7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

TRỞ THÀNH NHỮNG TÔNG ĐỔ TRUYỀN GIÁO (Tiếp theo)


Becoming Missionary Disciples

Nguyên bản tiếng Anh của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg đăng trong báo Northwest Catholics tháng 3, 2018

(Tiếp theo kỳ trước và hết)


Đừng ngừng lại nửa chừng

Một trở ngại thứ ba là sự cám dỗ ngừng lại nửa chừng trong khi chia sẻ tin mừng về chiến thắng của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, một chiến thắng đã làm thay đổi hẳn đời ta. Đôi khi ta cảm thấy chỉ cần làm chứng  về những giá trị đạo đức của Phúc Âm cũng được rồi và chưa muốn tuyên xưng Chúa Giêsu là lý do của những tư tưởng này. Lý do khiến ta sống đời sống đạo đức và luân lý là vì Chúa Giêsu. Ta giáo dục trẻ em, chữa lành người bệnh và tiếp đón kẻ xa lạ là vì Chúa Giêsu.


Nếu ta không có chủ ý rõ ràng kết hợp đời sống Kitô hữu của ta với nhiệm vụ tuyên xưng đức tin của ta thì thực sự ta chẳng khác gì một người nào khác cũng đang làm một việc tương tự. Những tông đồ của Chúa Kitô làm tất cả những việc tốt trước hết và trên hết là vì Chúa Giêsu. Bằng cách này phục vụ tha nhân trở thành tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ hiển hiện. Đó là cách ta biểu lộ tình yêu của ta đối với Chúa là đấng đã yêu thương ta trước hết (Gioan 21:15-17).


Thánh Phêrô tông đồ đã hiểu rõ cần phải kết hợp nhiệm vụ sống đời Kitô hữu và nhiệm vụ tuyên xưng đức tin Kitô giáo như thế nào khi ngài khuyên các tông đồ trong thế kỷ thứ nhất phải luôn sẵn sàng giải thích cho bất cứ ai hỏi về lý do của niềm hy vọng trong lòng họ (xem 1 Peter 3:15). Mỗi định chế Công Giáo và riêng mỗi tông đồ đều phải sẵn sàng giải thích những động lực và hành động của chúng ta dựa trên lòng tha thiết  của ta đối với bản thân Chúa Giêsu. Đây là một đề tài không phải lúc nào ta cũng có thể nói đến một cách thoải mái. Điều người ta thường thích nói hơn là những giá trị đạo đức, những giáo huấn hay những gương lành của người khác. Tuy vậy Phúc Âm thánh Matthêu 10:32-33 nhắc nhở ta cần phải truyền đạt chính Chúa Giêsu, chứ không phải sứ điệp của ngài mà thôi. Ta phải nhìn nhận chính Chúa Giêsu là nền tảng của đời ta, chứ không phải chỉ có những tư tưởng đạo đức của ngài. Nếu ta không giới thiệu cho người khác chính bản thân Chúa Giêsu thì ta đã ngừng lại nửa chừng, chưa chia sẻ được tin mừng về việc chiến thắng của Chúa đã thay đổi đời ta như thế nào.


Trở ngại thứ tư là sự trì hoãn. Đôi khi người ta nghĩ cần phải chờ cho đến khi nào cảm thấy được chuẩn bị đầy đủ rồi mới chia sẻ tin mừng về hành động cứu chuộc của Chúa trong đời họ. Điều nguy hiểm là có thể không bao giờ họ cảm thấy được tự tin đầy đủ như thế. Sự ngần ngại này có thể biến thành trì hoãn vô tận.


Cần nhớ rằng truyền giáo là một trong những nhiệm vụ của người tông đồ. Đến một lúc nào đó trên đường phát triển của đời tông đồ, ta thấy không thể tiến xa hơn nữa nếu không bắt đầu chia sẻ những gì ta đã được lãnh nhận. Chúa Giêsu đã chứng tỏ điều này trong các sách Phúc Âm khi ngài gửi các môn đệ ra đi chia sẻ tin mừng với người khác sau khi mới ở với ngài được một thời gian ngắn (xem Maccô 6:7-13). Ta cứ tưởng rằng có lẽ Chúa Giêsu phải chờ đợi đến một đoạn cuối trong Phúc Âm rồi mới làm việc này, khi các môn đệ đã có nhiều năm kinh nghiệm với ngài và đã tìm hiểu ý nghĩa chi tiết của các dụ ngôn của ngài. Sự thật khác hẳn. Chúa Giêsu biết, và ta cũng cần phải biết, sự phát triển của riêng ta sẽ bị ngừng trệ nếu ta không sẵn lòng và công khai chia sẻ với  người khác ân sủng Chúa đã ban cho. Những ai cảm thấy bị khựng lại trước một rào cản tâm linh kiên cố trong đời sống đức tin sẽ làm được một việc rất hay nếu biết suy nghĩ về trở ngại nghiêm trọng nhưng khó thấy này trên đường trở thành tông đồ truyền giáo.


Ơn cứu độ của Chúa rồi sẽ ra sao?

Còn nhiều trở ngại khác nữa khi ta muốn chia sẻ đức tin cho người khác. Trong số này có thể kể ra óc tự mãn, xu hướng thế tục, sự dốt nát của bản thân về đức tin và ngay cả thói ỷ lại khiến người ta lầm tưởng rằng rao giảng tin mừng chỉ là trách nhiệm của những người đã chịu chức thánh, những tu sĩ, hay những nhân viên của các chương trình mục vụ, chứ không phải là hành động tối cần của tất cả mọi tông đồ.


Theo tôi, cần phải nhớ tại sao ta được kêu gọi rao giảng tin mừng. Câu trả lời vừa ngắn gọn, vừa khẩn trương. Ta rao giảng tin mừng vì ơn cứu rỗi của người khác tuỳ thuộc vào việc này, và vì ta được ủy nhiệm chia sẻ một cách đắc lực với họ tin mừng về chiến thắng của Chúa.


Chúa nhắc nhở trong Phúc Âm thánh Matthêu 10:40-42 người ta sẽ được diễm phúc biết bao khi họ chấp nhận và đáp ứng tin mừng được đem đến cho họ. Sự thúc dục ấy có ý khuyến khích những tông đồ rao giảng tin mừng thời sơ khai để họ được kiên trì khi gặp chống đối, hắt hủi, đe doạ và thờ ơ lãnh đạm. Họ có những tin mừng tuyệt diệu có sức mạnh thay đổi đời sống để chia sẻ với người khác, nên không gì có thể răn đe họ trong sứ mạng tông đồ.


Khi ngài về trời Chúa Giêsu nhắc lại nhiệm vụ rao giảng tin mừng kỳ diệu này và những ơn phước để chia sẻ với những người được rao giảng, đồng thời ngài gửi các tông đồ lên đường sứ mạng (xem Maccô 16:15-16). Quả thật những ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu thoát. Nếu ta thương yêu những người kề cận quanh ta thì làm sao ta có thể bằng lòng để cho họ phải chịu một số phận thua kém hơn? Làm tông đồ truyền giáo có nghĩa là như vậy.


Vũ Vượng dịch