7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

NÊN ĐẾN VỚI AI KHI CẦN SỰ KHÔN NGOAN?



To Whom Do You Turn for Wisdom?


(Nguyên bản tiếng Anh: Christopher News Note 599)


Khi cần một lời khuyên thực tế thông thường, cần sự khuyến khích hay cần nâng cao tinh thần, phần lớn chúng ta đến với những người thân thuộc, bạn bè trước hết. Tùy theo tính chất của vấn đề khó khăn hay sự thử thách, ta sẽ mở rộng tầm tìm kiếm gồm có những chuyên gia chăm sóc sức khoẻ, những chuyên viên trong một lãnh vực nào đó, cố vấn pháp lý, hay cha linh hướng.


Tuy vậy, người Công Giáo chúng ta thường hay bỏ quyên một nguồn mạch khôn ngoan phong phú ngay trong tầm tay – đó là các thánh.


Mới nghe nói đi tìm sự khôn ngoan nơi các thánh - những người bạn trong đức tin - ta thấy việc ấy dường như trái tự nhiên.


Chúng ta tôn kính các thánh - chắc hẳn rồi - và đôi khi xin các ngài che chở một cách tự động tự phát. Khi càng về già, ta càng hay bắt Thánh Antôn phải bận rộn (đi tìm chìa khoá ta đã làm mất.) Nhưng làm sao những người không còn sống giữa chúng ta, những người đã sống trên mặt đất này nhiều thế kỷ hay thiên kỷ trước, ngày nay có thể giúp ta được nhiều nữa?


Khôn ngoan giúp ta đi đúng hướng


“Ta tôn kính các thánh bằng cách đặt các ngài trên bệ thờ khiến các ngài trở thành xa cách. Tuy nhiên khi hiểu được các vị thánh rõ hơn một chút, khoảng cách tưởng tượng sẽ thu ngắn lại.”

Bert Ghezzi trong tác phẩm “Tiếng Nói của Các Thánh”


Có hai lý do khiến cho việc tim kiếm khôn ngoan nơi các thánh là điều hợp lý. Lý do thứ nhất là các thánh cũng là người. Với bản tính con người các ngài cũng có nhiều khuyết điểm và thường lầm lẫn như chúng ta.


Cũng là những thiếu niên hay giận dữ, những người gặp tình duyên trắc trở, những người chạy theo giàu sang phú quý, những kẻ tội lỗi khét tiếng – vâng, có những thánh nhân  đã từng ở trong trường hợp như vậy. Còn ai biết rõ hơn các ngài hoàn cảnh chúng ta đang trải qua?


Nữ Thánh Magaret thành Cortona đã từng là một thiếu nữ nổi loạn, thù ghét bà mẹ ghẻ và chống trả bằng đủ mọi cách có thể làm. Năm 17 tuổi bà bỏ nhà đi theo một người đàn ông lớn tuổi giàu có, nghĩ rằng ông ta sẽ cưới làm vợ. Hỡi ôi, ông ta chỉ coi cô như một người tình và cô đã sinh cho ông ta một đứa con trai. Mười năm sau tình nhân của cô bị băng đảng đối thủ giết chết. Thảm họa đó đã đổi ngược đời sống của bà. Magaret trả lại tất cả những quà tặng mà ông ta đã cho. Bị bà mẹ ghẻ ruồng bỏ, bà đem con trai đến nương náu tại một nhà dòng Phanxicô. Thế rồi cậu con trai trở thành một thày dòng, còn Magaret thì tuyên khấn vào dòng ba Phanxicô và sống suốt cuộc đời còn lại để phục vụ những người nghèo khó nhất.


Lý do thứ hai là sự khôn ngoan, xét một cách sâu xa, là một cái gì quan trọng hơn là một lời khuyên, cố vấn, hay giúp giải quyết khó khăn. Nó là lời nhắc nhở ta cái gì là quan trọng nhất, ta thật sự là ai hay thuộc về ai - giống như một chậu nước lạnh tạt vào mặt, hay một cái ôm thắm thiết người đi xa trở về. Mỗi sự lựa chọn hay thử thách ta phải đối phó trong đời sống, dù có vẻ tầm thường hay rất nặng nề cũng vậy, đều có mục đích đưa ta trở về với Chúa, nơi mà các thánh đã về trước ta.


Khôn Ngoan Trong Lời Các Thánh


Cũng như thân thuộc và bạn bè của ta, các thánh thường hay chia sẻ sự khôn ngoan qua lời nói. Nếu bạn nghĩ rằng các thánh chỉ nghĩ đến những vấn đề thần học cao xa, bạn sẽ  ngạc nhiên và thích thú khi biết có những vị thánh- không phải ít đâu nhé - đã nói những lời khôn ngoan rất thực tế, rất trần thế, kể cả những ý kiến hài hước.


Thánh Philip Neri chưa hề có một bộ mặt âu sầu, một đặc điểm hiếm có nơi các thánh. Bằng sức mạnh của niềm vui trọn vẹn ngài đã đem Chúa Kitô đến cho người dân thành Rome – qua những câu truyện nơi đầu đường góc phố, trong những bài giảng có nhiều lời bông đùa cũng như những ẩn dụ thần học cao xa, được thực hiện bởi các thày dòng trẻ tuổi sốt sắng của dòng tu do chính ngài thành lập. “Một trái tim vui tươi dễ trở nên hoàn thiện hơn một trái tim âu sầu.” Đó là châm ngôn của ngài.


Thánh Katharine Drexel vốn là con gái cưng của một nhà tài phiệt thành Philadelphia. Nàng đã từ bỏ gia tài và cống hiến trọn đời để phục vụ những người thổ dân Mỹ và những người Mỹ gốc Phi Châu trong một thời kỳ áp bức và cách biệt cực độ. Bà cương quyết đối phó với các nhóm cực đoan Ku Klux Klan và những kẻ hăm doạ giết bà. Với lòng khôn ngoan vững chắc bà phó thác mọi sự trong tay Chúa.


“Lúc nào cũng vậy, chị em cứ làm việc gì cần phải làm lúc ấy, trong sự bình an,” Mẹ Katharine đã khuyên nhủ các dì phước dòng tu mà bà đã thành lập, “ Nếu ta cứ làm cái gì mỗi lúc đòi hỏi - bất cứ cái gì - thì kết cuộc ta sẽ hoàn thành được kế hoạch của Chúa. Ta có thể phó thác cho Chúa chăm lo kế hoạch chủ đạo, còn ta thì lo làm các chi tiết.”


Thánh Têrêxa thành Avila là một nhà thần bí nhưng cũng là người rất thực tế. Bà nói: “Hãy cậy nhờ Chúa giúp bạn sống đúng với địa vị của mình, và nếu đôi khi bị vấp ngã, không được nản lòng.” Một câu nói khác: “Chúa thường tử tế hơn bạn tưởng đấy.” Và khi quá chán nản vì những tập sinh (novices) thích quan trọng hoá mọi vấn đề, bà nói: “Xin Chúa bảo vệ tôi trước những bà thánh rầu rĩ này.”


“Chúa gọi ta qua những gì xảy ra mỗi ngày, qua những đau khổ và hạnh phúc của những người chung quanh, qua những điều thích thú của các đồng nghiệp, qua những gì tạo thành đời sống gia đình của ta.” Đó là lời nhắc nhở của Thánh Josemaria Escrivá, đấng sáng lập phong trào Opus Dei (Nên Thánh Qua Đời Sống Hàng Ngày).


Khôn Ngoan Trong Đời Các Thánh


Tất nhiên, sự khôn ngoan của các thánh còn biểu lộ nhiều hơn nữa, không phải chỉ qua lời nói mà thôi. Ta học hỏi được qua cách sống của các ngài. Khi có sự nghi ngờ hay cần được hướng dẫn, ta hãy tự hỏi trong trường hợp này các thánh đã làm gì.


Xin nghĩ đến Thánh Giuse, chồng của Đức Maria và là người bảo vệ Chúa Giêsu. Ta không có một lời nào của ngài được ghi chép. Nhưng chưa hề có một tấm gương nào rạng rỡ hơn. Khi phải đối diện với bào thai bất ngờ của Maria ngài suy niệm trong lòng về những giấc mơ của ngài và khuất phục lòng kiêu hãnh của mình. Ngài đã lớn tiếng “Xin vâng” thánh ý Chúa bằng những việc làm của mình - cũng như Maria đã làm qua miệng lưỡi – ngài đã sống cả đời bằng tình yêu và đức tin.


Bert Ghezzi, tác giả quyển sách “Tiếng Nói Của Các Thánh” nói: “Giáo hội cho ta những tấm gương của các thánh. Nhưng giáo hội cũng mong ta làm quen với các thánh và tìm ra sự khôn ngoan cho đời ta nhờ những lời nói và hành động của các ngài.”


Dù ta ở trong cảnh ngộ nào, có một vị thánh nào đó cũng đã gặp cảnh ngộ ấy rồi. Có những vị thánh đã lựa chọn rất sai lầm, nhưng rồi làm lại cuộc đời. Có những vị đã trải qua những cuộc hôn nhân kinh hoàng, mắc nợ không trả nổi. Có những vị đã phải chịu đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền mà ta có thể biết. Nhưng qua tất cả những kinh nghiệm ấy, các vị đã hành động như thế nào để giúp ta biết nhận ra một bức tranh toàn diện.


Thánh Camillus de Lellis, một trong số 141 vị thánh bị tật nguyền mà cuộc đời được kể lại trong quyển sách Những Bông Hoa Dại của Chúa (God’s Wild Flowers) của Pla Matthews. Ngài được tôn vinh làm quan thầy của các bác sĩ vì công việc giúp đỡ những nạn nhân bệnh dịch. Nhưng chính ông cũng là một thày thuốc bị thương tật, bị tàn phế suốt đời vì một vết thương dưới chân xảy ra khi ông còn là một chàng lính trẻ. Vì vết thương này ông không được nhận vào dòng Phanxicô Capuchin, nhưng nó không thể ngăn cản ông lập dòng công nhân bệnh viện của ông tại thành Rome. Không thể di chuyển nhưng Camillus đã gửi các thày dòng này đến các mặt trận ở Croatia và Hungary – đó là bệnh viện dã chiến đầu tiên điều trị các thương tích giống như thương tích của ông.


Cuộc đời của các thánh nói với ta bằng nhiều cách khác nhau. Ta có thể cảm kích sâu xa bởi gương sáng của các thánh thời hiện đại như Chân Phước Pier Giorgio Frassati hay Thánh Gianna Molla là những người rất gần gũi với ta về thời gian và đã làm những việc ta có thể nhận ra cũng là việc của mình - những vận động viên thể thao, những người nuôi trẻ v.v... Nhưng ta lại có thể tìm nguồn cảm hứng nơi lòng can trường của các vị thánh mà công việc làm đã đi vào huyền sử như Thánh George và Nữ Thánh Jeanne d’Arc.


Học được sự khôn ngoan nơi cuộc đời các thánh không có nghĩa là ta sẽ bắt chước tất cả mọi hành động của các ngài. Thí dụ: ta hy vọng rằng phần lớn chúng ta sẽ không phải chết tử đạo. nhưng ta có thể học nơi các ngài cách sống đức tin – và làm chứng nhân cho đức tin ấy. Đó là ý nghĩa nguyên thủy của từ “martyr” (thánh tử đạo).


Khôn Ngoan Qua Lời Cầu Khẩn Các Thánh Quan Thầy


“Đừng than khóc, vì sau khi chết tôi sẽ là người có ích hơn cho anh em, và tôi sẽ giúp anh em đắc lực hơn là khi tôi còn sống.”                                                                                           

 Lời Thánh Đaminh nói với các thày dòng khi nằm trên giường chết


Đi tìm sự khôn ngoan của các thánh không phải là đi trên con đường một chiều. Tìn vào mầu nhiệm các thánh thông công - sự kết nối giữa tất cả các tín hữu còn sống hay đã chết – có nghĩa là tin rằng các thánh cũng nóng lòng muốn được giúp đỡ chúng ta nữa. Không những ta tìm kiếm sự khôn ngoan của các thánh mà còn hy vọng được các ngài bàu cử  qua những lời cầu khẩn sốt sắng trước toà Chúa cho chúng ta. Đó là cách rất hay để nuôi dưỡng tình thân thương gia đình, giúp ta chạy đến với các thánh khi gặp khó khăn thử thách.


Và nên nhớ giáo hội có truyền thống đặt mỗi sinh hoạt con người, mỗi địa điểm và vấn đề rắc rối dưới sự che chở hay bảo vệ đặc biệt của một vị thánh nào đó. Mỗi người chúng ta có một vị thánh quan thày gắn liền với tên rửa tội của mình và một thiên thần bản mệnh do Chúa chọn cho ta. Tim sự bảo trợ của các thánh đâu phải là điều dị đoan, nhưng chính là tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia.


Cho nên nếu cần sự khôn ngoan, chớ quên kêu cầu những người bạn tận tình là các thánh.


Vũ Vượng dịch