7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Giản Dị Hóa Đời Sống


TRANSLATION OF CHRISTOPHER NEWS NOTE 572

Authorized by the Christophers

 

(Simplifying Your Life)


 

“Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con sống giản dị bằng cách tìm hiểu Chúa muốn con là người thế nào và trở thành con người như thế.”

-Thánh Têrêsa thành Lisieux

 

Lời nói trên của một vị thánh được nhiều người mộ mến, lời nói đã trên trăm tuổi, thúc bách chúng ta, những người đang sống trong thời hiện đại, hãy xem lại đời  sống của mình bằng một cái nhìn mới mẻ.

Hay nói đúng hơn, nó thúc dục ta tìm mọi cách làm cho đời sống được giản dị hơn.

 

Tìm nếp sống giản dị là đi ngược lại trào lưu văn hoá trong một xã hội dường như lúc nào cũng thúc dục ta thèm muốn thêm đủ mọi thứ. Tuy nhiên vì những lý do tâm linh, môi sinh và kinh tế nhiều người hy vọng cắt giảm tiêu dùng sẽ giúp cho đời sống bớt căng thẳng,  giúp ta đến gần Thiên Chúa hơn, và có thể góp phần xây dựng công lý  trên thế giới.

 

Cho nên sống giản dị không thể chỉ là một dự tính cá nhân nhưng phải là một nỗ lực  liên quan đến cộng đồng như lời nói của Mahatma Ghandi cho thấy: “Ta hãy sống giản dị để cho người khác được sống với.”

 

Dẹp bỏ đồ đạc ngổn ngang

“Khả năng sống giản dị có nghĩa là loại bỏ những gì không cần thiết để cho những gì cần thiết nổi bật lên.”  

-Hans Hofmann


Đối với nhiều người, muốn sống giản dị phải bắt đầu tử những việc nhỏ. Khi Susan Vogt quyết định dẹp bỏ đồ đạc ngổn ngang trong nhà, bà nhất quyết mỗi ngày trong mùa chay sẽ vứt bỏ một món đồ. Bà hy vọng làm cho nơi ở được gọn gàng bằng cách tặng những đồ không cần thiết cho những người thiếu thốn. Thí nghiệm này cho bà thấy kết quả thật tốt đẹp và mãn nguyện, về tinh thần cũng như trên thực tế, cho nên bà quyết định tiếp tục làm như vậy suốt cả năm. Bà mô tả cuộc hành trình này trong một quyển sách tựa đề Blessed by less: Clearing your Life of Clutter by Living Lightly (Giản dị và Thánh Thiện: Làm Cho Cuộc Sống Được Gọn Gàng Bằng Cách Sống Nhẹ Nhàng)

 

Vogt nói phương pháp này giúp đời sống của bà được quân bình hơn và bà nhận thấy trong khi không thể cho hoài đến nỗi trở thành kiệt quệ nhưng nếu cứ khư khư giữ lấy những gì có thể giúp ích cho người khác thì cũng không đúng. Bà nói: “Tôi thấy rõ hơn cái gì thật sự quan trọng cho cuộc sống và những gì tôi có thể bỏ đi nhưng cứ ôm lấy để rồi lo lắng hoài.”

 

Hơn nữa, bà nói tiếp: “Việc đó nhắc nhở tôi nhu cầu chỉnh đốn nội tâm nữa. Bề ngoài tôi vẫn thế thôi, nhưng cần xem xét tình trạng tâm hồn như thế nào.

 

Điều quan trọng là phải thay đổi thái độ. Tôi nhận ra giá trị hay sự quan trọng của tôi không tùy thuộc của cải tôi có, cũng không tuỳ thuộc dáng vẻ bề ngoài, cũng không tùy thuộc những cảm nghĩ của tôi.”

 

Tính giản dị và tinh thần cộng đồng

“Xét về tính tình, cử chỉ, phong cách và mọi thứ khác, điều tuyệt hảo là sự đơn giản.”

-Henry Wadsworth Longfellow

 

Người ta có thể tìm thấy một lời giải đáp cho những ai muốn sống giản dị trong việc xây dựng cộng đồng.

 

Những kinh nghiệm đầu tiên về nếp sống giản dị của Luke Hansen đã xảy ra tại San Jose, California. Hồi ấy còn là một giáo dân, Hansen có một thời gian làm việc trong Đội Quân Tình Nguyện Dòng Tên (Jesuit Volunteer Corps) chuyên phục vụ người nghèo và những người sống ngoài lề xã hội. Trong thời gian đó ông và những anh em tình nguyện khác hầu như chỉ dùng những thực phẩm địa phương. Mặc dù nhiều công nhân ở vùng đó đi về bằng xe hơi nhưng hầu hết những người mà ông phục vụ đều dùng xe buýt – cho nên ông cũng dùng xe buýt.

 

Ông nói, “Có bất tiện đấy, nhưng nhờ thế tôi có chỗ rộng rãi để suy nghĩ và có thể nói, ‘Cũng được, tôi có thời gian để cầu nguyện và chia sẻ cuộc sống với những người tôi đang phục vụ.’”

 

Kinh nghiệm đầu tay của Hansen về đời sống giản dị đã gắn bó với ông nên ông đã quyết định vào Dòng Tên để tiếp tục con đường ấy. Sau khi trở thành linh mục Dòng Tên, Cha Hansen được lãnh mỗi tháng 75 đô la để chi dùng, phải đắn đó lắm khi muốn mua một thứ gì. Nhưng có những cách khác làm cho đời sống dễ dàng hơn.

 

Cha nói, “Ở nhà tập có 22 người, chúng tôi dùng chung mọi thứ và có nhiều mạnh thường quân giúp đỡ. Tôi có dư dùng mặc dù tôi không thể gọi cái gì là của tôi.”

 

Cha Hansen phải thận trọng lắm, đếm từng đồng xu, phải lo lắng vì có quá ít chứ không phải vì có quá nhiều. Là một thành viên Dòng Tên, cha biết chấp nhận lòng hào hiệp của người khác. Tuy vậy cha rất thận trọng khi mua cái gì và tiêu bao nhiêu tiền. Cha nói: “Tôi cố sống tần tiện nhờ vậy mọi việc được dễ dàng hơn. Làm ít hơn và tiêu ít tiền hơn, tôi cũng đòi hỏi ít hơn, nhờ thế có thêm giờ cầu nguyện và nghĩ tới cộng đồng. Trong cách sống ấy tình người rất quan trọng.”

 

Cuộc sống khắng khít hơn.

“Điều chúng tôi muốn làm là thay đổi thế giới. Làm sao cho mọi việc được giản dị hơn để mọi người có cơm ăn áo mặc và nơi trú ngụ như ý Chúa muốn.”

-Dorothy Day

  

Eric Anglada đã đi tìm một cuộc sống xa rời kỹ thuật và những rối ren của đời sống hiện đại tại nông trại Công Nhân Công Giáo, thuộc bang Iowa. Ông đã ưa thích phong trào Công Nhân Công Giáo từ lâu vì họ có cách nhìn toàn diện về đời sống.

 

Ông nói, “Nguồn gốc của nó là những công cuộc từ thiện, quan tâm đến người nghèo và người sống ngoài lề xã hội và kết hợp với tinh thần bất bạo động và chăm sóc cho công trình của tạo hoá.” Đời sống giản dị là một trong những phương thế kết hợp mọi thành phần phong trào Công Nhân Công Giáo một cách chặt chẽ.

 

Anglada đã sống tại nông trại được sáu năm. Cộng đồng nhỏ này gồm 14 người và 3 gia đình - tám người lớn và sáu trẻ em. Ông và vợ ông ở chung nhà với một gia đình khác. Những nhà Công Nhân Công Giáo trong các đô thị được dùng làm nơi tiếp nhận  người nghèo, nhưng những nông trại của phong trào ở miền quê chú trọng phát triển nông nghiệp và có thể dùng làm nơi ở cho những gia đình của thành viên. Bằng cách trồng lấy thực phẩm mà ăn, thay vì đi mua, họ biểu lộ tình tương thân tương trợ với những công nhân nông nghiệp di động và luôn quan tâm đến công trình tạo hoá và cố gắng sống một đời sống chính đáng.

 

Sống xa những cạm bẫy của xã hội hiện đại Anglada nói ông có thể sống theo ý định của mình: “Nhờ nơi sinh sống rộng rãi chúng tôi không phải bận rộn, hối hả, điên cuồng.” Bắt đầu mỗi ngày làm việc, cộng đồng cùng nhau đọc một bài Kinh Thánh hay Thánh Tích, tiếp theo là 20 phút thinh lặng, cầu xin, sau hết là lời nguyện kết thúc. Ông nói lời cầu nguyện chung nói lên tinh thần của ngày hôm ấy. “Chúng tôi đưa vào công việc hàng ngày một ý nghĩa tinh thần sâu sắc. Tình người ở đây rất khăng khít.”

 

Yên ổn trong một thế giới đầy lo âu.

“Ai có Chúa không còn thiếu thốn gì: chỉ có Chúa là đủ.”

-Thánh Têrêsa thành Avila

 

Paula Huston có nhiệm vụ liên kết những người theo lối sống giản dị trong hai thập niên qua. Bà đã viết nhiều sách về sống đời tốt đẹp – và đã thực hành tư tưởng bà loan truyền. Cùng với chồng bà đã từ bỏ một căn nhà rộng lớn và đến ở trong một căn nhà nhỏ bé (920 square feet) ở miền nam California, nơi đây bà có thể trồng và tồn trữ đồ ăn cho gia đình. Họ cũng tự lo việc bảo trì và sửa chữa khi cần thiết.

 

Một quyền sách của bà tựa đề Simplifying the Soul (Giản dị hoá tâm hồn) cho ta những bài suy niệm tâm linh và những lời khyên về cách thức đổi mới và làm cho đời sống được giản dị về các phương diện: nơi ở, tiền bạc, thân thể, trí tuệ, chương trình sinh hoạt, bạn bè và cầu nguyện. Chú trọng tìm hiểu những vấn đề này mục tiêu của bà là truy tìm nguồn gốc sâu xa của lòng mong muốn.

 

Bà nói: “Đây là những điều mong muốn chính đáng của con người. Những điều này là tiêu biểu của sự an ninh bị đe doạ trong một bối cảnh không có gì chắc chắn. Chúng  tiêu biểu cho địa vị trong một xã hội đầy cạnh tranh,  nơi mà sự thành công là mục tiêu chính. Chúng cũng tiêu biểu cho sự tự do lựa chọn, là điều tối quan trọng của những người Mỹ chúng ta.”

 

Trong khi nhiều người tin rằng tiền bạc là bí quyết để đạt được tự do, bà Huston cho thấy thật sự tất cả chúng ta đang tìm kiếm sự yên ổn trong một thế giới đầy lo âu. Thay vì tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc đời bằng cách sắm tậu của cải, ta cần chứng tỏ cho người đời có nhiều con đường khác.

 

Bà nói: “Quảng cáo và truyền thông nói chung kích thích mạnh mẽ ý muốn của người ta. Tuy vậy ta không thấy nhiều người sống ngược lại với bản tính tự nhiên, với ý thức rõ ràng.” Vì vậy bà đề ra ý kiến dàn dựng một khuôn mẫu đời sống dựa theo những khái niệm của người xưa – không phải là một cuộc sống mưu cầu quyền hành hay địa vị, nhưng một cuộc sống tự chế, đề cao đạo đức.” Đó là một khái niệm bà đã học được của một nhóm thày dòng ẩn tu tại California.

 

Theo lời mời của một người bạn, bà Huston đến thăm nơi ẩn tu của các thày dòng này. Vốn sinh trưởng trong một gia đình thuộc giáo hội Tin Lành Luther, nhưng lúc đó bà đã trở thành người vô thần. Nhưng bà cảm thấy bị lôi cuốn bởi cách sống khác người của hội dòng này. Bà nói: “Tôi cảm thấy một sự thanh thản và bình an mới mẻ. Tôi nhận thấy ngay lối sống của họ không phải là trốn thoát qua một thế giới ảo tưởng. Đó là niềm tin của họ và họ thực hành với ý thức sáng suốt, và lối sống ấy có thể thích hợp với một người như tôi.”

 

Cuộc thăm viếng ấy không những đã giúp bà trở lại với đạo Thiên Chúa nhưng còn hân hoan gia nhập giáo hội Công Giáo. Bà Huston nói: “Có một liên hệ tự nhiên giữa sự giản dị và đức khiêm nhường. Khiêm nhường là nhìn vào bản thân mình một cách thực tế. Nó là khả năng nhìn vào gương soi để thấy ai trong đó và dẹp bỏ lòng ham muốn đi tìm những gì vượt ra bên ngoài cốt cách của mình.”

 

Bà Huston nói thêm của cải không làm tiêu tan, nhưng trái lại có thể gia tăng những lo lắng và căng thẳng của ta: “Sự giản dị mới thật là con đường đi tới tự do. Người ta không phải bận tâm mình có bao nhiêu của cải, vì biết mình có chút ít thôi. Từ đó ta bắt đầu dọn dẹp nơi ở và đầu óc của mình cho gọn gàng sạch sẽ.” 

 

Bà kết luận đây là việc ai cũng có thể làm. Cố gắng khởi đầu có thể là một việc nhỏ như trồng rau thơm trong một chậu kiểng để trên cửa sổ để rồi về sau có thể dùng nó làm gia vị cho một bữa ăn nấu tại nhà. Nhờ biết giản dị hóa ta có thể chủ động hơn trong việc dùng thì giờ và tiền bạc. Giản dị hóa đã đem lại biết bao điều kỳ diệu trong đời tôi.”



Ta không thể có sự giản dị trong nhà ở và trong chương trình sinh hoạt nếu không có sự giản dị trong tâm hồn. Và nếu ta có sự bình an trong lòng, nếu ta biết dựa vào Chúa và biết trao phó cho Ngài những nhu cầu của ta, thì đời sống bên ngoài của ta sẽ phản ảnh tinh thần ấy…..Nếu biết dành thì giờ cho Chúa khi thức dậy mỗi buổi sáng như Chúa Giêsu đã làm ta sẽ có thêm nghị lực để giản dị hoá môi trường sống. Ta cũng biết lựa chọn khôn ngoan về cách xử dụng thì giờ, tiền bạc và năng lực.

-Susan K Rowland