7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

TRỞ THÀNH NHỮNG TÔNG ĐỒ TRUYỀN GIÁO

"Resurrection of Christ," Michael Corneille the Elder, Wikimedia


Làm sao có thể vượt qua những trở ngại trên đường chia sẻ tin mừng Chúa Giêsu chiến thắng tội lỗi và sự chết.


Becoming Missionary Disciples

Nguyên bản tiếng Anh của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg đăng  trong Northwest Catholic tháng 3, 2018

 


 Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nói về Rao Giảng Phúc Âm Đời Mới (New Evangelization) và nhu cầu trở thành tông đồ truyền giáo của mỗi người Công Giáo. Đây không phải là một thông điệp mới.  Đức Thánh Cha đang khai triển giáo huấn bất di bất dịch của các vị tiền nhiệm trong thời đại gần đây. Ta còn có thể nói Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang nhấn mạnh điều mà chính Chúa Giêsu đã dạy trong các sách Phúc Âm.


Trước khi đi xa hơn, ta cần phải hiều từ rao giảng Phúc Âm thật sự có nghĩa gì. Ta có thể hiểu từ này rõ nhất bằng cách dựa vào câu mở đầu Phúc Âm theo Thánh Maccô cũng là tựa đề cho cả quyền sách: “Mở đầu phúc âm về Chúa Giêsu Kitô con Thiên Chúa.” Từ evangelization (rao giảng phúc âm) được rút ra từ hai từ của tiếng Hy Lạp euangellion, có nghĩa đen là “tin mừng” và được dùng trong đế quốc ngoại giáo của thời đại Chúa Giêsu để nói về những chiến công của hoàng đế (La Mã).


Với những Kitô hữu, chiến thắng cuối cùng làm thay đổi và định hình đời sống chúng ta không phải là chiến thắng trên chiến trường, nhưng trên thập giá trên đồi Calgary – đó là chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô trên quyền lực của tội lỗi và sự chết, là những gì làm cho ta xa rời Thiên Chúa, và người này xa rời người kia. Chính chiến thắng của Chúa Giêsu – cũng là tin mừng của Chúa Cha - định hướng mới cho mọi phương diện của đời ta từ gốc rễ. Khi ta nói về Phúc Âm của Chúa, điều chính yếu mà ta nói đến không phải là một thông điệp, nhưng là một con người: Chúa Giêsu Kitô.


Rao giảng phúc âm có nghĩa trước hết là chúng ta tiếp nhận và đáp ứng với chiến thắng của Chúa Kitô trong đời riêng của ta, rồi trở thành những khí cụ để giúp người khác cảm nghiệm được chiến thắng đó trong đời sống của họ như vậy. Nhiệm vụ hai chiều,  trước hết đón nhận món quà đức tin (liên hệ với Chúa Giêsu) rồi chia sẻ món quà đức tin ấy cho người khác được ủy thác cho ta trong phép rửa khi linh mục hay thày sáu làm phép tai ta và miệng ta – tai là biểu tượng việc tiếp nhận món quà đức tin bằng cách nghe, và miệng là biểu tượng việc chia sẻ món quà đức tin qua lời nói.


Nhận biết sự hiện diện của Chúa chiến thắng


Như vậy bước đầu trên đường rao giảng tin mừng là nhận biết sự hiện diện của Chúa chiến thắng trong đời ta. Tuy việc này xem ra có vẻ hiển nhiên  nhưng không nên coi nhất định là như thế. Thiên Chúa Giáo trước hết không phải là một thông điệp, một nền triết học, cũng không phải một hệ thống tư tưởng luân lý hay bác ái. Thiên Chúa Giáo trước hết và trên hết là một sự gắn bó sâu xa với con người của Chúa Giêsu. Mọi thứ khác đều phát sinh từ việc Chúa Giêsu đã đòi mỗi người chúng ta thuộc về ngài một cách toàn vẹn và vĩnh viễn khi ta chịu phép rửa và ta đã quy phục bằng một hành động tín thác. Bước quan trọng thứ nhất trên đường rao giảng tin mừng của mỗi người chúng ta là phải nhận biết sự hiện diện luôn tác động của Chúa và đáp ứng lại bằng một hành động tự hiến trọn vẹn và vĩnh viễn.


Sự hiện diện toàn thắng và hành động cứu rỗi của Chúa có thể được nhận thấy bằng nhiều cách khác nhau. Có thể là qua một dây phút giác ngộ tâm linh cao độ trong khi cầu nguyện hay quỳ gối trước Thánh Thể, hay có thể qua một dây phút đặc biệt Chúa ban khi ta cảm nghiệm được sự quan phòng nhãn tiền của Chúa. Cũng có thể qua công tác phục vụ người nghèo, cho người đói ăn hay những tác vụ lòng thương xót khác. Cũng có thể việc ấy xảy ra từ từ trong khi ta lớn lên trong tâm tình liên kết  với Chúa nhờ kinh nguyện hàng ngày, chịu các nhiệm tích, kết hợp với việc thực thi nhân đức.


Điều thiết yếu trong bước đầu này là phải nhận biết một cách trực diện và khách quan rằng Chúa thương yêu ta. Cũng cần đáp ứng lại sự nhận biết này và “xin vâng” đón nhận tình liên kết Chúa ban cho ta qua sự hiện diện của ngài để cho Chúa Giêsu trở thành chúa tể  trong mọi phương diện đời sống chúng ta. Trở thành tông đồ có nghia là thế.


Khi một người sống cách nào để tỏ ra Chúa Giêsu làm chúa tể của đời mình thì dần dần sẽ có sự thay đổi về các ưu tiên, các giá trị đạo đức và hành động của họ để phản ảnh tâm trí và trái tim của Chúa. Đó là quá trình biến đổi được gọi là hối cải trong các sách Phúc Âm.


Rồi bước thứ hai là trở thành tông đồ truyền giáo, nghĩa là chúng ta hết lòng mong muốn loan truyền tin mừng Chúa chiến thắng để cho người khác được tiếp nhận, hiểu biết và đáp ứng lại trong đời sống của họ cũng như vậy. Để hiểu rõ hơn việc này xảy ra thế nào, ta có thể xem xét nhiều cách khác nhau để chia sẻ tin mừng cho người khác. Thí dụ khi ta được xem một phim truyện thật hay, ta sẽ kể lại cho bạn bè để họ cũng được thưởng thức. Hay khi ta được ăn một bữa thật ngon tại một nhà hàng, ta kể lại tin vui để những người khác cũng có thể đến ăn tại đó. Ta còn có thể  chia sẻ những lời bông đùa thú vị để người khác được thưởng thức. Có lẽ chúng ta đã có dịp chia sẻ những tin vui về xe hơi, các sản phẩm điện tử, thể thao v. v, vì muốn đời sống của họ được tốt đẹp hơn nhờ những kinh nghiệm tốt đẹp của ta.


Như vậy có gì khác đâu khi ta chia sẻ tin mừng về những gì Chúa đã làm cho ta?


“Đừng sợ”


Theo tôi nghĩ, có nhiều trở ngại to lớn khiến ta khó trở thành những tông đồ truyền giáo. Ta cần phát hiện và phá bỏ từng cái một. Sau đây chưa phải là một bản liệt kê đầy đủ, nhưng chỉ là tóm lược một số trở ngại thông thường.


Trước hết nhiều người tin rằng đức tin là một cảm nghiệm riêng tư chỉ để biểu lộ giữa họ và Thiên Chúa. Để vượt qua trở lực này, ta cần phân biệt giữa đức tin có tính cách riêng tư và đức tin có tính cách trực tiếp. Quan hệ giữa ta với Chúa (đức tin) luôn luôn và nhất thiết phải là một cảm nghiệm trực tiếp, vì nó là một cuộc gặp gỡ thực sự. Tuy nhiên đức tin của ta không phải chỉ để chôn vùi trong lòng và dấu kín như một cái đèn đặt dưới một cái thúng. (Matthêu 5:14-15)


Đúng hơn, tin mừng chiến thắng của Chúa là điều Chúa có ý gửi đến toàn thể nhân loại, cho nên Chúa Giêsu bảo ta chia sẻ kinh nghiệm tin mừng với mọi người (nguyên văn: “ hãy hô to từ trên nóc nhà.” (xem Matthêu 10:27) Chúa Giêsu có những lời khá nghiêm khắc cho những người đã được món quà đức tin nhưng chỉ giữ lại cho mình mà thôi. Người ta thấy những lời giảng dạy mạnh mẽ nhất về sự cần thiết phải phân phát món quà đức tin trong dụ ngôn về những nén bạc. (Matthêu 25:14-30)


Trở ngại thứ hai khiến người ta không muốn chia sẻ đức tin cho người khác là sự sợ hãi. Chính vì lý do này mà lời nói thường nghe nhiều nhất của Chúa Giêsu trong các Phúc Âm là “Đừng sợ.” Chúa chúng ta biết sự sợ hãi có thể làm cho một tông đồ  tê liệt. Sợ hãi là một trong những cách chủ yếu của ma quỷ để phá hoại đức tin của các tông đồ. Một số tông đồ sợ bị ruồng bỏ bởi vì người ta có thể không tin hay chấp nhận điều họ nói. Một số khác sợ bị gạt ra ngoài hay bị coi là cực đoan vì chia sẻ đức tin một cách lộ liễu. Trong nền văn hoá thế tục ngày nay, chúng ta còn sợ đi ngược lại những dự kiến  và những chuẩn ước của một nền văn hoá phi tôn giáo khi đem đức tin vào những cuộc nói truyện công khai.


Còn một thứ sợ hãi nữa là sợ thất bại. Nó sẽ phát sinh khi ta tin rằng chia sẻ đức tin của ta chẳng thay đổi được gì trong đời sống người khác. Lại có người sợ phải tốn nhiều thì giờ, sức lực và tài sáng tạo, vì giúp người khác tiếp nhận đức tin thường là một quá trình kéo dài để cải hoá người ta dần dần, một việc đòi hỏi nhiều cuộc trao đổi tư tưởng cần phải có sự tôn trọng, khôn khéo, đầy thử thách kéo dài hàng tuần, hàng tháng, có khi nhiều năm.


Lại có những người sợ thiếu khả năng hay chưa đầy đủ nên bị tê liệt vì tin rằng một người nào khác có thể chia sẻ đức tin giỏi hơn mình, cho nên họ cứ im lặng khi cơ hội đến. Chắc chắn đây không phải là một bản liệt kê đủ hết mọi thứ sợ hãi nhưng hy vọng rằng nó là một khởi điểm để giúp bạn phát hiện và xua đuổi sự sợ hãi khi cần phải chia sẻ món quà đức tin nơi Chúa Giêsu.


Vương Vũ  dịch

(Còn tiếp kỳ sau)