7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Công Nhận Có Phép Lạ, Đức Giáo Hoàng Mở Đường Phong Chân Phước Cho Gioan Phaolo I



Recognizing miracle, pope clears way for beatification of John Paul I

 

Không ai là không biết triều đại huy hoàng của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, nhưng mấy ai biết đến Giáo Hoàng Gioan Phaolo I là ai. Một bài báo của Carol Glatz/CNS ngày 13 tháng 10, được đăng lại trên báo điện tử Northwest Catholic của Tổng Giáo Phận Seattle, cung cấp thông tin nên biết về một vị giáo hoàng chỉ trị vì có 33 ngày, cách đây chỉ có hơn 40  năm. Bài này khá dài, chúng tôi chỉ trích dịch phần nói về vị giáo hoàng này mà thôi.

 

 

VATICAN CITY – Đức Giáo Hoàng Phanxico đã ký một sắc lệnh công nhận một phép lạ được cho là của Giáo Hoàng Gioan Phaolo I, mở đường cho ngài được phong chân phước.

 

Vị giáo hoàng người Ý này chỉ phục vụ có 33 ngày trên cương vì giáo hoàng. Ngài chết tại dinh cơ của giáo hoàng ngày  28 tháng 9, 1978, vào tuổi 65, làm sửng sốt cả thế giới và một giáo hội vừa mới phải chịu tang Đức Giáo Hoàng Phaolo  VI.

 

Vatican đã loan báo sắc lệnh này của Đức Giáo Hoàng Phanxico, cùng với một số sắc lệnh khác liên quan đến việc phong thánh, vào ngày 13 tháng Mười.

 

Trong cuộc điều tra phong thánh cho Giáo Hoàng Gioan Phaolo I, phép lạ được công nhận liên quan đến một cô bé ở thành Buenos Aires, nước Achentina, miền nam Châu Mỹ. em đã bị một chứng bệnh viêm não cấp tính trầm trọng, với những cơn kinh phong não, không thể kiểm soát và đe dọa tính mệnh, và sau cùng chuyển thành sốc nhiễm trùng  (septic shock).

 

Sau khi các bác sĩ nói với gia đình  em sắp chết tới nơi, cha sở địa phương khuyến khích gia đinh, nhân viên điều dưỡng và nhiều người khác cầu xin vị giáo hoàng quá cố cầu bầu cho, theo trang mạng của Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh cho biết. Một tn chuyên gia nghiên cứu vụ việc đã khẳng quyết không có cách nào để giải thích theo khoa học sự bình phục hòan tòan của người này vào năm 2011 và sự bình phục này được cho là nhờ lời bầu cử của vị giáo hoàng quá cố.

 

Vatican không loan báo ngay lễ phong chân phước là ngày nào.

 

Mặc dù triều đại giáo hoàng của ngài là một trong những triều  đại ngắn nhất trong lịch sử, Giáo Hoàng Gioan Phaolo I đã để lại một ấn tượng lâu dài trong Giáo Hội, một hoài niệm thân thương về “một vị giáo hoàng tươi cười”.

 

Phương châm giáo hoàng của ngài là Humilitas (Khiêm Nhường), không những để nhấn mạnh một nhân đức của đạo Chúa, nhưng còn phản ảnh nhân cách thực tế và buổi đầu đời khiêm hạ của ngài.

 

Được đặt tên là Albino Luciani khi sinh ra đời trong một tỉnh nhỏ miền núi của vùng Canale D’Agordo ngày 17 tháng 10, 1912, vị giáo hoàng tương lai, với hai người anh em trai và một chị gái sống trong cảnh nghèo và đôi khi phải đi ngủ với bụng đói. Bất kể sức khỏe kém và nghèo khó, cha của ngài đã khuyến khích ngài vào học một tiểu chủng viện. Ngài làm theo, nhưng thường trở về quê vào những mùa hè và người ta thường thấy ngài làm ruộng trong áo chùng thâm.

 

Ngài được thụ phong linh mục năm 1935 và được chỉ định làm giám mục của Vittorio Veneto, năm 1958 bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII. Hơn mười năm sau, ngài được chỉ định làm giáo chủ thành Venice bởi Giáo Hoàng Phaolo VI và được phong chức hồng y năm 1973.

 

Trong thời gian làm Giáo Chủ thành Venice, lúc đó là Hồng Y Luciano, ngài nổi tiếng về lòng tận tụy với người nghèo và người tàn phế. Một ngày kia, ngài kêu gọi các linh mục trong giáo phận bán các đồ vàng bạc để cho một trung tâm giúp những người tật nguyền. Để nêu gương, ngài mở đầu cuộc vận động gây quỹ bằng cách đem bán đấu giá một ảnh thánh giá đeo trước ngực và dây chuyền vàng, ngày xưa thuộc về Đức Giáo Hoàng Pio XII, và về sau được Giáo Hoàng Gioan XXIII tặng cho ngài.

 

Bất ngờ được bầu làm giáo hoàng, sau khi Thánh Giáo Hoàng Phaolo VI qua đời, ngài không từ bỏ nếp sống khiêm nhường, như khi từ chối đội mũ ba tầng cổ truyền của giáo hoàng, và gọi Thánh Lễ đầu tiên làm giáo hoàng của ngài là lễ mở đầu mục vụ giáo hoàng của ngài, thay vì lễ lên ngôi.

 

“Chúng ta hãy làm cho giáo hội tốt hơn bằng cách chính chúng ta trở nên người tốt hơn,” ngài nói thế ngày 13 tháng 9, 1978. “Mỗi người chúng ta và tn giáo hội có thể đọc lời nguyện mà tôi quen đọc: ‘ Lạy Chúa, con là người thế nào xin Chúa nhận cho như vậy, với tất cả mọi lỗi lầm, mọi khiếm khuyết, nhưng hãy làm cho con trở nên người như Chúa muốn.”

 

Vũ Vượng dịch