Mục Vụ cho Người Suy Trí Năng


Khái Quát

Chứng suy trí năng - Dementia / Démence (1) là một thuật ngữ chung dùng chỉ sự suy giảm khả năng của trí tuệ, làm ảnh hưởng đến việc sinh hoạt hàng ngày. Chứng suy trí năng có nhiều loại. Suy trí năng loại Alzheimer là loại phổ biến nhất. (2)  Nó chiếm 60 đến 80% trường hợp người mắc chứng suy trí năng.  Mất trí còn có thể xảy ra ở một số người bị đột quỵ, mắc bệnh Parkinson’s, Huntington’s, bị trầm cảm, hay có vấn đề về tuyến giáp và thiếu hụt vitamin ... Nhiều người nghĩ rằng chứng suy trí năng liên quan đến vấn đề lão hóa, nhưng thật ra không phải vậy.

Trong giai đoạn đầu, triệu chứng phổ biến nhất là hay quên việc vừa xảy ra. Kế tiếp, người bị chứng suy trí năng càng ngày càng nhầm lẫn, thay đổi tâm trạng, tỏ ra khó chịu, mất khả năng phân tích và giao tiếp, mất trí nhớ dài hạn, suy giảm các giác quan, suy giảm trong khả năng lý luận và phán đoán, suy giảm trong cách dùng ngôn ngữ, và suy giảm trong khả năng chú ý và tập trung.  Dần dần, cơ thể sẽ mất đi một số chức năng, cuối cùng dẫn đến cái chết. Phần lớn người bị suy trí năng không thể  cứu chữa. Theo Wikipedia, trên thế giới có khoảng 5% người từ 65 tới 85 tuổi và từ 20% - 40 % số người từ 85 tuổi trở lên bị chứng suy trí năng. (3)

Việc giúp người mất trí sống đạo đã từ lâu là mối quan tâm của Giáo Hội. Người suy trí năng khi tới giai đoạn không còn làm chủ việc tiểu tiện, họ cần người giúp 24 tiếng một ngày. Vì thế, gia đình trở nên người chăm sóc chính. Trong nhiều trường hợp, gia đình phải thuê người để phụ việc trông coi hay phải gửi người bệnh vào nhà dưỡng lão. Việc chăm sóc người mắc chứng suy trí năng này tốn nhiều tiền của, thời gian và đòi hỏi tình thương và sự kiên nhẫn. Vì thế, Giáo hội không những phải làm mục vụ cho người bệnh mà còn cho gia đình người bệnh nữa.

Sau đây là một chuyện thật về một người có đạo bị chứng suy trí năng: Ông A. là một ông trùm trong giáo xứ đã lâu. Ông nổi tiếng là người tốt lành. Ông dự lễ hằng ngày, làm việc phúc đức hăng say, và nói năng rất thanh lịch. Ngày qua ngày, gia đình ông bắt đầu than phiền là dạo này ông hay quên quá, nhất là quên chìa khóa xe, chìa khóa nhà. Từ từ, tâm tính ông thay đổi, ông trở nên hay cau có, nổi giận vì những chuyện rất nhỏ. Ông nghi kỵ nhà hàng xóm đi nói xấu sau lưng ông. Ông bắt đầu chửi bới, văng tục, và nói những chuyện mà người khác phải bịt tai không dám nghe. Cả gia đình ông thấy xấu hổ lắm vì ông. Những năm sau đó, ông không còn đi đứng được nữa và phải ngồi xe lăn. Làm gì cũng phải có người giúp, ngay cả chuyện ăn uống... Nếu không có người nhắc, ông chẳng biết làm sao đánh răng mỗi buổi sáng.  Gia đình ông thật khốn khổ vì phải săn sóc cho ông cả ngày lẫn đêm. Cha xứ kiệu Mình Thánh đến cho ông, lúc đầu ông còn rước, nhưng sau cứ lắc đầu, không muốn rước nữa.  Cuối cùng, ông ra đi sau mấy tuần chiến đấu với bệnh sưng phổi. Cả gia đình tuy buồn, nhưng tạ ơn Chúa đã cất ông đi, và họ cảm thấy như vừa trút được một gánh nặng.
 
Mục Vụ qua việc ban phát Bí Tích
 
Giáo hội đã từ lâu chú tâm vào việc chăm sóc người già cả về vật chất lẫn tinh thần qua những tổ chức bác ái và công tác mục vụ (4). Giáo hội kêu gọi đưa người khuyết tật hội nhập vào đời sống chung của Giáo hội, đặc biệt qua việc giúp họ lãnh nhận các bí tích. (5).  Như chúng ta đã biết, bộ ba Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể hợp thành “ba bí tích khai tâm Kitô giáo”, còn bộ ba Giải Tội, Xức Dầu bệnh nhân và Thánh Thể hợp thành “các bí tích chuẩn bị về Quê trời”.

 
  1. Bí tích Thánh Thể.
Đây là bí tích rất quan trọng trong đời sống một Kitô hữu, nhất là đối với các người già. Họ đã quen với việc tham dự thánh lễ và rước Thánh Thể, mà qua đó họ đón nhận lương thực dưỡng nuôi cuộc sống siêu nhiên. Vì thế, ngay cả khi trí nhớ rước lễ của họ đã suy giảm, tình cảm của họ với Thánh Thể vẫn còn dạt dào và dấu ấn của Thánh Lễ vẫn còn in nét trong tiềm thức của họ. Cộng đoàn hãy tìm cách hỗ trợ để giúp gia đình đưa người mất trí đến tham dự thánh lễ, nếu như điều này không gây trở ngại quá lớn cho họ và người chung quanh.

Riêng về việc rước lễ, ngoài việc sửa soạn thân xác và tâm hồn như giáo luật dạy, bao lâu người bệnh còn hiểu và nhận ra được mẩu bánh và rượu họ tiếp nhận chính là Mình MáuThánh Chúa Kitô thì bấy lâu họ vẫn còn có thế rước lễ.(GL điều 913) Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã hướng dẫn rằng, người khuyết tật, ở đây là người bị suy trí năng, sẽ tiếp tục được rước lễ bao lâu họ có thể phân biệt được Mình Máu Chúa với thức ăn thông thường đôi khi chỉ bằng cử chỉ, cung cách, hay một sự im lặng tôn kính thay cho lời nói. Trong trường hợp nghi ngờ không biết người suy trí năng còn khả năng rước lễ không, cha sở nên hội ý với những người chuyên môn. Sau đó, nếu không thể đưa ra một kết luận, giáo hội khuyến khích chúng ta nên bênh vực quyền của người được rửa tội là được rước lễ.  Thế nhưng, các thừa tác viên Thánh Thể không nên cho một người rước lễ khi người ấy kể như hoàn toàn mất trí hay khi người ấy có hành động nhả hay phun Mình Thánh ra.

Trong trường hợp có người không thể tham dự thánh lễ và rước lễ được nữa thì linh mục hay những thừa tác viên hãy giúp họ đọc kinh cầu nguyện cách ngắn gọn.  Đã có những bằng chứng cho thấy lời kinh giúp nâng tâm hồn người suy trí năng và kết quả là, họ thật sự cảm thấy được ủi an và bình an vì họ biết Chúa cùng đồng hành với họ. Trong giai đoạn cuối của người bị chứng suy trí năng, họ thường lẫn lộn, tưởng như mình đang sống thời còn trẻ. 

 
  1. Bí tích Xức Dầu
Bí tích Xức Dầu là ơn nâng đỡ bệnh nhân và người già yếu về phần hồn cũng như phần xác. Bằng việc linh mục đặt tay, xức dầu thánh và cầu nguyện, Hội Thánh phó thác các bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển để Người an ủi và cứu độ họ. Nhờ bí tích Xức Dầu, người bệnh được thêm mạnh mẽ, bình an, và can đảm để vượt qua những khó khăn phát sinh bởi bệnh tật và tuổi già, cũng như sửa soạn tâm hồn để về với Chúa.

Theo Giáo luật và Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân, mọi tín hữu khi đã biết sử dụng trí khôn gặp bệnh nặng hay già yếu đều có thể xin lãnh bí tích xức dầu bệnh nhân. Bí tích này có thể lặp lại khi bệnh nhân bình phục rồi ngã bệnh lại, hay trong cùng một cơn bệnh kéo dài mà tình trạng trở nên trầm trọng hơn (Gl 1004; Xd 8-9). Khi già cả đau yếu, thì dù không bệnh nặng, vẫn có thể xin lãnh bí tích xức dầu (Xd 11). Bí tích xức dầu được ban cả cho những bệnh nhân bất tỉnh hay mất trí, miễn là khi còn tỉnh, họ có ý định xin lãnh bí tích này ít là cách mặc nhiên (Gl1006; Xd 14). Bởi thế, gia đình hay người có trách nhiệm hãy lo sao cho người suy trí năng được xức dầu sớm, không chờ cho tới khi người bệnh sắp qua đời mới đi mời Cha tới. 

 
  1. Bí Tích Hoà Giải
Bí tích Hòa Giải “là dấu chỉ Chúa Giêsu đã lập để tha các tội ta đã phạm cùng giao hòa ta với Thiên Chúa và mọi người”.  Để xưng tội, người lãnh nhận bí tích phải biết tội mình đã phạm và thật lòng ăn năn. Bởi thế, chúng ta nên khuyến khích những người mắc chứng suy trí năng ở giai đoạn đầu sớm đi xưng tội. Một khi bệnh chứng của họ trở nên trầm trọng, dầu họ có làm những chuyện “tội” như chửi bới, đánh người v.v.. thì họ cũng không kể là phạm tội vì họ đâu còn làm chủ được mình, họ đâu còn biết việc mình làm. Các linh mục cũng nên tạo cơ hội để họ được xưng tội một cách dễ dàng.
 
Mục vụ qua việc thăm viếng, đọc kinh tại gia

Người bị suy trí năng thường cảm thấy rối rắm, lộn xộn, và chênh vênh  trong một thế giới nửa quen nửa lạ mà họ không còn khả năng kiểm soát. Vì vậy, một số người dễ trở nên cáu gắt, và một số người lại buông xuôi, không còn ham sống nữa. Trong tình cảnh này, những lời kinh quen thuộc được lặp đi lặp lại và những nghi thức phụng vụ mang lại sự bình an trong tâm hồn họ. Họ cảm thấy như được trở về cuộc sống xưa cũ với gia đình, bạn bè và cộng đoàn thân quen. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng,  những hoạt động tôn giáo mang nhiều lợi ích cho những người suy trí năng.

Một trong những việc mục vụ cần làm là thăm viếng người suy trí năng tại nhà của họ hay tại nơi họ đang sinh sống. Họ cần sự nâng đỡ của cộng đoàn cho nhu cầu thiêng liêng của họ. Các thừa tác viên đi thăm viếng nên là những người đã quen biết trước đây và nên có một chương trình cố định cho cuộc thăm viếng. Hãy chú ý đến những điều sau:

 
  • Giới hạn thời gian đọc kinh hay rước lễ trong khoảng từ 10 đến 20 phút.
  • Tìm những bài hát hay kinh quen thuộc với người bệnh.
  • Chọn những bài đọc Thánh Kinh ngắn, dễ hiểu, có ý nghĩa cảm thông, an ủi, yêu thương.
  • Tuỳ theo mức độ suy trí năng của người bệnh mà thừa tác viên khuyến khích họ tham dự.
  • Phần rước Mình Máu Chúa là đỉnh cao của phần nghi thức. Sau khi rước lễ, thừa tác viên nên làm mẫu trong việc cầu nguyện với tâm tình tạ ơn yêu mến để người bệnh có thể lập lại hay để giúp họ cầu nguyện.
  • Nên dùng những phương tiện có sẵn để kích thích các giác quan của người bệnh, chắc hạn nến cháy, hương trầm, tư thế nắm tay nhau khi đọc kinh Lạy Cha, v.v..
  • Luôn mời gọi tất cả mọi người trong gia đình cùng tham dự phần nghi thức. Gia đình nào có người bị suy trí năng thường cảm thấy mệt nhoài và kiệt lực sau những ngày tháng dài săn sóc người bệnh. Họ cũng là những người cần được nâng đỡ cảm thông. 
Kỹ Năng Giao Tiếp

Đời sống thiêng liêng của người mắc chứng trí suy vẫn tồn tại nếu được nuôi dưỡng và chăm sóc đúng cách bởi gia đình, cộng đoàn và cách riêng là bởi những chủ chăn. Người ta thường thấy một sự đảo chiều của trí năng nơi người suy trí. Nếu trí năng không ngừng phát triển nơi các trẻ em khi lớn lên, thì nó lại suy giảm dần nơi những người suy trí. Tuy nhiên, dù trí năng giảm, nhưng họ vẫn còn muốn người khác tôn trọng phẩm cách, khoảng cách an toàn và sự riêng tư của họ. Chỉ khi nào, họ bắt đầu mù mờ về chính bản thân họ, lúc đó, những đòi hỏi trên mới phai nhạt. Cũng nên nhớ rằng, đa phần những người suy trí năng là những người già, nên thêm vào cho tính hay quên, người suy trí năng cũng có thể bị suy thị giác, hay suy thính giác. Điều cần nhấn mạnh ở đây là người suy trí có một nhận thức hỗn độn về thời gian và không gian họ đang sống. Nhiều lúc họ tưởng rằng họ còn trẻ lắm, hay đang ở một nơi mà trước đây hàng chục năm họ đã ở. Cũng có người, nhìn đứa con trai của mình mà cứ tưởng là chồng mình.  Có khi họ thật bối rối để phân biệt giữa thực hư, xưa nay, cũ mới. Họ cảm thấy không còn làm chủ được mình và không còn kiểm soát được môi trường xung quanh. Kết quả là lời nói và cách hành xử của họ không còn như xưa nữa, và lắm khi trở thành bất thường cũng như bất khả tiên liệu. Bởi thế những thừa tác viên nên chú ý những kỹ thuật sau khi giao tiếp với người suy trí:

• Giới thiệu tên của khách đến thăm  trước
• Gọi tên người suy trí bằng tên họ thích
• Tiếp cận họ từ phía trước.
• Hạ người xuống để cùng tầm mắt khi nói chuyện với họ
• Nói chậm rãi, bình tĩnh, và sử dụng từ hay câu ngắn, đơn giản
• Cho phép đủ thời gian để họ có thể trả lời
• Chú trọng đến cảm xúc của họ, đừng để ý nhiều đến sự thật khi nói chuyện với họ
• Hãy dùng giọng nói êm ái, an ủi
• Hãy kiên nhẫn, linh hoạt và sự thông cảm
• Tránh ngắt lời họ, vì làm thế có thể khiến sự suy nghĩ của họ bị khựng lại
• Cho phép họ ngắt lời bạn, và đừng chấp nếu họ có quên những gì họ muốn nói
• Tránh những hoạt động làm chia trí khi nói chuyện (ví dụ: tắt radio đi hoặc di chuyển đến một nơi yên tĩnh)
• Sử dụng cách giao tiếp hay đối thoại bằng cử chỉ, điệu bộ, chữ viết.
 
Mục Vụ Cho Gia Đình Người Suy Trí Năng

Cứ thử tưởng tượng gia đình phải lo cho một người già bị suy trí cả ngày lẫn đêm thì biết họ bận rộn biết bao. Chẳng sớm thì muộn gia đình đó cũng sẽ cảm thấy mệt nhoài và … quá tải. Như một cộng đoàn sống Tin Mừng và trong tình huynh đệ “lá lành đùm lá rách”,  mỗi giáo xứ nên có những nhóm bác ái để thăm viếng, an ủi và nâng đỡ bằng những chương trình thiết thực và có hiệu quả.  Có thể là:

 
  • Giúp đưa đón người bệnh tới nhà thờ
  • Giúp trông coi họ tại nhà để các thành viên gia đình có thể đi dự lễ hay đi chợ….
  • Thăm viếng gia đình, cho rước lễ, đọc kinh tại nhà
  • Gọi điện thoại thăm hỏi thường xuyên
 
Sứ Mạng Của Giáo Hội

Trong văn kiện “Phẩm Giá của Người Già”, Giáo hội kêu gọi các giáo xứ cung cấp mục vụ cho người già bằng cách cổ vũ những việc làm thiện nguyện giúp người già, cung ứng những hoạt động văn hóa và những thực hành đạo đức. Việc giúp người già được thường xuyên rước lễ được khuyến khích vì bí tích Thánh Thể là thực phẩm thiêng liêng nuôi dưỡng phần hồn. Thật thế, Thánh Thể là dấu chỉ của tình Cha đối với con, mang lại niềm an ủi và hy vọng cho người ở tuổi già, khi họ phải chịu đựng những cơn đau của tật bệnh,  lắm khi làm họ bị chao đảo, chìm mình trong sầu muộn và nỗi thất vọng.(4)

Giáo hội từ rất lâu đã tận tụy phục vụ người già yếu bệnh tật qua những sáng kiến và những hoạt động năng nổ không ngừng nghỉ của các dòng tu và các tổ chức thuộc Giáo Hội. Việc làm đó không chỉ ở quy mô lớn như các bệnh viện, nhà dưỡng lão… nhưng còn ở quy mô nhỏ hơn, giữa người với người.  Ngày nay, mỗi giáo xứ được định nghĩa như là “gia đình của các gia đình” và vì thế những hoạt động sống đạo nay có tính xóm làng gần gũi hơn. Cũng vì thế cái triết lý tiềm tàng trong văn hóa Việt Nam “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” hay là “lá lành đùm lá rách” đã trở nên sáng rõ. Việc yêu thương giúp đỡ nhau không còn là trách nhiệm của một vài người nhưng nay là của làng xóm của cả cộng đoàn, đặc biệt là trong việc giúp đỡ người già yếu.
 

Luke Khổng Kim Quang, USA



-----------------------------
  1. Còn gọi là chứng mất trí, lẫn, hay sa sút trí tuệ như được dùng trong Tự Điển Bách Khoa Y Học Anh Việt của Giáo sư Ngô Gia Hy, NXB Y Học, 2005.
  2. http://www.alz.org/
  3. http://en.wikipedia.org/wiki/Dementia
  4. The Dignity of Older People and their Mission in the Church and in the World, Pontifical Council for the Laity (1998)
  5. Guidelines for the Celebration of the Sacraments with Persons with Disabilities, USCCB (1995)
  6. Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân