7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

CÁC NHÀ THIÊN VĂN ĐỀ NGHỊ ĐẶT TÊN LẠI CHO LUẬT HUBBLE ĐỂ TÔN VINH MỘT LINH MỤC NGƯỜI BỈ

Galaxy M74. Credit: NASA/ESA/Hubble Collaboration


Astronomers Recommend Renaming Hubble’s Law To Honor Belgian Priest

 


Bản tin CNA/EWTN News ngày 6 tháng 11, 2018. 

Nguyên bản tiếng Anh đăng trong báo điện tử Northwest Catholic. Một tin vui chung cho người Công Giáo: một linh mục, Cha Georges Lemaitre, một nhà thiên văn và toán học, được sắp ngang hàng với nhà thiên văn lừng danh Edwin Hubble.


x x x

 

Paris – Liên Hiệp Thiên Văn Quốc Tế (International Astronomical Union hay IAU) đã bỏ phiếu ủng hộ một đề nghị đặt tên lại cho Luật Hubble thành Luật Hubble-Lemaitre để nhìn nhận những đóng góp của một linh mục kiêm nhà thiên văn người Bỉ Georges Lemaitre vào thuyết khoa học về sự bành trướng của vũ trụ.

 

“Để tôn vinh trí tuệ chân chính và khám phá có ý nghĩa tột đỉnh của Georges Lemaitre, liên hiệp IAU vui mừng đề nghị luật vũ trụ bành trướng được đổi tên là luật Hubble-Lemaitre.” Liên Hiệp đã tuyên bố như vậy ngày 29 tháng 10.

 

Cha Georges Lemaitre, đã chết năm 1966, là một nhà vật lý và toán học được nhiều người khắp nơi coi là có công trong việc phát triển thuyết đại bùng phát (big bang theory) để giải thích nguồn gốc về mặt vật chất của vũ trụ.

 

Luật Hubble mô tả thể cách các vật thể rời xa nhau trong vũ trụ không ngừng bành trướng với một tốc độ theo tỷ lệ với khoảng cách giữa vật thể này với vật thể kia.

 

Một nghị quyết đề nghị đặt tên lại cho luật nói trên được trình bày và thảo luận tại Đại Hội thứ 30 của Liên Hiệp IAU họp tại thành phố Vienna (nước Áo) vào tháng tám.

 

“Nghị quyết này được đề nghị để tôn vinh cả Lemaitre và Hubble về những đóng góp cơ bản của họ vào việc phát triển khoa vũ trụ học hiện đại.” Liên Hiệp IAU lưu ý như vậy.

 

Một trong những điều mong muốn của bản nghị quyết là “để tôn vinh trí tuệ chân chính của Georges Lemaitre, một đặc điểm đã khiến ông quý trọng sự tiến bộ của khoa học nhiều hơn là danh tiếng của riêng mình”.

 

Liên Hiệp IAU là cơ quan quốc tế của những nhà thiên văn chuyên nghiệp và là cơ quan quốc tế được nhìn nhận là có thẩm quyền đặt tên cho các thiên thể.

 

Hơn 11,000 thành viên có đủ tư cách để bỏ phiếu qua mạng internet về nghị quyết cho tới ngày 26 tháng 10. Trong số 4060 thành viên đã bỏ phiếu, có 78 phần trăm chấp thuận nghị quyết, 20 phần trăm bác bỏ và 2 phần trăm không có ý kiến.

 

Lemaitre công bố một khảo luận vào năm 1927 bàn về tốc độ bành trướng của vũ trụ, nhưng “sự phổ biến có hạn chế của tờ báo khoa học trong đó bản khảo luận được đăng tải và thứ ngôn ngữ được xử dụng khiến cho sự khám phá thần kỳ của ông không được phần lớn giới thiên văn biết đến,” bản nghị quyết cho biết như vậy.

 

Bản nghị quyết ghi nhận rằng Lemaitre, một thành viên của IAU từ 1925 đã trao đổi quan điểm về hiệu ứng Hubble với chính Hubble (một nhà thiên văn lừng danh người Mỹ) trong đại hội lần thứ ba của IAU tại Leiden (thuộc Hòa Lan) năm 1928.

 

Một trong những vinh dự mà vị linh mục này đã nhận được là giải thưởng Franqui Prize năm 1934 của Vua Leopold III, nước Bỉ, theo cơ quan Franqui cho biết. Cha Lemaitre cũng từng là chủ tịch của Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Khoa Học.

 

Vũ Vượng dịch