7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

PHÚC ÂM CỦA PHE GNOSTIC LÀ CÁI GÌ?


 

What are the ‘Gnostic Gosples?’

 

Bài Giải Đáp Thắc Mắc của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg 

đăng trong bán nguyệt san Northwest Catholic tháng 9, 2017


 

HỎI: Con nhớ mấy năm về trước có nghe người ta nói về Phúc Âm của Giuđa và giải thích đó là “phúc âm của phe Gnostic.” Phải hiểu điều ấy thế nào cho đúng? Và tại sao nó không có trong Kinh Thánh?


 

ĐÁP: Bạn đã hỏi một câu hỏi rất hay và một câu hỏi ngày càng trở thành thích hợp vì gần đây trong giới truyền thông có sự chú ý đến những nhân vật trong Tân Ước. Sự chú ý này đã dẫn tới việc xuất hiện nhiều chương trình truyền hình. Điều quan trọng là các Kitô hữu phải biết cái gì đúng và cái gì sai trong các chương trình ấy. Một vài chương trình trong số này nói về các phúc âm của phe Gnostic để cố gắng đánh đổ đức tin Kitô giáo đích thực.


 

Khi nói về những phúc âm của phe Gnostic hầu như lúc nào người ta cũng có ý chỉ một tập hợp những bản văn cổ xưa (bằng tiếng Coptic) đã được tìm thấy ở gần làng Nag Hammadi vùng thượng nguồn sông Nile, Ai Cập vào năm 1945. Những bản thảo này đã được các nhà học giả xác định thuộc thế kỷ thứ tư, rất có thể đã được cất dấu để khỏi bị tiêu hủy, sau khi có lệnh của thánh Athanasius cấm không được dùng những sách rối đạo. Những văn kiện này đã được dịch ra tiếng Anh, được xuất bản và có thể truy cấp dễ dàng trên mạng.


 

Một số những bài viết này mang tựa đề “phúc âm” cùng với tên của những nhân vật trong Tân Ước. Thí dụ: thư viện Nag Mammadi có giữ những bài viết mang tên Phúc Âm thánh Phêrô. Phúc Âm thánh Thomas, Phúc Âm thánh Philiphê, và Phúc Âm Sự Thật, và còn nhiều nữa. Ngoài ra có những bài viết khác của phe Gnostic đã được khám phá mới đây, kể cả Phúc Âm của Giuđa.


 

Tuy nhiên, mặc dù những bài viết này mang tên “phúc âm” ta cần phải rất thận trọng phân biệt những thứ đó với bốn Phúc Âm đích thực của Tân Ước. Đó là các Phúc Âm thánh Matthêu, thánh Maccô, thánh Luca, và thánh Gioan.


 

Để hiểu ai đã viết những phúc âm của phe Gnostic và tại sao chúng bị cấm, ta cần nhớ rằng vào thời sơ khai, đạo thánh Chúa phải đối phó với nhiều phong trào giảng dạy những niềm tin sai lầm về Chúa Giêsu. Vào thề kỷ thứ nhất, sự thách thức to lớn đối với đức tin đích thực xuất phát từ nhiều phe nhóm như phe docetists (họ tin rằng Chúa Giêsu không có một thân xác bằng xương bằng thịt) và nhóm chủ trương thuyết dưỡng tử (tin rằng Chúa Giêsu được Đức Chúa Cha nhận làm con nuôi từ một lúc nào đó trong đời ngài và được ban cho quyền năng Thiên Chúa trong thời gian đó mà thôi). Vào thế kỷ thứ hai, một phe nhóm khác nổi lên mà người ta gọi là phe Gnostics.


 

Phe Gnostics tin rằng thân xác thể chất có cầm giữ một tia sáng thần linh (devine spark) và tia sáng thần linh ấy chỉ có thể được giải thoát nhờ một sự hiểu biết đặc biệt (thậm chí có thể nói là bí mật) mà tiếng Hy Lạp gọi là gnosis. Vào thế kỷ thứ hai phe Gnostics đã sáng tác những bản văn quả quyết rằng họ đã nhận được sự hiểu biết đặc biệt ấy từ những người biết Chúa Giêsu một cách trực tiếp. Họ cố chính thức hoá và hợp pháp hoá những bài viết của họ bằng cách  gọi chúng là “phúc âm” và gán ghép vào đó tên của một trong mười hai tông đồ.


 

Mặc dù các phúc âm của phe Gnostics có thể đã dùng phần nào tài liệu từ các Phúc Âm chính thức của các thánh Matthêu, Luca, Maccô và Gioan, họ cũng châm chế khiến cho sứ điệp của Chúa Kitô bị bóp méo, thậm chí còn đi ngược lại giáo huấn chân thật của các tông đồ.


 

Những người kiên quyết gìn giữ đức tin đích thực do các tông đồ truyền lại bắt đầu nhận tên là “Công Giáo”, tách biệt rõ ràng với phe Gnostics và các phe nhóm tương tự. Ta nhận thấy sự tách rời cố ý này, dựa trên đức tin đúng đắn, đã xảy ra  ngay từ năm 107 trong thư của thánh Igntius, thành Antioch, gửi cho giáo hội ở Smyrna: “Dù đức giám mục xuất hiện ở đâu, thì quần chúng cũng phải ở đó, cũng như dù Chúa Kitô ở đâu thì giáo hội Công Giáo cũng ở đó.”


 

Để bảo vệ cho các Kitô hữu khỏi bị lạc hướng bởi những sự giảng dạy sai lầm của phe Gnostics và các nhóm khác, giáo hội địa phương tại La Mã đã công bố một danh sách những văn bản được chấp nhận, ngay từ thời kỳ cuối thế kỷ thứ hai (năm 170 sau công nguyên) gọi là Muratorium Canon. Rồi danh sách này được loan truyền trong thế giới Công Giáo trong thời kỳ đầu để ngăn ngừa ảnh hưởng của phe Gnostics gây thêm hỗn độn. Công đồng Nicaea năm 325 đã chính thức minh xác danh sách những văn bản được coi là thành phần của Tân Ước. Kể từ thời đó các phúc âm của nhóm Gnostics và các văn bản khác của nhóm Gnostic đã bị toàn thể các Kitô hữu từ bỏ.



Vũ Vượng dịch