7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Hành Hương Mùa Vọng (An Advent Pilgrimage) của Đức TGM J. Peter Sartain


Chủ Nhật I Mùa Vọng

 

MÙA VỌNG NÀY TA HÃY THOÁT RA

KHỎI NẾP SỐNG THƯỜNG LỆ

(This Advent, Break Out of Your Routine)

 

Một buổi chiều thu nhiều năm về trước, tôi về nhà thăm mẹ. Khi lái xe vào trước cửa nhà, tôi nghe thấy tiếng nô đùa của mấy đứa cháu gái, cháu trai trong vườn sau. Vào nhà, tôi nhìn qua cửa sổ nhà bếp và thấy chúng đang vui chơi giữa đống lá rụng.

 

Một cháu gái thoáng thấy tôi đang từ cửa sổ chăm chú nhìn ra. Nó ngừng tay và la lên gọi mấy  đứa anh, chị: “Bỏ đó đi. Chú Peter tới kìa.” Rồi chúng bỏ đống lá khô và chạy vào nhà để chào tôi, như là đã nhiều năm rồi chúng chưa được gặp tôi. Khỏi cần nói, tôi cảm thấy thích lắm vì các cháu sẵn sàng từ bỏ mọi thứ, ngay cả một buổi chiều vui chơi với lá rụng, chỉ vì muốn gặp tôi.

 

Rồi nhiều năm trôi qua, chúng lớn lên, có một nếp sống riêng với nhiều ham thích mới. Một ngày kia tôi gọi điện thoại về nhà chị tôi, có chuyện muốn nói. Đứa cháu gái đã bỏ cuộc chơi với lá rụng ngày trước nay đã lên lớp tám, bắt điện thoại. Cuộc đối thoại đại khái thế này:

      “Hi, Katy, chú Peter đây. Cháu khoẻ không?”

      “Khoẻ.”

      “Cháu đang làm gì đó?”

      “Nói chuyện với chú”

      “Học hành thế nào?”

      “Cũng được”

      “ Mẹ có đó không?”

      “Có.”

      “Chú muốn nói với mẹ được không?”

      “Mẹ… chú Peter nè.” (có vẻ nó muốn thêm: “lại ổng nữa”)

 

Tôi tự hỏi, “Giọng nói hào hứng mà tôi thường nghe ngày trước mỗi khi gọi điện thoại hay về thăm nhà nay đâu mất rồi?” Tôi đoán rằng bọn trẻ lớn lên, bận rộn với bài vở, âm nhạc, bạn bè và đã có một một nếp sống riêng.

 

Những Kitô hữu thời sơ khai rất phấn khởi về đức tin mới của mình và hăm hở chờ đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu. Khi không thấy Chúa trở lại lần thứ hai mau chóng như họ trông đợi họ trở lại nếp sống bình thường của đời sống hàng ngày, một số người trở lại đường xưa lối cũ không chút đắn đo, quên mất viễn ảnh ngày Chúa trở lại.

 

Bắt đầu vào Mùa Vọng ta được nghe Chúa Giêsu kể lại thời ông Nôe, người ta lo lắng công ăn việc làm cho tới khi  gia đình ông lên tàu: “Họ chẳng biết gì cho tới khi trận lụt ập đến cuốn đi tất cả mọi người” (Mt 24:39) Ngài cảnh báo cho ta biết cũng sẽ xảy ra như vậy khi Chúa đến lần thứ hai. “Cũng sẽ xảy ra như vậy khi Con Người đến lần thứ hai.”

 

Chúa nói, “Anh em cũng phải sẵn sàng.” (Mt 24:44) Ơn cứu độ không phải là cái gì còn xa trong tương lai, xa đến nỗi ta không cần làm gì trong hiện tại. Chúa Giêsu sẽ trở lại vào một giờ bất ngờ nhất, nhưng Ngài cũng đang hiện diện ngay bây giờ, nhất là trong các nhiệm tích, trong lời Chúa, trong các người nghèo khó và trong lời cầu nguyện của ta. Mỗi giờ phút đều đem đến lời hứa hẹn được gặp mặt Chúa Kitô.

 

Người ta dễ dàng rơi vào một nếp sống thường lệ và quên rằng Chúa Giêsu đang ở với ta và sẽ trở lại. Thánh Phaolô tóm tắt điều ấy thế này: “Anh em biết thời gian, chính giờ phút này là lúc anh em phải tỉnh giấc.” (Rom 13:11) Ngài nhắc nhở ta không được ngủ quên trong nếp sống quen thuộc, làm cho lòng ta bừng lên phấn khởi mong chờ ngày trở lại của Chúa.

 

Chúa Giêsu nói rằng sẵn sàng chờ đợi Chúa đến là phải cảnh giác cẩn mật như người canh gác nhà cửa của mình không để cho kẻ trộm đột nhập. Biết đâu Ngài cũng muốn nói rõ rằng ta phải trông chờ Chúa đến như một người đang chú tâm tìm kiếm một món quà hoàn hảo cho một người bạn quý.

 

Chân phước John Henry Newman (1801- 1890) đã viết:

 

“Bạn có biết cái cảm giác trông chờ một người bạn, chờ anh ta đến nhưng anh ta lại trì hoãn? Bạn có biết người ta cảm thấy thế nào khi phải ở với những người khó chịu và mong cho thì giờ qua nhanh để tới lúc được thảnh thơi? Bạn có biết người ta cảm thấy thế nào khi lo lắng một việc gì sắp xảy ra, có thể xảy ra mà cũng có thể không, hay khi hồi hộp chờ đợi một biến cố quan trọng, một việc gì làm cho trái tim đập mạnh khi nhớ đến, một việc gì bạn phải nhớ đến liền ngay khi thức dậy mỗi buổi sáng?

 

Bạn có biết người ta cảm thấy thế nào khi có một người bạn ở phương xa, trông tin anh ta và thắc mắc từ ngày này đến ngày khác, không biết anh ta đang làm gì và có được khoẻ mạnh không?... Người trông đợi Chúa Kitô cũng có những cảm giác như thế.

 

Người trông đợi Chúa Kitô là người có tâm trí nhạy cảm, thèm khát, thổn thức khôn nguôi, là người thức tỉnh, sống động, lanh mắt, cuồng nhiệt, luôn tìm kiếm và tôn vinh Thiên Chúa, là người không kinh ngạc, không quá giao động, hay khiếp đảm khi thấy  Ngài sắp tới nơi.” (bài giảng ‘Tỉnh Thức Đợi Chờ’ xuất bản lần đầu năm 1838)

 

Trong những tuần lễ sắp tới ta sẽ được nghe các tiên tri và các thánh tông đồ khơi động lòng tỉnh thức trông đợi của ta. Lời nói của các ngài xuất phát từ lòng khát khao Thiên Chúa, một tấm lòng khát khao sâu xa đến nỗi hầu như không thể thốt lên lời, khao khát thiết tha hết linh hồn hết tâm trí. Có lẽ trong Mùa Vọng này ta phải đi tìm cái gì sâu xa hơn nếp sống thường lệ - sâu xa hơn cả những lo lắng hàng ngày - và một lần nữa tái khám phá đấng mà ta khao khát là ai. Ước gì chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi sự khi  bắt gặp mắt Ngài đang chăm chú nhìn ta qua cửa sổ.


 

Vũ Vượng dịch