7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

TẠI SAO TA CÓ NGÀY LỄ CÁC THÁNH?

Photo: Shutterstock


Why Do We Have All Saints’ Days?


Bài giải đáp của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg. 

Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng 11, 2018, trình bày sơ lược lịch sử của ngày lễ các thánh ngày nay, bắt đầu từ việc lập ra ngày lễ kính chung cho các thánh tử đạo vào thế kỷ thứ tư.


HỎI:   Tại sao ta cần phải có một ngày riêng biệt để mừng kính các thánh? Không phải mỗi vị đã được dành riêng một ngày để mừng kính hay sao?


ĐÁP:   Đúng thế, mỗi vị thánh đã được chính thức công nhận trong giáo hội Công Giáo đều có một ngày riêng biệt để mừng kính, tuy nhiên danh sách các thánh được chính thức thừa nhận (canon of saints) không bao gồm tất cả các linh hồn đã được chia sẻ đời sống đời đời hiệp thông với Chúa.


Chắc chắn có nhiều người, nam hoặc nữ, đã sống hiệp thông với Chúa một cách sâu đậm trên đời này (xem Sách Khải Huyền 7:9). Họ đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và trở nên nguồn mạch chuyên chở tình yêu ấy đến cho người khác khiến họ được hưởng những kho tàng chan chứa ân sủng và ân tình của Chúa. Ta tin rằng bây giờ  lòng thương xót của Chúa đã liên kết họ với các thánh và các thiên thần trên trời. Ta không bao giờ biết tên họ, tuy vậy họ vẫn là anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô.


Lễ trọng mừng kính các thánh, một ngày lễ buộc, được cử hành ngày 1 tháng 11 là một ngày trong năm để mừng kính tất cả những người lành thánh, nam cũng như nữ, dù được biết đến hay không.


Các thánh được kết hợp với chúng ta nên một trong giáo hội bởi vì dây liên kết của phép rửa của chúng ta còn mạnh hơn cả sự chết nữa. Với tư cách đó, các thánh vẫn là những thành viên của gia đình Chúa và tạo sức mạnh cho mình Chúa Kitô. Các ngài quan tâm đến ta, cầu nguyện cho ta và tiếp tục cho ta nguồn cảm hứng để sống đời sống lành thánh và anh dũng bằng cách theo gương các ngài sống trong tình bạn chung thủy với Chúa Kitô. Qua lời cầu bầu của các ngài, các thánh là nguồn lực sức mạnh cho toàn thể giáo hội - nhất là cho chúng ta trong cuộc chiến đấu sống đức tin hàng ngày trên đời này và ngay bây giờ.


Điều quan trọng nên nhớ là Lễ Các Thánh không chú trọng vào chính bản thân các ngài cho bằng chú trọng vào phần vụ quan trọng của các ngài trong công cuộc cứu độ, phần vụ của những chứng nhân cho thấy ân sủng của Chúa có hiệu quả biết chừng nào. Ta mừng kính các ngài vì các ngài liên lỉ thờ phượng trước tôn nhan Chúa và kết hợp lời cầu của các ngài với những lời cầu của ta thành một bản hợp ca van xin lòng thương xót Chúa.


Vì lẽ các vị đã bền đỗ qua những thử thách của đời này và giờ đây được thông phần trọn vẹn vào đời sống của Chúa trên thiên quốc, ta gọi các thánh là những thành viên của “Giáo Hội Khải Hoàn” vì được chia sẻ trong chiến thắng của Chúa Kyiô, Chiên Thiên Chúa. Danh xưng này giúp ta xác lập sự liên hệ cũng như sự khác biệt giữa các ngài và chúng ta là “Giáo Hội Chiến Đấu” (những Kitô hữu đang giao chiến để sống trung thành), và các linh hồn đáng thương trong luyện ngục, là “Giáo Hội Đau Khổ”, những linh hồn đang trải nghiệm sự thanh tẩy của tình yêu Thiên Chúa, giải thoát họ khỏi tất cả tội còn vướng mắc. Cùng nhau chúng ta hợp thành một giáo hội, vì lý do đó chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau để thể hiện đức tin chung và những việc làm của lòng thương xót về mặt tinh thần.


Giáo hội luôn nhận rõ tình thân hữu thánh thiện đầy ân sủng này, và vì thế chúng ta đã bắt đầu tuyên xưng đức tin vào màu nhiệm các thánh thông công, vốn là một phần trong lời biểu dương  đức tin thời sơ khai gọi là Kinh Tin Kính của các thánh tông đồ.


Tục lệ cử hành một lễ kính chung cho tất cả các thánh tử đạo đã được thiết lập trước thể kỷ thứ tư. Lễ mừng chung này là một điều cần thiết, một phần bởi vì các vị tử đạo đã lên tới một con số chưa từng thấy dưới triều đại kinh hoàng của hoàng đế La Mã Diocletian.


Ngày mừng lễ chung cho các thánh tử đạo lúc đầu đi liền với lễ Phục Sinh vì các thánh là những vị được chia sẻ sự phục sinh toàn thắng của Chúa Giêsu Kitô. Vào năm 609 hay 610, việc mừng lễ được nối liền với ngày 13 tháng Năm để tưởng nhớ việc di chuyển hàng trăm hài cốt của các thánh tử đạo về đền Pantheon ở Rome khi nơi này được cung hiến làm một nhà thờ Công Giáo mang tên Thánh Maria, Mẹ các thánh tử đạo (nhà thờ vẫn mang tên này cho đến nay). Lễ mừng hàng năm này đã  được Đức Giáo Hoàng Boniface IV của thời ấy ban hành rộng khắp giáo hội toàn cầu.


Liên hệ giữa các vị từ đạo và các thánh khác đã được Đức Giáo Hoàng Gregory I (590 – 604) nhấn mạnh một cách hoa mỹ và trong bài giảng Cambrai Homily (một bài giảng cổ xưa rất nổi tiếng bằng tiếng Ái Nhĩ Lan) trong đó phúc tử đạo được diễn tả bằng những màu sắc: màu đỏ (chết tức tưởi, đổ máu đào), mằu trắng (bị xâu xé về tinh thần), và xanh lá cây hay xanh dương (thống hối và từ bỏ chính mình). Ngày mừng lễ hiện nay, 1 tháng 11 đã được Đức Giáo Hoàng Gregory III lập ra vào thế kỷ thứ tám để ghi nhớ một nhà nguyện ngài đã xây trong Đền Thờ Thánh Phêrô cũ, một nhà nguyện được dâng kính toàn thể các thánh bởi vì có chứa đựng di hài của các thánh tử đạo và các thánh đã anh dũng sống đời sống đức tin nhưng không bị tử hình vì Chúa Kitô.


Vai trò quan trọng của các thánh trong đời sống giáo hội được tỏ rõ bởi cung cách của các Kitô hữu thời sơ khai đến viếng thăm và cầu nguyện tại mồ các thánh tử đạo. Ngày Lễ Các Thánh cho phép ta thông phần vào lòng sùng kính của người xưa. Sự thông công với các thánh quan trọng trong đời sống đức tin hàng ngày của ta  đến nỗi lễ ấy đã thành lễ buộc kể từ năm 835.


Qua việc long trọng Mừng Lễ Các Thánh hàng năm, chúng ta hợp lại thành một gia đình của Chúa và kết hợp với toàn thể anh chị em chúng ta trong giáo hội, còn sống hay đã chết, để ca ngợi Thiên Chúa và cảm ơn họ về sứ vụ tông đồ của họ, nhờ thế ta được sức mạnh, sự khuyến khích, nguồn cảm hứng và những lời cầu bầu, trong khi chính chúng ta đón nhận lời kêu gọi nên thánh như Cha chúng ta trên trời là Đấng Thánh (Xem Matthêu 5:48).


Lạy các Thánh của Chúa, xin cầu bầu cho chúng con.


Vũ Vượng dịch