7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Những Quyền và Đặc Quyền của Văn Bằng Tốt Nghiệp


Rights and Priveleges of ‘Graduation

 

(Nguyên bản tiếng Anh của Đức Tổng Giám Mục J.Peter Sartain

Đăng trong báo NW Catholic số 4 quyển 5 tháng 5, 2017)

 


Học sinh các khóa tốt nghiệp 2017 thân mến:

 

Trong nhiều năm qua tôi đã tham dự nhiều lễ tốt nghiệp đơn giản cũng như lễ tốt nghiệp chính thức. Tôi đã trao nhiều bằng tốt nghiệp, và khi làm việc này tôi thường nhớ lại những bằng tốt nghiệp mà tôi đã nhận được trên những chặng đường khác nhau của đời học sinh. Bằng tốt nghiệp chủng viện của tôi bằng tiếng Latinh, nhưng về cơ bản nó cũng giống như bằng tốt nghiệp đại học của tôi, đại để như sau:

 

James Peter Sartain, sau khi đã hoàn tất thỏa đáng những đòi hỏi chính đáng của giới chức thẩm quyền của trường đại học này và của Bang Indiana, nay được cấp văn bằng Cử Nhân Văn Chương và được hưởng tất cả những quyền lợi, danh dự, và những đặc quyền dành riêng cho một học sinh tốt nghiệp của học viện này.

 

Tôi luôn thắc mắc: những “quyền và đặc quyền” của một học sinh tốt nghiệp của trường đại học của tôi là gì, nhưng cho đến nay chưa có ai cho tôi câu giải đáp.

 

Hầu hết những từ chúng ta dùng về tốt nghiệp có nguồn gốc từ tiếng Latinh. Thực ra đối với người La Mã xưa, diploma là một chứng thư của chính phủ chứng nhận người mang chứng thư được hưởng một số đặc quyền. Nguồn gốc Latinh của từ graduation có liên quan đến việc chuyển tiếp tới bước kế tiếp, và từ baccalaureate chỉ một người được tặng vòng hoa vạn tuế vì đã hoàn thành được việc gì to lớn. Ta thường nói về từ alma mater có nghĩa “mẹ cho con bú”, và những học sinh tốt nghiệp được gọi là alumni, có nghĩa là “con bảo dưỡng”.

 

Như Thánh Phaolô thường nhắc nhà cầm quyền đế quốc La Mã, ngài là công dân La Mã và do đó được hưởng tất cả những quyền và đặc quyền công dân của mình. Thứ quyền công dân này rất có lợi khi ngài bị lôi cổ đến toà án hay khi những đặc quyền của ngài bị đe dọa, vì người ta không thể đối xử với ngài như một người nước ngoài hay như một người thứ yếu trong đế quốc La Mã, bởi vì ngài là một công dân: ngài có những quyền lợi và có thể ngài có mang chứng minh thư! Ngài đã dùng hình ảnh này khi rao giảng và nhắc nhở những người Kitô hữu như chúng ta rằng “chúng ta không còn phải là những ngoại kiều hay những người tạm trú, nhưng là những công dân, anh em đồng bào của dân thánh và những thành viên trong gia đình của Chúa.”(Ephesians 2:19)

 

Thánh Phaolô đã dùng một hình ảnh tương tự để mô tả những ai đã được chịu phép rửa. Ngài gọi chúng ta là “những người con nuôi”. Ngài không lựa chọn hình ảnh những “người con bảo dưỡng”, tức là những người chỉ được tạm thời nuôi dưỡng bời những người mẹ bảo dưỡng có lòng tốt, và ngài biết người được chịu phép rửa quan trọng hơn nhiều so với  người được tặng một vòng hoa danh dự vì đã đạt được một mục tiêu hay đã hoàn tất một trình độ học vấn nào đó. Hơn thế nữa, ngài dạy rằng nhờ Chúa Thánh Linh chúng ta là những “con nuôi, hoặc nam hoặc nữ, và do đó là những người được hưởng thừa kế cùng với Chúa Kitô và những công dân của nước trời.

 

Ngài so sánh thân thế Kitô hữu của chúng ta với sự biến đổi xảy ra khi một người nô lệ trong nhà được trở thành người con nuôi. Trong xã hội của người La Mã xưa, một cặp vợ chồng không con mà muốn có người thừa kế đôi khi nhận một người đầy tớ ưu ái làm con nuôi. Nhờ thế một người nguyên là nô lệ trong nhà trở thành một thành viên trong gia đình và bất ngờ được hưởng một di sản. Người mới trở thành con nuôi không tự mình có quyền gì để đòi hỏi thân thế mới của mình vì anh ta đã chẳng làm được gì xứng đáng với thân trạng đó – nó đã được ban cho anh ta chỉ vì tình yêu mà thôi.

 

Thánh Phaolô thấy hình ảnh này là một cách rất hay để cắt nghĩa điều mà Thiên Chúa đã làm cho ta qua phép rửa nhờ Chúa Kitô. Không phải nhờ công trạng hay một thành tích gì của riêng ta nhưng chỉ vì tình yêu đon thuần của Chúa Cha, chúng ta được nhận vào gia đình riêng của Chúa: chúng ta là những con trai, con gái của Chúa Cha, là anh chị em với Con Một của Thiên Chúa, và sẽ được lãnh nhận cùng một di sản như Chúa Con, được sống bên hữu Chúa Cha cho đến muôn đời. Mà không phải chỉ có thế đâu: vì chúng ta là anh chị em với Chúa Giêsu, con một Thiên Chúa, ta còn có thể gọi Chúa Cha bằng tên gọi mà chính Chúa Giêsu đã dùng: Abba (Lạy Cha).  Tóm lại chúng ta không còn phải là nô lệ nhưng là con cái trong nhà.

 

Ta có tất cả những quyền lợi và đặc quyền của những người thừa kế. Thiên Chúa đã làm cho điều đó xảy ra được nhờ sự chết và sống lại của Chúa Con. Nhưng chúng ta cũng có những trách nhiệm của con trai, con gái trong nhà. Thánh Phaolô dạy rằng thân thế mới của ta đòi ta phải hành động cách nào để cho thấy ta không còn phải là nô lệ của bất cứ ai, bất cứ điều gì, nhất là tội lỗi, nhưng là con cái tự do của Thiên Chúa, môn đệ của Chúa Giêsu tràn đầy Chúa Thánh Thần.

 

Hãy tưởng tượng mà xem một người nô lệ ở La Mã xưa đã cảm thấy thế nào khi được chủ nhà nhận làm con nuôi! Được tự do, được hưởng di sản, được một gia đình, có một tương lai. Việc ấy chắc đã thay đổi hẳn nhãn quan của anh ta về tất cả mọi sự.

 

Tốt nghiệp là một cơ hội tốt để suy xét làm sao thực thi quyền công dân nước trời trong đời sống từ đây về sau. Bằng tốt nghiệp của bạn sẽ mô tả một số quyền và đặc quyền trần thế, nhưng sổ rửa tội còn quan trọng hơn nhiều bởi vì nó là thẻ công dân nước trời cùa bạn. Khi bạn “chuyển sang bước kế tiếp,” hãy ra quyết tâm trở nên môn đệ hết lòng, vui tươi và trung thành của Chúa Giêsu - nói cách khác, một quyết tâm sống sao cho phù hợp vì đã chịu phép rửa để được quyền công dân nước trời. Chúa Giêsu sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn, và khi bạn càng ý thức được mình đang sống trước mặt Ngài, bạn càng được hưởng sự bình an.

 

Bạn có biết rằng từ parishioner (giáo dân) có gốc từ tiếng Hy Lạp và chỉ thân thế của chúng ta là những “cư dân ngoại kiều?” Nhà ở thật sự của chúng ta ở một nơi khác, tuy vậy ngay bây giờ ta phải sống quyền công dân nước trời cho thật đầy đủ.

 

Lúc nào tôi cũng cầu nguyện cho các bạn, không phải chỉ có trong mùa tốt nghiệp này mà thôi, bởi vì chúng ta cùng nhau là những người thừa kế một di sản mà không một bằng tốt nghiệp trần thế nào có thể mô tả được.

 

Chân thành trong Chúa Kitô.

Tổng Giám Mục Peter Sartain

 

(Vũ Vượng dịch)