7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
(253) 475-6335

PHỤ TRƯƠNG CN 2-2-2014

Suy Niệm Thánh Lễ Mồng Một Tết Năm Giáp Ngọ

“Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”

Chúng ta vừa bước sang Năm Mới, năm Giáp Ngọ. Quý Tỵ qua đi, Giáp Ngọ đã đến. Rắn Quý Tỵ đã bàn giao cho Ngựa Giáp Ngọ.

Ngựa là loài động vật được con người quan tâm đến nhiều nhất vì những đóng góp to lớn trong việc mưu sinh và sự phát triển của con người. Trong thời bình ngựa giúp chúng ta cày bừa, chuyên chở hàng hóa, kéo xe, chở người, chuyển nhanh những thư tín, công văn đến nơi cần đến, vì ngựa là phương tiện di chuyển nhanh nhất thời bấy giờ và tạo những niềm vui cho công chúng như đua ngựa, đi săn, cưỡi ngựa thi bắn tên, làm xiếc thú. Ngựa còn cho ta thịt để ăn và cúng tế, xương nấu cao ngựa làm thuốc, giúp các nhà y học chế ra các loại huyết thanh trị bệnh, huyết thanh chống nọc rắn đã cứu sống vô vàn người bệnh. Ngựa là vật thường được dùng nhiều nhất trong các cuộc chiến tranh, càng được nổi tiếng nhiều hơn vì những công lao của ngựa gắn liền với những chiến công hiển hách của con người. Ngựa được sử dụng trong các đội kỵ binh, khinh binh, thám mã, truyền tin, tải lương, tải đạn, tải thương, kéo pháo. Ngựa thì có ngựa thồ, ngựa kéo xe và ngựa dùng để cưỡi, loại ngựa cưỡi có con đi mỗi ngày vài trăm km nên được gọi là thiên lý mã. Ngựa có ngựa bạch, ngựa ô, ngựa hồng, ngựa tía, ngựa vằn, ngựa xám, ngựa đỏ (Xích Thố mã)...

Việt Nam ta trong ca dao, tục ngữ và thành ngữ, người ta nói nhiều đến Ngựa, dùng Ngựa để ví von. Chẳng hạn như khi bàn về sự thẳng thắn thì nói : “Thẳng như ruột Ngựa”; về sự bất lương: “Đầu Trâu, mặt Ngựa”; về tình đoàn kết: “Một con Ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”; về sự phú quý: “Lên Voi, xuống Ngựa”; về sự không trung thành: “Thay Ngựa, đổi chủ”; về sự tham lam: “Được đầu Voi, đòi đầu Ngựa”; khi nói về sự bền chí Ngạn ngữ Pháp có câu : “Muốn đi xa phải giữ sức Ngựa” ; về sự lãnh đạo: “Cầm cương, nảy mực”; về sự cẩn trọng: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn Ngựa đuổi không kịp)…

Cho dù Năm Ngựa hay trâu thì cả tháng nay, mọi người đã sửa soạn ăn Tết, ngày Tết, ai cũng có cái cảm tưởng là có cái gì mới vì ai cũng dùng chữ năm mới. Năm mới mọi cái đều phải mới.

Từ mấy hôm nay, chúng ta đã đi chúc tết nhau, thường người dướt tết người trên : con cháu tết ông bà cha mẹ, em tết anh chị, công nhân viên tết thủ trưởng. Kèm theo món quà, tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo, lại có những lời chúc thật tốt đẹp cho Năm Mới.

Ngày Tết, người ta chúc mừng nhau:

  • Phúc, lộc, thọ.
  • Phú, qúi, thọ, khang, ninh.
  • Đa tử, đa tôn, đa phú qúi.
  • Thăng quan tiến chức
  • Buôn may bán đắt, nhất bán vạn lợi, một vốn bốn lời.

Đối với các cha chúng ta thường chúc:

  • Thánh thiện,
  • Khôn ngoan,
  • Khỏe mạnh.

Thi sĩ Trần tế Xương lại chúc :

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:
Chúc ai sống ra cái con người.

Người Việt Nam còn có tục xông nhà, xông đất các gia chủ mong có người hiền, nhanh nhẹn, tử tế đến xông nhà đầu tiên để gia đình có người tốt đặt chân trước nhất sẽ gặp những điều mới, điều tốt lành trong năm mới. Tựu chung lại là mong có được mọi sự may mắn tốt lành.

Những câu chúc mà chúng ta trao cho nhau trong những ngày đầu xuân. Tất cả đều muốn hướng về một tiền đồ thật sáng lạn trong tương lai, đi kèm với một đời sống vật chất thật phong phú. Xem ra, tất cả đều hướng về những của cải chóng qua đời này và những thành quả chỉ dừng lại ở trần thế. Chúa mới chính là gia nghiệp, là cùng đích mà con người cần phải kiếm tìm và đó cũng chính là sự tồn tại của con người.

“Các con chớ áy náy về ngày mai”. Chúa luôn muốn mọi người nghĩ đến cùng đích của cuộc sống mình. Tương lai mỗi người đều nằm trong tay quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa.Với tình thương và lòng nhân hậu của Ngài, chúng ta luôn tin tưởng và phó thác, bởi Ngài là người Cha luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái. Lo lắng, bận rộn, tất bật làm việc để tích luỹ và để bảo đảm cho tương lai..tất cả đều tốt và cần thiết, nhưng cũng nên nhớ một điều “nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”.Hãy làm tốt bao nhiêu có thể, những bổn phận và trách nhiệm của mình, phần còn lại hãy phó thác trong tay quan phòng của Thiên Chúa.Ngài sẽ hoàn tất những gì còn lại.

Người Kitô hữu cũng có tập tục, truyền thống rất quí là dâng ngày đầu năm cho Thiên Chúa. Dâng những giây phút đầu của một năm, người Kitô hữu mong Chúa đổi mới và chúc lành cho năm mới. Ngay ca nhập lễ thánh lễ minh niên đã viết:" Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài"( Tv 66, 2-3 ).

Từ cái giây phút linh thiêng khi trời đất giao hòa, năm cũ bàn giao cho năm mới. Chúng ta họp nhau đâu để cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn ơn phúc cho năm mới qua những lời chúng ta đã muốn cầu chúc cho nhau sức khỏe, điều lành, điều tốt. Và chính ngay lúc khởi đầu của những ngày mới, chúng ta quả đã muốn mọi sự cũ phải được qua đi, cái mới, cái đẹp phải loé rạng, tỏa sáng. Vậy thì trong thánh lễ tân niên nay, chúng ta hãy đặt tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa. Bởi tất cả mọi sự đều do Chúa, đều bởi Ngài như lời thánh vịnh viết: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”.

Ngựa được đưa vào 12 con giáp : Tý (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Cọp), Mẹo (Mèo), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó), Hợi (Heo). Nếu ghép vào can – chi thì sẽ có các năm Giáp Ngọ, Bính Ngọ, Mậu Ngọ, Canh Ngọ và Nhâm Ngọ. Ngọ thuộc cực dương vì 12 giờ trưa là giờ Ngọ, tháng 6 là tháng Ngọ cây cối phát triển nhanh.

Người tuổi Ngọ rất tự tin, khá thông minh, tính phóng khoáng, sôi nối, nhiệt tình, tự do ứng biến tốt, thích những công việc có tính thay đổi, tự do; ít chịu gò bó... Vì thông minh nên thành công cũng nhiều nhưng vì thích tự do nên công việc thường bấp bênh và thất bại cũng lắm.

Tết con Ngựa đã đến. Hy vọng Năm Mới Giáp Ngọ sẽ có nhiều đổi mới để con người, tổ quốc và Giáo Hội Việt Nam được phát triển nhanh hơn.

Cầu chúc mọi người Năm Mới nhiều sức khỏe, khang an thịnh vượng, phát đạt, thăng tiến về tinh thần cũng như vật chất nhờ hồng ân Thiên Chúa tặng ban. Amen.

Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ www.dongcong.net




Suy Niệm Lễ Thánh Gia Thất

Lễ Thánh Gia Thất là dịp mọi nhà nhìn lại gia đình mình, rồi chỉnh sửa những gì sai sót đồng thời nhìn lên Thánh Gia để noi gương, tùy vai trò của mình trong gia đình là vợ chồng, cha mẹ hoặc con cái.

Trước hết dựa theo phần phụng vụ lời Chúa thì bài đọc 1 theo sách Huấn ca, đặt biệt dạy con cái phải hiếu thảo, tôn kính, và quan tâm chăm sóc cha mẹ già. Bài đọc 2 của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côlôxê thì chỉ ra những đức tính cần có trong gia đình, những đức tính này có được là dựa trên lý do vì Chúa yêu thương chúng ta nên mọi thành viên trong gia đình phải yêu thương, chịu đựng, quan tâm và tha thứ cho nhau. Đến bài phúc âm cho chúng ta thấy cảnh Thánh Gia tuy nghèo và gặp hoạn nạn nhưng vẫn bình an hạnh phúc vì cả nhà biết sống theo ý Chúa qua gia trưởng là Thánh cả Giuse. Lời Chúa dạy về đời sống gia đình và mẫu gương Thánh gia là như thế, nhưng đa phần gia đình chúng ta không vâng theo, cộng thêm là những yếu tố khách quan ngoài xã hội tác động vào, khiến cho việc giáo dục con cái và duy trì hạnh phúc gia đình vốn đã khó lại càng khó hơn. Những yếu tố đó là hiện tượng:

-Con cái phải rời cha mẹ sớm để đi học ,đi nhà trẻ ,vì cha mẹ đều phải đi làm.
-Công nghệ thông tin phát triển dẫn đến tình trạng con cái tiếp nhận những luồng tư tưởng, thông tin, hình ảnh,ngoài sự hướng dẫn của cha mẹ
-Làm việc theo ca của cha mẹ và việc học thêm của con cái khiến cho gia đình không còn bữa cơm chung với nhau
-Kinh tối gia đình hầu như mất hẳn.

Nhân Lễ Thánh Gia Thất hôm nay, gia đình chúng ta muốn được sống trong ơn nghĩa Chúa, được hạnh phúc thì trước tiên nên cầu nguyện, xin Chúa cho mọi thành phần trong gia đình biết hết lòng yêu mến Chúa,cùng thờ phượng Chúa như Thánh gia thất,và nhờ ơn Chúa gia đình cùng cố gắng sửa đổi những gì có thể được, chẳng hạn như bữa cơm chung và kinh tối gia đình. Có như vậy chắc chắn gia đình sẽ hạnh phúc hơn vì ơn Chúa luôn ở bên cạnh và đủ cho gia đình chúng ta cậy nhờ.

Lm. Phêrô Nguyễn Cấp www.gpquinhon.net