7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
(253) 475-6335

PHỤ TRƯƠNG CN 13-10-2013

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ

MỘT SỐ THỰC HÀNH GÂY ÁI NGẠI

Có những nhà truyền giáo cho rằng việc thờ cúng Ông Bà là một tôn giáo nhưng lại có những nhà truyền giáo khác khẳng định rằng người Việt không bao giờ xem tổ tiên của họ là "những vị thần", cũng không bao giờ xem cha mẹ họ là "những vị thần tương lai" (Chỉ một số nhỏ tiền hiền ở các địa phương được các triều vua phong thần làm "thành hoàng" của làng xã, với cái nhìn tương tự như các thánh bổn mạng trong Kitô giáo chứ không phải là những vị thần đúng nghĩa). Đã đành là có bàn thờ dành cho Tổ tiên và Tổ tiên là đối tượng của một sự phụng tự nhưng phụng tự này chẳng là gì khác hơn một phụng tự tưởng nhớ, khác với sự thờ Trời. Do đó có thể kết luận ngay rằng sự thờ cúng tổ tiên không phải là một tôn giáo theo nghĩa đen của từ này (Chúng ta vẫn thường được nghe trả lời như sau: "Chúng tôi chỉ thờ cúng ông bà chứ không theo đạo nào cả."). Hơn nữa, khi truyền bá sự thờ cúng này, người xưa (cụ thể như Đức Khổng Tử) nhắm thiết lập những mối liên hệ xác thực giữa những người sống và những người chết, củng cố sự liên đới giữa các thế hệ và phát huy kỷ luật xã hội, tức là chỉ vì những mục tiêu xã hội và chính trị chứ không hề có ý tưởng tôn giáo nào.

Ta cứ giả thiết như việc thờ cúng này bắt đầu có ý nghĩa từ khi có loài người, sẽ thấy sự khác biệt giữa hai chữ "thờ" ấy. Con cháu thờ ông bà, thế hệ sau thờ thế hệ trước. Còn người đầu tiên của loài người thờ ai? Dĩ nhiên họ chỉ thờ Thiên Chúa. Hai chữ thờ đó khác nhau trời vực. Thờ Thiên Chúa là tâm tình của thụ tạo lệ thuộc Tạo Hoá, tùng phục Ngài một cách tuyệt đối và yêu mến Ngài với trọn tình con. Còn thờ tổ tiên là tưởng nhớ người xưa và cố gắng không làm ô danh người xưa. Thế nhưng trong thực tế, đối với nhiều người, các nghi lễ dành cho tổ tiên cũng dần dần mang thêm một ý nghĩa tôn giáo. Người ta đi đến chỗ thờ tổ tiên như thần thánh, và có khi dành cho tổ tiên một tâm tình thờ phượng tuyệt đối như thờ phượng Thiên Chúa. Chính đây là điều không thể nào đi đôi với giáo lý Kitô giáo. Chỉ có một Thiên Chúa độc nhất và chân thật. Không thể thờ bất cứ thụ tạo nào như Thiên Chúa được. Nghi lễ thờ cúng ông bà ở các thế kỷ trước quả thật có bị lây nhiễm một số tin tưởng sai lạc đáng ngại. Chẳng hạn, tin rằng hồn ông bà về hưởng của cúng. Người ta sợ rằng không cúng tế thì hồn người chết sẽ đói khát, không đốt vàng mã thì hồn người chết không có tiền tiêu. Những tin tưởng sai lạc như thế cũng không thể đi đôi với giáo lý Kitô giáo. Ngoài ra còn có những mê tín khác.

Các nhà truyền giáo đã tranh luận hết sức nghiêm túc qua nhiều năm, một bên cho rằng những sai lạc trên đây có thể điều chỉnh được, một bên cho là khó lòng thay đổi được não trạng của dân chúng. Cuối cùng, để bảo đảm cho niềm tin của tín hữu được tinh ròng, Giáo Hội đã quyết định rằng người Công Giáo chỉ được tôn kính tổ tiên theo cách Giáo Hội quen làm, chứ không được thờ cúng theo hình thức cổ truyền địa phương. Giáo Hội biết đây là một chọn lựa phải trả giá đắt, rất bất lợi cho công cuộc truyền giáo. Trước khi có quyết định ấy, số người hưởng ứng Đạo Chúa tại Việt Nam càng lúc càng đông, cả đến trong triều đình vua Lê cũng có nhiều người theo Đạo. Việc cấm thờ cúng tổ tiên theo lối cũ đã khiến người ta tẩy chay tôn giáo mới, thậm chí đã thành một trong những lý do biện minh cho các cuộc bách hại của nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn và chiến dịch Văn Thân. Đã hẳn việc cấm thờ cúng nói đây có phần do ngộ nhận nhưng dù sao nó cũng cho thấy đức tin Kitô giáo phải là một chọn lựa quyết liệt đến mức nào.

QUAN ĐIỂM MỚI CỦA TÒA THÁNH

Mãi đến thế kỷ 20, khi Đạo Hiếu không còn bị ngộ nhận là một tôn giáo và những tin tưởng sai lạc cũng không còn phải là chuyện chung của quảng đại quần chúng, năm 1964, Toà Thánh đã chấp thuận cho người Công Giáo Việt Nam được thờ cúng ông bà theo lối xưa. Ngày 14-6-1965, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ra thông cáo chính thức về vấn đề này. Sau phần đầu nhắc lại mấy nguyên tắc về thái độ của Giáo Hội đối với nền văn hoá và truyền thống của dân tộc, bản thông cáo nói đến thể thức áp dụng Huấn thị "Plane compertum est" đã được Toà Thánh đã đề ra cho Giáo hội tại Trung Hoa năm 1938. Nguyên văn:

  • Nhiều hành vi, cử chỉ xưa, tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình tập quá đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao ấy, Giáo Hội Công Giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng các cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ, và tuỳ theo trường hợp.
    Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính, hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng đèn hoa, tổ chức ngày kỵ giỗ) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.
  • Trái lại, vì có nghĩa vụ bảo vệ cho đức tin công giáo được tinh tuyền, Giáo Hội không thể chấp thuận cho người tín hữu có những hành vi, cử chỉ hoặc tự nó hoặc do hoàn cảnh, có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy.
    Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý công giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng tùng phục và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo như là đối với Thiên Chúa) hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự (của các tôn giáo khác)... thì giáo hữu không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động, như đã ấn định trong giáo luật khoản 1258.
  • Đối với những việc mà không rõ là thế tục hay tôn giáo thì phải dựa theo nguyên tắc này, là nếu những hành vi đó, theo dư luận dân chúng địa phương không coi như sự tuyên xưng tín ngưỡng của một tôn giáo (ngoài Kitô giáo) mà chỉ biểu lộ một tâm tình tự nhiên, thì được coi như không trái với đức tin, nên được thi hành và tham dự.
    Trong trường hợp chưa hết nghi nan, thì có thể hành động theo tiếng lương tâm lúc ấy: nếu cần thì phải giải thích chủ ý của mình một cách thật khéo léo, hợp cảnh, hợp thời. Sự tham dự cũng chỉ được có tính cách thụ động.
    Đó là những nguyên tắc chung, giáo hữu cần phải dựa vào mà xét đoán theo lương tâm và hoàn cảnh. Trong trường hợp hồ nghi, mọi người liên hệ không được theo ý riêng mình, mà sẽ phán đoán theo chỉ thị của Toà Thánh, và sẽ bàn hỏi với các giáo sĩ thành thạo.
    Yêu cầu quý cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận thông cáo này không những trong những nhà thờ mà cả mỗi khi có dịp, không những cho anh em giáo hữu mà cả cho người ngoài công giáo.

Lm TRĂNG THẬP TỰ VÕ TÁ KHÁNH

* Xin đón đọc phần tiếp theo vào các Chúa Nhật tới

Kinh Cầu Cho Gia Đình

Lạy Chúa là Cha toàn năng, ngay từ sáng thế, Cha đã tạo lập gia đình để trở thành tổ ấm cho tình thương và sự sống phát triển. Rồi khi Con Cha xuống thế làm người, chuộc tội cho nhân loại, Người đã muốn được sinh ra, nuôi dưỡng và xuất thân từ một gia đình, để thánh hóa và nêu gương cho các gia đình chúng con. Xin cho gia đình chúng con biết luôn sống yêu thương thuận hòa, theo tinh thần Phúc Âm.

Biết lắng nghe, thông cảm và kính trọng nhau khi vui cùng như lúc buồn.

Biết nhẫn nhục và hòa giải, khi tính tình và cách cư sử khác nhau.

Biết chung thủy và hiếu nghĩa vơí nhau trong cuộc sống gia đình.

Biết lấy gương lành mà dưỡng dục con cái, và làm chứng nhân cho Chúa giữa cuộc sống hằng ngày.

Lạy Chúa, đời chúng con gặp nhiều gian nan thư thách, xin giúp chúng con biết kiên tâm chịu đựng, và can đảm vượt qua. Gia đình chúng con trẻ già khác biệt, xin giúp chúng con biết quảng đại thứ tha, để chúng con luôn sống an vui trên thuận dưới hòa, và cùng nhau xây dựng Giáo Hội Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.