7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Lúc Nào Cũng Có Thể Bắt Đầu Lại


A New Beginning at Every Moment

 


Nguyên bản tiếng Anh của Đức Tổng Giám Mục J. Peter Sartain 

đăng trong Northwest Catholic số 3 quyển 5 tháng 4, 2017

 

Trước kia tôi có một giáo dân tên Jim Mc Nulty. Anh là một người bị mù và điếc từ thuở nhỏ. Nhưng anh là một người phi thường, xuất sắc, đọc sách rất nhiều, đã từng là xướng ngôn viên đài phát thanh trường đại học và chơi đàn piano thành thạo. Anh cũng là một người có đức tin sâu sắc, sống và chia sẻ đức tin cho người khác không chút ngại ngùng. Tại giáo xứ đó anh vừa là thừa tác viên lời Chúa vừa là thừa tác viên Thánh Thể. Khi anh đọc sách thánh từ quyển bài đọc của ngưới mù (mẫu tự Braille) và trao máu thánh cho giáo dân tôi ngạc nhiên thấy lời Chúa là những lời nói thật sự đối với anh - thật sự đến nỗi anh có thể sờ vào bằng những ngón tay và máu thánh Chúa là máu châu báu dường nào – anh trao chén thánh cho giáo dân bằng cử chỉ nhuần nhuyễn của một nghệ sĩ.

 

Một ngày kia khi đi qua hành lang nhà thờ, tôi thấy Jim đang đứng trước một pho tượng mới mô tả thánh quan thầy của chúng tôi. Anh đang sờ vào mọi góc cạnh, tìm hiểu một cách chăm chú. Tôi vỗ nhẹ lên vai anh, ra dấu chỉ tôi đang đứng bên cạnh. Anh liền nói: “Tượng này đẹp lắm chứ?” Rồi anh mô tả tỉ mỉ từng chi tiết về những gì được mô tả trong pho tượng, kể cả một vài chi tiết tôi chưa bao giờ nhận ra và tôi không bao giờ quên được kể từ đó.

 

Một việc khác xảy ra mà tôi vẫn còn nhớ tỏ tường. Sau Thánh Lễ hàng ngày, Jim thường tham gia lần chuỗi Mân Côi ở những hàng ghế trên với một số giáo dân khác, và khi đến lượt mình thì anh xướng lên mấy lời suy niệm vắn tắt. Một buổi sáng kia anh xướng lên: “Năm Sự Mừng thứ nhất Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Ngay trên cõi đời này ta có thể cảm nghiệm được sống lại từ cõi chết có nghĩa là gì.” Jim biết anh đang nói gì. Hơn nữa anh đã sống lời anh đang nói.

 

Điều đáng nói không phải chỉ là Jim có một thái độ đáng chú ý về những thánh giá mà anh đã vác hầu như cả đời anh – đúng vậy. Anh ra sức làm quen với những đau khổ và những sự phiền hà do những thánh giá của anh gây ra và anh nói về những điều ấy một cách thành thật và cảm động. Nhưng ngoài việc tập luyện thành thạo bàn tay mà đời còn dành cho anh, anh biết anh là người cần đến lòng thương xót Chúa, một người cần ơn cứu độ. Anh hết lòng muốn trở thành môn đệ Chúa Giêsu. Anh muốn được tái sinh trong Chúa Giêsu, để anh sẽ trở nên người mới, một người được chữa lành, được tha thứ, một người được kết hợp với Chúa Giêsu trên đời này và trong cõi đời đời.

 

Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi cộng đồng Kitô hữu La Mã: “Anh em không biết hay sao, chúng ta là những người đã chịu phép rửa trong Chúa Giêsu, thì đã chịu phép rửa trong sự chết của Ngài? Quả thật chúng ta đã được mai táng với Ngài nhờ phép rửa trong sự chết của Ngài, để rồi cũng như Chúa Kytô đã chỗi dậy từ trong kẻ chết nhờ sự vinh hiển của Chúa Cha thế nào, chúng ta cũng được sống trong đời sống mới như vậy.” (Romans 6:3-4)

 

Đây không phải là những lời nói tình cờ , bởi vì chính Phaolô đã được kéo giật ra khỏi một thế giới tội lỗi bởi một hành động đơn thuần và bất ngờ của Chúa. Ông nhận ra rằng ông đã bắt bớ những môn đệ của một người, mà đâu có ngờ người ấy lại chính là Đấng mà ông, một người Do Thái ngoan đạo, đang trông chờ. - nhận ra rằng Chúa Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa đã xuống thế gian mặc lấy xác phàm, đã chịu đau khổ, chết trên thập giá và đã sống lại từ trong kẻ chết. Ông biết những điều này từ trong thâm tâm và ông biết đời ông không bao giờ có thể trở lại như trước nữa.

 

Chưa tới 300 năm sau Thánh Phaolô, Thánh Basil, một đại thánh của giáo hội, đã viết ra những lời thật tốt đẹp sau đây:

 

“Chúng ta bắt chước sự chết của Chúa Kitô bằng cách được mai táng với Ngài trong Phép Rửa. Nếu có ai hỏi cách mai táng này có nghĩa gì và ta có thể hy vọng lãnh được những ơn ích gì từ đó mà ra, thì  trước hết câu trả lời là: chấm dứt lối sống cũ, và chính Chúa chúng ta đã nói rằng không ai làm được việc này trừ khi họ được tái sinh. Nói cách khác ta phải bắt đầu một đời sống mới và ta không thể làm thế nếu đời sống cũ của ta chưa được chấm dứt. Khi những lực sĩ chạy đua tới một khúc quanh trên trường đua, họ phải dừng lại rất nhanh trước khi chạy ngược lại. Cũng như thế khi ta muốn đổi ngược hướng đi của cuộc đời thì cần phải dừng lại một chút, chết có nghĩa là thế, để đánh dấu sự kết thúc của một cuộc sống và  khởi điểm của một cuộc sống mới.”

 

Jim McNulty biết Chúa Kitô là đời sống, là ánh sáng và lời cứu độ của anh. Nhờ xúc giác bén nhậy, anh chơi nhạc tuyệt vời, và “thấy” được những gì tất cả chúng ta không thể thấy. Bằng giọng nói sắc sảo và thâm trầm anh đã nói lên những điều mà tất cả chúng ta chưa biết được. Trong đời, anh đã trải qua nhiều lần “dừng lại” và mỗi ngày anh tuỳ thuộc vào tình yêu của Chúa và vào Chúa Kitô phục sinh từ trong kẻ chết.

 

Trong Tuần Thánh này ta có thể tự hỏi: Tôi có thể khởi đầu lại chăng, vì từ trước đến nay tôi đã đáp trả tình yêu của Chúa Kitô một cách hẹp hòi? Abba Sylvanus, một thầy dòng trong giáo hội sơ khai đã cho ta câu trả lời thích đáng. Khi có người hỏi: “Thưa thầy, người ta có thể xây một nền móng mới mỗi ngày chăng?” Thầy trả lời, “Nếu quyết chí, giờ phút nào người ta cũng có thể đặt lại một nền móng mới.”

 

Thầy dòng Sylvanus biết rằng mỗi người chúng ta, nhờ ân sủng và lòng thương xót của Chúa lúc nào cũng có thể bắt đầu lại và Chúa sẽ vui lòng đón nhận chúng ta.

 

Hân hoan mừng Chúa Sống Lại!

 

Vũ Vượng dịch