7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

VUI SỐNG TRONG MỘT THẾ GIỚI ĐẦY CĂNG THẲNG



Living Joyfully in a Stressed - Out World


(Nguyên bản tiếng Anh: Christopher News Note số 595)

 

 

MỌI NGƯỜI ĐỀU BIẾT HẠNH PHÚC CHÓNG QUA. Nó tùy thuộc hoàn cảnh, tâm trạng và cả những gì nay thay mai đổi như thời tiết, và những căng thẳng trong đời sống gia đình hàng ngày, nơi trường học, ở sở làm, và ngay cả giờ nhàn rỗi cũng có thể làm ta mất hào hứng và trống rỗng. Sống luôn luôn hạnh phúc trong một thế giới đầy căng thẳng tất nhiên không thể được. Nhưng niềm vui - niềm vui thật sự - thì quan trọng hơn hạnh phúc tạm thời. Nó là nguồn mạch của bình yên, sức khoẻ và vui sướng, một món quà của Thánh Thần mà ta có thể đạt được bằng cách nào đây?


 

Nhận ra niềm vui

Hãy tìm cho thấy ở đâu có niềm vui, và cho nó một tiếng nói hơn cả tiếng hát. Vì bỏ mất niềm vui là bỏ mất tất cả.”

-      - Robert Louis Stevenson

 


Bước đầu để vui sống là nhận biết niềm vui là gì và từ đâu mà có. Trước hết phải biết nó không phải là cái gì vật chất, ích kỷ và tạm bợ. Niềm vui thật sự thuộc lãnh vực tâm linh (có nghĩa là nó được cảm nghiệm bởi thân thể, tâm trí và linh hồn một cách hài hòa). Vui là quên mình đi. Trong niềm vui ta thật sự quên mình và cảm nghiệm được sự hiệp thông với những người khác, tức là kết đoàn thực sự. Và niềm vui thì bất tận vì nó cho ta nếm trước được hương vị của thiên đàng ngay ở đây bây giờ.


 

Niềm vui có tính linh hoạt hoàn toàn. Một người biết vui sống không bao giờ chán nản, lãnh đạm, hờ hững. Henri Nouwen, một nhà văn chuyên về tâm linh thuộc Dòng Tên, gọi niềm vui là tình trạng ngây ngất lành thánh. Trong tác phẩm Lifesigns (Những dấu hiệu của sự sống) ông đã viết: “Từ ‘ngây ngất’ giúp ta hiểu đầy đủ hơn niềm vui Chúa Giêsu ban phát. Theo nghĩa đen “ngây ngất” có nghĩa là ở bên ngoài nơi tĩnh lặng … niềm vui luôn đi liền với động tác, đổi mới, hồi sinh và biến đổi – tóm lại là gắn liền với sự sống.”


 

Khi Missy Franklin, một vận động viên bơi lội, bắt đầu cảm thấy hoảng sợ trong hồ bơi tại Thế Vận Hội Rio de Janeiro 2016, nó ảnh hưởng đến việc thao diễn cũng như niềm vui trong môn thể thao vốn là trọng tâm đời sống của cô. Franklin không bỏ phí thì giờ, nhưng tìm ngay cách chữa bệnh lo âu của mình (một bước đi tối quan trọng) và dốc quyết tìm lại cả nghề nghiệp lẫn niềm vui.


 

“Tôi quyết tâm tìm lại những niềm vui bơi lội là những gì đã giúp tôi đạt những huy chương ở Thế Vận Hội London, nâng cao những thành tích cho tới nay vẫn được coi là kỷ lục thế giới, kỷ lục thế vận hội. Tôi không cảm thấy niềm vui ấy ngay bây giờ nhưng tôi biết nó ở trong tôi, một chỗ nào đó, sâu thẳm. Tôi chỉ cần khơi nguồn trở lại, ôm lấy nó và tự nhũ nó là vốn liếng của tôi.” Rồi cô chia sẻ trên mạng Twitter thông điệp này: “[Tôi] phó thác cho Chúa, tin rằng một điều gì tốt đẹp sẽ đến trong hoàn cảnh này, và tôi sẽ phục hồi tốt đẹp hơn bao giờ hết.”


 

Điều nghịch lý của đời vui là thế này: nó có thể - và thường thường phải – trùng hợp với cuộc sống căng thẳng, khó khăn, mất mát và đau đớn. Sự buồn sầu không nhường chỗ nào cho hạnh phúc, nhưng nỗi buồn và niềm vui có thể, và vẫn thường chung sống trong đời ta. Có thể ta không thấy rõ ràng khi đó, nhưng niềm vui vẫn như một đợt sóng ngầm nâng đỡ ta trong dòng thời gian nặng nề của đời sống hàng ngày.


 

Những ai phải đối phó với bệnh tật trầm trọng thường ngạc nhiên vì còn gặp được niềm vui ngay giữa cảnh sợ hãi và đau đớn. Gerri Willis, một phóng viên thương mại của đài Fox Business News đã nói một câu, thay cho nhiều người, rằng cuộc chiến với bệnh ung thư vú của cô đã cho cô một món quà bất ngờ: “Ung thư là một ông thầy giỏi. Điều mà bây giờ tôi biết được là: không nên sợ hãi những thử thách như tôi đã phải đối phó, nhưng cần phải đối phó trực diện với chúng bởi vì trong hành trình nào cũng có điều tốt đẹp. Đành là tôi đã khóc nhiều khi nghe chẩn đoán của bác sĩ, nhưng có nhiều điểm sáng, dịp vui và vẻ đẹp trên đường đi. Sự ngạc nhiên do niềm vui này mang đến là một trong những món quà quý nhất tôi đã nhận được từ trước tới nay mặc dù tôi phải chiến đấu với một ác quỷ, kẻ thù của sức khoẻ, mới nhận được món quà ấy.”


 

Niềm vui là một món quà, giống như những món quà tốt đẹp khác, từ Chúa mà đến như một cách để chứng tỏ tình yêu của Ngài. Lúc nào niềm vui cũng sẵn đó, ta chỉ cần nhận ra là có liền. Như C. S Lewis đã viết: “Không có người nào một lòng mong muốn niềm vui mà không tìm được nó. Ai tìm sẽ thấy. Ai gõ sẽ mở cho.”


 

Bắt lấy niềm vui

“Ai biết hôn hít niềm vui khi nó bay qua, người ấy sống trong bình minh đời đời.”

-      - William Blake


Bí quyết thứ hai để vui sống là phải nhớ rằng, cũng như đối với sự khoẻ mạnh của thân thể, có những thái độ và sự tập luyện mà ta cần phải biến thành thói quen, một phần của đời sống hàng ngày. Ta càng gắn bó chặt chẽ với những thói quen đó (và vứt bỏ những gì ngược lại) ta càng dễ khơi nguồn sức mạnh của niềm vui.


 

Trong những cuộc thảo luận gần đây, được xuất bản dưới tựa đề “Sách Niềm Vui” (Book of Joy), đức tổng giám mục Anh Giáo Desmond Tutu và vị lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng Dalai Lama đã liệt kê tám điểm trụ chốt của niềm vui: những đức tính giúp ta vun trồng niềm vui thật sự, đồng thời cũng là dấu chỉ định hình của những con người vui tươi. Những đức tính này vang vọng trong tất cả những truyền thống tôn giáo và triết học.


 

Đó là: 1)Nhãn quan – khả năng nhìn nhận những hoàn cảnh từ những góc nhìn khác nhau 2) Lòng khiêm nhường - sự hiểu biết vững chắc về những giới hạn của ta 3) Óc hài hước - khả năng coi nhẹ bản thân và những hoàn cảnh của ta 4) Chấp nhận - điều mà người Kitô hữu gọi là thái độ phó mặc cho thánh ý Chúa. 5)Tha thứ - khả năng trút bỏ những hậm hực và những thương tổn cũ. 6)Lòng biết ơn – nhìn nhận rằng tất cả cuộc đời, dù hoàn cảnh thế nào chăng nữa, là một món quà. 7) Thương người - hiểu rằng không phải chỉ có mình ta đau khổ, và vui là quên mình đi. 8) Lòng đại lượng – là tinh thần của người biết cho đi một cách hân hoan.”


 

Trong tám điểm trụ chốt này, ta đã chú tâm tập luyện được mấy điểm? Việc tập luyện có ý thức này - nghĩa là ta đã theo đuổi với một đích rõ ràng như theo đuổi hạnh phúc hay thành công - đã đạt kết quả bao nhiêu?


 

Sống vui và làm cho người khác vui

“Quyết giữ gìn hạnh phúc, để rồi niềm vui của bạn và chính bạn sẽ làm thành một lực lượng bất khả bại trước mọi khó khăn”

-       - Hellen Keller


Khơi dậy niềm vui thực sự có khả năng biến đổi những cuộc đời - đời ta và đời người khác. Niềm vui là một ngọn đèn không thể dấu kín dưới một cái thúng. Nó tỏa sáng từ chúng ta và lôi kéo người khác đến với ta. Không ai ngăn chặn được cuộc sống vui tươi. Nó đổ tràn trề khiến ta phải chia sẻ bí quyết sống vui cho người khác.


 

Kathryn Jean Lopez, chủ biên báo National Review Online viết trong một bài suy niệm đăng trong báo Abilene Reporter News: “Tôi buồn cười khi đọc quảng cáo của công ty Dunkin’ Donuts. Họ thúc dục người ta ‘chia sẻ niềm vui’. Không thể chối cãi rằng khi ai đem hàng chục bánh donut đến sở làm, người ta sẽ vui cười rầm rộ hay ít nhất sinh hoạt cũng náo nhiệt hơn khi người ta ăn ngọt nhiều quá. Nhưng chỉ có niềm vui thật sự - khi biết được tình yêu siêu việt của Chúa mới có sức biến đổi cực kỳ tốt đẹp.”


 

Niềm vui biến đổi đời ta bằng cách đưa ta đến với người khác để xây nên những liên hệ làm cho đời sống cộng đồng được nâng cao và quan hệ giữa mọi người được khắng khít. Ngược lại, khi đến với người khác, ta cũng được hưởng một niềm vui. Nhà báo Joyce Coronel  nhận xét: “Niềm vui sẽ đến khi ta quyết tâm phục vụ người khác. Ta quên mình đi, và quên mình là một điều tốt, mặc dù văn hóa ngày nay muốn ta làm ngược lại. Phục vụ người khác mà không trông mong được đền đáp sẽ cho ta niềm vui và sự chữa lành mà không một việc gì khác có thể làm được.”


 

Đội khúc côn cầu (hockey) Detroit Red Wings gặp nhiều thất bại trong bước đầu của mùa bóng 2016 – 2017, nhưng họ đã khám phá được chân lý trong lời khuyên trên đây của Coronel. Một cuộc thăm viếng nhân mùa Giáng Sinh tại Bệnh Viện Nhi Đồng Michigan, một truyền thống hàng năm của đội, đã mau chóng phục hồi tinh thần đang sa sút của các cầu thủ.

 


Thủ môn Jimmy Howard nói: “Thực ra, với một cái nhìn rộng lớn hơn, vấn đề của đội khúc côn cầu không quan trọng lắm đâu. Có nhiều người trên thế giới này đang gặp khó khăn hơn nhiều. Thật đau lòng khi thấy tình cảnh những trẻ em này và gia đình các em đang phải đối phó. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng được một phần thưởng to lớn vì có thể cho các em những giờ phút vui tươi hào hứng.”


 

Cho niềm vui, đội bóng cũng được niềm vui. Huấn luyện viên Jeff Blashill nói:“Chúng tôi được đến đây và giúp cho các em vui cười, thật là tuyệt vời. Hoàn cảnh đau lòng, nhưng chúng tôi vui vì thấy niềm vui trên mặt các em.”


 

Nói cách khác, niềm vui sinh ra niềm vui. Vậy hãy làm cho nó tỏa rộng.



 

Năm cách để phát động niềm vui:

 

1- Hãy đếm những diễm phúc của mình. Tập tìm cho ra, trong mọi cảnh ngộ, ít ra là một điều gì để cảm ơn. Lòng biết ơn không phải lúc nào cũng có được dễ dàng, nhưng nhà báo Joyce Coronel nhấn mạnh nó là “một tâm thức có thể làm thay đổi cách nhìn đời của ta theo chiều hướng tốt đẹp hơn.”

 

2- Hãy cười lên. Óc hài hước lành mạnh thật sự có thể làm giảm bớt sức nặng của  đời sống căng thẳng hàng ngày. G. K Chesterton, một nhà văn dí dỏm và khôn ngoan viết: “Các thiên thần có thể bay bổng vì biết coi nhẹ bản thân mình.”

 

3- Đi xưng tội. Gánh nặng của tội lỗi là một trong những trở lực lớn nhất của niềm vui. Mở lòng đón nhận lòng thương xót của tòa cáo giải. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở ta: “Qua mục vụ tông truyền, lòng thương xót Chúa đến với tôi, lỗi lầm của tôi được tha thứ và niềm vui được ban cho tôi.”

 

4- Lần chuỗi Mân Côi. Nhiều người trong chúng ta chạy đến Đức Mẹ Sầu Bi trong những lúc đau khổ. Nhưng Đức Maria cũng được tôn vinh là “Nguồn Vui của Tôi”. Hãy xin mẹ cầu bầu để khám phá ra hay tìm lại được nguồn vui riêng của bạn trong Chúa Kitô.

 

5- Tìm người trợ giúp khi cần. Buồn sầu là phản ứng tự nhiên khi bị mất mát. Nhưng mất khả năng cảm thấy vui ngay cả trong những thời gian tốt đẹp là dấu hiệu báo động bị bệnh trầm cảm lâm sàng hay những bệnh khác, về thể lý hay tâm thần. Nếu đã mất và không thể tìm được niềm vui khi đã cố dùng những phương thức khác, thì phải đi tìm tham vấn hay gặp thày thuốc để xin trợ giúp và tìm lại hy vọng.

 

 


Vũ Vượng dịch