7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
(253) 475-6335

PHỤ TRƯƠNG CN 6-10-2013

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ

MỘT VÀI KINH NGHIỆM LOAN TIN MỪNG QUA CON ĐƯỜNG ĐẠO HIẾU

Tháng Mười lại về, hết vụ Hè Thu tới vụ Đông Xuân. Với lúa ngắn hạn, trên nhiều cánh đồng các vụ gieo và gặt như gối đầu liên tục, không còn phân biệt theo mùa truyền thống... Ta lại nhắc nhau trách nhiệm loan Tin mừng Cứu rỗi cho anh chị em.

Tin mừng đã đến trên quê hương này 480 năm. Một số nhà truyền giáo thuở đầu đã nhìn truyền thống Đạo Hiếu của phương Đông như một cánh cửa rộng mở để đưa mọi người và mọi gia tộc về với Thiên Chúa Cha, Đấng là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất (x. Ep 3,15).

Thế nhưng rồi cánh cửa đã khép lại. Sau nhiều tranh luận của các nhà truyền giáo, Tòa Thánh đã quyết định rằng người tín hữu Công giáo phương Đông chỉ được bày tỏ tâm tình thiêng liêng đối với Ông Bà Tổ Tiên theo phụng vụ Rôma, và phải ngưng những biểu lộ bên ngoài theo truyền thống văn hóa địa phương. Suốt hơn 200 năm, người Công giáo đành mang tiếng "theo Đạo là bỏ Ông bỏ Bà" để giữ một đức tin tinh tuyền, chưa kể sự ngộ nhận ấy còn góp phần khiến cơn bách hại thêm khốc liệt.

Năm 1964, Toà Thánh áp dụng cho người Công Giáo Việt Nam huấn thị Plane Compertum est đã đề ra cho Giáo hội tại Trung Hoa năm 1938, chấp thuận cho người tín hữu Á Đông được thờ cúng ông bà theo lối xưa. Ngày 14-6-1965, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ra thông cáo chính thức về việc áp dụng huấn thị của Toà Thánh.

Cho tới nay sự giải tỏa đã được gần 50 năm, người Công giáo Việt Nam đã mò mẫm từng bước để hội nhập lại vào một truyền thống bị gián đoạn đã quá lâu đời. Nhiều luận văn của sinh viên Công giáo và nhiều sách báo đề cập vấn đề này cũng như nhiều sáng kiến thực hành đã giúp hóa giải được phần nào ngộ nhận nói trên.

Nhân dịp sắp đến kỷ niệm 50 năm việc áp dụng huấn thị Plane compertum est, tôi cũng muốn được đóng góp cho anh chị em đồng đạo một kinh nghiệm kiếm tìm và một số minh họa, mong phần nào gợi hứng để các bạn trẻ Công giáo dấn thân cho mối liên kết dòng họ bên nội và bên ngoại của chính mình. Sau nữa, tôi cũng mong được chia sẻ với đồng bào ngoài Công giáo những nỗi khó khăn và những xác tín sâu xa của người Công giáo trên đường về với nguồn cội. Chắc hẳn những chia sẻ chân thành cũng ôm theo nhiều vụng về, đôi khi thái quá hoặc bất cập, mong được mọi người rộng lượng cảm thông và góp ý.

Tháng Mười mở đầu với lễ Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, vị thánh gắn liền với giấc mơ Loan báo Tin mừng cho người Việt, và cũng là vị thánh được nâng niu giữa tình gia đình và tình gia tộc. Xin ký thác cho Chị loạt bài này như một phương án mới, một con đường giản dị để đến với anh chị em lương dân và đưa họ đến với Chúa, không còn phải là con đường lẻ loi của từng người hay từng gia đình nhưng là một con đường hành động tập thể: con đường dòng họ, họ Nguyễn cho họ Nguyễn, họ Lê cho họ Lê, họ Trần cho họ Trần, họ nào truyền giáo cho họ nấy.

VẤN ĐỀ THỜ CÚNG ÔNG BÀ TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI VIỆT NAM

Tự bản thân, Đạo Hiếu rất gần với Đạo Chúa. Đang khi một số tôn giáo Á Đông tin luân hồi, cho rằng con người chết rồi đầu thai hóa kiếp thành loài này loài khác thì Đạo Hiếu dạy rằng linh hồn Ông Bà Tổ Tiên bất tử, linh hiển và gần gũi con cháu. Đạo Hiếu và Đạo Chúa có chung một niềm tin linh hồn bất tử, tiếc thay, đã gặp một sự hiểu lầm suốt mấy thế kỷ.

Hoàn cảnh thế kỷ XVII đã khiến một số nhà truyền giáo ngộ nhận, cho rằng việc thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là một tôn giáo, trong đó tổ tiên được coi như những vị thần. Ngộ nhận này một phần là do chưa nghiên cứu cặn kẽ:

- Nhiều vị tưởng rằng khi cúng lễ gia tiên, gia chủ phải đọc những lời thần bí rất tỉ mỉ. Thật ra, gia chủ không tụng kinh (đọc lớn một công thức) cũng không niệm kinh (đọc thầm) mà chỉ nói với tổ tiên của mình như một đứa con nói với người cha hiện đang còn sống, trong ngôn ngữ thông thường.

- Nhiều vị tưởng chữ "lễ" trong lễ gia tiên có cái ý nghĩa nguyên thủy của nó là "các quy tắc của các lễ nghi tôn giáo". Thật ra, chính Đức Khổng Tử đã giải thích chữ "lễ" theo một nghĩa khác. Theo ngài, các "lễ" hoặc các nghi thức chỉ là phương tiện cho người quân tử dùng để xử kỷ tiếp vật trong mỗi tình huống cuộc sống. Chúng nêu rõ cách ứng xử người ta phải có trong nhà, ngoài phố, ở triều đình, ở các lễ hội; chúng bộc lộ ra bên ngoài những tình cảm bên trong mà người ta cảm thấy trong tình huống này hoặc tình huống nọ. Vậy, các nghi thức chỉ là những quy phạm của phép xã giao, các quy tắc phép lịch sự mà mục đích gần nhất là giáo hóa con người. Đó là những quy luật của "lễ phép xã hội", như chính Khổng Tử nói, khiến ngày qua ngày người ta đến gần điều thiện và tránh xa điều ác mà không ngờ. Nghi thức khi cúng gia tiên cũng mang ý nghĩa ấy, chỉ là những lễ phép bày tỏ lòng kính trọng quý mến đối với tổ tiên mình.

- Lý do mạnh nhất đẩy Giáo Hội đến chỗ chấp nhận theo một thái độ ngờ vực đối với sự thờ cúng tổ tiên, chính là vì một số người tin rằng vong hồn của những người chết ở trong các bài vị, và người ta ghi rõ "đây là nơi ở của hồn (ông A, bà B)", cách riêng là ở trong tấm lụa đặt trước bài vị, được gọi là "hồn bạch", thường là tấm lụa đã phủ trên khuôn mặt người hấp hối và được cho là hồn đã nhập vào đó. Tuy nhiên đó chỉ là tin tưởng sai lạc của một số người. Theo những tin tưởng chính thống của người Hoa cũng như người Việt, sau khi chết, con người được coi như đã vĩnh viễn rời bỏ cõi đời này để an nghỉ ở cõi "suối vàng". Tại các từ đường, người ta chỉ giữ lại bài vị của năm đời, còn các bài vị của những thế hệ xưa được đem chôn. Nếu thật người ta tin bài vị là nơi hồn nương tựa thì sẽ không chôn như thế, vì không còn bài vị, những hồn ấy sẽ ở đâu? Vả lại, ngày nay, các gia đình dễ dàng thay thế các bài vị bằng những bức chân dung, cho thấy họ không nghĩ rằng linh hồn các bậc tổ tiên ở trong các bài vị. Nếu hồn không ở trong các bài vị thì vai trò của các bài vị ấy là gì? Dưới con mắt của người Hoa cũng như là người Việt, ít ra là của các nhà nho, các bài vị chỉ có mục đích duy nhất là để nhắc nhở người sống tưởng nhớ những người đã khuất.

Lm TRĂNG THẬP TỰ VÕ TÁ KHÁNH

* Xin đón đọc phần tiếp theo vào các Chúa Nhật tới

Kinh Cầu Hòa Bình Cho Syria

Đứng trước hiểm họa chiến tranh lan tràn tại Syria, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi các tín hữu Công giáo và các tôn giáo khác cùng cầu nguyện ăn chay cầu xin hòa bình cho đất nước Syria

Bản kinh sau đây được đăng tải trên trang mạng của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ có mục đích giúp mọi người đồng tâm hiệp ý cầu xin Thiên Chúa “ban cho Syria một tương lai hòa bình, dựa trên công lý cho mọi người”.

Lạy Thiên Chúa từ bi thương xót, xin nghe tiếng kêu của dân tộc Syria, xin thêm sức cho những ai đang đau khổ vì bạo lực, an ủi những ai đang khóc than người thân đã mất, xin ban sức mạnh cho các nước xung quanh để họ chăm sóc và giúp đỡ những người tị nạn, xin hoán cải con tim của những người đang cầm súng và bảo vệ những ai đang xây dựng hòa bình.

Lạy Thiên Chúa hy vọng, xin hướng lòng các nhà lãnh đạo để họ chọn hòa bình thay vì bạo lực và tìm kiếm sự hòa giải với kẻ thù.

Xin Chúa thức tỉnh nơi Giáo hội toàn cầu sự đồng cảm với dân tộc Syria và ban cho chúng con hy vọng về một tương lai hòa bình, dựa trên công lý cho mọi người.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, là vị Hoàng tử Bình An và Ánh sáng Thế gian.
Amen.