7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

TẠI SAO TA GỌI ĐỨC MARIA LÀ “MẸ THIÊN CHÚA”?



Bài Giải Đáp của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg

 

 

Why Do We Call Mary “Mother of God”?

 

(Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng 12, 2018 nhân dịp Mùa Vọng, và Lễ Giáng Sinh sắp tới.)

 


HỎI: Tại sao Giáo Hội Công Giáo gọi Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”? Theo cha nghĩ, có khi nào giáo hội sẽ đổi tước hiệu ấy thành “Mẹ Chúa Giêsu” chăng?

 

ĐÁP: Có những thời kỳ giáo hội chính thức hóa một cách gọi mới để chỉ về Đức Maria. Ngay trong năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chính thức hoá tước hiệu “Đức Maria là Mẹ Giáo Hội”. Những cách gọi chính thức ấy có mục đích giúp ta hiểu về đức tin một cách sâu sắc và sáng tỏ hơn. Giáo hội thường không công bố những tước hiệu nào có thể làm cho người ta hiểu đức tin một cách mù mờ và nông cạn.


 

Nhiều đại hội giám mục toàn cầu đã được triệu tập để giải quyết những sự mập mờ như thế nhất là khi nói về Chúa Giêsu và Mẹ Maria.


 

Tước hiệu “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa” là một thí dụ cụ thể về việc các đức giám mục được triệu tập trong một đại hội toàn cầu hoạt động như thế nào dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh để xác minh và công bố đức tin đích thực. Ta hãy nhìn vào một số những cuộc tranh cãi về lịch sử và thần học, những biến cố đã dẫn tới việc minh định (tước hiệu này) tại Công Đồng Epheso năm 431.


 

Tước hiệu là “Mẹ Thiên Chúa” không phải là một điều gì mới được tạo ra trong công đồng nói trên. Tước hiệu này đã được nhiều Kitô hữu dùng trước đó rồi (thí dụ, trong Phụng Vụ Syrian Liturgy of Addai and Mari, và trong điệp khúc của Thánh St James) để nói về Đức Mẹ Đầy Ơn Phước, nhờ Mẹ mà Con đời đời của Thiên Chúa là Ngôi Hai của Chúa Ba Ngôi vinh hiển, đã mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta. (Xem Goan 1:14)


 

Tuy nhiên có một số người trong giáo hội thời sơ khai không nghĩ rằng dùng tước hiệu này là đúng. Họ tin rằng Maria chỉ là mẹ của nhân tính của Chúa Giêsu chứ không phải thiên tính của ngài. Do đó họ chỉ nói về Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu Kitô (Christotokos), nhưng không phải Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Một nhà lãnh đạo trong giáo hội thời sơ khai ở thành Constantinople (nay là cảng Istanbul thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ) tên là Nestorius là người chủ xướng giáo huấn này, cho nên những người bênh vực lập trường này được gọi là phái Nestorius (Nestorians). Họ cả quyết rằng Đức Maria chỉ có thể được gọi là Mẹ Chúa Giêsu. Do đó mặc dù tước hiệu “Mẹ Chúa Giêsu” có thể được dùng khi người ta hiểu một cách thích hợp, nhưng cách dùng lầm lẫn của phái Nestorius làm cho tước hiệu ấy trở thành một danh hiệu kém phần sáng tỏ về Đức Mẹ Đầy Ơn Phước.


 

Các đức giám mục hội họp trong Công Đồng Ephesus khẳng định tính bất khả phân của thiên tính và nhân tính của Chúa Kitô khi Chúa Giêsu tượng thai và bởi vì thiên tính có sẵn trong con trẻ Giêsu còn trong lòng mẹ, Đức Maria phải được gọi cho đúng là Theotokos, có nghĩa đen là “Đấng Cưu Mang Thiên Chúa”, nhưng thường được phiên dịch thành “Mẹ Thiên Chúa” (Nói cho rõ, các bậc tiền bối trong Công Đồng này không có ý nói Maria là nguồn thiên tính của Chúa Giêsu - hiểu như thế là sai lầm.

 


Vấn đề “Đấng Cưu Mang Thiên Chúa” (Theotokos) có liên quan đến Chúa Kitô nhiều hơn là Đức Maria, đặc biệt có liên quan đến tính bất khả phân của thiên tính và nhân tính của ngài từ lúc tượng thai trong lòng mẹ. Đây là nguyên tắc quan trọng phải nhớ: bất cứ cuộc nghiên cứu đích thực nào về Đức Maria phải nhất thiết gắn liền với nghiên cứu về Chúa Kitô. Maria chỉ có trong tương quan với Chúa Giêsu và luôn luôn phải được tìm hiểu trong khuôn khổ mối tương quan đó.

 

Giáo hội Công Giáo mừng việc làm sáng tỏ đức tin này vào ngày 1 tháng 1 hàng năm với ngày lễ kính trọng thể Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, cũng là một ngày lễ buộc. Có những nhóm Kitô hữu khác rao giảng những điều hiểu sai về thiên tính và nhân tính của Chúa Giêsu. Thí dụ, phái theo thuyết con nuôi tin rằng Chúa Giêsu được nhận làm con nuôi của Chúa Cha vào một lúc nào đó trong đời ngài và trở nên Thiên Chúa, nhưng chưa được như vậy vào lúc tượng thai trong long mẹ. Phái Arians tin rằng con Thiên Chúa đã được tạo dựng vào một lúc nào đó, cho nên Chúa Con không ngang hàng với Chúa Cha. Phái Docetists tin rằng Chúa Giêsu là một thực thể tinh thần thuần tuý nên không có thân xác người ta. Hiển nhiên là tất cả những sự hiểu lầm về Chúa Giêsu này sẽ đưa đến những hiểu lầm về Đức Maria nữa.


 

Một thánh vịnh cổ của Thánh Ephrem tuyên bố: “Bởi quyền năng của Đấng Tối Cao, cung lòng của Maria có thể cưu mang Đấng cưu mang tất cả mọi sự.” Khi ta đi sâu vào thời kỳ Lễ Giáng Sinh này, chúng ta có thể cầu xin ơn Chúa Thánh Linh giúp ta hiểu được đầy đủ hơn món quà kỳ diệu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu và luôn tôn vinh Đức Maria vì mối liên hệ giữa bà và Chúa chúng ta. Ta cũng phải cầu nguyện để cũng như Maria, chúng ta luôn luôn tìm thấy chân tính đích thực của mình trong mối tương quan với Chúa Giêsu là Ngôi Lời hằng có đời đời đã mặc lấy xác phàm trong lòng Trinh Nữ Maria.



Vũ Vượng dịch