (DNA) có thể chứng minh loài người không đến từ cùng một cặp cha mẹ. Và với thuyết Tiến Hoá, liệu Adam-Eva có phải chỉ là đaị diện cho nhiều cặp cha mẹ xuất hiện cùng lúc không?

Giáo hội từ xưa luôn dạy là loài người đến từ ông bà Adam-Eve vì trọng tâm giáo huấn nhắm đến tội nguyên tổ (do ông bà phạm và truyền lại cho con cháu) hơn là nhắm đến có bao nhiêu cặp ông bà nguyên tổ như thuyết tiến hoá đặt câu hỏi ngày nay. Năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII trong tông thư Về Nguồn Gốc Con Người (Humani Generis) nói rằng tất cả loài người đều là con cháu của hai ông bà Adam-Eva, và không cho phép ta tin là có người nào khác ngoài hai ông bà (xem Humanis generis, no. 38). Lời dạy này được nhiều người diễn dịch là ta buộc phải tin rằng chỉ có một cặp ông bà tổ tiên, và không có người nào khác ngoài Adam-Eva. Tuy nhiên, giáo lý Công giáo hiện tại (xuất bản 1997) đã không nhắc lại tư tưởng một cặp ông bà này mà dạy như sau: “Vì cùng xuất phát từ một nguồn gốc chung, nhân loại tạo thành một thể thống nhất.” (số 360).

Với giọng văn mở rộng, giáo hội đòi hỏi ta phải tin rằng loài người đến từ một nguồn gốc, và có sự liên hệ chặt chẽ với nhau trong gia đình nhân loại, hơn là xác định về khoa học một cặp hay nhiều cặp ông bà nguyên tổ. Dù không có một lời dạy dứt khoát nào về phưong diện khoa học này, giáo lý Công giáo số 361 dạy thêm: “Luật liên đới và bác ái này đảm bảo rằng mọi người thực sự đều là anh em” cho dù có nhiều khác biệt phong phú giữa các con người cá nhân, các nền văn hóa, các dân tộc.”

Thần Học Tạo Dựng Từ Hư Vô

Giáo lý Công giáo dạy: “Chúng ta tin Thiên Chúa không cần một thứ gì có trước hoặc một sự trợ giúp nào để sáng tạo. Công trình sáng tạo cũng không phải là một sự phát xuất tất yếu từ bản thể Thiên Chúa. Thiên Chúa tự do sáng tạo “từ hư vô (ex nihilo).” (số 296).

Là người Công giáo, chúng ta bắt buộc phải tin rằng “mầu nhiệm sáng tạo là công trình của Ba Ngôi chí thánh” (số 290-294), rằng vũ trụ có là do Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa ở ngoài và không lệ thuộc vào vũ trụ (số 296), rằng Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ hư vô (số 296). Vậy Từ Hư Vô (hay Ex nihilo trong Latin) nghĩa là gì?

Không chỉ đơn giản hiểu Ex nihilo có nghĩa là Thiên Chúa không dùng một nguyên liệu có trước để dựng nên vũ trụ (như một người thợ gốm lấy đất sét có sẵn mới nhào nặn thành chiếc bình). Ex nihilo còn là đề tài phức tạp tranh luận của triết học và thần học, vì một thành ngữ Latin thường nói: “hư vô chỉ đem lại hư vô - ex nihilo nihil fit”. Hơn nữa, tín lý Ex nihilo khó tìm được cơ sở trong Thánh Kinh, mà hình thành qua những mặc khải trong giáo hội. Và yếu tố khó cắt nghĩa nhất của tín lý Ex nihilo là nếu Thiên Chúa tạo dựng tất cả từ hư vô, thì sự ác có là sản phẩm do Thiên Chúa tạo dựng hay không?

Từ giữa thế kỷ thứ 2, giáo hội tuyên xưng tín lý Ex nihilo nhằm chống lại lạc giáo Ngộ Đạo Thuyết (Gnosticism) đang cổ võ cho thuyết Nhị Nguyên (dualism) cho rằng Thiên Chúa không tạo dựng từ Hư Vô, mà trong vũ trụ đã có sẵn những nguyên liệu để Thiên Chúa chế biến (chứ không tạo nên) các tạo vật.

Các giáo phụ như Irenaeus (130-200), Tertullian (160-225) dạy Thiên Chúa tạo dựng từ Hư Vô, nhưng Justin Martyr (100-165) và Origen (184-253) lại chấp nhận Thiên Chúa tạo dựng từ những gì đã có trước (từ một thế giới Hỗn Độn đến Trật Tự, hơn là từ Không đến Có). Từ thế kỷ 5, giáo hội nhấn mạnh đến tín lý Ex nihilo để phân biệt những tạo vật (được tạo dựng từ Hư Vô) với Đức Giêsu Kitô (được sinh ra mà không phải được tạo thành). Hai cột trụ thần học của Kitô giáo, thánh Augustine và Thomas Aquinas, đều dạy Ex nihilo.

Vậy đâu là điều ta cần phải tin từ tín lý Ex nihilo? Giáo Lý Công Giáo đòi hỏi ta phải tin: (1) Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ Từ Hư Vô; (2) vũ trụ không phải tự nhiên mà có và vận hành, nhưng chính Thiên Chúa sắp xếp trật tự; (3) Thiên Chúa là nguồn và là nguyên nhân cho mọi sự được hiện hữu.

Thuyết Tạo Dựng và Khoa Học Ngày Nay

Nhiều hiểu lầm ngày nay cho rằng khoa học, nhất là thuyết Tiến Hoá hay thuyết Thiết Kế Uyên Bác, đối nghịch với đức tin Công giáo. Ở đây, chúng ta không đi vào chi tiết những tranh luận giữa những quan điểm này, nhưng chúng ta cần biết đâu là niềm tin của người Công giáo trước vấn đề này.

Trước hết, ta cần phân biệt khoa học và thần học cùng nghiên cứu về nguồn gốc vũ trụ nhưng bằng hai ngôn ngữ khác nhau. Thần học không nhằm tìm ra vũ trụ đã có từ bao giờ hay thế nào, mà qua cảm nghiệm ân sủng của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, mỗi Kitô hữu tuyên xưng rằng Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng. Kitô hữu còn nhận ra thân phận con người và mọi tạo vật đều có giới hạn, mỏng dòn và đều lệ thuộc Thiên Chúa cho sự hiện hữu của mình. Vì thế, những câu chuyện trong sách Sáng Thế không là những bài so sánh hay cạnh tranh với lý luận khoa học, mà là những lời tuyên xưng đức tin trong Thiên Chúa của các tín hữu.

Khi thần học và khoa học cùng nghiên cứu về nguồn gốc vũ trụ, người ta có thể đi đến một trong những kết quả sau: (1) đối nghịch (quan điểm này loại bỏ quan điểm kia), (2) độc lập (từng lãnh vực hoạt động riêng biệt), (3) đối thoại (mong là có thể hiểu nhau), (4) bổ sung (hiểu và bổ túc cho nhau).

Vậy đây là những điều chúng ta cần biết:

  • Trước hết, khoa học và thần học nghiên cứu bằng hai ngôn ngữ có những đặc nét khác nhau cho cùng một đối tượng. So sánh kết quả của 2 lãnh vực này để kết luận đúng sai về khoa học thì chẳng khác nào, như Karl Barth nói, so tiếng dương cầm với âm thanh của máy hút bụi (mặc dù cùng là âm thanh).
  • Thứ hai, dù hai lãnh vực khác nhau nhưng không thể đối nghịch nhau, khi tìm kiếm Sự Thật vì chỉ có một Sự Thật mà thôi. Sự khác nhau trong tìm kiếm không thể bị lầm tưởng với đối nghịch đến độ loại bỏ nhau. Đức tin Công giáo quả quyết rằng những khác nhau đang có giữa khoa học và thần học là lời mời gọi để cả hai cùng tìm hiểu thêm vì tính phức tạp của vấn đề.
  • Thứ ba, ngày càng nhiều khoa học gia và thần học gia nhận ra rằng công việc nghiên cứu của họ không nghịch nhau mà bổ túc và làm phong phú cho nhau. Ngày nay không chỉ đức tin tìm kiếm sự hiểu biết mà khoa học cũng đang tìm kiếm để hiểu như đức tin đã làm.

Đối với các giả thuyết như thuyết Tiến Hoá, thuyết Thiết Kế Thông Minh, thuyết Tạo Dựng hay thuyết Tự Nhiên, giáo hội dạy gì? Thực ra, giáo hội không có lời dạy chính thức nào đối với cái nhìn khoa học về các thuyết này, nhưng lời dạy của giáo hội luôn nêu rõ là khoa học không thể đối nghịch đức tin. Nghĩa là, giáo hội không cấm ta tin những giả thuyết khoa học nhưng bắt buộc ta phải giữ những nguyên tắc căn bản sau đây:

  • Thiên Chúa tạo dựng mọi sự từ hư vô, chứ vạn vật không tự nhiên mà có.
  • Thiên Chúa tạo dựng không phải vì cần thiết, mà vì tự nguyện và yêu thương. Nghĩa là, Thiên Chúa không bắt buộc phải dựng nên vũ trụ, nhưng Ngài dựng nên vì lợi ích của vũ trụ chứ không vì Thiên Chúa.
  • Mọi vật được hiện hữu nhờ Thiên Chúa.
  • Mọi sự Ngài dựng nên đều tốt đẹp, vì thế không được tin nhị nguyên thuyết (cho rằng sự ác là sản phẩm của Thiên Chúa). Hơn nữa, nói rằng “mọi sự đều tốt” không có nghĩa là “mọi sự đều hữu dụng theo ý của con người”, mà theo nghiã Thiên Chúa thấy nó “tốt” cho con người. Và “mọi sự tốt” cũng không đồng nghĩa với “hoàn hảo”, vì mọi tạo vật đều hạn chế bởi chính bản năng giới hạn, mỏng dòn của nó trong quá trình tồn tại, phát triển (như đau lưng là một phần căn tính của tuổi già, hay nhăn da là dấu hiệu của trưởng thành…).
  • Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ có mục đích, vì thế những lý luận cho rằng vũ trụ không mục đích hay định hướng là không chấp nhận được.

Kết Luận

Thời gian gần đây, tranh luận về nguồn gốc vũ trụ được chú ý khi khoa học gia lỗi lạc người Anh, Stephen Hawking, tuyên bố là không có Thiên Chúa dựng nên trời đất muôn vật. Với giáo hội Công giáo, những tìm kiếm khoa học giúp con người hiểu biết thêm về nguồn gốc vũ trụ và con người. Trong năm đức tin, chúng ta cần nắm vững giáo huấn của giáo hội để tránh bị lôi kéo bởi lý luận phản đức tin. Hiện nay đang sống trên thế gian, chúng ta tuyên xưng “Một Thiên Chúa toàn năng dựng nên trời đất muôn vật, hữu hình và vô hình”, nhưng chúng ta ngừng hướng về ngày sau hết khi ta được kết hợp với Đấng dựng nên ta, ở đó chúng ta mượn lời sách Khải Huyền để ca tụng Ngài muôn đời: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài xứng đáng lãnh nhận vinh quang, danh dự và uy quyền, vì Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên” (Rev 4:11).

+Lm: Mt. Nguyễn Khắc Hy S.S.


(1) Dân Philistines đã nhiều lần xâm chiếm Israel. Nhóm này hình thành khoảng 1150 B.C., sống dọc theo bớ biển. Họ có kỹ thuật cao, quân sự mạnh (1 Samuel 17:7). Họ đánh bại Israel và chiếm Hòm Bia Giao Ước, phá huỷ trung tâm Shiloh (1 Samuel 4:2, 10). Để đánh lại người Philistines, người Israel bắt buộc phải có tổ chức chặt chẽ, mà hình thức có một vị vua là điều kiện tốt nhất lúc bấy giờ. Xem M. Noth, The History of Israel, 165-168; và Lawrence Boadt, Reading the Old Testament. An Introduction (New York: Paulist Press, 1984) 228; A. R. Ceresko, Introduction to the Old Testament, 128; W.F. Albright, “Tribal Rule and Charismatic Leaders” trong The Biblical Period from Abraham to Ezra (New York: 1968) 35-52.

(2) Cho đến thế kỷ 18, đa số Kitô hữu vẫn đọc và hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen đơn giản, và tìm cách dung hoà những dị biệt tìm ra trong câu chuyện Sáng Thế. Đến năm 1901, Wellhausen để xuất giải thuyết và được nhiều người chấp nhận cho đến ngày nay là bộ Ngũ Kinh (Torah) được thu thập từ bốn nguồn liệu Yavê, Elôhim, Tư Tế, và Thứ Luật. Hai câu chuyện tạo dựng được kể trong sách Sáng Thế đến từ nguồn Yavê và nguồn Tư Tế. Xem chú thích kinh thánh của cha Nguyễn Thế Thuấn, và bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

(3) Theo các nhà chuyên môn, công thức 7 ngày là dựa theo 7 hành tinh mà con người biết được lúc bấy giờ, gồm cả mặt trăng và mặt trời. Tư tưởng này cũng tìm được trong dân tộc ở vùng Babylon khoảng đầu thế kỷ 8 trước công nguyên. Xem David Ewing Duncan, Calendar (New York: Avon Books, 1998) pp. 45-46.

(4) Ngoài hai nguồn liệu trên, sách Giảng Viên (mà kinh thánh người Công Giáo có) cho chúng ta một câu chuyện khác nữa trong đó không có Adam và Eva, không có vườn Eden hay Cây Trường Sinh, sách Huấn Ca (Sir 16:22- 17:18) cung cấp những tài liệu quan trọng để ta hiểu về vai trò Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người với trọng tâm nhắm đến luân lý hơn là trình bày sự hình thành (như cho người khả năng phân biệt Tốt-Xấu (Sirach 17:7).

(5) Với thắc mắc này, năm 1964 Andrew Alexander đã nói đến nguyên nhân của những đối nghịch trong kết luận giữa thần học và khoa học là vì họ không phân biệt được sự khác nhau giữa 2 lãnh vực. Nói cách khác, câu trả lời cho sự đối nghịch này không phải là chối bỏ những khác biệt đến độ nghịch nhau nhưng là công nhận thiếu sót vì đã không phân biệt rõ ràng ranh giới của từng lãnh vực nghiên cứu.

(6) Sách giáo lý đã không chọn trích đoạn nói đến “chỉ có Adam-Eva” là cặp nguyên tổ duy nhất trong tông thư của Đức Piô XII, mà lại chọn trích một đoạn khác trong cùng tông thư nói lên loài người cùng một nguồn gốc trong số 360 như sau: “Thật là kỳ diệu, khi ta nhìn ngắm nhân loại cùng có chung một nguồn gốc nơi Thiên Chúa... ; cùng có chung một bản tính, được cấu tạo như nhau và một thể xác vật chất và một linh hồn thiêng liêng; cùng có chung một mục đích trực tiếp và một sứ mệnh trong thế giới; cùng có chung một nơi cư ngụ là trái đất với những của cải, mà mọi người, do quyền tự nhiên của mình đều có quyền sử dụng để nuôi dưỡng và phát triển sự sống; cùng có chung về một cùng đích siêu nhiên là chính Thiên Chúa, mà tất cả đều phải qui hướng về Người; cùng có chung những phương thế để đạt tới cùng đích đó; cùng có chung ơn cứu độ mà Ðức Ki-tô đã thực hiện cho mọi người (Piô XII “summi pontificatus”; x. NA 1).

(7) Sách Maccabê, viết chừng thế kỷ 2 trước công nguyên, kể câu chuyện một bà mẹ chứng kiến 7 người con bị vua Antiochus giết vì không ăn thịt heo vi phạm luật Môsê. Khi nói chuyện với người con út, bà mẹ nói: “Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết..” (2 Mac 7:28-29). Các nhà kinh thánh tin rằng câu này đồng nghĩa với Ex nihilo thời nay. Tư tướng Ex nihilo này càng rõ rệt từ sau lưu đày Babylon trở về đất hứa. Dĩ nhiên bà mẹ không là người đẻ ra tín lý này, nhưng bà nhắc nhở cho người con điều bà tin, và muốn con trung thành, vâng phục Thiên Chúa.

(8) Triết lý Hi Lạp chung chung hiểu rằng Ông Trời (Thiên Chúa) như một kiến trúc sư sắp xếp trật tự trong vũ trụ hơn là tạo dựng mọi sự từ hư vô –ex nihilo. Với triết Hi Lạp, vật chất/ nguyên liệu (matter) để hình thành vũ trụ đã có từ đời đời, dù từng tạo vật chưa có hình thể (form). Lý luận này thuận lợi trong việc cắt nghĩa sự có mặt của sự dữ trong cuộc sống. Xem cuộc đối thoại (Timaeus) khi Plato nói đến vũ trụ được tạo dựng từ những nguyên liệu đã có sẵn.

(9) Nhị nguyên thuyết (dualism) có nhiều trường phái, nhưng trong bài viết này, ta muốn nói đến nhóm tin rằng trong vũ trụ có hai thế lực đối lập cùng tồn tại song song như: Tốt-Xấu, Ánh Sáng-Bóng Tối. Kitô giáo tin Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đẹp (Gen 1:1), và Thiên Chúa không là tác giả của Sự Ác hay Bóng Tối. Trong khi một nhóm Nhị nguyên thuyết tin là hai thế lực đối lập này song song tồn tại muôn đời, Kitô giáo tin là cuối cùng Thiên Chúa sẽ toàn thắng, và đánh bại mọi Sự Ác hay Bóng Tối.

(10) Xem A. R. Peacocke, Creation and the World Science (Oxford,: Clarendon Press, 1979); John Polkinghorne, Science and Creation: The Search for Understanding (Boston: New Science Library, 1988), 62-63; John F. Haught, God After Darwin: A Theology of Evolution (Boulder, Colo: Westview Press, 2000).

(11) Đây là nhận xét của Ian Barbour trong Religion in an Age of Science, vol. 1 (San Francisco: Harper &Row, 1990) pp. 3-30.

(12) Stephen Hawking là khoa học gia được coi là uyên bác nhất về lý thuyết vũ trụ học hiện đại. Trong cuốn A Brief History of Time – Tóm Tắt Lịch Sử Thời Gian, xuất bản năm 1988, ông không công khai nhưng có chiều hướng công nhận vai trò của đấng Tạo Dựng (Thiên Chúa) trong vũ trụ. Năm 2010, trong cuốn sách Grand Design ông viết chung với khoa học gia Mỹ Leonard Mlodinow, Hawking nói rằng “Thiên Chúa không cần thiết phải có” khi chúng ta nói đến sự hiện hữu của vũ trụ.