7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Đón Nhận Lòng Thương Xót Vô Cùng Của Chúa



Trích dịch Hành Hương Mùa Chay (A Lenten Pilgrimage)


của Đức Tổng Giám Mục J. Peter Sartain

 


Open Yourself To God’s Immeasurable Mercy


 


Hồi còn nhỏ chúng tôi thường chia nhau những việc phải làm trong nhà cũng như chia nhau đồ ăn thức uống …. Cách hiểu về “phân chia” của bọn trẻ chúng tôi đôi khi trở thành quá đáng.


 

Sau bữa ăn tối, rửa chén rồi sấy cho khô là việc làm của cả năm đứa chúng tôi. Là đứa bé nhất tôi không phải rửa, nhưng phải sấy, thường thường tôi lại chia việc này với một người chị. Sấy khô bát chén không khó gì nhưng cũng làm trở ngại cho việc chơi đùa hay xem TV. Tôi thấy cách hay nhất để cho công bằng là đếm những chén bát và xiên muỗng còn ướt. Tôi sẽ làm một nữa, chị một nửa. Đúng một nửa.


 

Nước ngọt ưa chuộng trong gia đình là Pepsi, vì đó là thứ ưa thích của cha tôi. Tiền mua Pepsi không phải là ít vì gia đình có đến bảy người, cho nên thường thì chúng tôi chỉ xin ba má cho “cưa đôi một chai Pepsi”. Cưa đôi là cưa đôi, cho nên chúng tôi lấy một cái ly để đong, và cẩn thận rót ra năm ounce từ một cái chai mười ounce để chắc chắn không ai bị thiệt.


 

Thật ra, sự phân chia công việc và những lo toan trong nhà rõ ràng là có sự thiên lệch vì ba má luôn lãnh phần nặng nề nhất. Má hầu như làm tất cả mọi việc và có nhiều thứ chúng tôi thấy không cần phải phân chia (theo tôi nhớ, không có cuộc cãi vả nào về món rau broccoli hay món khoai tây nhuyễn.) Dù được hưởng phần nhẹ nhàng, bọn trẻ chúng tôi vẫn thấy cần phải cân đo cho đúng để bảo đảm không đứa nào phải chịu nặng quá và không đứa nào bị thua thiệt.


 

Lại một chuyện nữa: một con bạn ở trường học nổi giận với ông thầy dạy sinh học vì lý do gì đó, nên nó bảo sẽ trả đủa ông thầy bằng cách làm hỏng bài trắc nghiệm sắp tới. Trả thù như thế thì ai là người bị phạt nặng hơn?


 

Nhiều đứa khác đã kể cho tôi nghe những truyện tương tự trong thời còn nhỏ ở nhà và ở trường học. Chúng ta chê cười quá khứ và cách hiểu về công bằng của trẻ con, nhưng có lẽ ai cũng nhìn nhận rằng khi đã thành người lớn rồi chúng ta vẫn còn tính toán chi ly một cách ngớ ngẩn về những việc khác trong đời sống, hay vẫn không chịu từ bỏ thói cân đo đã có từ xưa. Đôi khi tinh thần bình đẳng của chúng ta trở thành quá đáng, và khi cuộc sống không được  công bằng theo cách ta hiểu về “công bằng” thì chúng ta buồn rầu.


 

Có khi ta cứ tưởng như mình là người bất hạnh rồi so sánh sự thành công của người khác với sự bất hạnh của mình, rồi nghiến răng than trách. Ta quan sát vẻ bề ngoài của họ, của cải của họ, bạn bè của họ và thấy mình thua thiệt. Ta tha thứ ít trong khi được tha thứ nhiều. Ta đếm những gì ta có một cách chi ly đến  nỗi không thấy được ta có dư thừa và có thể chia bớt cho người thiếu thốn. Ta đo chiều dài chiều rộng và sức nặng của những vết thương ta phải chịu và không nhận ra chính ý muốn phục thù mới làm người ta đau khổ nhất.


 

May thay Thiên Chúa không cân đo như ta cân đo, Chúa cũng không đòi ta phải chia sẻ đồng đều gánh nặng mà Chúa phải chịu vì ta. Ngài không cân đo tội lỗi của ta dù việc ấy rất dễ dàng. Dù ta yêu Ngài chẳng bao nhiêu nhưng Ngài vẫn không ngừng đổ tràn tình yêu trên ta,  không ngừng chia sẻ với ta dù ta keo kiệt với người khác, không trả đủa như ta thường bị cám dỗ trả đủa. Trong mối liên hệ giữa ta với Thiên Chúa rõ ràng là mọi sự đều có lợi cho ta, chỉ vì Chúa thương xót. Ta luôn tính toán, cân đo nhưng Ngài vẫn đổ tràn tình yêu, sự tha thứ và ân huệ, không bao giờ ngừng.


 

Có hai câu thánh vịnh (đáp-xướng) quen thuộc để nhắc nhở ta về sự thật này: “Lạy Chúa, nếu Chúa ghi nhớ tội lỗi, nào ai đứng vững được? Lạy Chúa xin đừng đối xử với chúng con theo tội lỗi chúng con đã phạm.”


 

Nếu có một cuộc thi cân đo, để so sánh tội lỗi chúng ta với lòng nhân lành Chúa, thì không ai trong chúng ta có thể đứng vững. Nếu Chúa đối xử với chúng ta một cách công bằng, xứng với tội lỗi mỗi người, thì ta không bao giờ hiểu được đầy đủ mọi bề của lòng thương xót Chúa.


 

Chúa không đo lường như ta thường đo lường, không so sánh như ta so sánh. Ngài là sự tốt lành tinh tuyền và tình yêu tinh tuyền. Ngài là Đấng nhận lấy gánh nặng không hề tính toán chỉ vì yêu thương chúng ta. Bất cứ sự chia sẻ nào đều là sự chia sẻ của Ngài. Ngay cả khi Ngài mời gọi mỗi người “nhận lấy Thánh Giá của mình” thì Ngài chỉ muốn ta cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu của Ngài khi Ngài phải vác Thánh Giá nặng nề, và muốn ta  hiểu được phải làm sao cho tình yêu của Ngài sinh hoa kết quả.


 

Một doanh gia người Anh tên Oliver Lyttelton đã vào làm việc trong chính phủ nước Anh trong thế chiến thứ hai, ông đã có dịp nói về Thủ Tướng Winston Churchill (dùng thuật ngữ kế toán) như sau: “Ít khi ông ấy chuyển nợ từ sổ nợ hôm nay sang sổ nợ ngày mai.” Một đức tính đáng khâm phục như thế nhắc nhở ta rằng Thiên Chúa không bao giờ chuyển nợ từ sổ nợ của ngày hôm qua. Mà Chúa cũng chẳng có sổ nợ nữa.


 

Ước gì chúng ta biết mở rộng tấm lòng đón nhận lòng tha thứ vô cùng sâu xa, thật sự không thể đo lường được của Chúa. Nếu biết đón nhận lòng thương xót Chúa ta sẽ thay đổi vĩnh viễn. Chớ gì anh chị em và những người thân yêu, nhờ được gần gũi với Chúa, trút bỏ được gồng gánh nặng nề, cởi gỡ xiềng xích, từ bỏ thói cân đo để được sống yên lành bình an trong tay Chúa.


 

“Chúa thấy không phải như người ta thấy, vì người ta chỉ thấy bề ngoài, còn Chúa thấy tận trong tâm hồn.” (1 Sm 16:7, NAB)


 

Vũ Vượng dịch