7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

ĐỪNG BỊ TÊ LIỆT VÌ NẢN CHÍ


Don’t Be Pararlyzed by Discouragement

 

Bài của Đức TGM J.Peter Sartain. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic, số tháng 7 và tháng 8, 2019, một bài học đức tin đáng học hỏi. Ngài đã viết bài này đúng lúc phải cắt ngang một sự nghiệp lừng lẫy để về hưu vi lý do sức khoẻ, biểu lộ một đức tin sáng chói, và lòng can đảm phi thường để đi theo thánh ý Chúa, không bao giờ nản chí, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

 

 

                        Chúa biết ta yếu đuối và muốn làm cho ta nên mạnh mẽ.

 

Nản chí là kẻ thù của người làm tông đồ


Có những lúc trong đời mỗi Kitô hữu ta phải đối mặt trực diện với sứ yếu đuối của con người, sự bất toàn của ta, không thể hành động như ta phải làm, không thể đạt được những ngưỡng vọng, thiếu hiểu biết, phản bội Chúa, hay phải đối mặt với đau đớn, nóng giận, công việc trì trệ, đức tin nông cạn, không thể cầu nguyện như ta muốn – và đó mới chỉ là phần nổi của khối băng trôi.

 


Mỗi Kitô hữu cũng phải đối phó với sự thất vọng do người khác hay chính thế giới này gây ra (họ không hành động được như họ phải làm, họ không đáp ứng được những ngưỡng vọng của ta v. v…). Đời sống như đang xảy ra đôi khi làm ta chán nản, và dù cố gắng đến đâu, ta cũng không thể thay đổi người khác, hay hoàn cảnh quanh ta. Ta có thể tự hỏi: tại sao sự việc không khác hơn được. Nhưng từ cõi lòng sâu thẳm, ta nhìn nhận một cách chán nản rằng đời là thế.

 


Khỏi cần nói, bất cứ hoàn cảnh nào tôi đã nói như trên, nhất là tội lỗi, đều có thể là những trở lực cho ai muốn làm tông đồ đích thực. Tuy vậy, cần phải nhìn nhận rằng sự nản chí mà những hoàn cảnh đó gây ra có thể là những trở lực lớn hơn hết. Chúng ta phải luôn coi chừng sự nản chí.

 


Khi tôi bị nản chí vì thất bại - của tôi hay người nào khác – và để cho sự nản chí ấy làm tôi tê liệt, hay cám dỗ tôi bỏ cuộc, thì vô tình tôi đã giả định rằng tôi là một cái gì khác với con người thật của tôi. Tôi là con của Chúa, cần phải có ơn cứu rỗi của ngài không phải là chủ nhân tự lực tự cường của vũ trụ của tôi. Dù bề ngoài không có vẻ như vậy, khi tôi để cho sự nản chí xâm chiếm, vô tình tôi giả định rằng tôi phải làm được mọi thứ bằng sức riêng, tôi có thể sửa chữa chính mình, rằng thất bại sẽ không bao giờ xảy ra nếu tôi nghiêm chỉnh sống như một Kitô hữu, rằng tôi phải có khả năng làm mọi thứ không cần sự giúp đỡ của ai, ngay cả sự giúp đỡ của Chúa, (đây là điều nguy hiểm nhất.) Tôi nói rằng chúng ta đã vô tình có những giả định như vậy. Cần phải cầu nguyện và suy niệm trong dây lát mới nhận ra được thực chất của những giả định ấy.

 


Khi cơn nản chí bùng nên, đó là cơ hội chính yếu để hiểu ân sủng và lòng thương xót của Chúa: bản chất của ta không phải là con người tự lực tự cường. Chúng ta chỉ được toàn vẹn khi để cho Chúa làm việc trong ta, vì ngài chính là sự sống. Cũng như ta không sáng tạo nên ta, ta không thể tái tạo chính mình, không thể tha tội cho ta, hay sửa đổi chính mình. Đó là công việc của Chúa. Nói sao cho đủ, Chúa mong muốn cung cấp mọi thứ ta cần đến – và còn nhiều hơn nữa - kể cả ơn được nương tựa vào ngài khi ta phải đối phó với sự yếu đuối của ta và thế giới hư hỏng này.

 


Chúa biết ta yếu đuối và muốn làm cho ta mạnh mẽ. “Những ai khoẻ mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng những kẻ bệnh tật mới cần. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, nhưng những người tội lỗi.” (Matthêu 9:12-13)

 


Sự thất bại và tội lỗi của ta và của người khác có thể để lại những vết sẹo trên thân thể, những va chạm dữ dội của đời sống làm cho hai bàn tay chai cứng, những tổn thương xảy đến trên đường đời khiến ta phải lê bước khập khiễng, những lo lắng về gia đình và bạn bè để lại những vết nhăn nheo trên gương mặt. Nhưng đây cũng là những cơ hội để cho Chúa trở thành sức mạnh của ta, làm cho ta lành bệnh và được hy vọng. Ngài nhắc nhở ta đừng hy vọng vào chính mình nhưng vào ngài, vì ngài chẳng bao giờ bỏ rơi ta, ngay cả khi ta đã thất bại thê thảm. Giống như người Samaria nhân hậu, ngài băng bó những vết thương và chữa lành cho ta. Ngài tha thứ, yêu mến và đưa ta trở lại  đường đi.

 


Thánh Thomas Aquinas đã viết một bài bình luận rất hay về lời Chúa Giêsu, “Ta là đường đi, là sự thật và là sự sống,” Ngài khuyến khích ta luôn ở trên đường đi là Chúa Giêsu dù ta bị cám dỗ từ bỏ đường đi của ngài, vì bất cứ lý do gì:

 


“Vậy nếu bạn đang tìm kiếm con đường phải đi, hãy chọn Chúa Kitô vì chính ngài là đường đi. Cứ đi khập khiễng trên con đường ấy hơn là rời xa nó bằng những bước dài. Vì một người khập khiễng trên đường, dù chỉ tiến chậm, cũng đi hết con đường, nhưng một người rời khỏi con đường, càng chạy nhanh bao nhiêu, càng lạc xa mục tiêu bấy nhiêu.”

 


Biết đâu ta muốn chạy trong khi chỉ nên đi (thong thả). Biết đâu ta muốn nhảy ra khỏi đường đi vì nghĩ rằng ta biết một con đường tốt hơn hay một con đường đi tắt. Biết đâu ta ái ngại phải đi khập khiễng trước mặt người đời nên đã ngừng lại trên đường đi.

 


Nhưng Chúa yêu mến những kẻ què quặt, yếu đuối và sứt sẹo nhưng biết chấp nhận tấm thân dị dạng của mình, vì nơi họ ngài có những bình chứa để tiếp nhận ơn phước của ngài.

 


Sự nản chí không ích lợi gì, không cần thiết, và còn nguy hiểm nữa. Đó là một trong những mưu chước của Satan nhằm gạt ta khỏi đường đi. Ta hãy tránh xa sự nản chí và đặt hy vọng vào Thiên Chúa.

 


Vũ Vượng dịch