7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Kiềm Chế Sự Phân Tâm Bằng Lòng Mộ Mến


Trích dịch Hành Hương Mùa Chay (A Lenten Pilgrimage)

của Đức Tổng Giám Mục J. Peter Sartain

 

(TAMING OUR DISTRACTION WITH LOVING DESIRE)


Khi xem tin tức trên truyền hình tôi ngỡ ngàng vì số lượng tin tức xuất hiện trên màn ảnh quá nhiều – nào là dự báo thời tiết, thể thao, thị trường chứng khoán, đầu đề về đủ mọi thứ chuyện. Tin này làm quên mất tin kia, khiến ta khó tập trung vào một tin nào. Hãng tin này cạnh tranh với hãng tin kia, dùng kỹ thuật cao để lôi kéo sự chú ý của khán giả.


Phải chăng người ta đã bị tê liệt bởi sự phân tâm đến nỗi cần xét lại vấn đề này? Biết bao tin tức và nhiều thứ giải trí chỉ cần một cái gõ nhẹ là có liền, đến nỗi người ta có thể nói bị chia trí thì tốt hơn là chú ý.


Tôi nhớ có nhiều lần bị phân tâm bởi chính mình, không phải do các phương tiện truyền thông. Tôi bị phân tâm trong khi cầu nguyện, làm việc, đọc sách, lái xe hay cả khi đang nói truyện. Tôi bị chia trí khi đói, khi lo lắng, khi có tiếng động, khi tuyết rơi, hay khi mệt nhọc.


Có người nghĩ rằng vào dòng tu thì dễ tránh được chia trí hơn ở ngoài đời. Nhưng nếu có ai  hỏi các nữ tu Dòng Tiểu Muội (Poor Clare nuns), các thày Dòng Biển Đức (Benedictines) hay các thầy Khổ Tu Tịnh Khẩu (Trappists) thì họ sẽ nói ngay không phải vậy. Dù đi đâu ta cũng không sao tránh được chia lòng chia trí.


Biết bao nhiêu thứ làm ta phân tâm. Chúng là một phần trong đời sống mỗi người, không ai tránh khỏi, nhưng chúng không phải là mục đích của đời sống. Chúng có vẻ hấp dẫn nhưng không thể cho ta điều hứa hẹn, không giúp ta tăng trưởng. Thực ra, nếu ta cứ vấp vào chúng hoài, ta không bao giờ được bình an và  không bao giờ được toại nguyện, nhất là khi ta để cho nó làm phương hại lòng mến Chúa. Hãy coi chừng, sự chia trí lúc đầu có thể là vô hại nhưng rồi nó sẽ lôi kéo ta ra xa điều tốt và khiến ta làm điều xấu.


Chủ Nhật Thứ Nhất Mùa Chay đưa tâm trí ta vào cuộc ẩn lánh bốn mươi đêm ngày của Chúa Giêsu trong sa mạc, nơi Ngài bị Satan cám dỗ. Mục tiêu của Satan là khai thác những cơn đói day dứt để làm Ngài quên mất Chúa Cha, dụ dỗi Ngài đi tìm cái hay nhất thời, xúi dục Ngài dành lấy vinh quang cho riêng mình. Bị tấn công bởi những lời hứa trống rỗng của Satan, Chúa Giêsu vẫn giữ vững tình yêu với Chúa Cha, mà Ngài quý trọng trên hết mọi thứ trên đời.


Chúng ta đang sống vào một thời đại mà những lôi kéo và cám dỗ trong nội tâm càng nặng nề thêm vì những cám dỗ từ bên ngoài. Do đó trong Mùa Chay chúng ta quyết tâm đi vào sa mạc với Chúa Giêsu – không phải để né tránh người nào hay điều gì, nhưng để tìm kiếm Chúa Cha. Từ lâu ta đã để cho nhiều thứ lôi kéo mình và sao lãng những trách nhiệm và đời sống tâm linh của mình. Có khi đã phạm tội. Ta sẽ không bao giờ thoát được tất cả mọi thứ lôi kéo và cám dỗ, nhưng ta có thể nhất quyết từ bỏ được nhiều thứ cám dỗ này. Ăn chay, bố thí, và cầu nguyện là những bước tiến về hướng đó.


Ăn chay kiêng thịt làm cho bụng đói, nhưng sự hãm mình này thực ra là để giúp ta thấy được phần nào sự hy sinh mà Đấng Cứu Thế đã chấp nhận vì ta. Làm việc bố thí đưa ta ra khỏi tâm trạng ích kỷ, và giúp ta có tình yêu thương sống động đối với kẻ nghèo đói, những người đói không phải vì muốn ăn chay, nhưng vì không có của ăn. Lời cầu nguyện là bánh nuôi sống chúng ta, vì nó từ tay Chúa Cha mà đến.


Những cơn đói day dứt của ta trong Mùa Chay là một khí cụ hữu ích, vì sự thèm khát đồ ăn là biểu tượng của lòng khao khát sâu xa nhất của con người -  khao khát được bầu bạn với Thiên Chúa, một thứ tình bạn thiết tha, đầy bổ dưỡng. Chúng ta khao khát tình bạn đó chính vì Chúa  đang dang tay mời gọi. Những quyến rũ của thế gian là thứ đồ ăn không tốt mà ta thường dùng để thay thế cho đồ ăn đích thực. Cám dỗ là mưu chước của Satan để làm ta nản chí và phá hoại tình bạn đó bằng tội lỗi.


Phải chăng điều cốt yếu của Mùa Chay là ta phải chau mày, nghiến răng, nắm tay, hướng về Chúa, nhất quyết không bị chia trí hay cám dỗ? Chắc chắn không phải vậy! Phần lớn chúng ta đều biết cố gắng làm như vậy sẽ sớm thất vọng. Hướng về Chúa không phải là tập trung tư tưởng cho bằng có lòng yêu mến thiết tha. Khi ăn chay ta thường cảm thấy đói lúc 2 giờ chiều, lúc ấy ta có thể nói: “Lạy Chúa, cảm ơn Chúa đã nhắc nhở con rằng chính vì Chúa mà con đang chịu đói.” Khi vô số những ý tưởng làm ta chia trí, ta có thể nói: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa.” rồi cứ để cho những ý tưởng ấy đi vào tai này rồi đi ra tai kia, không để cho chúng gây tác hại. Khi cơn cám dỗ đe doạ lôi kéo ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa, ta hãy nói: “Lạy Chúa, con chỉ thờ phượng và phụng sự một mình Chúa mà thôi.”


Mùa Chay cho ta cơ hội và phương tiện để tập trung vào “một điều cần thiết” (Luca 10:38-42), dù ta đang sống giữa mọi thứ quay cuồng trong ta và quanh ta. Đó là bốn mươi ngày ẩn lánh trong sa mạc của ta để được gần Chúa Cha. Lạ lùng thay, ta xác định được vị trí trong sa mạc không phải nhờ bản đồ hay kỹ năng nào của ta, nhưng nhờ bụng đói và tình trạng khốn đốn của ta. Dù nơi đó ta vẫn bị lôi kéo và cám dỗ, nhưng Chúa Cha đang chờ đợi ta. Ngài luôn luôn hiện diện trước mặt ta, bất kể những gì có thể xâm nhập tâm trí ta. Nếu không có Ngài ta không thể nào tồn tại trên đời.


Ta còn có thể đến với ai khác nữa? Cơn đói sâu xa nhất của ta là lòng khao khát Thiên Chúa.


Vũ Vượng dịch