7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

KHÔNG CÓ GÌ MẠNH MẼ HƠN LÒNG KHIÊM HẠ CỦA CHÚA

Photo: Shutterstock


There Is Nothing More Powerful Than God’s Humility

 


Bài của Đức Tổng Giám Mục J. Peter Sartain. 


Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng 12, 2018, 

nhân dịp Mùa Vọng, và Lễ Giáng Sinh sắp tới.

 


Có lẽ người ta sẽ thấy lạ lùng khi nghe nói Chúa là đấng khiêm nhường, với hàm ý: đấng tạo nên trời đất, đấng hằng có đời đời, nắm giữ mọi sự trong tay, nhưng lại thiết tha mong muốn ta làm quen và trở thành bạn hữu thân thiết của ngài. Đó là một điều quá khó và chỉ có thể là một điều hy vọng, nhất là khi có những tôn giáo coi Chúa như là đấng đời đời xa cách và không ai có thể đến tới được. Những người Công Giáo như chúng ta biết rằng sự thể khác hẳn: Chúa là đấng khiêm nhường, là đấng yêu thương, đầy lòng thương xót và Chúa muốn bầu bạn với ta. Sự thật là ngài đã tạo dựng nên ta để cho ta được toại nguyện và sống bình yên trong tình yêu với ngài.

 

 

Mùa Vọng và Giáng Sinh là thời gian để ta trân quý sự thật là Chúa đã đến gần ta trong Chúa Con là Đức Giêsu và ngài vẫn ở gần ta hôm nay, ngày mai và mãi mãi. Chúa không ở xa khuất và ngài sẽ không bao giờ rời xa ta. Bằng sự ra đời của Chúa Giêsu ngài đã biến bản tính nhân loại của ta thành bản tính của mình và sẽ không bào giờ vứt bỏ tình ruột thịt với chúng ta.

 

 

Khi Chúa Giêsu sinh ra, Thiên Chúa đã bước vào thời gian và gia đình nhân loại đến nỗi cả thời gian và nhân loại không còn như trước nữa kể từ cái đêm ấy. Không phải chỉ vì người ta đã lấy ngày Chúa sinh ra làm khởi điểm để tính niên lịch. Nhưng trong đêm Chúa Giêsu ra đời, chính nhân loại đã được khai hoá, biến đổi, đổi mới, nâng niu và ôm ấp bởi Thiên Chúa trong xác phàm.

 

 

Làm sao có thể mường tượng được ta có thể hay có khả năng ở bên Chúa, và làm sao ta có thể đến gần Chúa nếu ngài ở xa và không thể tới được? Chúa là đấng đã tạo dựng nên ta, yêu thương ta và chỉ muốn điều gì tốt nhất cho ta, nhưng biết rằng cách hay nhất để đến với ta là qua lòng đơn sơ và khiêm nhường. Dấu chỉ của Chúa là tự làm cho mình nhỏ bé vì ta. Thực ra, đây là cách ngài thống trị! Ngài không đến trong quyền lực hiển hách và phép màu rạng rỡ. Ngài đến như một con trẻ bơ vơ và cần sự giúp đỡ của ta.

 

 

Chúa không muốn làm ta khiếp đảm bời sức mạnh của ngài, và do đó bằng sự ra đời của Chúa Giêsu, ngài đã dẹp bỏ sự sợ hãi của ta trước sự vĩ đại của ngài. Ngài muốn tình  yêu của ta, van xin tình yêu của ta và do đó ngài tự nguyện làm một con trẻ. Chúa làm cho mình nhỏ bé để ta có thể hiểu ngài, đón nhận ngài, yêu thương ngài và muốn tìm hiểu ngài. Nếu ta sợ hãi ngài ta sẽ không bao giờ biết được những tình cảm thực sự của ngài đối với chúng ta.

 

 

Tôi nghĩ rằng đây chính là mục tiêu của Thánh Phanxicô Assisi khi ngài là người đầu tiên dựng nên cảnh mà ngày nay ta gọi là “Hang Belem” Điều mà Thánh Phanxicô muốn làm sáng tỏ là sự ra đời của Chúa Kitô không phải chỉ là một tư tưởng hay sự phỏng đoán của ai, nhưng là một sự kiện lịch sử, khi Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm có xương thịt thật sự như chúng ta. Ngài nhận lấy thân phận long đong, không ai giúp đỡ, những hy vọng và tình yêu như ta. Ngài đi vào thế giới trong cảnh cơ hàn và không được bảo vệ như một người trong chúng ta  để ta không bao giờ phải sợ hãi khi đến gần ngài. Khi ta thấy một em bé say mê trước cảnh Hang Belem thì ta đã thấy  một cách trực tiếp cách đáp ứng hay nhất và chân thật nhất đối với lời Thiên Chúa mời gọi ta hãy đến gần Chúa Giêsu.

 

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở ta muốn đến gần Chúa Giêsu, “ta cần đi đến nơi nào có ngài. Ta phải cúi đầu, khiêm hạ, làm cho ta ra bé nhỏ. Hài Nhi mới sinh thách thức ta. Ngài kêu gọi ta bỏ qua những ảo tưởng thoáng qua và tìm về cái gì là thiết yếu.” Để thấu hiểu lời mời gọi muôn thuở Chúa dành cho ta qua việc Chúa Kitô ra đời, ta phải dẹp bỏ những thèm khát bất tận những gì không bao giờ làm ta thỏa mãn để tìm được sự bình an, niềm vui và ý nghĩa tươi sáng của cuộc đời.

 

 

Nếu đúng là Chúa khiêm nhường, thì một điều khác cũng đúng nữa là chúng ta sẽ tìm được sự bình an và toại nguyện nếu chúng ta biết khiêm nhường, niềm nở, yêu thương, thương xót, mong muốn được giúp người chung quanh, khao khát đặt nặng những gì thực sự quan trọng mỗi ngày. Không có ai sống ích kỷ mà được hạnh phúc trên đời này. Không có ai thù hận mà tìm được sự bình an trên mặt đất này. Không có ai quý trọng tiền bạc hơn mọi thứ khác mà được mãn nguyện sâu xa. Tại sao? Vì Chúa không  dựng nên ta thành người ích kỷ, thù ghét, tham lam. Chúa đã dựng nên ta để yêu thương, yêu chính mình và tất cả con cái Chúa. Chúa dựng nên ta để có lòng quảng đại, và hy sinh chính mình. Chúa dựng nên ta để ta biết cầu nguyện, hiểu biết và yêu mến ngài và cảm nghiệm được tình yêu của ngài. Chính nhờ có lòng đơn sơ, khiêm nhường mà chúng ta hiểu được Chúa nhiều nhất.

 

 

Trong khi viết thư cho dân thành Madaura vào đầu thế kỷ thứ năm, Thánh Augustinô nhắc nhở chúng ta: “Đức Kitô được rao giảng khắp thế giới không phải là Đức Kyiô độì vương miện trần thế, cũng không phải Đức Kitô giàu có vàng bạc châu báu, cũng không phải Đức Kitô chói lọi vinh hoa trần thế, nhưng là Đức Kitô chịu đóng đinh vào thập giá. Lúc đầu thì điều này bị nhạo cười bởi biết bao dân tộc kiêu kăng … Nhưng đó chính là trọng điểm đức tin của một số người tin vào lúc đầu, rồi của toàn thể thế giới ngày nay, bởi vì khi Đức Kitô chịu đóng đinh được rao giảng vào thời ấy cho một số người có lòng tin, bất kể sự nhạo cười, người què được sức mạnh để đi, người câm được nói, người mù được thấy, kẻ chết được hồi sinh. Do đó sau cùng thì những kẻ kiêu căng của thế giới này đành phải tin rằng … không có gì mạnh mẽ hơn lòng khiêm hạ của Chúa.”

 

 

Xin chúc mọi người Lễ Giáng Sinh hạnh phúc! Trong mùa này, ước gì chúng ta đón nhận lời mời gọi khiêm nhường trong sáng của Chúa, đến gần hơn để thấy hài nhi trong hang Bethleem với cặp mắt của một trẻ thơ – và nhờ đó hiểu được bằng cách nào Tình Yêu khiêm hạ đã cứu chuộc chúng ta.

 

Vũ Vượng dịch