7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

ÂN SỦNG HAY NHÂN QUẢ?



GRACE OR KARMA?


(Nguyên bản tiếng Anh của Đức Giám Mục Robert Barron đăng trong báo điện tử Northwest Catholic ngày 21 tháng 9, 2017, nêu lên điểm khác biệt chính giữa Thiên Chúa Giáo và các tôn giáo đông phương.)

 


Trước đây vài tuần, tôi được vinh dự gặp tiến sĩ Stephen Davis, giáo sư môn triết học tôn giáo tại Đại Học Claremont University, hiện đã về hưu. Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ, tôi đã đọc quyển sách của tiến sĩ Davis tựa đề “Christian Philosophical Theology” (Thần Học Triết Lý của Đạo Kitô) trong đó có một chương đối chiếu hai con đường tầm đạo chính trên thế giới. Con đường thứ nhất – có thể thấy nhiều nơi ở  đông phương – là đạo nhân quả, và con đường thứ hai - nổi bật trong các tôn giáo bắt nguồn từ Abraham của phương tây – là đạo ân sủng.


 

Con đường thứ nhất có nhiều điều hấp dẫn – nên được trường tồn qua nhiều thế kỷ. Đạo nhân quả nói rằng do một luật linh thiêng của vũ trụ, ta bị trừng phạt hay được tưởng thưởng tuỳ theo những hành động luân lý của ta. Nếu ta làm những việc xấu, ta sẽ phải chịu đau khổ hoặc ở đời này hay đời sau. Cũng vậy, nếu ta làm những việc tốt. ta sẽ được thưởng bây giờ hay mai sau. Nhân quả có thể không xảy ra ngay bây giờ,  giống như luật vạn vật hấp dẫn. Xin nhớ lại bài ca vui đùa của John Lennon “Instant Karma”. Nhưng sau cùng, người ta sẽ được thưởng hay bị phạt tuỳ theo công trạng của mình. Niềm tin này làm cho lòng ham chuộng công bằng và công lý của người ta được mãn nguyện.


 

Còn đạo ân sủng thì lại khác. Đạo dạy rằng mọi người là kẻ có tội, và do đó đáng phải phạt, nhưng Thiên Chúa, với lòng quảng đại vô điều kiện, ban cho người ta điều mà họ không đáng được hưởng. Xin nhớ lại một trong những câu thơ được ưa chuộng nhất trong thi ca Thiên Chúa Giáo: Ân sủng tuyêt diệu, âm thanh ngọt ngào đã cứu một kẻ đớn mạt như tôi (Amazing grace, how sweet the sound that saved a wretch like me.) Xét theo đạo nhân quả, những kẻ đớn mạt đáng phải chịu một số phận khốn nạn, và nếu cho những kẻ đớn mạt một món quà lớn thì thật là bất công. Nhưng những người sùng mộ đạo ân sủng thì vui mừng vì lòng quảng đại bao la ấy. Ta hãy suy nghĩ theo ý hướng của dụ ngôn những người thợ được thuê mướn vào những giờ khác nhau trong ngày hay câu truyện đứa con hoang đàng. Những truyện này chỉ có ý nghĩa trong tinh thần đạo giáo dựa trên ân sủng.

 

Tuy nhiên, những người theo đạo Kitô có thể trở thành tự mãn vì tôn giáo ân sủng quảng đại của mình. Không nên quên rằng có nhiều người chống lại cách giải thích tôn giáo như vậy. Nếu ân sủng là một món quà và ta thật sự không có gì xứng đáng để đòi hỏi thì làm sao hiểu được chỉ có một số người được hưởng còn những người khác thì không? Làm sao có thể gọi là công bằng khi một số người được hưởng món quà sự sống đời đời – không phải nhờ công trạng của riêng họ – còn những người khác thì không? Lời than phiền càng chua xót khi người ta thấy Kinh Thánh - từ đầu đến cuối – trình bày một Thiên Chúa thường hay lựa chọn. Chúa chọn Abel thay vì Caen, Abraham thay vì Lot, Jacob thay vì Esau, David thay vì Saul. Một trong những điều mạc khải căn bản của Thánh Kinh là Israel là dân tộc được tuyển chọn, một quốc gia thánh, một dân tộc dành riêng. Nhưng Chúa nhấn mạnh - để người ta hiểu rõ - không phải  Israel được chọn vì họ là dân tộc vĩ đại nhất, công chính nhất, hoàn thiện nhất trong số các dân tộc trên thế giới, mà sự thật trái ngược hẳn. Cho nên xin hỏi lại: có gì là công bằng ở đây? Để trả lời cho những lời hạch sách này, các nhà tư tưởng của đạo Kytô thường nói rằng vì không ai xứng đáng được hưởng cái gì, ta không nên than phiền về những bất công trong việc phân phát ân sủng được cho không. Im lặng thì hơn.


 

Để giải quyết vấn nạn này, ta nên xét hai đoạn Kinh Thánh, một từ Cựu Ước và một từ Tân Ước. Xưa nay chưa ai có thể tố cáo tiên tri Isaiah coi nhẹ sự quan trọng của Israel hay coi nhẹ niềm tin Israel là một dân tộc được Chúa chọn cách riêng. Nhưng ta hãy nghe những lời sau đây trong chương 56 sách tiên tri Isaiah:

 

“Những người ngoại quốc nào kết hiệp với Chúa vì yêu mến danh Chúa và trở thành tôi tớ Ngài - nghĩa là tất cả những ai biết giữ gìn không để cho ngày Sabbath bị ô uế và tuân giữ giao ước của ta, những người ấy sẽ được ta đem về núi thánh của ta và được vui sướng trong nhà cầu nguyện của ta … vì nhà của ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi người.”


 

Quả thật Israel đã được lựa chọn, riêng biệt, và được ân sủng vô song – nhưng chính vì lợi ích cho toàn thế giới, không phải cho riêng Israel. Ân sủng là gì? Một món quà! Khi ta  nắm lấy món quà, cất đi cho riêng ta, thì ta đã hủy hoại giá trị tự nhiên của món quà. Điều quan trọng đối với những ai được lãnh nhận sự sống của Chúa là phải chia sẻ cho người khác. Nếu ta đem cất đi và biến nó thành đặc ân cho riêng mình, thì ta đã hủy hoại để nó thành tro bụi. Nhưng nếu ta biết cho đi, món quà sẽ được đổi mới trong ta.


 

Người ta cũng thấy một điều tương tự trong đoạn Chúa Giêsu nói truyện với một người đàn bà xứ Canaan trong phúc âm thánh Matthêu, một câu truyện được bàn tán rất nhiều. Người đàn bà ngoại lai ấy đến với Chúa Giêsu để xin một ân huệ. Nhưng Ngài từ chối, vì lẽ Ngài chỉ được sai đến để cứu những con chiên lạc của nhà Israel. Có vẻ như Ngài chỉ hoạt động với một ý định duy nhất là đặc quyền của nhà Israel. Khi bà cố nài nỉ, Chúa gay gắt đáp lại: “Không thể lấy thức ăn của con cái mà ném cho chó.” Kẻ van xin liền thốt ra một trong những lời đối đáp hay nhất được ghi lại trong Kinh Thánh: “Thưa Ngài, cả những con chó cũng được ăn những mảnh vụn từ trên bàn ăn của chủ rơi xuống.” Vui mừng không những vì sự khéo léo và táo bạo của bà, nhưng còn vì lòng tin sâu xa của bà, Chúa Giêsu nói: “Này bà, đức tin của bà thật lớn lao! Bà muốn sao thì được vậy.” Đúng, bàn tiệc ân sủng được sắp sẵn cho con cái Israel, nhưng của ăn trên bàn tiệc ấy không phải chỉ dành riêng cho dân Israel, nhưng cho tất cả những ai đến bàn tiệc đó, bằng mọi cách. Israel được lựa chọn, đúng vậy, nhưng vì lợi ích của toàn thế giới.


 

Dựa vào sự phân loại của tiến sĩ Davis, tôi xin nói rõ tâm tư của mình. Cảm tạ Chúa vì cuộc đời chúng ta không bị chi phối bởi luật nhân quả, bởi vì ai trong chúng ta có thể đứng vững trước cơn lốc khủng khiếp của công lý tuyệt đối? Nhưng chúng ta, những kẻ sùng mộ của một tôn giáo dựa trên ân sủng, phải biết rằng ân sủng ấy, món quà ấy không phải chỉ dành riêng cho ta. Nếu ân sủng kỳ diệu đã cứu vớt một kẻ đốn mạt như tôi, thì tôi phải trở thành phương tiện chuyên chở ân sủng đến cho mỗi linh hồn sa lạc quanh tôi.


 

Vũ Vượng dịch