7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

CHÚA THÁNH THÀN LÀM CHO CHÚNG TA TRỞ THÀNH NGƯỜI NÓI NHIỀU THỨ TIẾNG


 

The Holy Spirit Makes Us Polyglots

 

Bài của Đức Giám Mục phụ tá Eusebio Elizondo. 


Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san điện tử Northwest Catholic, tháng 4, 2018.

 


Tình yêu là ngôn ngữ phổ quát

 

“Khi nghe tiếng động này, họ tụ họp thành một đám đông lớn, nhưng họ bỡ ngỡ bởi vì mỗi người trong đám đông đều nghe các vị nói thứ tiếng riêng của mình.” (Tông Đồ Công Vụ 2:6)


 

Khoa thần kinh học đã phát hiện khu vực trong đó não bộ ghi nhận và tạo lập ngôn từ. Khi phần đó của não bộ bị teo đi, chúng ta mất khả năng nói năng.


 

Các trẻ thơ của mọi chủng tộc trong mọi thời đại đều hiểu được sự ấm áp khi được ôm lấy, sự âu yếm khi được hôn hít, cảm thấy được yên ổn khi cha mẹ có mặt, trước khi chúng hiểu được những lời nói. Ngôn ngữ của tình yêu không cần đến chữ nghĩa cũng hiểu được.


 

Vào một lúc nào đó trong cuộc đời, có lẽ tất cả chúng ta đều có dịp tiếp xúc với một người bị những hạn chế trầm trọng về não bộ từ bẩm sinh. Tuy thế một người bị những hạn chế như vậy đều nhận ra và đáp ứng lại tiếng nói chăm lo, ngọt ngào của người cha người mẹ thân yêu hay một ai gần gũi đã làm cho họ cảm nhận được tình yêu thương nồng nàn.


 

Tình yêu là ngôn ngữ phổ quát thiên niên vạn đại. Khi Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa, ngự xuống trên các tông đồ, họ biến thành những người nói nhiều thứ tiếng. “Chúng ta là người Parthians, Medes, và Elamites, những cư dân của miền Mesopotamia, Judea và Cappadocia, Pontus và Asia, Phrygia và Pamphilia, Ai Cập và những quận huyện của Lybia gần Cyrene, cũng như những du khách từ Rome, cả người Do Thái và những người trở lại đạo Do Thái, những người Cretan và người Ả Rập, vậy mà chúng ta đều nghe các vị nói bằng những tiếng nói riêng của chúng ta về những việc cao cả Chúa làm. Tất cả họ đều kinh ngạc ngỡ ngàng, và họ nói với nhau, “Thế này nghĩa là gì?”(TĐCV 2:9-12)


 

Nhờ có những tông đồ nói nhiều thứ tiếng này, sứ điệp tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô được rao giảng khắp thế giới, nói trực tiếp vào trái tim của hàng triệu người, nam cũng như nữ, không phân biệt ai.

 


Tội lỗi trên thế gian và trong đời sống chúng ta đã làm cho khả năng nói và hiểu tình yêu Thiên Chúa của chúng ta bị còi đi. Là những Kitô hữu ta phải liên lỉ cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên ta và làm cho ta nói được nhiều thứ tiếng giống như các tông đồ. Nhờ vậy ta có thể truyền thông tình yêu Thiên Chúa đến tất cả các quốc gia, bằng thứ ngôn ngữ phổ quát của ơn cứu độ.


 

Chúa Thánh Thần, một bác sĩ thần kinh thành thạo, biết những chỗ nào trong linh hồn và trái tim ta bị hư hại. Nhờ chuyên khoa của ngài, Chúa Thánh Thần muốn và có thể chữa lành bệnh cho ta. Cũng Chúa Thánh Thần ấy, đấng thông thạo mọi ngôn ngữ, muốn và có thể dạy ta nói lưu loát những tiếng nói của lòng biết ơn, sự tha thứ, tình âu yếm, tình huynh đệ, niềm vui, tự do và bình an.


 

Đây là những ngôn ngữ mà tất cả mọi con người cần phải nói cho rõ ràng. Đây là những ngôn ngữ đã bị người ta làm cho rối loạn khi họ muốn thay đổi một Thượng Đế khác hơn là để cho ngài tiếp tục hoàn thiện cách phát âm và tai nghe của ta để tuyên xưng những kỳ công của ngài.

 


Ngày nay khả năng đi tới các nước khác đã gia tăng đáng kể, và trong hoàn cảnh này nhu cầu học những ngôn ngữ khác hầu như đã trở thành một lợi khí cần thiết để truyền thông và  giao tiếp. những ai trong chúng ta kém khả năng học ngôn ngữ mới luôn luôn phải tìm kiếm một người để thông dịch  và giúp cho việc trao đổi tư tưởng được dễ dàng.

 


Theo cách loại suy này, tôi cho rằng tất cả những người, nam cũng như nữ, mà ta gọi là thánh đều là những người đã học được thứ ngôn ngữ mà tất cả những trái tim của người ta đều có thể hiểu: ngôn ngữ của tình yêu Thiên Chúa. Trong số này không có ai có thể học thành thạo tiếng nói của tình yêu Thiên Chúa mà không phải mất công khó nhọc. Họ là những người đã cảm thấy thất vọng vì không hiểu được những người chung quanh hay thất vọng vì người ta không hiểu được mình. Tùy từng trường hợp, họ buộc phải tập nói và nhắc đi nhắc lại những câu như: “Các ông nói ‘anh/chị’ như thế nào? Các bà nói ‘Hãy tin cậy nơi tôi’ như thế nào? Các anh nói ‘Tôi cần đến ông’ như thế nào? Các chị nói ‘cùng nhau’ như thế nào? Các bạn nói ‘phục vụ’ như thế nào và sau cùng, các em nói ‘gia đình’ như thế nào?


 

Chúa Giêsu biết các môn đệ thiếu những kỹ năng truyền thông nên đã gửi bậc thầy về ngôn ngữ đến: đó là Chúa Thánh Thần. Vị minh sư này đã sửa sai và chữa lành những méo mó lệch lạc về lời nói và tai nghe. Đó là sự thù ghét, bạo lực, đề cao chủng tộc, tham lam, ganh tị của hàng triệu những người còn đang tập việc, tuy nhiên vẫn còn nhiều triệu người khác cũng cần phải học cho thành thạo ngôn ngữ tình yêu của Thiên Chúa.


 

Cũng y như 2000 năm trước, ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục gửi chúng ta đi khắp các nước để rao giảng bằng thứ tiếng nói phổ quát của tình yêu, thứ tiếng nói đánh động lòng người, chữa lành và tập cho các môn đệ tiên khởi ra đi giao tiếp với mọi người. Chúa Giêsu biết ta không thể một mình hoàn thành nhiệm vụ này, vì thế ngài đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta – làm cho ta nói được nhiều thứ tiếng, những tiếng nói đương thời và cả những tiếng nói mới nữa.

 


Ngày nay ta cần phải nói một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của công lý, hòa nhập, tôn trọng phẩm giá, say mê, thương xót và thanh khiết. Chỉ có một bậc thầy kiên nhẫn như Chúa Thánh Thần mới có thể đào tạo ta thành những người đối thoại đáng tin cậy cũng như ngài đã làm cho người tông đồ tốt lành nhất là Đức Maria.


 

Ta hãy xin thầy thánh gửi chúng ta đi khắp thế giới làm những người phiên dịch ngôn ngữ tình yêu của ngài.


 

Vũ Vượng dịch