7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

NGƯỜÌ CỰU CHIẾN BINH NÓI ‘BÔNG HOA NHỎ’ GIỮ GÌN MẠNG SỐNG CỦA TÔI QUA NHIỀU THÁNG BAY NHỮNG PHI V

Don Stoulil of Sacred Heart Parish in Robbinsdale, Minn., holds a picture of himself Oct. 30, 2019, which was taken near the end of his tour of duty in World War II as a B-17 bomber pilot. He carried a relic of St. Therese of Lisieux in the cockpit during all of his 31 missions and credits the saint for his survival. (Credit: Dave Hrbacek/Catholic Spirit via CNS.)



Veteran Says ‘Little Flower’ Kept Me Alive During Months of Bombing Runs

 


Bản tin của Dave Hrbacek/Catholic News Service. Nguyên bản tiếng Anh đăng ttong báo điện tử Northwest Catholic ngày 7 tháng 11, 2019, nhân dịp Lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ (Veterans Day).


 

NEW HOPE, Minnesota - Một chiến đấu cơ Messerschmitt của Đức (Quốc Xã) đang nhào tới máy bay thả bom B-17 của Don Stoliel khi anh đang bay một phi vụ trong Thế Chiến Thứ Hai.


 

Stoliel, chàng phi công, nhìn qua cửa kính buồng lái và thấy máy bay của địch ầm ầm bay thẳng tới anh với những tràng đại liên tóe lửa.

 


“Nó đây rồi,” anh nghĩ, khi anh gồng mình đón những loạt đạn mà anh tưởng sắp nổ tung cửa kính và xuyên vào người anh.


 

Nhưng điều ấy không xảy ra. Không một mẩu chì nào xuyên vào buồng lái. Vì sao vậy? Stoliel, một thành viên Giáo Xứ Sacred Heart ở Robbinsdale, tin rằng anh có một áo bảo vệ mà không một súng đại liên nào của Đức (Quốc Xã) có thể xuyên qua – một di ảnh tuyệt đẹp của nữ Thánh Têrêxa Lisieux.

 


Di ảnh ấy được nhét vào túi quần bộ quân phục, đi theo anh trong mỗi phi vụ. Anh tin rằng Thánh Têrêxa giữ gìn mạng sống của anh trong buồng lái qua sáu tháng bay những phi vụ thả bom kết thúc vào năm 1944 khi anh kết thúc kỳ công tác của mình và trở về Mỹ.


 

Hồi ấy anh mới có 22 tuổi, đã nhận được di ảnh từ một cha tuyên úy, Cha Edmund Skoner, tại một sân bay tại Molesworth, nước Anh, không lâu sau khi tới đó năm 1943.


 

Nhờ thoát chết trong 31 phi vụ ném bom ở Đức, nên anh tin rằng Thánh Têrêxa luôn luôn canh chừng cho mình. Anh thoát nạn trong nhiều phen xuýt chết và đã thấy những phi cơ khác bay gần anh bị trúng đạn và rơi xuống. Không một viên đạn nào chạm vào buồng lái của anh. Chỉ có một lần thôi, một người trong phi hành đoàn 10 người của anh bị thương. Không có ai bị chết.

 


“Đúng rồi, Thánh Têrêxa chăm lo cho chúng tôi - chắc chắn mà,” Stoliel nói thế với báo Catholic Spirit của Tổng Giáo Phận St. Paul và Minneapolis. “Bà lo liệu đủ mọi việc, bởi vì nếu không nhờ có Thánh Têrêxa thì đâu tôi có mặt ở đây bây giờ.”

 


Sau chiến tranh ông đã kết hôn và có được bốn con với người vợ nay đã quá cố là Shirley. Năm nay đã 98 tuổi nhưng ông cụ vẫn một lòng tha thiết với vị thánh ưu ái của mình, “Bông Hoa Nhỏ.”


 

Một điều thích hợp là hiện ông sống tại một cơ sở (hưu dưỡng) ở miền New Hope mang tên St. Theresa of New Hope. Ông đã kể truyện đời mình nhiều lần, với các giáo dân xứ Sacred Heart cũng như các học sinh trường Công Giáo Secred Heart.

 


Stoliel đã gặp được di ảnh ấy trên những chặng đường bôn ba theo đuổi giấc mộng trở thành phi công từ khi còn nhỏ. Ông đã có một “cuộc tình với mây trời”, theo cách nói của ông. Sinh trưởng ở Olivia,  cách miền tây Twin Cities khoảng hai giờ lái xe, ông thường chạy ra khỏi nhà để xem những phi cơ của thời kỳ Thế Chiến Thứ Nhất bay trên đầu.


 

Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1938, ông nhập ngũ trong ngành Vệ Binh Quốc Gia (Army National Guard) năm 1940 với hy vọng trở thành phi công. Ông được nhận vào quân đội hiện dịch sau cuộc tấn công của Nhật ở Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) ngày 7 tháng 12 năm 1941. Được chuyển tới Trại Hann ở California, ông thấy có trung tâm huấn luyện không quân ở gần đó, gọi là March Field.


 

“Tôi thường thấy những máy bay B-17 cất cánh từ căn cứ March Field,” ông nói thế, “Thân thể tôi ở trong Camp Hann, nhưng tim tôi ở căn cứ March Field bên kia đường. Tôi muốn vào ngành không quân của bộ binh (Army Air Corps).


 

“Cần phải kiên nhẫn. Khởi đầu ông được chỉ định điều khiển dàn pháo phòng không. Nhiệm vụ đó đưa ông tới Alaska, nơi mà các lực lượng Hoa Kỳ đang dự đoán sẽ bị Nhật tấn công. Trong nhiều tháng trời, tình hình có vẻ như kỳ công tác của ông sẽ bao gồm việc bắn những máy bay địch.

 


“Nhưng lòng tôi vẫn ở trên không trung,” ông cho biết, “tôi muốn làm điều đó hơn bất cứ cái gì khác trên đời này.”


 

Nhờ sự giúp đỡ của một sĩ quan chỉ huy, ông có thể đến thành phố Anchorage (thủ đô của Alaska) để nộp đơn xin vào trung tâm huấn luyện sinh viên sĩ quan không quân trong ngành bộ binh (nay gọi là Không Lực). Lần đầu, ông bị bác đơn vì một vấn đề sức khoẻ, nhưng cuối cùng ông được chấp nhận vào tháng 6 năm 1942. Tin vui làm tôi “tưởng như được lên thiên đàng,” ông nói vậy.


 

Được vào trường phi công rồi, ông chọn trở thành phi công lái máy bay thả bom và được bổ nhiệm tới Phi Đoàn Thả Bom 303 (303rd Bomb Group) ở Molesworth. Tại đó ông đã gặp vị tuyên úy và cha đã cho ông tấm di ảnh.


 

Stoliel muốn chắc chắn rằng câu truyện đời mình - nhất là phần liên quan đến tấm di ảnh - sẽ được lưu truyền. Sau khi đã mang tấm di ảnh trong túi nhiều thập niên từ khi rời quân ngũ trở về nhà, ông đã trao nó cho cha sở xứ Sacred Heart, Cha Bryan Pedersen, ba năm trước đây.


 

Hai người gặp nhau đúng một tuần lễ sau khi Cha Pedersen đến Xứ Sacred Heart năm 2008. Họ đã hun đúc một tình bạn qua những bữa điểm tâm hàng tuần tại một nhà hàng địa phương sau Lễ sáng và xây dựng một tấm lòng tin cậy, khiến cho Stoliel đã trao di ảnh cho Cha sở giữ gìn.


 

Cha Pedersen nói, “Tôi thực sự cảm thấy không xứng đáng khi ông ấy muốn tôi giữ tấm di ảnh này.”


 

Đồng thời, Stoliel tiếp tục sùng kính Thánh Têrêxa. Hiện ông đang đọc tiểu sử tự thuật của vị nữ thánh, “Câu truyện của một linh hồn” (the Story of a Soul) và đều đặn đến viếng một nhà nguyện nho nhỏ trong cơ sở hưu dưỡng, gọi là Nhà Nguyện Bông Hoa Nhỏ (Little Flower Chapel). Ông đến đây dự Lễ mỗi tuần hai lần, và cố ghé qua mỗi ngày để ghi nhận công ơn của vị thánh đã cứu ông trong buồng lái phi cơ B-17 năm xưa.


 

Ông nói: “Tôi đến đó để xin cảm ơn Thánh Têrêxa vì 31 phi vụ. Bà thánh đã đưa tôi qua 31 phi vụ không hề hấn gì, mặc dù đã có nhiều phen thập tử nhất sinh.”


 

Cha Pedersen vui mừng vì có cơ hội được biết một người thuộc một thời đại mà người ta gọi là thế hệ vĩ đại nhất.


 

Stoliel là “một người hết lòng phục vụ đất nước, gia đình và đức tin,  nhất là đức tin Công Giáo. Ta cần có thêm nhiều người như Don Stoliel ngày nay. Được như vậy thì thế giới và đất nước chúng ta sẽ tốt đẹp hơn nhiều lắm.” Cha kết luận.


 

Vũ Vượng dịch