7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

GIỮ GÌN ‘QUYỀN TỰ DO THỨ NHẤT, QUÝ CHUỘNG NHẤT CỦA CHÚNG TA’

Photo: Sir Thomas More, Hans Holbein the Younger, Wikipedia


 Preserving ‘Our First, Most Cherished Liberty’


Bài của Đức Tổng Giám Mục J. Peter Sartain,

Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng 6, 2018


Cũng như Thomas More, người Công Giáo ngày nay phải kiên cường bảo vệ quyền tự do tôn giáo.

 


Là Tể Tướng (Lord Chancellor) nước Anh vào thế kỷ mười sáu, Ngài Thomas More có liên hệ gần gũi đặc biệt với Vua Henry thứ tám. Nhà vua khâm phục và tin cậy nơi ông. Lòng tin, nguyên tắc đạo lý, trí tuệ, học vấn và lương tâm của ông đã hun đúc ông thành một con người liêm chính, một con người có ảnh hưởng tốt đẹp -  và do đó rất hữu dụng đối với nhà vua. Nhưng More không phải là một người bù nhìn, nên khi vua đòi ông làm một việc mà ông cho là trái với đạo lý, ông đã trả lời bằng mấy lời, “Hạ thần không làm được.”


 

More sống 15 tháng cuối cùng của cuộc đời trong nhà tù Tower of London vì đã từ chối phê chuẩn việc Vua Henry ly dị hoàng hậu Aragon và đã từ chối tuyên thệ tuân hành Luật Thừa Kế Ngai Vàng (Oath of Succession). Một mình trong Tháp Chuông lạnh lẽo (Bell Tower), lâu lâu người nhà mới được đến thăm rất mau chóng thật đau lòng và càng ngày càng bị tước đoạt những quyển sách mà ông thích đọc. Sự đơn độc trong 15 tháng trời đó chắc hẳn đã là một cực hình đối với một con người yêu thương gia đình, có đức tin sâu xa và có một niềm tin sắt đá như ông.


 

Đức tin và lương tâm

More đã biến nơi giam cầm thành một xà lim cầu nguyện, và một mình trong nhà tù ông đã viết nên những lời cầu nguyện và suy niệm về đức tin. Ông thấy mình bị treo trên thập giá vì đức tin và lương tâm và xin Chúa giúp ông được trung thành mãi mãi. Ở giữa những cuộc đấu đá chính trị điên đầu và những cách giải thích luật pháp xuyên tạc quanh co ở nước Anh thế kỷ 16, More dần dần nhận ra rằng giải pháp duy nhất không phải là nhân nhượng hòa giải nhưng là thánh giá. Ông sẽ bám lấy thánh giá, vì như thế là bám vào Chúa Giêsu.


 

Thánh More được tôn kính trong cùng một ngày lễ với Thánh John Fisher. Đó là ngày 22 tháng 6. Cả hai vị đều bị chém đầu năm 1535, Fisher ngày 22 tháng 6, More ngày 6 tháng 7. Fisher là giám mục thành Rochester, cũng đã từ chối áp lực của vua bắt phải chấp thuận vụ ly dị và từ chối ký tên vào Luật Nhận Vua Là Đầu của giáo hội nước Anh  (Henry’s Act of Supremacy). Hai lần bị bỏ tù vì chống đối, ngài đã bị hành quyết sau 10 tháng đầy đọa trong nhà tù Tower of London.


 

Từ nhà tù More đã viết cho con gái Magaret:

Meg con yêu, ba sẽ không để mất lòng tin cậy nơi ngài (Chúa), mặc dù ba sẽ cảm thấy kiệt quệ và đứng bên bờ vực thẳm của sợ hãi kinh hoàng. Ba sẽ nhớ lại cảnh Thánh Phêrô bị cơn gió mạnh thổi, bắt đầu chìm xuống vì thiếu đức tin, và ba sẽ làm như vị thánh đã làm: kêu cầu Chúa Kitô và xin người trợ giúp. Và rồi ba tin chắc ngài sẽ đặt bàn tay thánh lên ba và đỡ ba lên cho khỏi chết đuối trong biển giông tố.

 


Và nếu ngài để cho ba đóng vai Thánh Phêrô thêm nữa, quỳ xuống đất hết lời thề thốt (chối bỏ Chúa Kitô), thì xin Thiên Chúa là Chúa chúng ta nhủ lòng thương xót, gìn giữ ba cho khỏi như vậy và cho dù ba thất bại, không thắng nổi, nếu chẳng may xảy ra như vậy thì sau đó ba tin rằng vì lòng thương xót ngài sẽ nhìn ba như đã nhìn Phêrô và giúp ba lại chỗi dậy và tuyên xưng sự thật của lương tâm và lãnh chịu sự tủi hổ và tai hại của lỗi lầm của mình.

 


More và Fisher từ chối hành động trái với đức tin và lương tâm và các ngài đã phải trả giá đắt nhất. Các ngài thuộc số các thánh mà chúng ta tưởng nhớ trong “Tuần Lễ Tự Do Tôn Giáo” (Religious Freedom Week), từ 22 đến 29 tháng 6 (năm nay), do các giám mục Hoa Kỳ bảo trợ. Thật đáng buồn, chúng ta đang sống trong thời kỳ mà quyền tự do tôn giáo rất quý trọng của chúng ta – “Quyền Tự Do Thứ Nhất” – đang bị lâm nguy trầm trọng. Tôi sợ rằng nhiều người Công Giáo ở Hoa Kỳ thường làm ngơ trước sự đe doạ đối với việc thi hành đức tin của chúng ta.

 


Quyền tự do chính trong những quyền tự do mà các bậc tiền bối chúng ta đã tranh đấu cho bằng được là tự do tôn giáo. Những biến cố gần đây trong và ngoài nước khiến ta phải tin rằng cần  phải đề cao “Quyền Tự Do Thứ Nhất, Quý Chuộng Nhất” của chúng ta và kêu gọi những người Công Giáo phải suy niệm điều này và làm tất cả những gì có thể để giữ gìn quyền này.

 


Nhân Quyền căn bản

Tu Chính Hiến Pháp Thứ Nhất (First Amendment) vừa bảo đảm sẽ không bao giờ có một quốc giáo ở nước này vừa bảo vệ quyền mà Chúa cho mỗi công dân được sống theo tôn giáo của mình một cách tự do, đầy đủ và được tôn trọng. Nhân quyền căn bản này bao hàm nhiều ý nghĩa và năm nay chủ đề của tuần lễ là “Phục Vụ Tha Nhân Trong Tình Yêu Thiên Chúa”. Tự do tôn giáo là điều tối cần để  người Công Giáo chúng ta có thể tiếp tục phục vụ theo đức tin trong các lãnh vực như giáo dục, nuôi con nuôi, chăm sóc con bảo dưỡng, chăm sóc sức khoẻ,  những dịch vụ di dân và  người tỵ nạn.


 

HIện nay tự do tôn giáo đang bị đe doạ ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các giám mục chúng tôi cũng muốn mọi người lưu ý đến tất cả những ai đang chịu đau khổ không tả xiết vì quyền tự do tôn giáo của họ bị từ chối hay bị tấn công một cách dã man. Thế giới thường hướng về Hoa Kỳ để bênh vực và gìn giữ giá trị cao cả của tự do tôn giáo, một quyền được diễn tả một cách cao đẹp trong một văn kiện tiên phong của Công Đồng Vatican II, Dignitatis Humanae (Về Phẩm Giá Con Người), một văn kiện mà người có ảnh hưởng lớn trong việc soạn thảo là Cha John Courtney Murray, một linh mục Dòng Tên Hoa Kỳ.

 


Tuần Lễ Tự Do Tôn Giáo cho ta cơ hội để suy niệm về phần quý trọng nhất trong di sản văn hóa Hoa Kỳ của ta, về những đe doạ cho tự do tôn giáo trong và ngoài nước và về lòng dũng cảm và sự thánh thiện của những người không chịu hành động trái với đức tin nơi Chúa và tất cả những gì hàm ẩn trong đức tin.

 


Người Công Giáo chúng ta hoàn toàn có quyền hãnh diện về di sản văn hóa Hoa Kỳ của mình và hoàn toàn có quyền yêu nước. Thánh Thomas More yêu nước và yêu vua. Nhưng xin mượn những lời nói sau cùng của ngài, những lời được ca ngợi nhất, chúng ta cũng có thể nói trong thời đại chúng ta rằng chúng ta là “thần dân tốt của vua, nhưng Thiên Chúa trước hết.”

 


Vũ Vượng dịch