7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
(253) 475-6335

n

VƯỢT THẮNG THÈM MUỐN VÀ GHEN TỊ

Nguyên bản tiếng Anh đăng trong Christophers News Notes 578

MONG MUỐN NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP CHO ĐỜI SỐNG THÌ KHÔNG CÓ GÌ XẤU CẢ, TUY NHIÊN PHẢI LÀM SAO ĐỪNG ĐỂ NHỮNG TÌNH CẢM NÀY BIẾN THÀNH THÈM MUỐN VÀ GHEN TỊ.

Tự Điển Webster định nghĩa ghen tị là một “tình cảm đau khổ và hậm hực vì muốn được cái mà ngưởi khác có.” Shakespeare gọi nó là “con yêu tinh mắt xanh” vì những hậu quả hiểm độc của nó đối với tâm hồn người ta. Thèm muốn có thể khiến ta phạm những tội bất công nặng nề đối với người khác. Như vậy có cách nào để vượt qua những tình cảm tai hại này để tiến tới một tâm trạng lành mạnh chăng?

Tất nhiên là có. Để bắt đầu ta hãy tìm hiểu đôi điều khôn ngoan trong Kinh Thánh.

Cội rễ của vấn đề

Trong quyển hai sách Samuel, tiên tri Nathan kể truyện một người giàu có, bò cừu đầy đàn – và một người nghèo chỉ có một con chiên mà anh ta chăm sóc như con ruột của mình vậy. Thế rồi người giàu sinh bụng ghen tị với người nghèo và bắt đầu thèm muốn con chiên yêu quý của anh ta. Sau cùng, không cưỡng lại được tình cảm ngang trái của mình, ông ta ăn cắp con chiên và cho đem xẻ thịt ăn tiệc linh đình.

Câu truyện này cho thấy rõ tội thèm muốn có thể trở thành phi lý tới mức nào. Nó không xuất phát từ lòng mong muốn ngay thẳng muốn được điều tốt, nhưng đúng hơn, nó được sinh ra vì người ta chỉ muốn so sánh mình với người khác và chính cái tinh thần đố kỵ tai hại này là cội rễ của tội thèm muốn và ghen tị. Khi ta đo lường hạnh phúc của mình bằng những cái gì người khác có, ta luôn thấy mình thiều thốn, ngay cả khi ta được chu cấp đầy đủ.

Trong Phúc Âm Thánh Matthêu 6:28-29, Chúa Kitô khuyên ta nên tin vào Thiên Chúa Quan Phòng: “Hãy xem những bông huệ ngoài đồng, chúng mọc lên tốt tươi chừng nào; chúng không làm lụng vất vả cũng không phải quay tơ kéo sợi, vậy mà, tôi nói thật với các ông ngay cả vua Solomon trên đỉnh vinh quang cũng không mặc đẹp như một cái bông huệ này.” Đây là thái độ mà ta cần có đối với của cải trên đời để khỏi bị vướng vào xiềng xích của những ham muốn trái luân thường đạo lý. Cũng cần nhớ rằng không những Chúa chu cấp cho ta những gì cần thiết, nhưng đôi khi Ngài còn để cho ta phải chịu thiếu thốn phần nào để Ngài có thể đem lại một điều tốt lành lớn hơn trong đời ta.

Hãy xem sự khác biệt giữa người nghèo và người giàu trong câu truyện của tiên tri Nathan. Chúng ta được kêu gọi noi gương người nghèo với con chiên và có cùng một tấm lòng quý trọng như vậy đối với những gì được Chúa ban cho. Phúc thay cho anh ta và bất hạnh thay cho người giàu có vì ông ta không biết quý trọng tất cả những gì đã có trên đời. Chúa Kitô nói: “Phúc thay người có tinh thần nghèo khó vì nước trời là của họ.” Ngài nói thế không phải vì đạt được thành công trên đời là xấu nhưng vì tinh thần nghèo khó sẽ giúp ta khỏi bị héo hắt hao mòn bởi thói so sánh không lành mạnh đối với người khác. Có như vậy ta mới sống trong lòng yêu mến Chúa và quý trọng tất cả những gì Chúa ban cho.

Từ thèm muốn và ghen tị đi đến thánh thiện

Trong một buổi nói chuyện với hàng chục ngàn khách hành hương tụ tập tại Công Trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Một trái tim ghen tị là một trái tim chua chát, một trái tim đầy giấm chua thay vì máu đỏ,” và ngài cho rằng cái tâm trạng đó là nguyên nhân của phần lớn bạo lực trên thế giới. Ngài nói: “Nó chia rẽ chúng ta. Nó là khởi đầu của chiến tranh. Chiến tranh không bắt đầu trên chiến trường: các cuộc chiến bắt đầu từ trong lòng người, chỉ vì hiểu lầm, chia rẽ, thèm muốn và tranh giành mà ra.”

Viện dẫn những nỗ lực của các tông đồ nhằm hàn gắn chia rẽ trong giáo hội sơ khai, Đức Thánh Cha lưu ý rằng Thánh Phaolô đã cho giáo hữu Thành Côrintô, “một lời khuyên thực tế, cũng có thể áp dụng cho chúng ta,” Tóm tắt lời Thánh Phaolô, ngài nói: “Đừng ghen tị nhưng hãy quý trọng những năng khiếu và phẩm hạnh của tất cả anh chị em trong cộng đồng chúng ta.” Đức Thánh Cha nói thêm rằng ghen tị và thèm muốn đã cản trở không cho ta tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, kể cả lòng biết ơn vì những gì Chúa đã ban cho những người quanh ta.

Với thông điệp này Đức Chánh Cha muốn đưa ta ra khỏi những đố kỵ nhỏ nhặt vốn là cội rễ của thèm muốn và ghen tị để hướng tới một lối sống hiệp thông với những người thiện chí. Khi ta từ bỏ thói so sánh phi lý với người khác, ta được tự do mừng rỡ vì tài năng của mọi người và tập trung vào việc xây dựng gia đình và cộng đồng bằng cách chia sẻ năng khiếu của mình như những món quà cho người thiếu thốn. Khi làm thế những món quà này sẽ trở lại với chính ta gấp ngàn lần bởi vì tất cả được thăng tiến nhờ tinh thần hào hiệp.

Trong một bài giảng khác tại nhà khách Casa Santa Maria, nơi ngài ở chung với những giới chức khác tại Vatican, Đức Thánh Cha mô tả Thánh Martin de Porres, đúng vào ngày lễ kính, như một tấm gương cho những ai đang phấn đấu khắc phục tính đố kỵ trong đời mình. Gọi Thánh Martin là một thày Dòng Đaminh khiêm nhường, ngài nói: “Tinh thần của ngài là tinh thần phục vụ đích thực vì ngài cảm thấy tất cả những người khác, ngay cả kẻ tội lỗi nhất, cao hơn mình.”

Sống khiêm nhường là không có thèm muốn và ghen tị trong lòng và đây là con đường mà những bậc thánh luôn cố gắng đi theo. Bằng cách phấn đấu chống lại những thèm muốn phi lý không những chính các ngài nên thánh, mà còn dẫn dắt người khác nên thánh.

Phương thuốc chủ yếu

Mới nhìn qua xã hội hôm nay, người ta có thể tin rằng thèm muốn và ghen tị là hai động lực chủ yếu trên thế giới ngày nay. Những người quảng cáo luôn thuyết phục ta mua những thứ mà ta thật sự không cần. Những nhà chính trị và chuyên gia thúc đẩy ta thèm thuồng sự thành công của người khác để họ có thêm quyền lực đối với ta. Những thế lực này dẫn tới một cái vòng lẩn quẩn đầy khổ sở và bực bội.

Tuy vậy thực tế có thể khác xa, nếu ta muốn thế, nếu ta biết lựa chọn sức mạnh mãnh liệt của tình yêu, lòng thương xót, sự hy sinh và tha thứ. Những ai biết đem sức mạnh của những ân sủng này ra thực hiện là những người thực sự biến đổi thế giới này ra tốt đẹp hơn.

Có một vị thánh xưa nay không được sách báo nói đến nhiều là Nữ Thánh Elizabeth của Bồ Đào Nha (Portugal) sống vào phần cuối thế kỷ XIII và phần đầu thế kỷ XIV. Là vợ Vua Denis nước Bồ Đào Nha, nếu bà nổi ghen thì cũng là chính đáng vì Vua Denis không phải là người chồng chung thủy.

Thay vì để cho mình bị lôi cuốn vào một cơn lốc tai hại, Elizabeth cống hiến đời mình cho sự nghiệp giáo dục và công cuộc từ thiện. Bà nổi tiếng là người rữa những vết thương cho người cùi và trực tiếp giám sát việc xây cất một bệnh viện, một viện mồ côi và một tu viện cho các Nữ Tu Dòng Tiểu Muội (Poor Clare Nuns), và một số nhà thờ còn tồn tại đến ngày nay.

Là vợ và là hoàng hậu, Elizabeth không muốn để ý đến mặt xấu nhưng luôn luôn kêu gọi mặt tốt của chồng, Hai người cùng nhau làm việc để kiến tạo một xã hội công bằng, luật pháp công minh, cải cách ruộng đất và bài trừ nạn mù chữ. Vua Denis làm thơ và trong thơ ông bày tỏ lòng hối hận về những lỗi lầm của mình, đồng thời biểu lộ lòng ngưỡng mộ đối với Elizabeth. Ông quý trọng bà đến độ xin bà giáo dục những đứa con ngoại hôn của mình và bà bằng lòng làm việc đó vì thấy Chúa hiện diện trong mọi người. Mỗi khi được người ta khen ngợi lòng nhân từ, bà luôn luôn trả lời như một điệp khúc, “Chúa đặt tôi làm hoàng hậu để tôi có thể phục vụ người khác.”

Elizabeth và Denis có với nhau được hai con. Người con trai là Alfonso về sau sinh lòng ghen tị với một trong những người con ngoại hôn của cha và dấy binh chống lại cha. Với lòng can trường Elizabeth ra sức giải hoà giữa Alfonso và Denis. Có lần bà phải đứng giữa hai đạo quân đối mặt trên chiến trường. Đến cuối đời Denis, Elizabeth đứng bên giường bệnh giúp cho vua được chết lành. Bà là thánh quan thày của những nạn nhân của những người đang cố khắc phục tính ghen tương dù là tính ghen tương trong lòng họ, hay tình ghen tương của những người khác đang nhắm vào họ.

Bằng gương sáng của mình, Elizabeth chứng minh rằng phương thuốc chữa bệnh thèm muốn và ghen ti không dựa vào sự đối xử công bằng trên đời. Nói đúng hơn, nó dựa vào cách sống theo tinh thần thương xót, hy sinh và tha thứ. Chúng ta phải bắt đầu bằng cách tha thứ cho người khác về những sơ sót của họ đối với ta, hay về những bất công có vẻ như là ta phải gánh chịu khi so sánh với họ.

Được như vậy chúng ta mới có thể sống cách nào để bẻ gẫy cái chu kỳ xấu xa trên thế giới và cho phép ta vượt qua những thương tổn, lấy lại niềm vui và hành động với lòng thương xót đối với mọi người.

Thay vì nguyền rủa bóng tối, hãy thắp lên một ngọn nến

Vũ Vượng dịch