7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Rao Giảng Tin Mừng Bằng Những Việc Tốt



EVANGELIZING THROUGH THE GOOD


(Nguyên bản tiếng Anh của Đức Giám Mục Robert Barron đăng trong Báo Điện Tử NW Catholic ngày 21 tháng 3, 2017)


 

Ai đã thấy qua việc tôi làm đều biết tôi hô hào phải có những bài luận lý hùng hồn để bảo vệ  chân lý đức tin. Từ lâu tôi đã kêu gọi làm sống lại điều mà từ xưa người ta gọi là khoa giảng giải đức tin (apologetics), tức là bảo vệ những điều đức tin truyền dạy, chống lại những kẻ nghi ngờ. Và tôi không ngừng tham gia tranh luận chống lại thứ học thuyết Công Giáo giản đơn, đại khái.

 

Nhưng từ nhiều năm qua tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cái đẹp trong việc rao giảng tin mừng. Thí dụ: công trình trang trí trần Nhà Thờ Sistine (ở La Mã), Nguyện Đường Thánh (Sainte Chapelle), Hài Kịch Thánh của Dante, Nhạc phẩm Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu theo Thánh Matthêu của Bach, bốn bản Tứ Cầm của T.S Eliot, nhà thờ chánh tòa hoành tráng miền Chartres … tất cả đều có một sức thuyết phục phi thường, hơn cả những bài lý luận chính thức. Như vậy tôi khẳng định con đường chân lý và con đường nghệ thuật.

 

Ngoài ra, còn có cách thứ ba để nâng cao đời sống tâm linh. Đó là làm những việc tốt. Do đó  tôi cũng đề nghị một phương pháp truyền bá đức tin bằng cách này. Đời sống luân lý chính trực, sống theo cách sống Kitô giáo một cách cụ thể, nhất là khi việc ấy đòi phải có lòng dũng cảm. Những việc như vậy có thể lay chuyển ngay cả những kẻ vô thần cứng lòng nhất để đưa họ vào đức tin. Giá trị của nguyên tắc này đã được chúng minh nhiều lần trải qua các thế kỷ.

 

Trong thời nguyên thủy của đạo Thiên Chúa, khi cả người Do Thái và người Hy Lạp đều coi đức tin mới phát sinh của chúng ta như điều gì trái luân thường đạo lý hay là phi lý, chính đời sống luân lý tốt lành của những người theo Chúa Giêsu đã đưa nhiều người vào đức tin. Một bậc tiền bối của Giáo Hội, Cha Tertullian đã kể lại phản ứng ngạc nhiên của người ngoại giáo đối với giáo hội sơ khai qua câu nói bất hủ: “Sao mà những người theo đạo Kitô này thương yêu nhau đến thế?”

 

Ở vào một thời đại mà các ấu nhi dị dạng thường bị phơi bầy lộ liễu ngoài đường, khi những người nghèo khó và người bệnh tật bị bỏ mặc và khi giết người để trả thù là truyện tất nhiên thì những Kitô hữu thời ban sơ chăm sóc những em bé vô thừa nhận, trợ giúp những người bệnh, người hấp hối và ra sức tha thứ cho những kẻ bách hại các tín hữu. Tấm lòng bao dung ấy không phải chỉ dành cho anh em trong đạo mà còn toả rộng đến những người bên ngoài và cả kẻ thù nữa.

 

Nếp sống luân lý chính đáng độc đáo vượt bực này có sức thuyết phục mạnh mẽ, khiến cho nhiều người tin rằng có một điều gì lạ lùng đang xảy ra nơi những người theo Chúa Giêsu, một điều gì cao cả và hiếm có, khiến cho họ phải suy nghĩ lại nghiêm chỉnh hơn.

 

Trong thời kỳ hỗn loạn về văn hóa và chính trị xảy ra sau khi đế quốc La Mã sụp đổ, một số những “kiện tướng” của phong trào tâm linh đã trốn vào các vùng hoang địa, đồi núi và hang động để sống một đời sống Kitô hữu thật nghiêm ngặt. Bắt nguồn từ những nhà khổ hạnh thời sơ khai ấy đã phát sinh ra các dòng tu, một phong trào sống tâm linh. Với thời gian phong trào này đã dẫn tới công cuộc tái khai hóa Châu Âu. Điều mà nhiều người say mê chính là nếp sống của các thày dòng: lòng cam kết mạnh mẽ, yêu khó nghèo và an tâm tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Một lần nữa ta thấy đời sống theo lý tưởng Phúc Âm có sức thuyết phục mạnh mẽ dường nào.

 

Một việc tương tự khác xảy ra vào thế kỷ mười ba, thời kỳ xảy ra những vụ nhũng lạm lớn trong giáo hội, nhất là trong hàng giáo phẩm. Có hai thày tu, tên là Phanxicô và Đa Minh, cùng với nhóm anh em cùng chí hướng đã  lập nên những dòng khất thực. Đây là một cái tên văn vẻ để gọi những thày dòng đi ăn xin. Lòng tín thác, đơn sơ, phục vụ người nghèo và luân lý thanh khiết của những thày dòng Đa Minh và thày dòng Phanxicô đã khơi dậy một cuộc cách mạng trong giáo hội và đem Phúc Âm trở lại cho biết bao người Kitô hữu khi họ đã trở thành lơ là nguội lạnh với đức tin.

 

Chúng ta thấy có một động lực tương tự trong thời đại ta đang sống. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được xếp hạng nhì trong các nhà rao giảng Phúc Âm mạnh mẽ nhất của thế kỷ hai mươi, nhưng  người được xếp hạng nhất rõ ràng là một phụ nữ chưa bao giờ viết một tác phẩm lớn về thần học hay những áng văn cổ võ đức tin, chưa bao giờ tranh luận công khai với những kẻ hoài nghi, cũng chưa bao giờ làm ra một công trình nghệ thuật tôn giáo nào. Người mà tôi đang nói đến chính là Mẹ Maria thành Calcutta. Suốt một trăm năm qua không có ai đã truyền bá đức tin Công Giáo có hiệu quả hơn một nữ tu giản dị, sống khó nghèo tột độ và tận hiến đời mình để phục vụ những người bị bỏ rơi bi đát nhất trong xã hội chúng ta.

 

Lại xin kể một câu truyện rất hay về cuộc đời của một thanh niên tên Gregory. Cậu tới thành Alexandria (Ai Cập) để tìm gặp nhà thần học nổi tiếng Origen để tìm hiểu những điều căn bản về học thuyết đạo Kitô. Thầy Origen nói: “Trước hết cậu cứ đến và sống chung trong cộng đồng chúng tôi rồi cậu sẽ hiểu những giáo điều của chúng tôi.” Gregory nghe lời khuyên, gia nhập cộng đồng đúng lúc và hân hoan đón nhận đức tin phát triển thật dồi dào ở đây. Ngày nay người thanh niên ấy được nổi tiếng với danh hiệu Thánh Gregory Hay Làm Phép Lạ.

 

Một việc khác có tác động tương tự là ảnh hưởng của một lời nói của Gerard Manley Hopkins, một cha Dòng Tên. Ngài nói với một bạn dòng đang cảm thấy khó chấp nhận được những chân lý Kitô giáo. Vị linh mục kiêm thi sĩ Dòng Tên ấy không khuyên người bạn dòng của mình đọc một quyển sách nào hay tra cứu một luận văn nào, nhưng chỉ nói: “Cứ làm việc bố thí.” Thực hành điều Chúa giảng dạy này quả là có sức thuyết phục mạnh mẽ.

 

Chúng ta đang trải qua một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử giáo hội. Những vụ lạm dụng tình dục tai tiếng của giáo sĩ đã khiến cho vô số người xa lìa đạo Công Giáo và làn sóng thế tục hóa đang dâng cao, nhất là trong giới trẻ. Đức Cố Hồng Y nổi tiếng George, cha linh hướng của tôi, theo dõi tình hình này và ngài thường nói: “Tôi đang trông đợi những dòng tu; tôi đang trông đợi những phong trào.”

 

Theo tôi, ý ngài muốn nói: trong những thời kỳ khủng hoảng, Chúa Thánh Linh thường cho những người thánh thiện đặc biệt, nam có nữ có, xuất hiện và ra sức sống đời Phúc Âm một cách nghiêm ngặt và công khai. Xin nói rõ một lần nữa, tôi tin chắc rằng lúc này chúng ta cần có những nhà lý luận tài giỏi, nhưng tôi còn tin mạnh mẽ hơn nữa: chúng ta đang cần có những bậc thánh nhân.

 

Vũ Vượng dịch