7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

SỰ THINH LẶNG VÀ Ý NGHĨA CỦA THÁNH LỄ



Silence and the Meaning of the Mass

 


(Nguyên bản tiếng Anh của Đức Cha Robert Barron, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Los Angeles đăng trong báo điện tử Northwest Catholic ngày 22 tháng 6, 2017)


 

Quyển sách xuất bản mới đây của Đức Hồng Y Robert Sarah tựa đề Uy Lực của Thinh Lặng: Chống Lại Sự Áp Đảo của Âm Thanh (Power of Silence: Against the Dictatorship of Noise) bàn về một số đề tài về thần học cũng như tâm linh, xoay quanh vai trò càng ngày càng mạnh mẽ của âm thanh ngày nay, trong văn hoá nói chung và trong nhà thờ nói riêng. Những nhận định sắc sảo nhất của ngài liên quan đến nghi thức phụng vụ, điều này  không làm ai ngạc nhiên, vì đã biết phương vị của ngài là người đứng đầu thánh bộ phụng vụ và nhiệm tích của Tòa Thánh Vatican. Khi đọc những đoạn trong sách nói về tầm quan trọng của thinh lặng trong Thánh Lễ, tự nhiên tôi cứ gật đầu lia lịa.


 

Tôi tới tuổi trưởng thành trong thời kỳ sau Công Đồng Vaticanô II, khi người ta nhấn mạnh rất nhiều, điều này hoàn toàn chính đáng, về lời kêu gọi của Công Đồng phải “tham dự Thánh Lễ một cách đầy đủ, có ý thức và linh hoạt”. Câu nói thời danh đó được rút ra từ công trình tiên phong của các nhà thần học thuộc phong trào phụng vụ thời kỳ đầu và giữa thế kỷ hai mươi, đó là hồi kèn hiệu kêu gọi giáo dân đảm nhận vai trò hoạt động đích thực trong phụng vụ, không phải chỉ là khán giả mà thôi. Nhưng khi áp dụng vào thực tế điều này dần dần đưa người ta tới chỗ hiểu rằng giáo dân phải liên tục kích động trong thánh lễ: đi rước, đứng, ca hát, đáp ứng, vỗ tay, v.v…Dường như những người điều động, hướng dẫn phụng vụ cảm thấy phải liên tục thúc dục cộng đoàn, đốc thúc họ dự lễ với ý thức rõ ràng.


 

Từ đó người ta có xu hướng coi thinh lặng như kẻ thù, vì nó ru ngủ và đưa ta đến chỗ chia trí và buồn chán. Hầu như không có ai trong giới phụng vụ thời kỳ sau Công Đồng thấy được thinh lặng có thể là dấu hiệu của sự tham dự tích cực cao độ, có thể nói là say sưa trong cộng đoàn, khi người ta đi vào màu nhiệm thánh lễ với tinh thần suy niệm sâu xa. Tình trạng như vậy trong nhiều thập niên qua dần dần tạo ra, nhất là nơi giới trẻ ngày nay, cảm tưởng rằng Thánh Lễ chỉ là một thứ lễ hội tôn giáo, trong đó ta hát mừng tình liên đới với nhau, và không thể nào thiếu được âm thanh rầm rộ. Thú thật trong nhiều năm làm linh mục, và bây giờ làm giám mục, tôi thường tự hỏi, không biết những cộng đoàn được kích động cao độ của chúng ta có hiểu được một cách chính xác họ đang tham dự cái gì hay không. Họ biết họ tham dự tích cực, nhưng tham dự tích cực cái gì đây?


 

Thánh Lễ là hành động của Con Thiên Chúa, hiệp nhất với thân thể màu nhiệm của Ngài, hướng về Chúa Cha để thờ lạy. Qua sự tham dự có ý thức, linh hoạt và đầy đủ trong những lời ngợi khen chính đáng này, ta kết hợp với Chúa Kitô một cách trọn vẹn hơn, hướng về Chúa Cha một cách thông suốt hơn. Quả thật chúng ta có cảm thấy tình huynh đệ được nâng cao trong thánh lễ. Được như vậy là vì ta đang thể hiện, không phải tình liên đới, nhưng vì, xin mượn kiểu nói của nhà hiền triết Hy Lạp Aristotle, ta đang thể hiện một tình yêu chung đối với một đệ tam nhân siêu việt.


 

Về phương diện này, một trong những đề mục nổi bật để đọc về thánh lễ là đề mục xướng và đáp: Chúa Kitô là đầu, qua linh mục là người hoạt động thay Chúa Kitô, xướng lên, kêu gọi những phần tử trong thân thể màu nhiệm của Chúa đáp ứng, tương tự như hai người tình đối đáp trong sách Bài Ca của Những Bài CA của Cựu Ước (Song of Songs). Ngay phần mở đầu nghi thức phụng vụ, linh mục (xin nhắc lại, không nhân danh mình mà hành động, nhưng nhân danh Chúa Kitô) xướng lên, “Chúa ở cùng anh chị em,” và dân Chúa đáp lại, “Và cùng thần trí cha.” Thần trí được nêu lên ở đây là quyền phép của Chúa Kitô  có nơi vị linh mục nhờ nhiệm tích truyền chức thánh. Và những lời trao đổi này tiếp tục suốt thánh lễ, người đứng đầu và các thành viên đối đáp nhau, củng cố sự hiệp thông. Chúa Giêsu nói qua những bài đọc của Cựu Ước và trong các thư của Thánh Phaolô, và những phần tử trong mình màu nhiệm của Ngài đáp lời trong phần đáp ca; rồi Chúa Giêsu lên tiếng trong bài Phúc Âm, rồi dân Chúa đáp lời, “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.” Chúa Giêsu ngỏ lời qua bài giảng của vị linh mục, và dân Chúa đáp lời bằng kinh Tin Kính, dấu chỉ đức tin.


 

Sau  khi chuẩn bị của lễ (do giáo dân tiến dâng), linh mục nói, “Anh chị em hãy cầu nguyện để của lễ hy sinh của tôi và của anh chị em đáng được Thiên Chúa, là Chúa Cha toàn năng chấp nhận.” Câu này hết sức quan trọng vì nó đánh dấu giờ phút Chúa Kitô và các phần tử trong thân mình màu nhiệm Ngài hướng về Chúa Cha để dâng tiến của lễ  hy sinh và cảm tạ. Lời Nguyện Thánh Thể nói lên điều này với một động lực hùng hồn: “Hãy dâng tâm hồn lên!” Chúa Kitô nói với dân Chúa  như vậy. Họ liền đáp, “Chúng con đang hướng về Chúa,” rồi Chúa Giêsu nói qua vị linh mục, “Chúng ta hãy cảm tạ Chúa là Thiên Chúa chúng ta.” Phần tiếp theo là lời nguyện Thánh Thể long trọng, hướng về Chúa Cha, Đầu và mọi chi thể cùng dâng lời nguyện, dâng lên những của lễ hy sinh - lớn và nhỏ - của dân Chúa, được hòa nhập với sự hy sinh tối thượng của Chúa Giêsu trên thập giá. Khi kết thức nghi lễ phụng vụ, Chúa Kitô phái thân mình màu nhiệm của mình ra đi, giờ đây đã được kết hợp với Chúa Cha nhiều hơn, ra ngoài đời để biến cải thế giới.


 

Đức Hồng Y Sarah đã noi theo người thầy của mình là Joseph Ratzinger (hiện là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã hưu trí) trong khi nhấn mạnh sự thinh lặng có một vị trí chính đáng trong suốt diễn trình của thánh lễ. Thinh lặng khi tề tựu, khi tưởng nhớ, khi lắng nghe, khi cầu nguyện, khi dâng tiến v.v…Trong thánh lễ có rất nhiều âm thanh, nhưng nếu sự thinh lặng không được đề cao một cách xứng đáng trong đó, ta có thể dễ dàng lạc hướng, không hiểu được mình đang làm gì trong nghi thức cầu nguyện tột đỉnh này.


 

Vũ Vượng dịch