7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Giữ Gìn Tinh Thần Tích Cực Bên Cạnh Những Người Tiêu Cực 

(Staying Positive around Negative People)

 

Nguyên bản tiếng Anh đăng trong Christopher News Notes 574

 

DÙ CỐ GẮNG ĐẾN ĐÂU, NHỮNG AI MUỐN GIỮ GÌN TINH THẦN TÍCH CỰC VỀ ĐỜI SỐNG CŨNG KHÔNG THỂ TRÁNH ĐƯỢC NHỮNG NGƯỜI CÓ XU HƯỚNG TIÊU CỰC. Nơi nào cũng thấy họ - tại bàn giấy bên cạnh, nơi sở làm; bên kia hàng rào vườn sau nhà, chung quanh bàn ăn gia đình trong ngày Lễ Tạ Ơn, trên những hàng ghế bình dân trong sân đấu bóng chày, trên trang mạng… Như thế làm sao giữ được tinh thần tích cực khi phải đối đầu thường xuyên với những người đi đâu cũng mang theo tâm trạng đen tối như mây mù?

 

Đây là trường hợp ta không thể áp dụng câu cách ngôn cổ “Nếu không thể đánh bại họ, thì nên kết bạn với họ,” vì làm thế là chống lại chính mình rồi. Ta không thể thay đổi (hay đánh bại) họ, nhưng ta có thể thay đổi chính mình, hay ít ra là thay đổi cách ta đối phó với những người chỉ biết từ chối hay chống đối mà thôi.

 

Thay đổi nền nếp suy nghĩ và hành động

“Ta hãy gặp nhau bằng một nụ cười, vì nụ cười là khởi đầu của tình yêu.”

Mẹ Têrêxa thành Calcutta

 

Cha Francis “Rocky” Hoffman J.C.D, giám đốc điều hành của Đài Phát Thanh Sống Đạo (Relevant Radio) và bầu sô chương trình “Hỏi Ý Kiến Cha” (Just Ask Father) nói rằng khi phải đương đầu với những người hay hoàn cảnh khó chịu “ta phải thay đổi nền nếp suy nghĩ và hành động, nếu không nền nếp đó sẽ thay đổi ta.” Nền nếp đó có ở khắp nơi, trong những cơ quan phòng sở, các trường học, trong gia đình và cả trong những nhà thờ nữa.

 

Cha Hoffman giải thích tiếp: “Khi ờ giữa những người có xu hướng tiêu cực, điều mà ta được kêu gọi phải làm là hãy thắp nên một ngọn nến; đừng nguyền rủa bóng tối. Việc ấy phải xuất phát từ trong lòng. Nguồn mạch của niềm vui, hy vọng và tinh thần lạc quan là ơn Chúa. Ta có thể nhận ơn phước trực tiếp từ Thiên Chúa hay nhờ việc tham dự vào các nhiệm tích, nhất là nhiệm tích Thánh Thể và Hòa Giải, hay bằng những lời cầu nguyện.

 

Hơn nữa Cha Rocky còn đề nghị ta nên có một quyết tâm rõ ràng, quyết tâm gìn giữ  tinh thần tích cực. Ngài nói, “Ta phải tránh bàn tán truyện riêng tư của người ta mà bàn tán là một thói xầu hầu như ai cũng mắc phải nếu không có quyết tâm từ bỏ. Ta phải quyết tâm chỉ nói về những điều tốt của người khác. Nói thế không có nghĩa là ta phải có kiểu lạc quan ngây thơ của cô bé Pollianna trong tiểu thuyết hay phủ nhận có những vấn đề rắc rối. Trái lại phải có đầu óc cởi mở và hiểu rằng rắc rối là những việc thường xảy ra hàng ngày. Nhưng ta hãy nói về những gì tốt đẹp, hãy mang theo ánh sáng của Chúa Kitô.”

 

Hiểu rõ những khuyết điểm và tâm tính của người khác cũng có ích lợi cho ta. Cha Rocky chỉ rõ rằng một số người thường hay nóng nảy vào buổi sáng hay buổi tối chỉ vì mệt mỏi. Nên để cho họ thoải mái đừng xen vào chỗ họ trong những lúc này. Hay ít nhất cũng nên thông cảm với họ  nhiều hơn. Nếu biết nghĩ đến lòng thương xót của Chúa khi ta sa vào những thói quen xấu, thì ta dễ có lòng thương xót đối với những người khác, khi họ sa vào những lỗi lầm tương tự. Cha nói: “Những người vui vẻ, hoạt náo hay những người có tinh thần tích cực mà tôi biết đều là những người có lòng khiêm nhường và đời sống tâm linh khác thường.”

 

Dùng internet quá nhiều cũng có thể đưa ta đến tâm trạng tiêu cực. Một bài viết trên mạng PsychCentral tiết lộ rằng “dùng mạng xã hội như Facebook có thể làm gia tăng căng thẳng buồn phiền, tạo ra lo lắng và có ảnh hưởng tiêu cực đối với cảm nhận về chính mình. Dùng mạng xã hội này còn có thể gây ra bệnh tâm thần, hoặc nếu đã có bệnh ấy rồi, thì nó sẽ trầm trọng hơn.”

 

Nên tinh ý nhận xét internet có ảnh hưởng thế nào đến tình cảm và tinh thần của bạn. Nếu cần phải ngăn chận hay từ bỏ những người chỉ biết biểu lộ  giận dữ và tiêu cực  thì đừng có ngần ngại.

 

Cha Rocky nói thêm: “Trên mạng ngày nay người ta có thể nghe được một thứ tiếng nói khác với tiếng nói người ta đã định cho nó thuở ban đầu. Trên Facebook của tôi, tôi đã dần dần tạo ra một tiếng nói riêng. Tôi cố gắng chỉ nói về những gì tích cực, tốt lành, chân thật, đẹp đẽ và hưng phấn, tôi tránh chính trị. Dù tôi có thích nói về chính trị chăng nữa, đó không phải nơi thích hợp, vì chính trị gây chia rẽ. Tôi cố gắng tìm kiếm điều gì đưa tới đoàn kết.”

 

Hãy tự biết chính mính

“Thái độ là điều nhỏ bé nhưng có thể làm thay đổi to lớn.”

-Winston Churchill

 

Merci Miglino, một cố vấn chuyên về hướng dẫn đời sống ở Albany, New York gọi những người tiêu cực là loài ma cà rồng, không hút máu nhưng hút nghị lực của người ta, bà nói : “Nếu ta cứ bị vấp ngã vì những người tiêu cực, thì nên tự hỏi, điều ấy cho thấy gì về chính mình? Thí dụ: phải chăng tôi thường hay giao du với những người chỉ biết than thở? Tôi có hùa theo họ và cũng than thở như họ chăng?”

 

Miglino đề nghị nhìn thẳng vào tình huống này để xem trong những lời than thở - hay người than thở - có điều gì làm thoả mãn những nhu cầu riêng của tôi chăng? Nó làm tôi thoả mãn vì cảm thấy mình cao hơn, hay củng cố những thái độ riêng của tôi, hay nó cho tôi dịp bàn tán chuyện riêng của người ta? Khi đã hiểu được những động lực thúc đẩy rồi, ta có thể vươn lên, đạt tới lối sống tích cực.

 

Bà đề nghị lánh xa những người có đầu óc tiêu cực. Nhưng nếu không tránh được thì còn có một cách khác là chấp nhận.

 

Bà giải thích: “Chấp nhận không phải là đầu hàng. Khi tôi biết chấp nhận điều gì về chính mình, về một hoàn cảnh hay một người nào thì cũng là điều hay: tôi sẽ được bình an và thanh thản. Muốn được như vậy cần phải tập luyện, nhưng khi đã biết chấp nhận ta có thể làm được nhiều việc khác.”

 

Bạn phải biết lựa chọn

“Cần phải có tư tưởng tích cực vì tư tưởng trở thành lời nói. Cần phải có lời nói tích cực vì lời nói trở thành hành động. Cần phải có hành động tích cực vi hành động trở thành thói quen. Cần phải có thói quen tích cực vì thói quen trở thành niềm tin. Cần phải có những niềm tin tích cực  vì niềm tin trở thành định mệnh của ta.”

-Mahatma Gandhi

 

Bà Gretchen Rubi, tác giả quyển sách tựa đề Happiness Project (Mưu Tìm Hạnh Phúc) đã viết về “cái cảm giác ngon lành, thoả mãn tôi thường cảm thấy ngày trước mỗi khi chỉ trích người này người kia, sách này sách nọ, âm nhạc, và đủ mọi thứ khác. Thái độ nghiêm khắc đó cho tôi cái cảm tưởng mình là người thành thạo, thông thái.” Cho nên bây giờ bà quyết thay đổi chính mình, bắt đầu “xét lại” tất cả những lãnh vực của đời sống theo tinh thần tích cực, một việc làm, theo lời bà, đòi hỏi lòng khiêm nhường, tiết độ và vô tư, nhưng nó cho ta niềm vui và sự nhẹ nhàng.

 

Bà viêt: “Một trong những nhân tố trong bản tính con người là ta thường nghiêng về phía tiêu cực nhiều hơn. Trong những hoàn cảnh tương tự, ta thường có phản ứng về một việc xấu mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn là đối với một việc tốt.” và bà lưu ý rằng có những cuộc nghiên cứu cho thấy để hàn gắn hậu quả của một thái độ khắc nghiệt và tai hại người ta cần phải làm ít nhất là năm việc tốt.

 

Bà nói tiếp, “Một trong những hậu quả của xu hướng nghiêng về phía tiêu cực là khi tâm trí của người ta trống rỗng, nó thường trôi dạt tới những ý nghĩ lo buồn và giận dữ.” Để đối phó với xu hướng này nơi chính mình, bà đã tạo ra điều mà bà gọi là một “nơi lánh nạn”. Đó là một nơi trong tâm trí để kéo bà ra khỏi xu hướng tiêu cực đang xâm lấn. Nơi ấy là một kỷ niệm vui, một người bạn tốt, một quyển sách ưa thích, một khu vườn ưa chuộng, v.v…Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể làm như vậy.

 

Nữ tu Anne Bryan Smolin CSJ, tác giả quyển sách “God Knows You’re Stressed” (Chúa Biết Bạn Lo Buồn) đã khuyên thế này: “Không phải lúc nào ta cũng thay đổi được hoàn cảnh, nhưng ta có thể lánh xa hành động tiêu cực.” Thí dụ: chỉ cần đứng dậy và đi làm một cái gì khác – hay nói, “Tôi không muốn nói về điều này nữa. Cứ thế này chúng ta chẳng giúp được gì cho nhau.” Cũng có khi ta cần phải lấy cái xà ra khỏi mắt ta trước đã.

 

Bà nói, “Những cuộc nghiên cứu cho thấy 80% những gì ta nói một mình, những gì ta nghe thấy trong đầu óc đều là tiêu cực. Chúng ta tự làm mất giá trị của mình đi.” Rồi bà nhận định rằng ngay cả một việc xem ra vô hại, như tự trách mình để mất xâu chìa khóa cũng có thể làm thay đổi thái độ của ta đối với chính mình hay người khác một cách tệ hại.

 

Alex Blackwell, người viết blog Everyday Inspiration (Cảm Hứng Hàng Ngày) trên mạng Niềm Tin nói rằng điều quan trọng chúng ta cần hiểu, khi phải đương đầu hay bị bao vây bởi những người tiêu cực, là thái độ tiêu cực của một người khác là một thứ “kính lọc” mà họ dùng để nhìn xem thế giới. Nhưng ta có thể chọn một cái kính lọc khác, kính lọc để thấy điều hay lẽ phải.” Ông nói thêm, “Tôi thấy thật khó khăn, nếu muốn nói lên tiếng nói ngược lại theo tinh thần tích cực. Nếu tôi luôn hướng về niềm tin của mình và tiếp tục dùng cái kính lọc của tinh thần tích cực, tôi có thể dùng nó như một thứ áo giáp chống lại bệnh tiêu cực mãn tính của người khác.”

 

Ngoài ra, ta cần trông cậy vào sức mạnh của lời cầu nguyện. Ta thường cầu nguyện cho những người đau yếu, mà đầu óc tiêu cực có thể trở thành một thứ bệnh về tình cảm. Nếu bạn gặp một người nào hay nhận thấy chính mình có một thái độ xấu, hãy cầu xin Chúa đem niềm vui và sự bình an của Ngài vào trong tình cảnh bi đát ấy. Khi bản thân ta có những phẩm cách tích cực ta có thể khuyến khích người khác tìm ra bản tính tốt lành của họ. Hãy tiến lên để trở thành người phản chiếu ánh sáng của Chúa nơi trần gian.

 

“KiTô Hữu không thể là người bi quan. Nếu ta thực sự yêu mến Chúa KiTô và nếu ta cảm thấy Ngài yêu thương chúng ta dường nào, lòng ta sẽ bừng lên một niềm vui tỏa rộng tới mọi người chung quanh.”

-Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Vũ Vượng dịch