7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Lựa Lời Mà Nói Cho Vừa Lòng Nhau



(Choosing your words wisely)

 

Nguyên bản tiếng Anh đăng trong Christopher News Notes 552

 

Và Chúa nói, “Hãy có ánh sáng và liền có ánh sáng.”

-Sách Sáng Thế 1:3

 

Chúa Giêsu lớn tiếng kêu lên, “Lazarô hãy ra đây!”

Người chết liền đi ra, tay chân còn cuốn trong băng liệm

và mặt còn bao phủ trong khăn vải

-Gioan 11:43-44

 


LỜI NÓI CÓ SỨC MẠNH. Những người viết Kinh Thánh, từ khởi thủy cho tới khi Chúa Giêsu ra lệnh cho bão ngừng biển lặng, đã chứng tỏ lời nói có sức mạnh vô song.

 

Được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, óc sáng tạo của chúng ta đã dùng lời nói để liên kết và làm cho cuộc đời được phong phú. Chúng ta cất cao lời nguyện và hát mừng ngợi khen Thiên Chúa. Chúng ta viết truyện để đưa ta sang một thế giới khác và chúng ta đi nghe những “bài giảng trên núi” thật cảm động hùng hồn. Ca nhạc có thể rất ngọt ngào nhưng chính lời ca mới cho bài hát một ý nghĩa rõ ràng. Ánh mắt của người yêu là một thông điệp hùng hồn, nhưng chính những lời âu yếm của chàng mới là điều mà nàng nhắc nhở trong lòng mãi mãi về sau.

 

“Chúa Giêsu tập họp đám đông lại và nói với họ, ‘Hãy nghe và hiểu cho rõ: không phải cái gì vào qua cửa miệng làm cho người ta ra dơ bẩn, nhưng cái gì từ cửa miệng mà ra mới làm cho người ta ra dơ bẩn.”

-Matthêu 15:10-11

 

Tiếc thay, có bao nhiêu cách người ta dùng lời nói để liên kết và làm cho đời sống được phong phú thì ngược lại cũng có bấy nhiêu cách người ta dùng lời nói để làm hại người khác. Ta thường thấy điều này xảy ra quá nhiều trên diễn đàn chính trị, nơi mà những sơ sẩy được nắm lấy để tấn công đích danh đối thủ. Trong đời sống cá nhân ai trong chúng ta chưa từng nổi nóng hoặc cố xổ ra những lời thóa mạ làm cho người khác đau lòng. Những lời nói chát chúa dù là của trẻ con trên sân chơi hay của người lớn trong nhà hay nơi sở làm đều có thể gây ra những ảnh hưởng tai hại trong tâm tình của người khác. Nó có thể phá hoại những liên hệ tình nghĩa quý giá của chúng ta. Nhưng lời nói độc địa không phải lúc nào cũng dẫn tới giận dữ. Ta nhớ lại Chúa Giêsu bị chế nhạo trong cuộc Thương Khó nhưng ta có thể quên rằng Ngài đã phải chịu đựng nhạo cười trong suốt cuộc hành trình rao giảng của Ngài.

 

“Khi họ tới nhà của người chức việc đền thờ Ngài thấy một cảnh tượng huyên náo, than khóc ầm ĩ. Cho nên Ngài đi vào và nói với họ, ‘Tại sao than khóc ầm ĩ thế này? Đứa bé chưa chết nhưng đang ngủ thôi.’ Và người ta chế nhạo Ngài. Rồi Ngài bảo họ ra ngoài hết.”

-Maccô 5:38-40

 

Phải nghe những lời chê bai, giận dữ hay bất công có thể rất tai hại có khi làm tê liệt nếu ta sa vào cái bẫy tâm lý để cho cuộc đụng độ diễn đi diễn lại hoài trong tâm trí. Khi việc ấy xảy ra người ta đã thật sự để cho lời nói khống chế mình. Trong những trường hợp thế này ta không thể làm gì hơn là theo gương Chúa Kitô như đã nói trên. Ngài phớt lờ lời chế riễu và tiếp tục lo công chuyện của mình. Khi ta buông theo sự thúc đẩy tự nhiên và dùng những lời lẽ tai hại thì không những đã để cho xúc cảm điều khiển ta, mà còn bỏ qua huấn lệnh của Chúa Kitô trong bài giảng trên núi: “Hãy làm cho người khác điều gì ngươi muốn người ấy làm cho ngươi. Đây là luật của các tiên tri.” –Matthêu 7:12

 

“Làm cho người khác” là điều nói thì dễ nhưng làm mới khó. Sau đây là một số lời khuyên để giúp ta giữ những cuộc đối thoại trong tinh thần xây dựng, dù là đối thoại trực tiếp hay qua thư từ. Ghi nhớ những lời khuyên này có thể giúp ta làm cho những liên hệ cá nhân được tăng tiến, giảm bớt đụng chạm, tăng cường hợp tác và duy trì sự hiểu biết.

 

1.    Lắng nghe

Chú ý nghe phía bên kia nói một cách đầy đủ. Thường thường ta chỉ nghe bằng một nửa tai trong khi đầu óc cố tìm câu trả lời cho điều mà người kia chưa nói xong. Bằng cách lắng  nghe người kia nói, ta khỏi phải suy đoán hay coi điều gì là tất nhiên. Làm như vậy ta cũng có thì giờ suy nghĩ trước khi nói, mà đìều này rất quý giá trong những hoàn cảnh dễ gây xúc động.

 

2.    Xin Chúa tham dự

Đây có phải là một cuộc đối thoại mà bạn muốn Chúa Giêsu chứng giám chăng? Một người nói rằng khi nào ông ta sắp phải nói chuyện với ai, và cuộc đối thoại có thể gây xúc động lớn, ông cố đọc một lời nguyện ngắn xin Chúa Kitô đến tham dự. Hình ảnh của Chúa Giêsu, trong tâm trí, đang lắng nghe những lời nói của mỗi người, thường thúc dục ông suy nghĩ thận trọng sẽ nói gì và không bao giờ dám đổ lỗi cho ai nếu còn một chút nghi ngờ. Nên nhớ rằng Chúa Kytô biết mọi điều bạn nói và nghĩ. Đó chính là điều cần biết cho những ai đang lo lắng về một cuộc đối thoại có thể sẽ đi về hướng tiêu cực.

 

3.    Hãy suy đoán điều gì tốt đẹp nhất

Đừng thêm điều gì vào lời nói của người khác. Nếu bạn không biết chắc chắn những ý định trong lời nói của ai thì phải hỏi lại. Khi phán đoán những ý kiến của một người nào nên thiên về phía tích cực. Henry James diễn tả điều này như sau: “Có ba điều quan trọng trong đời người. Điều thứ nhất là phải tử tế. Điều thứ hai là phải tử tế. Và điều thứ ba là phải tử tế.” Khi nào ta phải đối thoại về một việc khó khăn và không biết kết quả sẽ ra sao, nên nhớ lại câu nói này, nếu không, ta có thể phải chịu một hậu quả không hay chút nào.

 

4.    Hãy nói năng cho lễ phép

Cưỡng lại ý muốn tỏ thái độ trịch thượng, khôn khéo, hay là ý muốn hạ nhục người ta. Đừng bao giờ sợ sai lầm khi đưa má bên kia cho người ta tát, mặc dù đó là điều cực chẳng đã bạn mới chịu làm. Thể thức xã giao được lập ra cho những hoàn cảnh như vậy. Không có gì sai lầm khi ta nói một cách trịnh trọng, “Ta hãy đồng ý để cho hai bên bất đồng ý,” rồi đổi qua một đề tài khác, nhất là khi đang bàn về một vấn đề gay go như chính trị hay tôn giáo.

 

5.    Nếu đang nóng giận hãy chờ đợi

Đừng bao giờ trả lời nếu bạn đang nóng giận hay bức xúc cách nào khác. Trì hoãn trả lời có thể giảm bớt nguy cơ nói hay viết ra điều gì bạn phải hối tiếc về sau. Nếu vấn đề đó cứ làm bạn phải hao tâm tổn trí thì nên viết một lá thư cho đối phương. Không cần phải gửi lá thư đó nhưng làm vậy để trút hết những điều lo lắng và để giúp bạn dãi bày tư tưởng rõ ràng cho những cuộc thảo luận về sau.

 

6.    Nói sự thật một cách lễ độ

Một giáo dân siêng đi lễ tên Elise cho biết linh mục của cô nói với cô rằng sự thật không tốt mà cũng chẳng xấu. Nó là sự thật, thế thôi. Tuy nhiên cách người ta nói sự thật cho người khác có thể là tốt hay xấu. Cô nói, “Tôi thường nhớ lại lời đó lúc tôi sắp  buột miệng nói ra một điều gì cộc lốc. Đâu cần phải suy nghĩ lâu để tìm ra một cách nói tế nhị, và nhất định cách nói ấy phải tử tế hơn rồi.” Chỉ cần ngừng lại một chút, nghĩ ra một cách nói xã giao hơn khi phải nói ra điều gì nặng nề. Thái độ ấy có thể làm thay đổi hẳn cách tiếp nhận thông tin của người kia. Và kết cuộc mọi người có liên can đều cảm thấy tốt hơn. Như Cha James Keller, dòng Maryknoll, người sáng lập cơ quan Christophers đã có dịp viết: “Ta thường phải dành thêm ít phút, cố gắng thêm chút ít để tỏ ra nhã nhặn và ý tứ, nhưng kết quả sẽ rất tốt đẹp. Trái lại một lời nói vội vàng chua chát có thể mau chóng phá hủy, đảo lộn những tiến bộ tốt đẹp. Ít khi người ta có thể thuyết phục được ai bằng những lời nói giận dữ, chỉ trich, than phiền, chê bai.”

 

7.    Cố gắng thật nhiều để diễn tả cho rõ khi viết

Giải thích sai lạc dễ xảy ra hơn trong văn viết vì văn viết không cho thấy nét mặt, cử chỉ, điệu bộ của người nói là những gì giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩ của họ. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy nếu bạn viết một điều gì tích cực, người đọc sẽ hiểu nó là trung lập, nếu bạn viết một điều gì trung lập, người đọc sẽ hiểu nó là tiêu cực. Lựa chọn ngữ vựng cẩn thận sẽ giúp rất nhiều trong việc biểu hiện một giọng văn tích cực và truyền cảm.

 

8.    Nhờ bạn bè trợ giúp

Nếu thì giờ và hoàn cảnh cho phép nên nhờ một người bạn đáng tin cậy xem qua điều bạn đã viết hay nghe những lý luận của bạn. Người ấy có thể cho bạn thấy phía bên kia nghĩ gì về vấn đề gây ra bất đồng ý.

 

9.    Xin lỗi và tha thứ

Việc này không khó hiểu nhưng thật khó làm. Nhìn nhận mình sai lầm không dễ dàng đâu. Tha thứ cho người xúc phạm đến mình khó khăn chẳng kém. Và nhất là tự tha thứ cho mình về phần trách nhiệm của mình trong một vụ hiểu lầm nghiêm trọng đòi hỏi thời gian lâu dài. Tất cả chúng ta không ai hoàn hảo cả. Xin lỗi và tha thứ là một trong những phương thế Chúa ban để chúng ta hàn gắn lẫn nhau.

 

10. Có rèn luyện mới hoàn hảo

Trong tác phẩm Bắt Đầu Cầu Nguyện (Beginning to Pray) Anthony Bloom kể một câu chuyện về Thánh Philip Neri, một người dễ nổi nóng. Ông vào nhà nguyện và xin Chúa cứu ông khỏi thói quen xổ ra những lời cay nghiệt với những người chung quanh. Ra khỏi nhà nguyện, ông gặp hết người này đến người khác, người nào cũng hậm hực khiến ông trả đủa ngay bằng những lời lẽ thù ghét. Vội vã trở lại nhà nguyện Philip hỏi Chúa: “Chúa ơi, con đã chẳng xin Chúa cứu con khỏi tính nóng giận này sao?” Chúa trả lời: “Đúng rồi Philip. Chính vì lý do đó mà ta đã gia tăng những cơ hội để con học tập.” Chớ vội bỏ cuộc. Học tập cho ta những kỹ năng đối thoại tốt đẹp cần thiết và ít ai trong chúng ta làm mọi việc thành công ngay lần đầu. Trên hết ta hãy nhớ phải thương yêu nhau. Khi thương yêu nhau chúng ta đến gần Chúa hơn và giúp đỡ những người khác cũng làm như vậy - tất cả là nhờ sức mạnh của những lời nói được lựa chọn đắn đo.

 

“Thầy cho các con một điều răn mới: hãy thương yêu nhau. Như thầy đã thương yêu các con, các con cũng phải thương yêu nhau. Đây là cách người ta nhận biết các con là môn đcủa Thầy: vì các con thương yêu nhau.”

-Goan 14:34-35

 

 

Vũ Vượng dịch