7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II



Gioan Phaolô II (hay Gioan Phaolô Đệ Nhị), tên sinh là Karol Józef Wojtyła (18 tháng 5 năm 1920 – 2 tháng 4 năm 2005) là vị Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo Rôma và là người lãnh đạo tối cao của Vatican kể từ ngày 16 tháng 10 năm 1978. Cho đến khi qua đời, triều đại của ông đã kéo dài hơn 26 năm và trở thành triều đại Giáo Hoàng dài thứ hai trong lịch sử hiện đại, sau triều đại dài 32 năm của Giáo Hoàng Piô IX. Ông được tạp chí TIME bình chọn là một trong bốn người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 và cả những năm đầu thế kỷ 21.


Karol Józef Wojtyła sinh vào ngày 18 tháng 5 năm 1920 tại Wadowice, miền nam Ba Lan, cách Kraków 50 cây số. Là con út trong một gia đình có ba người con, cô chị chết từ khi còn nhỏ. Cha ông là Karol Wojtyla một cựu sĩ quan trong quân đội Habsburg và mẹ là Emilia Kaczorowka. Bà là con của một viên chức chính phủ và chính bà là người đã truyền lại lòng đạo đức sâu sắc cho ông.Theo lời kể của Giáo Hoàng thì chính mẹ ông "là người đã tạo ra món quà tôn giáo kỳ diệu cho gia đình Wojtyla". Ngay từ đầu, bà đã muốn Karol trở thành một tu sĩ. Bà thường nói với những người hàng xóm: "Lolek (một cách gọi Karol) của tôi sẽ trở thành một người vĩ đại".


Ngày 18/2/1941, cha ông Wojtyla sau một trận ốm nặng đã qua đời. Sau khi những nghi thức cuối cùng dành cho người qua đời đã được cử hành, ông đã thức suốt đêm để canh thi hài cho cha và suy nghĩ về tương lai và nghề nghiệp của mình. Đầu năm 1941, theo lời giới thiệu của vị giáo sư tiếng Pháp cũ của ông, các quản đốc ở Solvay trao cho ông công việc kế toán ở mỏ đá và theo dõi số chất nổ được dùng để phá đá.


Lúc nhỏ tuổi ông có tiếp xúc nhiều lần với nhóm người Do Thái tại Kraków. Trong thời Đức Quốc Xã chiếm Ba Lan trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, rất nhiều bạn bè Do thái của Karol Józef Wojtyła đã bị giết hay bị trục xuất. Tuy nhiên thái độ của Wojtyla với những hành động này là "cầu nguyện". Ông nói rằng: "Hãy nhớ rằng, chúng ta có bổn phận cầu chúa ban cho họ đủ sức mạnh chịu đựng tất cả những thứ này." Ông không bao giờ tham gia vào bất kỳ một sự kháng cự nào chống lại Đức Quốc Xã hay vào những hoạt động nhằm giải cứu người Do Thái.”


Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, Karol Wojtyla trở về phân khoa Thần Học của Ðại Học Jagiellonia vừa được mở cửa lại. Tại đây, ông đã được bầu làm phó chủ tịch hội sinh viên. Trong thời gian này, ông đã tập trung vào việc hoàn tất các chương trình nghiên cứu của năm 3 và năm 4. Từ tháng 4 năm 1945 cho tới tháng 8 năm 1946, ông cũng làm việc ở cương vị phụ giáo. Karol Wojtyła được thụ phong linh mục vào dịp Lễ Các Thánh ngày 1 tháng 11 năm 1946. Sau khi hoàn tất học trình tiến sĩ trong thời gian du học ở Roma, tháng 7 năm 1948, Karol Wojtyla được Hồng Y Sapieha bổ nhiệm làm linh mục phụ tá Niegowic, một giáo xứ hẻo lánh thuộc vùng quê Galicia, cách Kraków 30 dặm.


Vào ngày 4 tháng 7 năm 1958 ông được Giáo Hoàng Piô XII bổ nhiệm làm Giám Mục phụ tá Giáo Phận Kraków. Vào ngày 30 tháng 12 năm 1963, Giáo Hoàng Phaolô VI đề bạt ông làm Tổng Giám Mục Kraków. Trong cương vị Tổng Giám Mục, ông tham dự Công Đồng Vatican II, góp công soạn thảo các tài liệu Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis Humanae) và Hiến Chế Mục Vụ Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et Spes), hai văn bản có tính cách lịch sử và quan trọng nhất của công đồng này. Trong năm 1967 Giáo Hoàng Phaolô VI phong ông làm Hồng Y.


Giáo Hoàng Gioan Phaolô I qua đời. Vào tháng 10 năm 1978 Hồng Y Wojtyła trở về lại Tòa Thánh để bầu Giáo Hoàng mới. Ông đã được bầu để kế vị Gioan Phaolô I, trở thành Giáo Hoàng từ ngoài nước Ý đầu tiên trong gần 500 năm và là vị Giáo Hoàng gốc người Slav đầu tiên trong lịch sử Công Giáo.




Năm 1984, ông đã thành lập Học viện Sahel để đặc trách việc trợ giúp phát triển cho các quốc gia vùng sa mạc Sahara. Tháng 2 năm 1992, Gioan Phaolô đã thành lập Quỹ Phát Triển Populorum Progressio để trợ giúp cho các nhóm thổ dân Mỹ Latinh. Ông cũng đã thành lập Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về sự sống và các khoa học xã hội, lập Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, Ngày Quốc Tế Ðời Tận Hiến và Ngày Giới Trẻ Thế Giới.


Trong suốt thời gian làm giáo hoàng, ông đã gặp 17,6 triệu khách hành hương trong 1160 lần tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào mỗi ngày Thứ Tư. Khoảng 8 triệu khách hành hương trong Năm Thánh 2000. Ông đã 737 lần tiếp các nhà lãnh đạo quốc gia và 245 lần các thủ tướng quốc gia. Với vai trò Giáo Hoàng, ông đã viết 14 thông điệp, 14 tông huấn, 11 tông hiến, 42 tông thư và 22 tự sắc chưa kể đến hằng trăm sứ điệp và thư tín khác nữa. Để sửa soạn cho Năm Thánh 2000, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết tông thư "Tiến Đến Thiên Niên Kỷ Thứ Ba" (Tertio Millennio Adveniente) đề ngày 10 tháng 11 năm 1994.


Gioan Phaolô II đã biến những chuyến chuyến tông du trở thành một cuộc hành trình truyền giáo mang tính chất sứ đồ. Ông sẵn sàng đón nhận mọi phong tục và nghi thức văn hóa ở những vùng miền khác nhau. Ông không chỉ nói bằng hàng chục thứ tiếng mà còn đội bất cứ một trong số các mũ lạ thường nào mà nhân dân địa phương tặng: mũ nồi dành cho sinh viên, mũ phớt rộng vành của những người Mêhicô, mũ làm bằng lông của những người da đỏ. Tại Châu Phi, ông mặc bộ quần áo bằng da dê và đứng trong lúc nắm chặt cái giáo của vị trưởng bộ lạc. Tại miền tây nước Mỹ, ông xuất hiện từ một túp lều vải trong bộ quần áo lễ có tua; tại Phoenix một nhóm thổ dân Mỹ đặt ông lên bục diễn thuyết tròn rồi đi vòng quanh ông.




Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Gioan Phaolô II đã dành một sự quan tâm đặc biệt tới giới trẻ như là một sự tiếp nối những công việc ông đã làm kể từ khi còn là linh mục và giám mục. Năm 1985, ông công bố lập Ngày Giới Trẻ Thế Giới (JMJ) 2 năm 1 lần. Đầu tiên là Rôma (1985), Buenos Aires (Argentine 1987), Santiago de Compostella (Tây Ban Nha 1989) … và nhiều nơi sau đó trên thế giới, để những người trẻ có thể gặp gỡ nhau, cùng ông tôn vinh Thiên Chúa, cùng nói lên niềm hi vọng của nhân loại, rồi sẽ trở về nhà như "những chứng nhân không chút sợ hãi của Tin Mừng".


Vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, ông đã bị một người đàn ông Hồi Giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmet Ali Ağca bắn trọng thương khi ông đang đứng trên xe chạy vòng quanh Quảng Trường Thánh Phêrô như thường lệ. Ông lập tức quỵ xuống vì đau đớn rồi từ từ ngã trong vòng tay các cận vệ. Ngay sau đó, hung thủ thực hiện vụ mưu sát bị cảnh sát tóm gọn. Nhưng kẻ tòng phạm đứng cách đó một đoạn xa thì nhanh chóng chạy thoát.




Viên đạn chỉ đi xuyên qua ổ ruột, cách động mạch vài ly, rồi rớt ngay trong xe, khiến ông dù bị mất đến 2/3 số máu trong cơ thể, nhưng vẫn được cứu sống kịp thời. Các bác sĩ cho rằng nếu viên đạn cắt ngang động mạch, ông sẽ chết tại chỗ hoặc trên đường cấp cứu. Về phần mình, ông lại xem đó như một sự can thiệp lạ lùng của Ðức Mẹ Maria.


Sau khi hồi phục, ông đã tuyên bố với mọi người rằng: "Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi, người tôi đã chân thành tha thứ". Giáo Hoàng đã viết thư định gửi cho Ağca: "Tại sao anh lại bắn tôi khi mà cả hai chúng ta đều chung đức tin vào Chúa?" Nhưng thay vì gửi bức thư đó, đã quyết định đến gặp Ağca. Năm 1983, ông đến thăm Ağca và tha thứ cho việc ám sát ông. Ông còn cầu khẩn nhà cầm quyền Ý ân xá cho Ağca. Ông đã giữ liên lạc với gia đình của Ağca nhiều năm sau đó và đã thăm mẹ Ağca năm 1987.




Cho đến nay, mưu đồ sát hại Giáo Hoàng vẫn còn là một trong những bí mật lớn nhất của thế kỷ XX. Người ta vẫn chưa tìm được một tài liệu rõ ràng liên quan đến âm mưu sát hạt Giáo Hoàng ở Nga hoặc ở Bungari kể từ khi Chủ Nghĩa Cộng Sản sụp đổ.


Tháng 7 năm 1992, ông đã phải cắt một khối u ở ruột kết. Theo một thông báo chính thức thì đó là "một khối hạch thường" ở ruột già. Một thông báo của Vatican đã nhấn mạnh rằng ca mổ kéo dài gần bốn tiếng cơ bản đã chữa được bệnh. Tuy nhiên, kể từ ca mổ đó, sức khỏe của Giáo Hoàng ngày càng suy giảm và ông đã phải thường xuyên đến bệnh viện đa khoa Gemelli.


Ngày 11 tháng 11 năm 1993, trong một buổi tiếp phái đoàn của Tổ Chức Nông Lương Thế Giới (FAO) ở Vatican, ông đã khụy ra sau, ngã xuống sàn nhà và bị trật khớp vai. Nhiều tuần sau, Gioan Phaolô II rất khó nhọc khi giữ vai trò người chủ lễ Mixa và vào tháng 4 năm 1994, ông bị ngã trong vùng trượt tuyết ở Aburzzi. Ngày 28 tháng 4, ông ngã gãy xương đùi trong buồng tắm. Kể từ đó, ông phải dùng gậy chống khi đi.


Năm 2001, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đã xác nhận điều từ lâu nghi vấn rằng Giáo Hoàng đang mắc bệnh Parkinson (bệnh mãn tính về hệ thần kinh làm cho các cơ rụng và yếu). Vào cuối tháng 3 năm 2005, khi Đức Giáo Hoàng 84 tuổi, Đức Giáo Hoàng trở bệnh nặng và phải nhập viện. Vào ngày 1 tháng 4, tình trạng Đức Giáo Hoàng bị trầm trọng khi tim và thận Đức Giáo Hoàng bị suy nhược. Vào ngày 2 tháng 4, Tòa Thánh tuyên bố rằng ông đang "hấp hối". Đức Giáo Hoàng qua đời lúc 9 giờ 47 phút (giờ Roma).




Tang lễ của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được cử hành vào ngày 8 tháng 4 năm 2005, tức là sáu ngày sau khi ông qua đời vào ngày 2 tháng 4. Tang lễ liên tục bằng tuần cửu nhật cầu nguyện theo nghi thức Giáo Hội Công Giáo Rôma. Tang lễ của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là sự kiện có sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia nhất cùng quy tụ trong một thời điểm, vượt qua cả tang lễ của Winston Churchill (1965) và của Josip Broz Tito (1980). Tổng cộng khoảng 200 chính khách và lãnh đạo tôn giáo, cụ thể: bốn vị vua, năm nữ hoàng, ít nhất là 70 tổng thống và thủ tướng, hơn 14 lãnh đạo tôn giáo tham dự cùng với tín hữu. Đây cũng có thể là sự kiện quy tụ Kitô hữu lớn nhất lịch sử, ước tính có hơn bốn triệu người tham dự tại Roma.


Bên cạnh tang lễ được cử hành tại Vatican, tất cả Tổng Giám Mục và Giám Mục Công Giáo trên khắp thế giới đều cử hành thánh lễ tại nhà thờ chính tòa để giáo dân tưởng niệm và thương tiếc Giáo Hoàng. Như là một động thái hiếm hoi trong lịch sử, một số vị lãnh đạo giáo hội Tin Lành, Chính Thống Giáo Đông Phương cũng như Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Phật Giáo cũng tổ chức các buổi tưởng niệm và cầu nguyện theo nghi thức riêng để chia sẻ nỗi đau buồn của người Công Giáo. Đây là lần đầu tiên mà Thánh Lễ An Táng một vị Giáo Hoàng được truyền hình trực tiếp đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ước tính có hơn 2 tỷ người theo dõi nhưng Giáo Hội Công Giáo tuyên bố chỉ có khoảng 1,3 tỷ người theo dõi dựa theo số lượng thành viên của họ. Có lẽ đây là tang lễ thu hút nhiều người theo dõi nhất trên truyền hình. Tang lễ của Gioan Phaolô II cho đến thời điểm này là tang lễ lớn nhất trong lịch sử thế giới.




Trong triều đại của mình, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không ngừng mở rộng ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo trong Thế Giới Thứ Ba. Ông đã thực hiện rất nhiều chuyến tông du hơn 129 quốc gia, ông có thể nói được hơn 10 ngôn ngữ (ngoài tiếng Ba Lan còn có tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga và một chút tiếng Việt).


Gioan Phaolô II đã được Giáo Hoàng Biển Đức XVI phong là Đấng đáng kính ngày 19 tháng 12 năm 2009 và phong chân phước ngày 1 tháng 5 năm 2011. Ông được Giáo Hoàng Phanxicô tuyên thánh vào ngày 27 tháng 4 năm 2014. Vì ông là người sáng lập ra Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới nên ông được chọn là một trong những vị quan thầy bảo trợ cho nhiều kỳ đại hội này kể từ năm 2008.

 


Tài liệu từ  Wikipedia (Bách Khoa Toàn Thư)

Hình ảnh trích từ internet