7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

KHÔNG PHẢI CHÚA GIÊSU ĐÃ BÃI BỎ NHỮNG CỦA LỄ HY SINH HAY SAO?


 

Photo: Shutterstock 


Didn’t Jesus Do Away With Sacrifices?


Bài giải đáp của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg. 

Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng 3 năm 2019.

 


HỎI: Tại sao ta thường nói về của lễ hy sinh trong lời cầu nguyện, nhất là trong Mùa Chay? Không phải Chúa Giêsu đã bãi bỏ những của lễ hy sinh của Cựu Ước hay sao?

 


ĐÁP: Câu hỏi của bà rất hay và là một điều rất quan trọng để suy niệm suốt cả đời  người Kitô hữu, không phải chỉ trong Mùa Chay mà thôi. Việc dâng của lễ hy sinh là một điều Chúa Giêsu đã chu toàn và hoàn thiện, chứ không bãi bỏ. Đúng hơn, của lễ hy sinh đời đời của Chúa Giêsu được mở ra cho chúng ta để ta có thể kết hợp với ngài để trở nên một của lễ hy sinh hoàn hảo cho Chúa Cha. Thực sự đó là niềm vinh dự và mục đích cao cả nhất của đời sống Kitô hữu.


 

Ta hãy suy nghĩ thêm một chút về ỹ nghĩa của lễ vật hy sinh theo cách ta hiểu để có thể hiểu thấu đáo lời mời gọi thiêng liêng mà Chúa gửi đến cho ta.

 


Của lễ hy sinh trong nước Do Thái thời thượng cổ của Chúa Giêsu có nhiều mục đích khác nhau và thường bao gồm sát tế một con vật, của lễ hy sinh thường được dùng như một dấu ấn để xác chuẩn những giao ước giữa người với người, cũng như giữa nhân loại và Thiên Chúa. Của lễ hy sinh cũng thường được dùng để đền tội, để dâng lời cảm tạ về những phúc lành nhận được hay để thiết lập sự hiệp thông giữa các đoàn viên cùng chia sẻ với nhau một bữa ăn. (Cần phải thận trọng phân biệt tục lệ dâng của lễ hy sinh trong đạo Do Thái cổ với lễ vật hy sinh dâng hiến trong thế giới ngoại giáo, nơi mà người ta dùng hiến tế hy sinh để xoa dịu hay gây ảnh hưởng đối với thần linh  theo một cách đặc biệt nào đó.)

 


Của lễ hy sinh của Chúa Giêsu trên thập giá đã hoàn thiện tất cả những mục đích của  lễ hy sinh của người Do Thái. Từ ‘sacrifice’ (hy sinh) bắt nguồn từ hai từ trong tiếng Latinh mà khi kết hợp lại có nghĩa là ‘make holy’(thánh hóa). Đây là lý do khiến cho của lễ hy sinh là một phần thiết yếu trong đời sống Kitô hữu.

 


Bạn thấy đó, chỉ có Chúa mới có thể làm cho một cái gì nên thánh. Ta không thể làm được. Khi dâng của lễ hy sinh ta dâng lên Chúa một phần của đời ta để Chúa có thể thánh hóa nó. Ôi chao! Đó là một cái gì vĩ đại hơn nhiều so với việc từ bỏ một cái gì đó trong 40 ngày. Khi ta làm việc hy sinh của người tông đồ, không phải ta đang từ bỏ một cái gì, cũng không phải ta chỉ ép mình theo một kỷ luật nào đó. Đúng hơn, ta đang nhất quyết dâng lên Chúa một cái gì ta yêu mến để Chúa có thể tiếp nhận và dùng nó vào những mục đích của ngài.

 


Nếu ta hiểu của lễ hy sinh theo cách này, sao  ta có thể níu lại một cái gì, không muốn dâng cho Chúa? Nói cho cùng, cái gì ta không dâng cho Chúa thì không thể được thánh hóa, và cái gì không thánh hóa thì không tồn tại đời đời.

 


Bất cứ phần nào trong đời sống của ta không được dâng cho Chúa để dùng vào những mục đích của ngài đều là một phần không lành thánh của ta. Đó là điều đáng suy ngẫm luôn luôn, và nhất là trong 40 ngày của mùa chay thánh.

 


Điều quan trọng cần phải nhớ chỉ có Chúa Giêsu là của lễ hy sinh đời đời duy nhất được  Chúa Cha chấp nhận. Tất cả chúng ta đều tội lỗi và không hoàn hảo. Ta chỉ có thể được thánh hóa trong Chúa Giêsu vì ta không có giá trị riêng nào nếu không có ngài.

 


Trong tình yêu hồng phúc của ngài, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cùng với ngài hiến dâng đời sống cho Chúa Cha để ta trở nên một phần trong hiến tế hy sinh đời đời duy nhất của ngài, để dâng lên Thiên Chúa. Lời mời gọi này được gửi cho ta mọi giờ mọi phút, nhưng nó được gửi đến với ân sủng đặc biệt trong mỗi thánh lễ khi linh mục tiến dâng của lễ của chúng ta và cầu xin: “cho của lễ của tôi và của anh chị em được Thiên Chúa, là Chúa Cha toàn năng chấp nhận.” Trong dây phút ấy, mỗi người chúng ta được có cơ hội để đặt đời sống của mình một cách thiêng liêng  để được kết hợp với Chúa Giêsu và được biến cải bởi ngài và trở nên thân thể của ngài – đó là công cụ thánh, tạo nên sự hiện diện của Chúa và hành động của ngài trên thế giới. Bằng cách kết hợp với Chúa Giêsu theo cách này, nhờ của lễ hy sinh của thánh lễ, thì đâu còn phải là ta sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong ta. (Galatians 2:20)


 

Bạn còn muốn giữ lại phần nào trong đời bạn, mà không muốn trao phó cho ơn biến đổi và thánh hóa của Chúa? Có lẽ 40 ngày của Mùa Chay này là  thời gian để dâng lên cho Chúa những phần nào trong đời ta cần được thánh hoá nhất và khám phá ra Chúa có thể làm gì trong ta và qua ta.


 

Vũ Vượng dịch