Giáo Xứ Thánh Anna, Tacoma WA

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY
(Ga 8, 1-11)

Trong quá trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu bị những người kinh sư và pharisêu ganh ghét, họ luôn tìm cơ hội để trừ khử Người. Về phía Đức Giêsu, Ngài không ngừng bảy tỏ lòng khoan dung và tha thứ. Thật vậy! Thánh Gioan kể rằng: đang khi Đức Giêsu ngồi giảng dạy trong đền thờ thì những người kinh sư và pharisêu dẫn đến trước mặt Ngài một người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Họ hỏi Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?"

Đọc tới đây, ta thấy xuất hiện khung cảnh của một phiên toàn xét xử. Nguyên cáo là những người pharisêu và kinh sư, bị cáo là người đàn bà phạm tội ngoại tình, quan toà là Đức Giêsu. Đây cũng chính là cái bẫy mà những người pharisêu và kinh sư giăng ra. Với cái bẫy này, Đức Giêsu trả lời thế nào cũng giúp họ đạt được mục đích là tìm ra chứng cứ để tố cáo, kết án và loại trừ Người.

Trước câu hỏi của những người kinh sư và pharisêu, nếu Đức Giêsu trả lời là đồng ý cho ném đá người phụ nữ, Ngài sẽ bị họ tố cáo là vi phạm luật của chính quyền La Mã. Vì rằng thời kỳ này đất nước Do Thái đang bị thống trị bởi đế quốc La Mã và quyền định đoạt mạng sống của một người thuộc về chính quyền La Mã. Hơn nữa, nếu đồng ý với việc ném đá người phụ nữ, Đức Giêsu sẽ tự mâu thuẫn với chính những lời giảng dạy về lòng nhân từ, về yêu thương và tha thứ của mình. (Lc 6, 27-42). Như vậy, Đức Giêsu không thể trả lời đồng ý cho ném đá người phụ nữ.

Hơn nữa nếu Ngài không đồng ý cho ném đá người phụ nữ, Ngài là người ủng hộ các hành động vô luân và chống đối lại luật Môisen. (Bộ luật đã được lưu hành trong xã hội từ khoảng năm 1250 trước công nguyên.)

Đức Giêsu đang bị đặt vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, đồng ý cũng không được, không đồng ý cũng không được. Ngài thừa hiểu rằng bề ngoài là việc xử án người phụ nữ phạm tội ngoại tình, nhưng thực chất bên trong lại là án xử dành cho Ngài. Chúng ta thử xem Ngài đã làm cách nào để giải quyết tình trạng này?

Thánh Gioan viết tiếp: Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất, và vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi."

Bằng hành động cúi xuống viết trên đất, Chúa Giêsu có thể dùng hành động này để giúp những người pharisêu và kinh sư hung hăng sám hối. Cùng với câu nói "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Đức Giêsu đã hoá giải cái bẫy do những người muốn tố cáo Ngài giăng ra. Hoá giải bởi lẽ Ngài đã biến những người kinh sư và pharisêu từ vị thế của nguyên cáo, trở thành bị cáo. Ngài đặt họ trong một toà án lương tâm mà quan toà và bị cáo là chính họ. Trước đó ít phút, những người này đinh ninh mình công chính, cậy dựa vào luật để tố cáo người phụ nữ, thì giờ đây họ bị ánh sáng của Luật lương tâm chất vấn họ. Họ đã không dám ném đá người phụ nữ và từ từ rút hết, từ người già nhất, vì họ đã nhận ra mình cũng tội lỗi.

Khi Đức Giêsu ngẩng đầu lên lần nữa, thì chỉ còn mình Ngài và người phụ nữ mà thôi. Nếu trước đó, những người pharisêu và kinh sư gọi người phụ nữ là "hạng đàn bà đó" một cách khinh bỉ, coi chị như một con vật, thì giờ đây Đức Giêsu gọi chị như một con người: "Này chị". Vì thế, mà Ngài đã không kết án người phụ nữ. Hành động này khác hoàn toàn so với mong muốn của những người pharisêu và kinh sư. Họ muốn kết án chị đang khi Đức Giêsu lại muốn cứu sống. Họ nhìn chị với thái độ ghê tởm, bắt nguồn từ việc coi mình là thánh thiện, đang khi Đức Giêsu nhìn chị với lòng bao dung, xuất phát từ tình yêu thương. Ngài tha thứ, giải thoát vĩnh viễn cho người phụ nữ vì Ngài được sai đến thế gian không phải để kết án mà là để cứu chữa. Đây cũng là một bài học yêu thương dành cho những người pharisêu và kinh sư.

Trong ngày chúa nhật thứ năm mùa chay này, trái ngược với những người kinh sư và pharisêu giăng bẫy Đức Giêsu và kết án người phụ nữ; chúng ta được mời gọi sống tình yêu thương và khoan dung, không nên kết án người khác, vì chính chúng ta cũng là những người tội lỗi được Thiên Chúa tha thứ.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho ta ý thức được thân phận yếu đuối và tội lỗi của mình, để dễ dàng cảm thông với những yếu đuối của những người khác. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta thay vì kết án người khác, thì hãy lấy tình yêu thương mà đối xử với họ để thế giới này luôn được sống trong hoà bình và tình yêu của Thiên Chúa.

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Châu CSsR /gpquinhon.net