7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẦU NGUYỆN CHO TỐT HƠN?


 

Bài giải đáp thắc mắc của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg đăng trong bán nguyệt san Northwest Catholic, January/February 2018

 

HỎI: Con cảm thấy như chưa biết cầu nguyện thế nào cho đúng – con phải làm thế nào cho tốt hơn.

 

ĐÁP: Câu hỏi của bà rất hay, cho thấy Chúa Thánh Linh đang tác động nơi bà và thúc dục bà tìm cách kết hợp chặt chẽ hơn với Chúa. Cầu nguyện đúng cách là điều cần thiết để cho sự kết hợp ấy được phát triển và lớn mạnh.


 

Cần phài hiểu rõ thế nào là cầu nguyện và thế nào không phải cầu nguyện. Có một vài quyển sách hay để giúp ta tăng tiến trong đời sống tâm linh. Hai quyển sách mà tôi đặc biệt đề nghị là Beginning to Pray (Bắt Đầu Cầu Nguyện) của Anthony Bloom và Time for God (Thì Giờ cho Chúa) của Jacque Philippe.


 

Mục đích của cầu nguyện không phải là làm thay đổi ý Chúa, cũng không phải là nói cho Chúa nghe điều mà Chúa chưa biết. Cầu nguyện không phải chỉ là đọc kinh. Cầu nguyện cũng không phải chỉ là cách đi tìm sự bình yên. Khi ta tìm đến việc cầu nguyện với những mục đích này thì có nguy cơ trở thành những người chỉ biết cầu nguyện với chính mình hơn là cầu nguyện với Chúa đã được nói đến trong Phúc Âm (Luca 18:11).


 

Cầu nguyện trên hết và trước hết là hiệp thông đích thực với Chúa. Đó là lời đáp ứng của ta với Chúa, là đấng đang kêu gọi ta đến với ngài. Giống như trẻ em mới tập nói, ta cần phải có thì giờ để tập đáp ứng một cách tao nhã và rõ ràng, nhưng đó chính là điều cần thiết để lớn mạnh về tâm linh. Như Thánh Augustinô đã nói: “Dù ta có nhận thấy hay không, cầu nguyện là nơi gặp gỡ giữa sự khao khát của Chúa và sự khao khát của ta.”


 

Đọc kinh (như Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng) có thể là phương thế hữu hiệu giúp ta có được kinh nghiệm cảm thấy lòng trí mở rộng để dâng mình cho Chúa và dẫn tới sự hiệp thông với Chúa. Có nhiều sách cầu nguyện rất hay để giúp ta đào sâu tìm kiếm trong kho tàng phong phú của truyền thống thánh thiện suốt 2000 năm của giáo hội được biểu lộ trong lời cầu nguyện của các thánh và trong nghi lễ phụng vụ. Nếu bà chưa có một quyển sách cầu nguyện hay tôi khuyên bà nên kiếm một quyển và đọc cho hết. Bà sẽ thấy có một vài quyển đáp ứng đúng tâm hồn và kinh nghiệm sống của bà hơn là những quyển khác.


 

Không sao. Cứ đọc những quyển nào có ý nghĩa hay, và khi đời sống cầu nguyện trở thành sâu sắc hơn, ta sẽ thấy những quyển sách khác cũng có ý nghĩa hay chẳng kém.


 

Không nên coi đọc kinh là cách duy nhất để cầu nguyện. Cầu nguyện luôn luôn phải là một cuộc đối thoại, không phải chỉ là độc thoại. Trong cầu nguyện đối thoại ta sẽ được thay đổi (nói cho đúng là “được hoán cải”) bằng cách lắng nghe và chú ý vào lời của Chúa. Chúa nói với ta bằng nhiều cách chân thật. Đó là lý do tại sao cần phải gây dựng  những giờ phút cầu nguyện trong thinh lặng, để suy niệm về Kinh Thánh, ngồi trước Thánh Thể và xin ơn được thấy những biến cố và hoàn cảnh xảy ra trong đời sống hàng ngày của ta như Chúa thấy.

 


Do đó cầu nguyện không phải là việc ta làm nhưng là cách ta đáp ứng với những việc Chúa đang làm và đang muốn làm trong ta. Để biết đáp ứng tốt hơn, tôi luôn luôn đề nghị mọi người nên xin ơn Chúa Thánh Linh trợ giúp. Thánh Phaolô nói chúng ta không bao giờ biết phải cầu nguyện như thế nào cho đúng nhưng Chúa Thánh Linh có thể cầu nguyện trong ta (Romans 8:26) Chính Chúa Thánh Linh sẽ thánh hóa đời ta, mở lòng trí ta, chữa lành những vết thương của ta, chữa lành bệnh điếc của ta để ta cảm nhận được  sự hiện diện và thổ lộ của Chúa trong suốt cả ngày. Vì lẽ ấy Thánh Phao lô nói chúng ta “phải cầu nguyện không ngừng.” (Thessalonians 5:17) Ngài không có ý nói ta phải đọc kinh không ngừng (mặc dù Kinh Lạy Cha của Chúa Giêsu là một cách tuyệt vời để làm được như vậy.) Thực ra, ngài khuyên ta nên sống suốt ngày trong xu thế cầu nguyện, luôn thấy được và đáp lời Chúa đang ở bên ta.


 

Cách cầu nguyện hàng ngày ấy có thể làm được bằng nhiều cách. Có thể là ngợi khen, thờ lạy, cảm tạ, hay cầu xin hay đền tạ. Không nhất định phải là cách này hay cách nọ, nhưng mỗi ngày của ta phải có một vài yếu tố nào đó của mỗi cách cầu nguyện. Nếu bà cảm thấy có trở ngại, không thể nào có được khả năng cầu nguyện sâu sắc hơn thì tôi khuyên bà nên tìm đến nhiệm tích hòa giải và nhận lãnh ơn chữa lành và giải thoát của tòa cáo giải. Tội lỗi có thể là một trở lực thực sự trong quan hệ của ta với Chúa và có khi đời sống cầu nguyện của ta không thể phát triển được khi ta chưa để cho Chúa gỡ bỏ trở ngại đó bằng ân sủng của nhiệm tích này.


 

Chúa Giêsu hứa sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi, và ngài nói rất rõ về những cách thức nhất định để ta cảm nhận được ngài. Cũng y như các môn đệ trên đường đi Emmaus trong Luca 24, Thánh Thể và Kinh Thánh luôn luôn là những nơi gặp gỡ khi ta đi tìm Chúa Giêsu trong cầu nguyện. Chúa Giêsu cũng luôn hiện diện trước ta qua những chứng nhân của ngài - những người lành thánh, nam có nữ có, những người sống đúng theo màu nhiệm Chúa Kitô chịu chết và sống lại. Và Chúa Giêsu hiện diện trước ta qua Chúa Thánh Linh đến độ ngài đã hứa với chúng ta Chúa Cha sẽ không từ chối ban Chúa Thánh Linh cho bất cứ ai thành tâm và liên lỉ cầu xin (xem Luca 11:13) Chúng ta biết phải tìm Chúa Giêsu ở đâu  – vì Chúa chúng ta đã nói với ta quả đủ rồi. Giờ đây đến lượt ta hãy dành thì giờ để sống với ngài.


 

Vũ Vượng dịch