7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

KHÔNG LÙI BƯỚC DÙ KHÓ NGUY THẾ NÀO

Photo: Unsplash

The Challenge of John Chau


(John Chau là ai? - một thanh niên sinh trưởng tại Vancouver, Washington, có mẹ là một luật sư người Mỹ, và cha là một bác sĩ tâm thần người Hoa. Mới đây anh đã đơn thương độc mã tới một hòn đảo cấm xa xôi trong biển Ấn Độ Dương để đem tin mừng Chúa Kitô đến cho những người thổ dân mà chưa ai dám tiếp xúc bao giờ vì biết rằng ai bước chân lên đảo cấm này sẽ bị giết chết ngay. Cuộc phiêu lưu hiếm có này đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi. Sau đây là bài của Đức Giám Mục Robert Barron, nguyên bản tiếng Anh đăng trong báo điện tử Northwest Catholic ngày 5 tháng 12, 2018)


xxxx

 

Có lẽ bạn đã nghe nói về câu chuyện phi thường của John Chau, một nhà truyền giáo  trẻ  tuổi đạo Kitô, cố đem Phúc Âm đến đảo North Sentinel, một trong những cộng đồng xa xôi hẻo lánh nhất trên thế giới, và là người, vì sự tính toán sai lầm, đã bị giết chết trước khi đi qua được bãi biển của hải đảo ấy. Nỗ lực của anh đã gây ra biết bao phản ứng khác nhau - giận dữ, bối rối, thương tiếc, hay khâm phục sâu xa – và đã khơi dậy nơi nhiều người, trong đạo hay ngoài đời, những câu hỏi về bản chất sứ mạng truyền giáo của đạo Kitô.

 

Đối với những người chỉ trích, Chau là người ngông cuồng và không tế nhị về văn hóa và có cung cách đế quốc, cố áp đặt một học thuyết và một nếp sống trên một dân tộc dù họ không thấy gì là thích thú. Những người khinh thường anh thì nói anh làm nhớ lại thời kỳ truyền giáo tồi tệ nhất của đạo Kitô, khi mà đức tin được rao giảng bằng mũi nhọn của lưỡi lê và được tăng cường bởi những pháo hạm và những đạo quân đi chiếm thuộc địa. Phải chăng các tôn giáo vẫn chưa tránh được thái độ xâm lấn này và dự trù một đường lối khoan dung và tôn trọng sự đa dạng? Ngay cả một số người đạo Kitô đồng ý với lòng nhiệt thành của anh trong sứ mạng truyền giáo cũng đặt nghi vấn về sự thận trọng trong phương pháp hành động của anh.

 

Tôi được biết sơ qua về cuộc mạo hiểm của John Chau khi tình cờ đọc một bài dài trên báo New York Times trong đó có một đoạn dài nói về lai lịch của anh. Sứ mạng đi rao giảng ở đảo North Sentinel không phải một niềm vui nông nổi, cũng không phải là một ngẫu hứng bất chợt. Thực ra Chau đã học và biết về những người sống trên đảo này trong Ấn Độ Dương khi còn ở trung học. Một điều lạ lùng trong thế kỷ 21 là những người sống trên đảo North Sentinel kể như  chưa bao giờ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, vẫn còn theo những tục lệ từ 10,000 năm trước và tỏ ra cực kỳ hung hãn với những ai, tình cờ hay cố ý, đặt chân lên những bờ biển của họ. Bị thôi thúc bởi tiếng gọi của Chúa Kitô đem tin mừng đến tận cùng trái đất, Chau đã quyết định làm một cuộc phiêu lưu đến tận nơi hoang sơ và nguy hiểm này.

 

Trong nhiều năm trời anh cẩn thận chuẩn bị cho mình, học hỏi về văn hoá và ngôn ngữ, tập dượt và rèn luyện kỷ luật tinh thần. Hy vọng tha thiết nhất của anh là lập nên một cộng đồng đạo Thiên Chúa trên đảo North Sentinel và phiên dịch Thánh Kinh ra ngôn ngữ của người dân. Gần đến ngày đổ bộ lên đảo anh cảm thấy lo sợ hãi hùng - ta biết được vậy nhờ một trang nhật ký anh viết – nhưng anh nhất định tiến bước. Anh bước lên bờ biển ấy chỉ mặc có một cái quần xà lỏn màu đen, tin rằng ăn bận đơn sơ như thế sẽ làm cho những người thổ dân thấy ngay không có gì đáng sợ, nhưng chỉ vài phút sau, anh đã bị giết chết bằng một loạt mũi tên. Sau đó một số ngư dân đã thấy những thổ dân đang kéo lê xác của nhà truyền giáo bằng một cái dây thừng.

 


John Chau


Xin nói lại rằng tôi nhận thấy trong số những người quan sát, ngay cả những người có cảm tình với Chau nhiều nhất cũng không cưỡng lại được ý nghĩ hành động như thế chỉ là làm phí cả một cuộc đời và phải  chấp nhận thảm bại vì ngây thơ và cuồng nhiệt. Thế nhưng … quả thật Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ đem Phúc Âm tới mọi nước – mà nói cho đúng, đó là mệnh lệnh cuối cùng của ngài. Và giáo hội Chúa Kitô đã tôn vinh các nhà truyền giáo từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, từ thánh Phaolô, thánh Patrick tới thánh Phanxicô Xaviê và BS Livingstone. Giáo hội đặc biệt tôn vinh những người dũng cảm phi thường, lần đầu tiên đem đức tin Công Giáo tới một miền nào đó và thường phải đương đầu với sự chống đối khủng khiếp có khi vong mạng. xin đơn cử một thí dụ về vị đại thánh Isaac Jogues là một nhà truyền giáo Dòng Tên người Pháp vào thế kỷ XVII tại Bắc Mỹ. Ngài đã bị những người mà ngài đang cố truyền giáo nhai đứt hết cả những ngón tay, rồi trong một sứ mạng tiếp theo đã bị giết chết, Khi tôi mới nghe nói về câu truyện của John Chau. Điều xảy đến ngay trong tâm trí là cuốn phim rất hay tựa đề The Mission (Sứ Mạng Truyền Giáo). Đó là câu truyện về các nhà truyền giáo Dòng Tên đến với các bộ lạc Guarani ở Miền Nam Châu Mỹ được trình bày như một truyện giả tưởng. Ai có thể quên được những màn cảnh mô tả Cha Gabriel -  do tài tử Jeremy Irons đóng vai – đang tìm cách leo lên một sườn núi dốc đứng đàng sau một thác nước để tới vùng cao nguyên, nơi có những người Guarini sinh sống? Vừa qua được trở ngại ấy, nhà truyền giáo phải đối mặt ngay với một nhóm thổ dân, lúc đầu bỡ ngỡ, rồi trở thành thù nghịch nhưng sau cùng lại say mê nghe cha thổi sáo. Một trong những điều làm cho màn cảnh đó đáng ghi nhớ là người ta thấy rõ tình hình có thể đổi ngược dễ dàng và biết đâu Cha Gabriel đã bị giết chết theo một kiểu cách làm ta nhớ đến John Chau. Quan điểm của tôi là Đạo Kitô là một đạo đi rao giảng, và các Kitô hữu trải qua các thế kỷ đều mong muốn chấp nhận mọi thứ rủi ro để đem Phúc Âm Chúa Kitô đến cho những ai chưa biết. Phải chăng việc đi rao giảng này thường bị giảm giá trị vì có dính dáng với chủ nghĩa đế quốc và xâm lăng văn hóa? Chắc hẳn rồi. Nhưng tình trạng đó không nói lên được điều gì để phủ nhận lòng can đảm và nhiệt thành của những người đi rao giảng.

 

 Dù nhìn nhận sứ mạng rao giảng của John Chau là chính đáng, ta có phải thừa nhận rằng đó là một thất bại thê thảm, một sự tính toán lầm lẫn chăng? Tôi không nghĩ thế. Mẹ Têrêxa đã nói một lời nổi tiếng rằng Chúa không đòi ta phải thành công, nhưng nói đúng hơn, là phải trung thành. Chàng trai John Chau có trung thành không? Khó mà phủ nhận điều đó. Có nên chú trọng quá nhiều vào số người trở lại đạo để đánh giá sự thành công của anh chăng, hay nên căn cứ vào lời chứng mà anh cống hiến? Phải chăng anh là hiện thân của tính thiếu khoan dung của Tây Phương? Tôi không biết. Hãy xem một chú bé lội nườc vào bờ, không mang vũ khí, chỉ mặc một quần xà lỏn và mang một quyển Thánh Kinh và cho biết bạn muốn cậu bé phải thận trọng như thế nào nữa. Tôi chỉ  muốn nói về cậu bằng tất cả lòng trân trọng.


Vũ Vượng dịch