7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

TA CÓ THỂ LÀM GÌ TRONG HOÀN CẢNH CHÍNH TRỊ ĐỐI NGHỊCH CỦA CHÚNG TA?

Photo: Shutterstock


What can I do about our polarized politics?


Bài của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong Northwest Catholic số tháng 7 và 8, 2019, nói về nghĩa vụ của người Công Giáo sống trong hoàn cảnh chính trị đối nghịch tại Hoa Kỳ, một vấn đề quan trọng nhưng ít người quan tâm.


 

HỎI: Con cảm thấy điên đầu vì tình trạng chính trị trong nước. Là người Công Giáo, con phải làm gì?

 

ĐÁP: Chỉ có một lời an ủi là: không phải chỉ có một mình ông như vậy đâu! Tôi muốn nói đến không những nhiều người ở Hoa Kỳ đang có cùng tâm trạng như ông, mà cả những người có đức tin khắp thế giới và vô số những Kitô hữu suốt chiều dài lịch sử. Ngay cả Chúa Giêsu cũng phải chịu đau khổ và chết trong một hoàn cảnh nghi kỵ tôn giáo và chính trị hiểm độc.

 


Nền văn hoá phân hoá về chính trị của chúng ta là một lời nhắc nhở khẩn thiết về nghĩa vụ của chúng ta phải làm cho ánh sáng Chúa Kitô rạng rỡ nơi chúng ta vì ơn cứu độ của thế giới.

 


Những Kitô hữu đầu tiên bị bách hại bởi những nhà lãnh đạo Do Thái  cũng như những những nhà cầm quyền đế quốc La Mã. Stephanô, vị tử đạo đầu tiên, đã bị ném đá  tại Jerusalem vì làm chứng về Chúa Giêsu Kitô. Phêrô và Phaolô bị hành quyết trong phần đầu của làn sóng bách hại Kitô hữu đầu tiên của hoàng đế Nero, sau đó có thêm nhiều đợt bách hại khác trong 300 năm kế tiếp.

 


Ở giữa một môi trường thù ghét như thế, Thánh Phaolô đã dạy các tín hữu cầu cho những kẻ nắm chính quyền để cho các Kitô hữu được sống trong đức tin và tự do đích thực (Timothy 2:1-2), do đó phản ứng đầu tiên của các Kitô hữu là cầu nguyện khi  phải đối phó với bất cứ trường hợp nào, khi người ta tìm cách ngăn cản, răn đe hay chống lại không cho họ sống đức tin của mình. Trong những trường hợp nhà cầm quyền cưỡng bức các Kitô hữu phải hành động trái với đức tin, ta phải nhớ lời Thánh Phêrô: “Chúng ta phải vâng lời Chúa hơn là người ta.” (Tông Đồ Công Vụ 5:29)

 


Các Kitô hữu thời sơ khai cầu nguyện liên lỉ và hành động để biến cải thế giới. Những người bảo vệ đức tin như Phaolô, Justin Martyr (tử đạo) và Tertullium đề đạt đức tin Thiên Chúa Giáo cho các nhà chức trách thế quyền bằng cách xử dụng ngôn ngữ quen thuộc của triết học Hy-La (Hy Lạp-Lamã) và những lý luận dựa vào luật tự nhiên và lợi ích chung. Họ đẩy mạnh rao giảng Phúc Âm bằng những nỗ lực biến đổi tâm trí của các nhà lãnh đạo chính quyền để những người này biết đón nhận chân lý của sứ điệp Chúa Kitô và tôn trọng quyền của các Kitô hữu.

 


Những kinh nghiệm của các tông đồ đầu tiên này vẫn tiếp tục trong thời đại chúng ta khi  nhiều Kitô hữu đang bị bách hại (và tử đạo) tạo nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Ngay cả những người Công Giáo đầu tiên di cư sang Mỹ Châu đã trải qua những cuộc bách hại có hệ thống về tôn giáo và chính trị. Khi John Carroll trở thành vị giám mục đầu tiên ở Mỹ năm 1789, chỉ có không tới ba mươi linh mục ở đây. Biết họ cần được Chúa chúc lành và bảo vệ khi đứng trước những luật lệ áp bức và  kỳ thị  trong xã hội, Giám Mục Carroll đã yêu cầu những người Công Giáo cầu nguyện theo đúng những lời dạy của Thánh Phaolô. Kinh của ngài đặt ra nay vẫn còn thích hợp cho thời đại chúng ta.

 


Khi ăn mừng ngày độc lập, ta nên đọc kinh của Giám Mục Carroll hàng ngày trong tháng này. Ta cần cầu nguyện để cho quyền căn bản và cần thiết nhất về tự do tôn giáo sẽ được bảo vệ.

 


Giáo Hội Hoa Kỳ mới kết thúc Tuần Lễ Tự Do Tôn Giáo, trong thời gian đó ta được nhắc nhở phải cầu nguyện, suy niệm và hành động để duy trì tự do tôn giáo trong nước. Quyền căn bản này là của Chúa ban, chứ không phải do nhà nước. Trách nhiệm của các viên chức dân cử là bảo toàn thứ tự do thiêng liêng này để giáo hội trong thời đại chúng ta có thể sống trung thành trong tự do và bình an mà các Kitô hữu thời sơ khai đã cầu xin.

 


Là người Công Giáo, ta phải nhớ điều quan trọng là đi theo Chúa Giêsu là Chúa và Thiên Chúa chúng ta. Không có viên chức dân cử nào, sắc chỉ hoàng đế nào, quyết định nào của quốc hội có thể quyết định cái gì đúng, cái gì sai. Chỉ có Thiên Chúa mới là nguồn mạch của chân thiện mỹ. Thay vì theo chính đảng nào, ta hãy theo Chúa Giêsu. Thi hành sứ mạng tông đồ, ta phải cầu nguyện như Thánh Phaolô đã dạy. Trong khi suy xét, ta hãy suy gẫm về những vấn đề của thời đại dưới ánh sáng của lời Chúa truyền lại trong Sách Thánh và lời giảng dạy của giáo hội. Để chu toàn mệnh lệnh rao giảng, ta hành động như những chứng nhân của Chúa Giêsu, là đấng quảng bá nước Thiên Chúa.

 


Giống như những Kitô hữu đầu tiên, ngày nay ta có thể quảng bá Nước Thiên Chúa bằng lời cổ võ bắt nguồn từ cầu nguyện và được hướng dẫn bởi lời giảng dạy của giáo hội. Nhờ phép rửa ta được kêu gọi là những tác nhân của sự thay đổi, và là những công dân ta phải chu toàn bổn phận hoàn thành sự biến đổi đó, nhất là bằng cách tham gia vào quá trình lập ra các chính sách nhà nước. Một cách tự nhiên để làm việc này là đăng ký bỏ phiếu, nghiên cứu các vấn đề dưới ánh sáng đức tin, rồi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử.

 


Tôi khuyến khích ông liên hệ với Hội Đồng Giám Mục Bang Washington, là cơ quan chuyên lo về các chính sách nhà nước cho các giám mục bang Washington, cơ quan hỗ trợ của tất cả những người Công Giáo. Tìm kiếm trên mạng (WAChatolics.org) và đăng  nhập hệ thống hỗ trợ tốt đẹp này.



Vũ Vượng dịch