7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

XEM PHÁ THAI (SEEING ABORTION)

Abby Johnson, portrayed by Ashley Bratcher, reacts to what she is seeing on the ultrasound screen while assisting with an abortion in this clip from the movie "Unplanned." (www.unplannedfilm.com)




Bài của Đức Giám Mục Robert Barron. 


Nguyên bản tiếng Anh đăng trong báo điện tử Northwest Catholic ngày 10 tháng 4, 2019). Phải chăng tác giả muốn nhắc nhở người Công Giáo đừng bao giờ quên một vấn đề luôn ám ảnh lương tâm của mình?

 


Ta đang ở vào thời điểm quyết liệt trong cuộc tranh luận lớn về luân lý liên quan đến việc phá thai trên đất nước này – không phải bởi vì có những lý lẽ mới được đề ra, nhưng nói đúng hơn, bởi vì có những luật mới được thông qua có tính man rợ khiến người ta phải sửng sốt, và một cuốn phim đánh động lòng người, qua việc trình bày thực trạng của việc phá thai, đã đạt được số lượng khán giả đông đảo. Như John Henry Newman (một nhà thần học và thi sĩ) đã nhắc nhở, người ta thường đồng ý với một lập luận nào đó ít khi chỉ vì đã chấp nhận những lý lẽ được trình bày mà thôi, nhưng sự chấp nhận đó thường  có liên quan đến một tập hợp của lý lẽ, hình ảnh, ấn tượng, kinh nghiệm và chứng nhân.


 

Những thủ tục pháp lý hiện có hiệu lực ở New York, Delaware và một số bang khác trù liệu việc xẻ thịt một đứa trẻ còn trong lòng mẹ vào bất cứ lúc nào trong thai kỳ chín tháng của nó – và ngay trên bàn mổ của bệnh xá hay bệnh viện, nếu như nhờ một phép mầu nào đó, nó vẫn còn sống sót sau cuộc phá thai – đã làm nhiều người trong cả nước phải buồn nôn. Và chúng cho thấy, một cách rõ ràng không thể lầm được, đầy đủ ý nghĩa bao hàm trong trong hệ tư tưởng ‘bênh vực lựa chọn’ méo mó của họ. Nếu một người mẹ chọn mang thai cho tới mãn kỳ và sinh con, thì đứa bé ấy, nhờ sự lựa chọn ấy, trở thành một con người có phẩm giá và được luật pháp bảo vệ đầy đủ, nhưng nếu một người mẹ lựa chọn cách khác, dù một trẻ sơ sinh đang cố sức thở trên bàn mổ có thể bị hạ sát và vứt bỏ như rác rưởi. Sinh học và siêu hình học là đồ bỏ: những quyết định chủ quan của người ta quyết định thực tại – và hậu quả là tội giết trẻ thơ được nhà nước chuẩn nhận. Rõ  ràng những luật này là điên rồ, nguy hiểm và độc ác,  đến nỗi nhiều người phài xét lại lập trường của mình về phá thai.

 


Unplanned (Ngoài Kế Hoạch), một cuốn phim kể lại cuộc chuyển hướng gay go của Abby Johnson từ phương vị giám đốc một bệnh xá kế hoạch hóa gia đình trở thành một người lớn tiếng chống phá thai, đã được chứng tỏ là một cuốn phim được nhiều người ưa chuộng, đáng ngạc nhiên, bất kể cái đề tài buồn thảm của nó, và dù có sự chống đối đáng kể của cơ quan. Như người ta đã thấy rõ, bà Johnson đang đóng một vai trò tương tự như vai trò của Harriet Beacher Stowe vào thế kỷ 19. Trong khi có nhiều lý lẽ ở cả hai bên của cuộc bàn cãi về chế độ nô lệ vào thời đó, nhiều người cổ võ chế độ nô lệ đã trải qua một cuộc biến cải sang phong trào bãi bỏ chế độ nô lệ, không phải vì những lý lẽ được trình bày, nhưng chính nhờ ảnh hưởng của Stowe qua cách trình bày sống động về thực trạng cụ thể của những người nô lệ trong tác phẩm Uncle Tom’s Cabin (Túp Lều của Chú Tom). Ngày nay cũng thế, những lý luận, những khẩu hiệu ở cả hai bên của cuộc tranh cãi về phá thai người ta đã biết cả rồi, và hầu hết mọi người dường như, hoặc ít hoặc nhiều, đều có vị trí vững chắc trong phe bên này hay phe bên kia, nhưng cuốn phim Unplanned (Ngoài Kế Hoạch) không lý luận nhiều cho bằng trưng ra những hình ảnh, nhờ đó ‘phá thai’ không còn là một vấn đề trừu tượng, nhưng là một sự việc trắng trợn, có thật, và đẫm máu.

 


Phim này bắt đầu bằng một sự việc có tác dụng quyết định đối với bà Johnson. Là giám đốc và là người quản lý của môt bệnh xá Kế Hoạch Hóa Gia Đình, chắc chắn bà không còn lạ gì những việc đang xảy ra trong cơ quan, nhưng ít khi bà đã can dự vào một cuộc phá thai thực sự. Rồi một buổi chiều kia, bà được gọi vào phòng mổ và được yêu cầu cầm một cái máy để giúp cho bác sĩ thấy được hình ảnh siêu âm của đứa trẻ trong bào thai. Rồi bác sĩ tiến hành công việc, Abby thấy rõ đứa trẻ đang nằm nghỉ thoải mái, nhưng rồi nó phản ứng dữ dội khi một cái máy hút được luồn vào bào thai. Bà hãi hùng khi thấy một cánh tay nhỏ xíu bị hút đi mất, để rồi giây lát sau, lại thấy nó xuất hiện như một thứ súp máu trong ống dẫn kế bên bà. Khi xem, bà không thể rời mắt khỏi màn hình ghê rợn, bà thấy đứa bé bị thương nặng tiếp tục né tránh cái máy, cho tới khi một cái chân biến mất, rồi đến cánh tay kia, và sau cùng là cái đầu đứa bé. Rồi, những gì còn lại của đứa bé còn sống lại chảy như mỡ lầy nhầy trong ống dẫn. Tới đó, bà chạy ra khỏi phòng mổ và ói mửa trong nhà vệ sinh và quyết định thoát ly vĩnh viễn khỏi bệnh xá kế hoạch hóa gia đình. Cuốn phim cho thấy mặc dù bà đã từng nghe những lý lẽ chống phá thai suốt cả đời, bởi vì cha mẹ và chồng bà đều là những người hô hào bảo vệ mạng sống, lớn tiếng và quyết liệt, nhưng bà chỉ có quyết định sau khi đã thấy rõ chấm dứt mạng sống của một đứa trẻ còn trong thai xảy ra như thế nào. Rõ ràng hy vọng của bà là cuốn phim của bà sẽ có tác động tương tự cho nhiều người khác. 


 

Một trong những cảnh đáng ghi nhớ nhất trong phim Unplanned (Ngoài Kế Hoạch) có liên quan đến một bữa tiệc nhỏ kỳ lạ đã xảy ra trong bệnh xá sau giờ làm việc. Thì ra Abby đã có thai, và những đồng nghiệp của bà, tất cả là phụ nữ, tụ họp lại để cho bà một bữa tiệc baby shower. Rồi đến những quả bóng bay, những món quà lựa chọn ý tứ, mọi người ôm hôn khuyến khích cô. Tất cả để bày tỏ niềm vui vì một em bé sắp ra đời. Nhưng rồi người ta nhận ra những chuyên viên ngành y này, những người bạn tốt của Abby, suốt ngày hôm ấy đã giết chết biết bao em bé của những phụ nữ khác. Quả thật máu trong những ca phẫu thuật này còn dính trên giày và trên áo choàng phòng mổ của họ. Làm sao có cảnh tượng thế này được?  Điều kiện để có thể có cảnh tượng này là cái hệ tư tưởng về “lựa chọn” đã nói ở đoạn trên. Nếu người ta muốn có một em bé, ta hãy làm tiệc mừng. Nếu đứa bé ngoài ý định, thì giết nó đi và vứt di hài của nó vào thùng rác. Những kẻ chủ trương bênh vực sự lựa chọn (pro - choice) phải biết đây là ý nghĩa được bao hàm trong triết thuyết của họ, và phim Ngoài Kế Hoạch (Unplanned) khiến cho họ thấy được như thế.


 

Vào năm 1850 có nhiều người cốt cách đứng đắn và thâm trầm đã bảo vệ chế độ nô lệ. Ngày nay chỉ những kẻ điên rồ mới làm vậy. Vào năm 2019 này, rất nhiều người đứng đắn và thâm trầm đang bảo vệ lập trường bênh vực sự lựa chọn (pro - choice.) Tại sao ta không thể hy vọng rằng những luật mới (ban hành) này và cuốn phim đánh động lòng nguời kia sẽ mau mau đem đến cái ngày mà chỉ  có những kẻ điên rồ mới làm như vậy.


 

Vũ Vượng dịch