7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

CHÚA GIÊSU CÓ Ý ĐỊNH MỞ ĐẦU MỘT GIÁO HỘI CHĂNG?

Photo: Stained glass window depicting Pentecost, Slupsk, Poland

 

Did Jesus Intend to Start a Church?


(Bài của Đức Cha Daniel Mueggenborg, một bài học thánh kinh, nâng cao sự hiểu biết về liên hệ giữa đạo Do Thái trong thời Cựu Ước và giáo hội Công Giáo trong thời Tân Ước. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong Northwest Catholic tháng 1 và 2, 2019)

 

HỎI: Khái niệm về một “giáo hội” xuất hiện khi nào nơi Chúa Giêsu và các môn đệ? Con nhớ không có nghe nói về các “giáo hội” trong lịch sử Do Thái và con không biết Chúa Giêsu có ý định mở đầu một giáo hội mới hay ý định chủ yếu của ngài là canh tân đức tin của người Do Thái.


 

ĐÁP: Ta không nên ngạc nhiên vì từ “giáo hội” không xuất hiện trong Cựu Ước và chỉ xuất hiện hai lần trong Phúc Âm (Matthew 16:18 và 18:17). Lý do là từ “church” (giáo hội) trong tiếng Anh dùng để phiên dịch từ “ecclesia” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “những người được gọi riêng ra”. Hầu hết Cựu Ước được viết bằng tiếng Do Thái và tiếng Do Thái không có từ nào chỉ “giáo hội”. Tuy vậy quả thật ta thấy trong khắp Cựu Ước rằng Chúa đã thật sự gọi một dân tộc riêng ra khỏi phần còn lại của nhân loại để làm dân riêng của ngài. Đây là dân tộc Do Thái đang làm nô lệ trên đất Ai Cập.

 


Sự tuyển chọn này của Thiên Chúa đã dứt khoát xảy ra khi 12 chi tộc Do Thái liên kết lại thành một liên minh tại Shechem và dân tộc của Chúa được hình thành lần đầu (xem Joshua 24). Những đoạn như Exodus 24 (Xuất Hành) và Deuteronomy 8 (Quyển 5 Cựu Ước) cho thấy rất rõ Chúa tiếp tục kêu gọi và hình thành một dân tộc để  trở thành dân riêng của ngài trên thế giới. Những người được kêu gọi là những người bắt buộc phải đáp trả bằng một cuộc sống theo đúng ý muốn của Chúa và bằng cung cách thờ phượng thuần khiết, không được thờ ngẫu tượng và các thần giả dối. Mối liên hệ này được chuẩn nhận bằng một giao ước.

 


Điều này chứng minh ý định không ngừng của Chúa trong mọi thời đại là thiết lập một mối liên hệ nghiêm chỉnh với nhân loại, bao gồm những cam kết và nghĩa vụ hỗ tương. Mười Điều Răn được ban truyền là một phần của liên hệ giao ước với dân Chúa, được phát triển không ngừng. Ta còn có thể nói đây chính là lý do Chúa đã tạo dựng nhân loại - để biết, yêu và phụng sự Chúa trên đời này và ở bên Chúa trong cuộc sống đời đời.

 


Trong Cựu Ước ta thấy biết bao lần Dân Chúa đã bất tuân những lệnh truyền của Chúa như thế nào, trong cách đối xử với nhau cũng như về cách thờ phượng thuần khiết. Vì lý do đó Chúa đã gửi những tiên tri đến nhắc nhở dân trở lại sống trung thành với giao ước. Ngay cả trong những thời gian đa số người ta không tuân giữ liên hệ giao ước, lúc nào cũng còn một số ít kiên trì gìn giữ liên hệ đúng đắn với Chúa. những người này được gọi là số lành thánh còn sót lại (cũng gọi là những kẻ nghèo khó, những kẻ bé mọn - tiếng Do Thái gọi là anawim.)

 


Nhờ tiên tri Isaiah dân mới hiểu được rằng Chúa muốn cứu độ toàn thể thế giới, chứ không phải chỉ một quốc gia (xem Isaiah 49:6). Dân Chúa là công cụ nhờ đó tất cả mọi dân tộc được kêu gọi thờ phượng một cách chính đáng và giữ liên hệ đúng đắn với Chúa. Tiên tri Jeremiah đi xa hơn nữa, loan báo rằng có một ngày Thiên Chúa sẽ thiết lập một giao ước mới với dân người - một giao ước còn vĩ đại hơn giao ước do Môi Sen thiết lập. (xem Jeremiah 31:31-34)

 


Dân Chúa trong Cựu Ước là nguồn gốc của giáo hội thời Tân Ước. Sứ mạng rao giảng của Chúa Giêsu bắt đầu từ trong đạo Do Thái trong nỗ lực làm sáng tỏ Chúa muốn gì nơi chúng ta, trong liên hệ giữa mỗi người với nhau và trong liên hệ với Thiên Chúa. Tuy thế ngay từ đầu cuộc rao giảng của Chúa Giêsu, ngài đã nhận ra đa số người theo đạo Do Thái không đáp ứng sứ điệp của ngài. Thật ra sự chống đối những giáo huấn và hành động của Chúa Giêsu đã khiến cho những người lãnh đạo Do Thái giáo tìm cách giết ngài như ta thấy ngay từ phần đầu những bài trần thuật của Phúc Âm (xem Mark 3:6) Chúa Giêsu đáp lại sự chối bỏ này bằng cách gọi 12 môn đệ đến với ngài. (xem Mark 3:13-19, Matthew 5:1, Luke 6:12)

 


Việc kêu gọi 12 người này chứng tỏ Chúa chúng ta muốn tiếp tục mạc khải một cách nghiêm chỉnh ý của Chúa Cha qua một số ít còn sót lại. Tính cách tiêu biểu của việc lựa chọn 12 môn đệ hiển nhiên có liên quan đến 12 chi tộc trong Cựu Ước.



Chúa Giêsu tiếp tục mạc khải ý của Thiên Chúa cho nhân loại trong cuộc rao giảng, cuộc thương khó, sự chết và phục sinh. Một phần trong sứ mạng của ngài là giành thời gian và cố gắng đặc biệt để hun đúc nhóm mười hai này. Ngài cũng ứng nghiệm lời tiên tri Isaiah bằng cách thiết lập giao ước mới (và đời đời) bằng chính máu của ngài trong bữa ăn sau cùng.


 

Cũng như Thiên Chúa đã gọi riêng ra 12 chi tộc để làm dân riêng đặc biệt của Ngài, giờ đây Chúa Giêsu đang gọi riêng 12 môn đệ từ 12 chi tộc để sống trong một mối liên hệ trong sáng, thuần khiết và  thật sâu đậm với Chúa.


 

Như vậy giáo hội là dân mới của Chúa.


 

Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Linh cho những ai là dân riêng của ngài (giáo hội) để gìn giữ chúng ta trung thành cho đến ngày ngài trở lại. Giáo hội mà Chúa Giêsu thành lập  được gọi trong Tân Ước bằng những tên khác nhau như mình Chúa Kitô (1 Corinthians 12:27), lâu đài thiêng liêng (1 Peter 2:5), Nàng Dâu của Chúa Kytô (Ephesians 5:22-23), gia đình Chúa (1 Timothy 3:5), đoàn chiên (1 Peter 5:1-5) v.v…Mỗi danh hiệu này nhắc nhở ta luôn luôn có sự khởi động từ Thiên Chúa và sự đáp ứng của con người trong giáo hội.


 

Trong sứ vụ rao giảng của các tông đồ, ta thấy đúng cấu trúc của giáo hội và việc cử hành các nhiệm tích được phát triển tới cao độ. Ta cũng thấy có bốn phẩm tính vĩnh viễn lúc nào cũng phải có trong giáo hội Chúa Kitô thành lập, cũng gọi là những phẩm tính không thể xóa bỏ: hiệp nhất (duy nhất), đón nhận mọi người (universal, catholic), thánh thiện và dựa trên những giáo huấn của những người được trực diện với Chúa Giêsu (tông truyền, apostolic).


 

Bốn phẩm tính không thể xoá bỏ này của giáo hội do Chúa Kitô thiết lập chỉ tồn tại đầy đủ (và chỉ đầy đủ) trong Giáo Hội Công Giáo, là giáo hội tiếp tục thi hành sứ mạng do Chúa chỉ định, sứ mạng làm nhiệm tích cứu độ cho cả thế giới.


 

Vũ Vượng dịch