7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Vai Trò Và Bổn Phận Người Giáo Dân


Là tín hữu, chúng ta được khuyến khích gia nhập và sinh hoạt trong một giáo xứ để sống đạo tích cực và thông hiệp với các phần tử khác của Giáo Hội. Đức Hồng Y Gasquet, trong quyển “Giáo Hội Trong Thời Kỳ Tiền Cải Cách Giáo Xứ”, đã thuật lại một câu truyện vui:

Một Kitô hữu tân tòng hỏi linh mục: “Vai trò của giáo dân trong Giáo Hội như thế nào?”

Linh mục trả lời: “Giáo dân có hai vai trò, thứ nhất: quỳ trước bàn thờ; thứ hai: ngồi quay mặt về toà giảng.”

Sau đó Đức Hồng Y còn hài hước nói thêm: người ta còn quên vài trò quan trọng nữa của người giáo dân là đưa tay vào túi móc tiền ra bỏ vào rổ! [1]

Câu chuyện đó minh họa một cách nhìn tiêu cực về giáo dân trong lịch sử của Giáo Hội. Nhưng có lẽ không phải hết tất cả chúng ta đều hiểu biết rõ vai trò đích thực của một giáo dân.  Trước hết ta thử tìm hiểu định nghĩa về giáo dân theo Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân: “Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả giáo hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận: nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô nhờ phép Thanh Tẩy, đã trở nên Dân Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mạng của toàn dân Kitô Giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình”.[2]

Tiếp đến là định nghĩa về giáo xứ theo Giáo Lý Công Giáo: “Giáo xứ là nơi mọi tín hữu có thể tập họp để cử hành Thánh Thể mỗi Chúa Nhật. Giáo xứ đưa dân Kitô hữu vào sinh hoạt thông thường của đời sống phụng vụ, và tập họp họ để cử hành Phụng Vụ, giảng dạy cho họ giáo lý cứu độ của Đức Ki-tô, thực thi đức mến của Chúa trong các công việc từ thiện và huynh đệ…” [3]. Chúng ta cũng nên đọc các điều khoản 208-231 về nghĩa vụ và quyền lợi của mọi Kitô hữu và giáo dân trong bộ Giáo Luật [4], từ đó chúng ta có thể biết được một cách cơ bản những công việc, bổn phận của một giáo dân, như sau:

1/ Tham dự và lãnh nhận các Bí Tích

  • Tham dự Thánh Lễ, nghi thức Tuần Thánh, Chầu Thánh Thể
  • Lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải hay Xức Dầu Bệnh Nhân khi cần
  • Tham dự các lễ nghi Hôn Phối, ban Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức cử hành tại giáo xứ

2/ Cầu nguyện

  • Đọc kinh chung với gia đình, với hội đoàn,
  • Cầu nguyện riêng: cố gắng dành ít thời gian mỗi ngày để cầu nguyện, nói chuyện với Chúa
  • Giữ luật ăn chay, kiêng thịt theo Giáo Luật

3/ Học hỏi Giáo Lý, Kinh Thánh và phát triển mối liên hệ gần gũi với Thiên Chúa

  • Đọc và học hỏi Kinh Thánh
  • Học hỏi Giáo Lý, Học Thuyết Công Giáo
  • Tham dự các buổi hội thảo về cách sống đạo, truyền giáo, và các buổi tĩnh tâm

4/ Đóng góp tài năng, công sức, thời gian

  • Làm thiện nguyện giúp giáo xứ bằng cách tham gia các ban ngành đoàn thể trong vai trò lãnh đạo hay thành viên
  • Tham gia các họat động mục vụ, bác ái của giáo xứ, giáo phận

5/ Đóng góp tài chánh

  • Tùy theo lợi tức thu nhập, giáo dân đóng góp tài chánh để nuôi sống giáo xứ và hỗ trợ các sinh hoạt trong giáo xứ

6/ Đối xử người khác với tình thương yêu và sự kính trọng

  • Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: Là anh em hãy có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35)

7/ Tham gia vào hoạt động truyền giáo, và các hoạt động xã hội để cổ vũ tình yêu thương

  • “Vì các giáo dân cũng như mọi Kitô hữu đều được Thiên Chúa uỷ nhiệm sứ vụ tông đồ qua phép Rửa Tội và phép Thêm Sức, cho nên họ có những  nghĩa vụ chung và với tính cách cá nhân hay tập hợp  thành những hiệp hội, có quyền làm cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa được mọi người khắp thế giới nhận biết và đón nhận. Các giáo dân có bổn phận đặc biệt phải làm cho trật tự các thực tại trần thế được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm...” (GL, 225)

Trở nên một giáo dân tích cực không phải là một chuyện dễ dàng, nhất là khi chúng ta đang phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày để mưu sinh. Thế nhưng khi đã biết được Mẹ Giáo Hội mong đợi gì nơi một giáo dân, chúng ta thấy rõ ràng hơn con đường mình phải đi, để rồi mạnh dạn bước đi trên con đường đó, không phải chỉ một mình nhưng cùng đồng hành với bao người khác. Trong dụ ngôn năm nén bạc, chúng ta biết rằng cách xử dụng tốt những nén bạc là làm cho chúng sinh lời. Làm cho chúng sinh lời không hệ tại số lượng nén bạc được gia tăng, mà hệ tại tấm lòng của người tôi tớ: người ấy biết chủ tín nhiệm mình nên để đáp lại anh cũng hết lòng với chủ.

Trong bài giảng của ĐTC Phanxicô năm 2014, Ngài nói: “Tất cả những điều thiện hảo mà chúng ta nhận lãnh là để trao ban cho tha nhân, và như thế là sinh lợi.” Chúng ta nhận được bao hồng ân và phải học cách dâng lại Ngài những gì là tinh hoa, quý giá nhất như Chúa đã dạy chúng ta qua dụ ngôn bà góa: “Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma. Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.” (Mc, 2, 43-44) Không ít người trong chúng ta than thở vì sao cuộc sống quá đỗi bất công, khi có nhiều người giàu và họ thì sao “nghèo rớt mồng tơi” và “bệnh hoạn liên miên". Vì thế, họ chỉ muốn nhận thêm ơn lộc, chớ không muốn cho đi những gì đã nhận. Nhìn lại gương bà goá, bà đã cho đi tất cả những gì bà có để nuôi thân. Bà là mẫu gương cho mỗi người chúng ta.

Giáo xứ là gia đình thứ hai của mỗi người Kitô hữu. “Chúng ta phải xây dựng một bầu khí thánh thiện, vui tươi và yêu thương trong gia đình của chúng ta. Chúng ta phải biến gia đình chúng ta trở thành một gia đình Nagiarét thứ hai, nơi Chúa có thể đến và sống với chúng ta.” (Lời Thánh Têrêsa Calcutta)[5]. Mỗi người trong chúng ta lãnh nhận số lượng nén bạc khác nhau để sinh lời. Nhưng tất cả chúng ta đều nhận lãnh một sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng và trở nên hoàn thiện. Trong tương lai, vai trò của giáo dân trong lòng Giáo Hội sẽ càng ngày càng được trân trọng hơn, cũng như vai trò của Thánh Cả Giuse trong lịch sử cứu độ: Ngài đã lắng nghe và chu toàn Thánh Ý bằng cách sống cần lao, biết chăm lo gia đình, luôn kiệm lời, nhẫn nại và khiêm tốn.

Trong ngày phán xét khi Chúa hỏi chúng ta tự đánh giá xem chúng ta có phải là một giáo dân tích cực hay không trên thang điểm từ 1 đến 10. Liệu lúc đó chúng ta dám tự cho mình điểm 10?

 

Luke Quang

 

(1)  Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Hữu Tấn, Linh Đạo Giáo Dân. Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 1990 – 1991. tr. 2

(2)  Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 31

(3)  Sách Giáo Lý Công Giáo, số 2179 trích từ bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin/ HĐGMVN, Nhà Xuất Bản Hà Nội, 2009

(4)  Bộ Giáo Luật Hội Thánh Công Giáo 1983, Quyển II, Phần I, Đề mục 1&2, các số từ 208-231

(5)  Lời Thánh Têrêsa Calcutta trích từ cuốn “One Heart Full of Love,” do Jose Luis Gonzalez-Balad chỉnh biên