7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n


PHÚC CHO AI CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT
BLESSED ARE THE MERCIFUL

(Translation of Christopher News Note 565 authorized by the Christophers)


THƯƠNG XÓT KHÔNG PHẢI LÀ MỘT KHÁI NIỆM CỤ THỂ TRONG KHO TÀNG TINH THẦN CỦA CHÚNG TA. Ta có thể dễ dàng nhận ra lòng thương xót trong hành động hơn là tìm định nghĩa của nó trong lời nói. Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đi ra đám đông và hôn lên mặt một người đàn ông đấy ung nhọt tại công trường thánh Phêrô, hình ảnh ấy, được chụp hình và truyền đi khắp hoàn cầu trong chỉ mấy giây đồng hồ, như một tiếng kêu vang dội: “Lòng thương xót!” Và cử chỉ nhân hậu, thương yêu tràn trề vô điều kiện ấy đã cho thấy lòng thương xót, một từ ngữ khó định nghĩa, được thể hiện thế nào trong đời sống thật.

 

Ít ai trong chúng ta được mục kích một cảnh tượng nổi bật sống động như đã xảy ra tại công trường thánh Phêrô. Nhưng trong đời sống bình thường hàng ngày không thiếu gì những cơ hội để ta bày tỏ và tiếp nhận lòng thương xót. Đúng, có những trường hợp tuy không được chụp hình nhưng được ghi sâu vào tâm khảm khi ta phải bày tỏ lòng thương xót với những người ta yêu và với những kẻ ta thấy khó mà thương được. Lòng thương xót như thế thật là khó nhưng thật đáng được thưởng công.

 

“Anh em phải có lòng thương xót, như Cha của anh em là đấng xót thương”

-Luca 6:36

 

Lòng thương xót qua cách đối xử tử tế

Hành động thương xót bắt đầu khi ta suy xét phải áp dụng lòng thương xót thế nào vào đời sống. Ta đã biết phải tha thứ, an ủi, cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách rưới áo mặc, và cầu nguyện cho người khác. Khắp nơi trong Kinh Thánh ta thấy Chúa là đấng nhân hậu đầy lòng thương xót và những truyện tích trong Phúc Âm cho thấy lòng thương xót biểu lộ ra thế nào. Chúa Giêsu giảng rõ điều đó qua dụ ngôn và việc làm, từ truyện đứa con hoang đàng đến cuộc gặp gỡ với người đàn bà bị bắt phạm tội ngoại tình. Phải đề cao lòng thương xót trên hết, luôn luôn, mãi mãi.

 

Lòng thương xót đòi hỏi đức tin, lòng can đảm và sự hiểu biết và không bị một ràng buộc nào. Lynn là chủ của một Cơ Sở Kiếm Việc Làm (Catholic Worker House) ở Texas. Có lần bà  nói chuyện về một người đàn ông mà bà đã giúp đỡ. Bà chở anh ta đi dự những buổi học của những người cai rượu (AA meetings,) cho anh những bữa ăn nóng sốt, và nơi để tắm rửa. Nhưng một ngày kia anh ta đã ăn cắp cái xe của bà. Lạ thay, bà không hề tỏ ra một chút giận dữ hay công phẫn nào khi kể chuyện, mà chỉ có tình thương. Bà không để cho việc ấy thay đổi quan niệm của bà về việc giúp đỡ người nghèo. Không từ bỏ việc làm hay niềm tin, bà quay sang giúp đỡ người kế tiếp đang chờ đợi vì biết thương xót không còn phải là thương xót nếu nó được dùng để đe doạ hay mua chuộc.

 

Trong blog Hy Vọng Hằng Ngày (Daily Hope) của ông Rick Warren, một mục sư Giáo Hội Phúc Âm (Evangelical) đã viết: “Tất cả chúng ta đều cần đến lòng thương xót vì thường vấp phạm và sa ngã nên cần sự giúp đỡ để trở lại. Cần phải cống hiến lòng thương xót cho anh em và sẵn sàng tiếp nhận lòng thương xót của anh em. Lòng thương xót Chúa ban là động lực khiến ta tỏ lòng thương xót cho người khác… Khi nào bị ai xúc phạm, bạn chỉ có một lựa chọn giữa hai con đường: tôi sẽ dùng sức lực và tình cảm của tôi để trả đủa hay đi tìm một giải pháp? Không thể chọn cả hai được.”

 

Do đó cốt yếu của lòng thương xót là tìm giải pháp tốt đẹp. Có khi những giải pháp này là những việc làm cụ thể như trao tặng những bao đồ ăn cho một gia đình nghèo khó. Có khi cần đến những giải pháp tinh thần như bỏ qua sự phẫn nộ và thù ghét đối với một kẻ thù đã làm hại mình hay một người thân yêu.

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài giảng ngày 17 tháng 3, 2013 đã phát biểu ý kiến thế này: “Tôi nghĩ chúng ta là những người vừa muốn nghe lời Chúa Giêsu, vừa muốn tìm một cái gậy để đánh người khác, muốn kết án người khác. Do đó Chúa Giêsu gửi thông điệp lòng thương xót cho ta. Tôi nghĩ rằng – và tôi nói với lòng khiêm nhường – lòng thương xót là thông điệp mãnh liệt nhất của Chúa.”

 

Rồi Đức Giáo Hoàng bày tỏ lòng thương xót ấy khi ngài đón chào các em nhỏ từ đám đông chạy ra. Ngài nhảy xuống xe và ôm chầm lấy những người tàn phế giữa rừng khách hành hương trong công trường thánh Phêrô. Ngài không phán xét nhưng mở rộng vòng tay và tấm lòng đón tiếp mọi người xuất hiện trên đường đi, nhắc nhở cho ta tình yêu và lòng thương xót là phương thế để biến cải thế giới.

 

Trong một dịp đọc kinh Truyền Tin tại công trường ngài nói: “Mấy ngày qua tôi đã đọc một quyển sách của Đức Hồng Y Kasper nói rằng…. một chút lòng thương xót làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và chính trực hơn. Ta cần hiểu một cách đúng đắn lòng thương xót của Chúa, là Cha nhân lành, nhẫn nại biết bao. Ta hãy nhớ lời tiên tri Isaiah: dù tội lỗi của ta đỏ rực, tình yêu Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ra trắng như tuyết. Lòng thương xót Chúa tuyệt đẹp.”

 

“Tôi luôn thấy rằng lòng thương xót sinh hoa kết quả dồi dào hơn là công lý nghiêm ngặt.”

-Abraham Lincohn

 

Lòng thương xót thể hiện qua lòng tha thứ

Khi Blaise, chồng của Karen Mahoney, trở thành tàn phế vì một tai nạn trong một cửa hàng bán đồ tân trang nhà cửa ở Salem, Wisconsin, hai vợ chồng rất sợ hãi và tức giận. Blaise phải giải phẫu để nối ba khúc xương cổ và ghép đặt máy bơm thuốc giảm đau. Ông cũng phải chịu thêm nhiều đau đớn vì những vấn đề sức khoẻ khác do thương tích gây ra. Mặc dù họ phải thuê hai hãng pháp lý giúp đỡ với hy vọng đòi được tiền bồi thường để trả các chi phí điều trị y khoa lên đến 1.4 triệu dollars. Kết quả chỉ được một số tiền nhỏ, qua thủ tục dàn xếp, đến nỗi khó tránh khỏi khai vỡ nợ và mất nhà ở.

 

Thay vì ngụp lặn trong sợ hãi và than thân trách phận mà quên đi những nhu cầu đích thực của mình, Karen và Blaise cố gắng hướng vào tình cảnh thiếu thốn của người khác. Họ bắt đầu làm việc thiện nguyện tại một nhà an dưỡng (nursing home), lần hạt Mân Côi, đưa Mình Chúa đến cho những người đau yếu – và đi thăm viếng bệnh nhân không thể ra khỏi nhà. Mặc dù đã mất một số bạn bè trong thời kỳ xáo trộn, họ có những người bạn mới trợ giúp họ bằng lời cầu nguyện, lòng tốt và cả lòng thương xót nữa.

 

Karen nhớ lại: “Chúng tôi cảm thấy tinh thần bay bổng, nhiều ngày đồ ăn đã cạn nhưng chúng tôi vẫn mời những người bạn mới tới dùng bữa. Nhiều lần Chúa đã hiện ra trong phòng sinh hoạt trong khi chúng tôi phục vụ khách, nước mắt tuôn trào, cuốn sạch gì đổ nát, để lại một ốc đảo tinh sạch.”

 

“Khó khăn lớn nhất là lòng tha thứ. Bao lâu chưa biết tha thứ và trao phó mọi sự cho Chúa Giêsu, ta vẫn còn chìm đắm trong giận dữ, phẫn nộ, cay đắng và còn cảm thấy cuộc đời bất công. Bằng cách bỏ qua mọi sự ta có thể thấy bất kể cảnh ngộ thế nào, Chúa vẫn có thể dùng ta. Ngài yêu thương ta và nhờ Ngài ta có thể đi vào tâm hồn người khác bởi vì ta thật sự hiểu những đau khổ của họ.”

 

Ngay cả những mâu thuẫn trong đời tôi, trong chừng mực nào đó, cũng là những dấu chỉ lòng thương xót của Chúa đối với tôi.”

-Thomas Merton

 

Lòng thương xót là một món quà

Với nhiệm vụ phụ tá quản lý của cha chính xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Glenville, New York, bà Fran Szpylczyn quả là một gương mặt tử tế và quan tâm khi có một người đói khát hay nghèo túng đến gõ cửa giáo xứ. Tuy vậy có một người đàn bà đã làm cho Fran hết sức khó chịu.

 

Bà Fran nói: “Giọng nói của bà ta làm tôi khó chịu. Dáng dấp của bà có cái gì làm tôi rùng mình. Cái làm tôi căng thẳng nhất là sự thiếu thốn hầu như vô tận của bà. Nó lộ ra nguyên hình khiến tôi không chịu nổi. Còn gì khó chịu cho bằng khi phải đối phó với những  vết thương chưa lành của riêng ta, do sự thiếu thốn gây ra? Những nhu cầu của tôi có thể không phải nhu cầu vật chất, nhưng khi đối diện với một người lệ thuộc đến nỗi không còn chút gì để phòng thân, tôi muốn té nhào.”

 

Người đàn bà ấy trở lại nhiều lần, rồi một ngày kia tình cảm của Fran đối với bà thay đổi gần như phép lạ.

 

Fran giải thích: “Phần này của câu chuyện có vẻ như bịa đặt nhưng nó đã thật sự xảy ra với tôi. Hôm ấy khi bà ấy đến, mọi thứ vẫn như cũ, vẫn giọng nói ấy, vẫn tình cảnh thiếu thốn ấy. Nhưng người thay đổi là chính tôi. Tôi thấy bà ta dưới một ánh sáng mới, tôi nhận ra trong dây phút hồng phúc ấy chính tôi là người thảm hại , thiếu thốn và lâm nguy. Bỗng chốc sự đón tiếp niềm nở ngoài mặt – tới khi đó hoàn toàn nông cạn - đi thẳng vào tim tôi. Đây không phải là trường hợp “cảm thấy tốt vì làm việc tốt” nhưng đúng hơn đó là sức mạnh của lòng thương xót Chúa được hiển hiện rõ ràng. Bà ấy không còn là một người khách khó chịu nhưng trở thành dấu chỉ của Chúa Kytô và lòng thương xót của Chúa đối với tôi.”

 

Ít lâu sau, không thấy người đàn bà ấy đến giáo xứ nữa. Fran không bao giờ biết việc gì đã xảy ra, nhưng nghi rằng bà ấy đã chết.

 

Fran nói: “Ở đời này tôi không bao giờ biết được, nhưng hy vọng sẽ biết khi về nước Thiên Chúa. Tôi tin rằng nếu tới được đó tôi sẽ gặp lại bà.”

 

Như thế những cơ hội để bày tỏ và tiếp nhận lòng thương xót thường đến khi ta không ngờ nhưng lại rất cần. Một người qua đường ta đang đi, đến gõ cửa nhà ta, kêu điện thoại cho ta và ta phải lựa chọn: đáp ứng hay rụt lại trong sợ hãi.

 

Có một chuyện nổi tiếng về thánh Phanxicô thành Assisi, và phút đổi đời của vị  đại thánh  này. Khi ông đang ngồi trên lưng ngựa, thì một người phong cùi đi tới. Trong khi cố xua đuổi sự ghê sợ gớm ghiếc ông đang cảm thấy thì có một ý tưởng xuất hiện trong tâm trí: “Anh không phải là hiệp sĩ của Chúa Kitô nếu không thắng được chính bản thân anh.” Rồi thay vì chạy đi ông đã nhào tới người phong cùi, xuống ngựa, ôm lấy anh ta, hôn lên tay rồi trao tiền cho anh trong một giây phút hoành tráng của tình yêu và lòng thương xót.

 

Trong tác phẩm The Sun & Moon over Assisi (Mặt Trời và Mặt Trăng trên Thành Assisi) Gerard Thomas Straub đã viết: “Đó là giây phút hồng phúc thật sự cho Phanxicô…và người phong cùi. Bạn thử tưởng tượng điều gì đã xảy ra trong tâm trí người phong cùi khi được Phanxicô ôm vào lòng…. Đó là giây phút siêu việt, một khúc quanh trong đời Phanxicô.”

 

Ta có thể thấy phần nào những ý nghĩ của người phong cùi ấy, khi nghe lời nói của Vinicio Riva, một người dị dạng đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp đón và ôm vào lòng một cách tương tự. Riva, người bị một chứng bệnh hiếm có, cho biết cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng đã làm anh kinh ngạc không thốt lên lời.

 

Riva nói với một phóng viên báo chí: “Bàn tay Đức Giáo Hoàng thật mềm mại và nụ cười của ngài thật rạng rỡ và cởi mở, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là ngài [không nghĩ có nên] hôn tôi hay không. Bệnh của tôi tuy không truyền nhiễm, nhưng đâu ngài có biết. Chỉ biết ngài đã làm thế: ve vuốt toàn thể mặt tôi và khi ngài làm vậy tôi chỉ cảm thấy tình yêu thương.”

 


“Những ai sống với lòng thươngxót không sợ chết vì đã đối diện trực tiếp với nó trong những vết thương của anh em và thắng nó nhờ tình yêu của Chúa Giêsu KItô.”


     -  Đức Giáo Hoàng Phanxicô