7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

CHÚA GIÊSU CHỈ ĐƯỜNG TA ĐI

Photo: Shutterstock

Jesus Shows Us The Way


Bài của Đức Tổng Giám Mục J. Peter Sartain. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng 10, 2018. Tác giả mô tả hoàn cảnh lịch sử, địa lý, văn hóa và tôn giáo trong đó Sách Khôn Ngoan (Book of Wisdom) của Cựu Ước đã ra đời, và cho thấy Sách Khôn Ngoan cần được áp dụng vào hoàn cảnh xã hội, văn hóa và tôn giáo của nước Mỹ ngày nay.


xxx


Có một dịp nào đó, khi còn học trường tiểu học, tôi được học về bảy kỳ quan thế giới thời thượng cổ: Kim Tự Tháp Ai Cập, Vườn Treo Babylon, Đền Nữ Thần Diana ở Ephesus, Tượng Thần Jupiter ở Athens, Lăng Tẩm Vua ở Harnassus, Tượng Thần Mặt Trời ở Rhodes và Đài Hải Đăng ở Alexandria, Ai Cập.


Alexandria, một hải cảng tàu biển, là một trong ba thành phố chính của đế quốc La Mã (hai thành phố kia là Rome và Antioch) và theo ước tính, dân số của thành phố khi lên cao nhất là gần một triệu ngưới. Thánh phố này hãnh diện vì có một trường đại học nổi tiếng, một bảo tàng viện đồ sộ, một thư viện cho mượn sách có tới hơn 400,000 bộ sách. Trong số cư dân có những nhà khoa học, thần học, thi sĩ, triết gia, họa sĩ và các học giả đủ loại.


Alexandria tọa lạc trên một eo đất hẹp giữa Địa Trung Hải và hồ Mareotis, ở gần cửa sông Niles. Phần lớn hải cảng Alexandria do con người xây dựng và một trong những nét phi thường của nó là một đường hầm nối liền thành phố với đảo Pharos, nơi có Hải Đăng cao sừng sững. Hải đăng này cao 445 bộ (foot), soi đường cho các thủy thủ  lái tàu vào cảng an toàn.


Sống xen giữa một trung tâm hỗn hợp về văn hóa và học thuật của Alexandria là một trong những cộng đồng người Do Thái lớn nhất vào thời kỳ thượng cổ. Cộng đồng Do Thái cảm thấy vừa bị ảnh hưởng vừa có xung khắc với thế giới Ai Cập và Hy Lạp sống kề cận và một số học giả Do Thái tìm cách coi kho tàng kiến thức uyên thâm và lề luật của họ là đồng nhất với triết học Hy Lạp. Chính tại Alexandria mà những  Kinh Thánh Do Thái được dịch sang tiếng Hy Lạp và cũng tại đây mà Sách Khôn Ngoan (Book of Wisdom) được viết ra vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên.


Từ khi được biết Sách Khôn Ngoan được viết ra tại Alexandria, tôi đã tự hỏi phải chăng tác giả của nó đã tìm được cảm hứng cách nào đó từ ngọn Hải Đăng. Nó là một kỳ công của tài năng và sức lực của con người, trong một thành phố luôn tự hào về nền khoa học và thương nghiệp của mình. Sự quan trọng của Hải Đăng đối với kỹ nghệ tàu biển của Alexandria chắc hẳn đã là một nguồn tự hào cho mỗi người.


Sách Chú Giải Kinh Thánh theo Jerome, bộ mới (the New Jerome Biblical Commentary) mô tả xã hội ở Alexandria vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên bằng những lời lẽ mà người ta cũng có thể dùng để nói về nước Mỹ ở thế kỷ thứ hai mươi mốt này: “Có nhiều tôn giáo và hệ thống triết học khác nhau đề ra những tư tưởng khôn ngoan hay ơn cứu rỗi hay một quan điểm nào đó về ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Có một não trạng mới có tính đại đồng hay đề cao cá nhân, có thái độ nghi ngờ và bất mãn với những tư tưởng cổ truyền. Đó là thời kỳ khủng hoảng về đức tin mà một số người Do Thái đã từ bỏ để thay thế bằng những tôn giáo ngoại lai, những triết lý thế tục, hay là những hệ thống tư tưởng này được họ diễn giải một cách nông cạn.”


Tác giả Sách Khôn Ngoan tin rằng một số người trong cộng đồng Do Thái ở Alexandria đang đứng trên bờ vực thẳm, sắp bỏ mất đức tin của mình để chạy theo những trào lưu mới. Tác giả đã viết Sách Khôn Ngoan để khuyến khích họ tìm lại nguồn gốc của mình và nhắc nhở họ sự khôn ngoan đích thực không xuất phát từ triết học nhưng từ Thiên Chúa – cũng chính là đấng đã lựa chọn họ, biến họ thành dân riêng, và đã bảo vệ họ hết dịp này đến dịp khác. Bắt đầu từ chương 11, tác giả dẫn họ theo một hành trình lịch sử của chính họ, chứng minh Chúa đã luôn trung tín với những lời hứa của ngài như thế nào.


Sách Khôn Ngoan 18:6-7 có đoạn: “Cái đêm ấy đã được các tổ tiên ta biết trước để rồi với sự hiểu biết vững chắc về những lời thề mà họ đã vững tin, họ có được lòng can đảm. Sự trông đợi của dân tộc anh em là những người công chính sẽ được cứu thoát và kẻ thù của họ sẽ bị tiêu diệt.”


Đêm ấy là cái đêm của cuộc Xuất Hành (Exodus), khi dân Do Thái ăn tiệc Vượt Qua rồi trốn chạy cảnh lưu đầy họ đã phải chịu trên đất Ai Cập. Tại Biển Đỏ (Red Sea) họ thấy những chiến xa của Vua Pharaông ngoài chân trời và vững lòng chờ đợi Chúa đến cứu họ vì Chúa đã bắt Pharaông phải trả tự do cho họ bằng cách ra 10 dấu hiệu và điềm lạ. Có thể hiểu tác giả Sách Khôn Ngoan có ý nói: “Hãy nhớ tổ tiên của chúng ta đã can đảm và giữ vững đức tin của họ như thế nào bởi vì họ biết Chúa trung tín với những lời hứa của ngài. Thiên Chúa ấy cũng chính là Chúa của anh em. Ta cũng phải nhớ lòng trung tín của ngài nữa.


Tôi tự hỏi phải chăng tác giả đã nhìn vào đài hải đăng cao 44 tầng ở cảng Alexandria và nghĩ: “Đức tin giống như một ngọn hải đăng.” Ông nêu cao lòng trung tín của Chúa như một ngọn đèn sáng chói và nói: “Hãy đi theo đường này. Đây là con đường đi tới sự thật và ơn cứu rỗi.”


Sách Khôn Ngoan kết thúc với những lời này: “Lạy Chúa, bằng mọi cách, ngài làm cho dân ngài thành quan trọng và được vẻ vang; ngài đứng bên họ trong mọi hoàn cảnh và mọi giờ phút, chẳng bao giờ sai.”(19:22)


Trong thời đại chúng ta có nhiều triết lý, tư tưởng, những quyến rũ sai lạc, và những kiểu sống tâm linh nông cạn tranh giành sự chú ý và lòng trung thành của ta. Chúng là những gì thoáng qua để thay thế cho một cái gì có thật, và chẳng bao lâu chúng sẽ làm ta thất vọng. Không cái nào trong những thứ đó có khả năng cứu thoát ta và thỏa mãn niềm khao khát sâu xa nhất của ta. Chỉ có một mình Chúa đứng bên ta trong mọi hoàn cảnh và hướng dẫn ta tới nơi ta mong ước.


Cho nên tác giả đã cầu xin sự khôn ngoan của Chúa: “Nàng khôn ngoan trong sáng hơn mặt trời, vượt qua mọi chòm sao. (7:29) Hãy gửi nàng đến từ thánh cung của ngài và từ ngai vàng cao sang của ngài, phái nàng đi để nàng có thể đến với con, làm việc với con để con được biết điều gì làm đẹp lòng ngài. Vì nàng biết và hiểu tất cả mọi sự và sẽ thận trọng hướng dẫn con trong những việc làm và che chở con bằng sự vinh quang của nàng. (9:10-11)


Có gần 30 ngọn hải đăng tại bang Washington, hơn một nửa số đó vẫn còn hoạt động. Rất ngoạn mục, chúng cũng có thể làm cho lòng trí ta nhẹ nhàng hướng lên những gì thanh cao. Chúa Giêsu không phải là một (nhà) tư tưởng, ngài cũng không dạy một triết lý nào. Ngài là một ai đó, là Con Thiên Chúa, đấng đã kêu gọi, dạy dỗ và tác thành cho ta, đấng chỉ đường ta đi (hơn bất cứ ngọn hải đăng nào) bởi vì ngài là ĐƯỜNG. Chính ngài là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, bao trùm và thông suốt mọi sự, ngài là Tình Yêu. Ước gì chúng ta luôn nhìn vào ánh sáng của ngài và chớ gì chúng ta đừng bao giờ rời khỏi bàn tay của ngài.


Vũ Vượng