7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Học Hỏi Cách Lãnh Đạo Khiêm Nhường Của Các Thánh



Learning Humble Leadership from the Saints


(Nguyên bản tiếng Anh của Tiến Sĩ BJ Gonzalvo, đăng trong báo điện tử NW Catholic ngày 28 tháng 8, 2017)

 


Lãnh đạo là một đề tài thảo luận quan trọng, nhưng cũng là cái gì khó tìm kiếm.

 

Sống trong xã hội người ta luôn luôn tìm kiếm những người lãnh đạo giỏi. Ta muốn tìm kiếm, hun đúc và đặt họ vào địa vị lãnh đạo chúng ta. Chúng ta luôn phải tìm kiếm những kiểu mẫu và khuôn thước lãnh đạo để noi theo, vì con đường trở thành lãnh đạo giỏi và hữu hiệu không phải con đường trơn tru dễ dàng. Ta nhìn vào những nhà quản trị kinh doanh, các vị chủ tịch, các tướng lãnh và nhiều người khác, để tìm ra phương pháp trở thành lãnh đạo giỏi.

 

Nhưng bạn có hiểu được rằng một số những tấm gương hay nhất về tài lãnh đạo thành công thực sự được tìm thấy nơi cuộc đời các thánh? Ta biết các thánh lúc nào cũng sẵn sàng trợ giúp - hướng dẫn, bầu cử và cầu nguyện cho ta – nhưng ta không để ý đến những tấm gương lãnh đạo của các ngài. Thật đáng tiếc, bởi vì ơn gọi nên thánh - được áp dụng cho tất cả chúng ta – cũng là ơn gọi trở thành một người lãnh đạo.

 

Dù không nghĩ mình là người lãnh đạo chăng nữa, ta cũng được kêu gọi hướng dẫn những người quanh ta - người trong nhà, bạn bè, đồng nghiệp tại sở làm - đến với Chúa Kitô. Còn kiểu mẫu lãnh đạo nào tốt hơn kiểu mẫu của những vị thánh đã đáp lời gọi nên thánh cũng như đáp mời lời gọi trở thành người lãnh đạo dân Chúa? Cho nên ta hãy nhìn vào các thánh để tìm ra một vài nguyên tắc lãnh đạo để noi theo ngày nay.

 

Một đặc điểm lãnh đạo mà người ta phải khó nhọc mới tìm được là lòng khiêm nhường. Khiêm nhường thường bị tiếng oan trong xã hội ngày nay. Mới nghe ta thấy như nó đồng nghĩa với tủi nhục. Vì có nhiều người huênh hoang tự đắc, hùng hổ  đề cao mình ở khắp nơi. Và tiếc thay người ta không đánh giá cao lòng khiêm nhường khi đi tìm người lãnh đạo. Dường như nhiều người còn coi lòng khiêm nhường là cái gì trái ngược với lãnh đạo.

 

Nhưng lòng khiêm nhường chính là bí quyết để lãnh đạo có hiệu quả. Hãy lấy tài lãnh đạo khiêm nhường của Thánh Phanxicô thành Assisi hay Mẹ Têrêxa làm thí dụ. Khi nghe được tiếng Chúa gọi, các ngài đáp ứng với lòng khiêm nhường chân thật. Khi được hỏi tại sao các ngài được Chúa chọn, các ngài trả lời: Chúa đã chọn những người bé mọn nhất để người đời biết rằng những thành quả của các ngài đều nhờ Chúa mà có. Các ngài muốn làm sao để tất cả sự vinh quang là của Chúa, không phải của các ngài. Nhiều người đã tìm được việc làm hay địa vị lãnh đạo cũng vì có lòng khiêm nhường.

 

Các nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại nói rằng khiêm nhường là một đức tính đại hạng (meta-virtue) – là nền tảng của tất cả những đức tính khác, như khôn ngoan, thương người, can đảm và tha thứ. Cuộc đời Mẹ Têrêxa là biểu hiện rực rỡ của đức tính này. Mẹ nói: “Khiêm nhường là mẹ của tất cả các nhân đức: trinh khiết, bác ái và vâng lời.”

 

Khiêm nhường là đức tính thiết yếu nếu ta muốn đi theo Chúa Giêsu, kiểu mẫu tuyệt đỉnh của lòng khiêm nhường. Chúa Giêsu đã khiêm nhường rời bỏ trời cao xuống trần gian để nâng cao những kẻ bé mọn. Như ngài đã nói với các môn đệ: “Ai muốn là người thứ nhất phải là người sau chót và là đầy tớ của mọi người.” (Maccô 9:35)

 

Có một vài cuộc nghiên cứu về lãnh đạo mới đây cho thấy các nhà lãnh đạo có uy lực mạnh hơn khi có lòng khiêm nhường. Thánh Augustinô có lần đã nói nếu ta muốn đi lên thì phải bắt đầu bằng cách đi xuống: “Bạn định xây một tháp cao thấu từng mây chăng? Trước hết hãy lấy lòng khiêm nhường làm nền tảng.” Lòng khiêm nhường giúp các nhà lãnh đạo biết coi trọng người khác hơn chính mình. Họ biết gạt bỏ cái tôi để coi những lợi ích của người khác là trọng tâm, chứ không phải chính mình.

 

Lòng khiêm nhường giúp ta thấy được điều mà những kẻ kiêu hãnh khó thấy – đó là những hạn chế và những nhược điểm của ta. Để được thuộc cấp tin cậy ta cần phải khiêm nhường nhìn nhận mình có nhiều hạn chế, cần sự giúp đỡ, cần được sửa chữa để giỏi hơn, cần được mọi người cùng chung làm việc, để hoàn thành nhiệm vụ trước mắt.

 

Hãy để cho đức khiêm nhường dẫn ta đi tới vận mệnh đời đời, cùng với các  anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô. Như lời đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong một bài giảng mới đây: “Khiêm nhường là con đường nên thánh.”



Vũ Vượng dịch