7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

HÃY NÊN MỘT VỆT SÁNG TRONG ĐỜI NGƯỜI KHÁC

Photo: Courtesy Archbishop Sartain



BE A CRACK OF LIGHT IN THE LIVES OF OTHERS



Nguyên bản tiếng Anh của Đức Tổng Giám Mục J. Peter Sartain 

đăng trong bán nguyệt san  Norwest Catholic tháng 9, 2017 


 

Căn nhà tôi đang ở được xây lên năm 1902 trên ngọn đồi có tên là First Hill (Đồi Thứ Nhất) của Thành Phố Seattle. Tôi còn một bức hình chụp căn nhà này vào thời kỳ đầu, cho thấy nơi ở của tôi vốn là một trong những căn nhà làm nên một khu phố chủ yếu là  nhà ở của dân cư.


 

Tuy vậy vào năm 2017, First Hill không còn giống như hồi trước bao nhiêu, ba mặt quanh tôi là những chung cư cao tầng, mặt thứ tư là phòng cấp cứu của một bệnh viện. Trước kia đã từng sống trong những khu vực đô thị chật hẹp nên tôi gần như không cảm thấy khó chịu vì tiếng xe cộ rầm rộ hay tiếng còi inh ỏi của xe cứu thương, nhưng cái làm tôi khó chịu thật sự là những căn nhà cao tầng cản ánh nắng tràn vào những cửa sổ nhà tôi.


 

Tuy vậy thỉnh thoảng, vào những ngày nắng, ở vào một vài thời kỳ trong năm, một vài giờ  trong ngày, một tia sáng mặt trời cũng tràn vào được cửa sổ nhà tôi. Những lúc như thế tôi rất hào hứng được thấy ánh mặt trời chói lọi dọi trên một món đồ vật nào giống như một tia laser có định hướng. Vào lúc tôi đang viết bài này, vì bình minh lên sớm trên đồi First Hill, một tia nắng len lỏi qua cửa kính có hoa văn trên tường phía đông của nhà nguyện làm cho bức tượng Thánh Giuse sáng loé lên. Mỗi lần như vậy tôi thấy như Thánh Giuse nhắc nhở tôi ngài đang canh chừng cho tôi, một người cha đang lo lắng cho một người khác.


 

Vào một thời gian khác trong năm, ánh sáng chiếu qua cửa sổ phía bắc vào tủ chén trong nhà. Một cây thánh giá gỗ đơn giản sáng loé lên, đó là một món quà của phong trào tĩnh tâm Cursillo cho khi tôi mới đến Seattle. Khi mùa đông tới, ánh nắng chiều chiếu qua cửa sổ phía tây, dọi vào lò sưởi trên đường đi vào.


 

Nếu may mà có iphone vào những lúc ấy tôi liền chụp một tấm hình để ghi lại ánh nắng đã chọn đồ vật nào ngày hôm ấy, thời kỳ ấy trong năm, giây phút ấy. Những hình tôi chụp đâu phải là chuyên nghiệp, nhưng cũng đủ cho thấy mặt trời len lỏi thế nào để đi qua những cửa sổ hoa văn, những khe hở rèm che hay những tấm màn gió hé mở để vào tới đích.


 

Một buổi chiều hai năm về trước, vào mùa Giáng Sinh, mặt trời chói lọi mùa đông chiếu qua lò sưởi, vào một đồ chơi, một người tuyết nhồi bông, biết hát bài Jingle Bell với một chú chó rú lên bên cạnh. May thay có sẵn iphone, tôi chụp ngay một tấm. Lý do khiến tôi ghi lại giờ phút ấy là vì nó làm sống lại những kỷ niệm về một cô thư ký rất giỏi của trường học, người đã cho tôi món quà ấy 20 năm trước.


 

Cũng như tất cả những cô thư ký trường học khác, Betty là mẹ của mỗi đứa bé trong trường, là cố vấn của mỗi bà mẹ trong trường và là người tâm sự của mỗi thầy, cô giáo tại trường. Sau khi khám phá ra óc hài hước đặc biệt của Betty, tôi cứ bông đùa với cô hoài. Một năm kia lỡ quên mất ngày sinh nhật của cô, tôi chạy vội ra tiệm buôn (cũng bán thuốc tây) vào buổi tối và tìm được một con bò nhồi bông biết hát một bài gì đó. Tôi chạy vội vào phòng làm việc của cô, dựng đứng con bò trên bàn viết và không tiếc lời xin lỗi đã quên mất sinh nhật của cô. Nhưng chính nhờ tính hay quên của tôi mà một tục lệ tặng quà được mở đầu hàng năm vào ngày sinh nhật của cô và của tôi. Món quà lễ Giáng Sinh cuối cùng mà Betty cho tôi là cặp người tuyết và chú chó nói trên.


 

Betty chết bịnh ung thư hai năm sau khi tôi đã dời đi nơi khác, nhưng tôi có thể trở về dự tang lễ của cô. Cả nhà thờ chật ních người đến tôn vinh đức tin, lòng tốt, những tài năng đặc biệt, và óc hài hước của cô. Món đồ chơi người tuyết và chú chó đã đi theo tôi tới ba giáo phận và ánh nắng buổi chiều hôm ấy đã tìm được nó dưới chân lò sưởi của tôi, nhắc nhở tôi nhớ lại Betty. Cô thật là một điều diễm phúc cho chúng tôi – cô chính là một tia sáng đích thực. Tôi lồng tấm hình chụp đơn giản ấy vào khung và gửi về cho bà mẹ của cô để làm quà lễ Giáng Sinh.


 

Dù sống ở đâu, thuận tiện hay không thuận tiện, ngày nắng ngày mưa, quanh ta đều có Ánh Sáng Thế Gian chiếu giãi qua những con người đầy tình thương yêu thuộc mọi tầng lớp xã hội. Họ là ánh sáng Chúa Kitô hoạt động giữa chúng ta và họ là nguồn cảm hứng để giúp ta cũng làm như vậy. Điều ấy được thi sĩ Rita Simmonds diễn tả qua những lời thơ mỹ miều sau đây dưới tựa đề Đón Nhận:

 

Hang Bethléem đã đến

Trong vườn cỏ nhà ta

Đền thánh ngay tại nhà,

Ánh Noel bừng sáng

Một góc đời trần ai

Chúa tìm nơi ẩn lánh

Chốn phàm trần điên đảo

Xin hơi ấm xua đuổi

Bóng dày đặc hang tối.

 

Bao cảnh đẹp chưa thấy:

Chiên lành tiếp lang sói

Bò, gấu rủ rỉ ầm ừ  

Sư tử gậm cỏ khô

Cọp con, bê béo xum vầy

Đàn trẻ nô đùa tung tăng.

 

Biết đón nhận một vệt sáng

Là thấy ngày mới nở hoa!

 

Mỗi người chúng ta không cần phải đợi đến lễ Giáng Sinh mới có thể trở thành một vệt sáng trong đời người khác. Một cử chỉ nhã nhặn, một lời khuyến khích, một cố gắng làm hòa, hay một thư phân ưu vắn tắt cũng có thể làm cho tinh thần người khác bừng sáng, Hơn nữa, nếu biết đón nhận một vệt sáng ta sẽ thấy tình yêu Chúa Kitô chiếu giãi qua những người khác (dù chỉ đơn giản như món đồ chơi người tuyết biết hát và chú chó sủa!). Biết đón nhận một vệt sáng, là thấy được những “ngày đen tối” của ta thật ra không phải là đen tối chút nào.

 

 

Vũ Vượng dịch